Thương tiếc nhạc sĩ Nguyễn Nhuận

Đăng lúc: Thứ hai - 25/08/2014 10:37
Nhạc sĩ Nguyễn Nhuận, người mà chúng tôi thường gọi là anh bảy Nhuận cuối cùng rồi cũng trở về đất mẹ, sau thời gian dài chống chọi với bệnh tật.
Nhạc sĩ Nguyễn Nhuận (phải) và nhà thơ Viễn Phương trước lăng Bác

Nhạc sĩ Nguyễn Nhuận (phải) và nhà thơ Viễn Phương trước lăng Bác

Anh lớn lên trong gia đình rất đam mê âm nhạc ở xã Bàn Long, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Khi mới 7 tuổi, chưa biết nốt nhạc nhưng anh Bảy đã đàn được 6 câu vọng cổ bằng đàn tranh. Sau đó anh chơi đàn mandoline rồi guitar.

Niềm đam mê âm nhạc sẵn có, anh tìm tòi học hỏi ở các bậc cha chú để tiếng đàn thêm sâu lắng, ngọt ngào. Năm 22 tuổi, khi chỉ còn học xong bài Đảo Ngũ Cung là anh có đủ 3 Nam, 6 Bắc, với cây đàn tranh anh thoát ly gia đình đi theo cách mạng. Còn tân nhạc, anh Bảy đã có vốn liếng nhạc lý, ký xướng âm học theo sách vở. Sau thời gian ở tòa soạn báo Vùng Lên, anh Bảy chuyển sang phục vụ ở đoàn văn công tỉnh. Đến năm 1963, anh được điều đi học lớp bồi dưỡng sáng tác âm nhạc do Trung ương Cục miền Nam tổ chức và sau đó học tiếp lớp đàn Accordéon. Học xong anh tiếp tục theo đoàn văn công một thời gian… Sau khi miền Nam được giải phóng, anh được điều về tiểu ban văn nghệ thuộc Ty Văn hóa - Thông tin(cũ) làm công việc sáng tác và biên tập tờ đặc san Văn hóa -Văn nghệ.

Tôi biết anh Bảy từ khi anh còn là cán bộ của Tiểu ban Văn nghệ của Ty Văn hóa - Thông tin. Với tính tình hòa nhã, ăn nói nhỏ nhẹ luôn giúp đỡ đồng nghiệp, lắng nghe tâm tư những người sáng tác trẻ sau ngày giải phóng. Vì thế, chỗ anh Bày làm việc là nơi chúng tôi thường lui tới trao đổi về âm nhạc, cũng như tâm sự về cuộc sống đời thường.

Anh là một trong những người hướng dẫn những khóa bồi dưỡng âm nhạc đầu tiên cho lớp trẻ của tỉnh lúc bấy giờ. Anh cũng biên tập và cho xuất bản tập bài hát đầu tiên của tỉnh là những ca khúc do chính những người sống và lớn lên ở Tiền Giang trong chế độ mới sáng tác, chỉ sau hai năm nước nhà được thống nhất. Những ca khúc của anh Bảy viết trong chiến tranh như: Ra sức giữ làng, Chờ anh(binh vận), Hoan hô anh pháo binh… đều phục vụ kịp thời vào thời điểm chính trị lúc ấy.

Sau khi nước nhà thống nhất, tuy bận rộn với công tác biên tập, nhưng anh Bảy vẫn dành thời gian cho sáng tác. Nhiều tác phẩm mới ra đời đáp ứng với yêu cầu sinh hoạt âm nhạc lành mạnh, mang tính lạc quan, yêu đời, yêu cuộc sống mới. Các ca khúc của anh Bảy ở giai đoạn nầy như: Ấp Bắc quê ta, Mùa thu và niềm tin, Chiếc gương tròn… được quần chúng đón nhận hào hứng qua những lần hội diễn trong và ngoài tỉnh.

Anh Bảy có hai ca khúc: Việt Nam! Bầu trời nầy, mặt đất nầy (thơ Diệp Minh Tuyền)Màu xanh đôi bờ (phỏng thơ Hà Minh) được giải cấp quốc gia. Sau nầy anh còn có những ca khúc viết cho tình yêu đôi lứa như: Giặt áo cho anh, Chiều mưa rơi, Thương em mùa lũ

Nói đến nhạc của anh không thể tách rời với những ca khúc anh sáng tác cho thiếu nhi. Như bài Em học bài lịch sử, với ca từ thật hình tượng: Học bài lịch sử em càng yêu mến non sông. Đã thấm máu cha ông bao đời nay gìn giữ..Em mến yêu quê hương, em càng yêu lịch sử… Nhạc của anh Bảy là thế, bao giờ cũng mang tính giáo dục cao. Như bài Tổ quốc em anh hùng, anh viết: Nhìn lên bản đồ thế giới, em thấy nước Việt Nam em nhỏ bé vô cùng, mà vang tiếng anh hùng đánh đuổi ngoại xâm

Khi đài Tiếng Nói Việt Nam II còn ở thành phố Hồ chí Minh, sáng nào trong chương trình ca nhạc thiếu nhi tôi cũng nghe bài hát của anh trên sóng phát thanh. Ca khúc về tình yêu của anh cũng thế, hình như tôi chưa thấy bài hát nào của anh đau buồn, sướt mướt. Tình yêu của anh luôn gắn với tình yêu quê hương đất nước, yêu nhưng phải lạc quan, đặt nhiêm vụ, công việc lên trên hết. Tình yêu của anh không là tình yêu cá nhân, ủy mị. Như bài Chiều mưa rơi: Ngày xưa tuổi đôi mươi, anh cùng em đến lớp, cơn mưa chiều bất chợt ào trên vai vui cườiTuổi đôi mươi qua rồi, xa trường chia đôi ngã, ta cùng chung nỗi nhớ, ngày xưa chiều mưa rơi. Chúng tôi thường nói: Tình yêu trong ca khúc của anh Bảy lãng mạn đến thế là cùng, không có tiếng thổn thức riêng tư.

Dù sau nầy là lãnh đạo Hội Văn học - Nghệ thuật của tỉnh, nhưng giai điệu, ca từ các ca khúc của anh cũng vẫn giữ nét giản dị như cuộc sống và tâm hồn anh. Hình như tôi chưa thấy bài hát nào của anh trúc trắc về khúc thức và anh rất không thích ca khúc có tiết tấu sôi động. Chính vì thế nên giữa anh và những người sáng tác sau anh có những bất đồng khá sâu sắc về quan điểm nầy. Nhưng tôi nghĩ rằng có thể do bản tính chất phác, hiền lành, sống luôn giữ nguyên tắc và khá khép kín của anh, nên anh khó thích nghi với những trào lưu cùa âm nhạc mới thiêng về tiết tấu hiện đại.

Bây giờ thì anh đã ra đi thật bất ngờ. Bài hát anh đưa cho tôi và bảo rằng đó là bài  cuối cùng, một ca khúc thiếu nhi viết về anh hùng Trừ Văn Thố. Bài hát ấy tôi cũng chưa dàn dựng lần nào và cũng chưa có dịp phổ biến cho anh. Xin thắp nén hương lòng nhớ về người anh của chúng tôi. Người anh luôn mẫu mực, tấm gương sáng về cuộc sống và cũng như trong các bài hát của anh, nhạc sĩ Nguyễn Nhuận.

Ngô Ngọc Hùng
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 317
  • Khách viếng thăm: 311
  • Máy chủ tìm kiếm: 6
  • Hôm nay: 32251
  • Tháng hiện tại: 767687
  • Tổng lượt truy cập: 62996655