Sâu răng rất đáng gờm

Đăng lúc: Thứ sáu - 08/05/2015 14:21
Không phải ngẫu nhiên mà dân gian có câu “Hàm răng, mái tóc là gốc con người”. Vì chỉ riêng đối với răng, thì ngoài tính thẩm mỹ, hàm răng còn ảnh hưởng rất lớn đối với sức khỏe. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại hiện nay, vấn đề sức khỏe răng miệng rất đáng báo động, với tỷ lệ người mắc bệnh rất cao. Sâu răng là nguyên nhân chính hủy hoại răng của con người.

HƠN 80% NGƯỜI LỚN BỊ BỆNH VỀ RĂNG

Trung bình bộ răng của mỗi người gồm 28 đến 32 chiếc răng. Răng miệng là bộ phận đầu tiên của hệ thống tiêu hóa. Răng đảm nhiệm việc nhai và nghiền thức ăn cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Ở người có hàm răng khỏe mạnh, nhai kỹ giúp cho sự ngon miệng, làm quá trình tiêu hóa hấp thụ thức ăn dễ dàng và tốt hơn.

Nếu mắc bệnh răng miệng sẽ không ăn uống được, trẻ biếng ăn, mất ngủ, gầy sút nhanh và nếu kéo dài có khả năng dẫn đến suy dinh dưỡng. Đặc biệt, các bệnh nhiễm trùng ở răng miệng là một trong những nguyên nhân trực tiếp gây nhiễm khuẩn ở các bộ phận gần như: Viêm họng, viêm mũi, viêm xoang hay gây viêm xa hơn như: Tim, thận, khớp. Các nhà nghiên cứu cho rằng, 27% bệnh viêm màng ngoài tim OSLER có nguyên nhân do răng.

Bác sĩ John Lan của Tổ chức Nha khoa Hoa Kỳ khám răng cho học sinh vùng sâu.
Bác sĩ John Lan của Tổ chức Nha khoa Hoa Kỳ khám răng cho học sinh vùng sâu.

Răng miệng có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sức khỏe con người là vậy, nhưng hiện nay vấn đề bảo vệ sức khỏe răng miệng chưa được mỗi người quan tâm đúng mức. Kết quả điều tra sức khỏe răng miệng toàn quốc ở Việt Nam giai đoạn năm 1999 - 2000 cho thấy: Hơn 80% người trưởng thành bị sâu răng, mất răng và trám răng, trong đó trung bình 1 người có 5 chiếc răng bị sâu, mất và trám.

Tại các bệnh viện cấp tỉnh, nhổ răng chiếm tỷ lệ cao nhất trong các loại điều trị bệnh răng miệng. Tại các bệnh viện và trung tâm y tế cấp huyện thì nhổ răng gần như là điều trị răng miệng duy nhất, chiếm từ 94 đến 100% các trường hợp. Nguyên nhân nhổ răng được nhóm bác sĩ Lê Hồng Thắm, Lê Hoàng Hạnh và Lê Phong Vũ - Bệnh viện Đa khoa trung tâm tỉnh nghiên cứu, cho thấy sâu răng là lý do chính dẫn đến nhổ răng, chiếm khoảng 91%, kế đến là do bệnh nha chu và lý do khác như chấn thương…

Nghiên cứu này cũng cho thấy tỷ lệ mất răng ở nữ cao hơn nam từ 1,4 đến 2 lần. Tỷ lệ nhổ răng của cư dân nông thôn cao hơn 1,2 lần so với cư dân thành thị và tỷ lệ nhổ răng vĩnh viễn của người lớn cao hơn trẻ em.

Nguyên nhân gây sâu răng được biết đến là do yếu tố vệ sinh răng miệng kém hoặc do cơ thể thiếu vi lượng. Thiếu vitamin C gây chảy máu do thành mạch yếu; thiếu vitamin D gây rối loạn chuyển hóa xương; thiếu canxi, fluor làm cấu trúc răng yếu, dễ bị sâu răng. Điều này giải thích tại sao trẻ em suy dinh dưỡng, thấp còi thường do bị sâu răng hơn trẻ khỏe mạnh; phụ nữ mang thai và cho con bú dễ bị hư răng…

Làm thế nào để bảo vệ sức khỏe răng miệng trong điều kiện nguồn lực nha khoa có giới hạn và điều kiện kinh tế khó khăn?

ĐỪNG QUÊN CÁI GỐC CON NGƯỜI

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra mục tiêu “Bảo tồn suốt đời bộ răng chức năng, thẩm mỹ tự nhiên với ít nhất 20 chiếc răng mà không cần phục hình”. Điều này sẽ không quá khó nếu như sức khỏe răng miệng được mỗi người quan tâm đúng mức. Thực tế cho thấy, thói quen sinh hoạt, ăn uống quyết định rất lớn đối với sức khỏe của răng.

Theo Bác sĩ John Lan, Tổ chức Nha khoa Hoa Kỳ, đối với sức khỏe răng miệng của trẻ em, vai trò của người mẹ là vô cùng quan trọng. Trước tiên là tạo nền móng vững chắc cho bộ răng khỏe của bé ngay từ giai đoạn mang thai với chế độ dinh dưỡng hợp lý, cung cấp đầy đủ vitamin nhóm D và canxi.

Vitamin nhóm D và canxi cũng không thể thiếu trong khẩu phần ăn của trẻ từ lúc bé cho đến khi trưởng thành. Khi những chiếc răng đầu tiên mới nhú đã rất cần được bảo vệ bằng cách vệ sinh thật tốt. Nhiều phụ huynh mắc sai lầm là xem thường vai trò của răng sữa, vì cho rằng đây chưa là răng vĩnh viễn, nhưng trên thực tế trẻ có răng sữa bị sâu liên quan trực tiếp đến bệnh sâu răng lúc trưởng thành.

Đối với người lớn, chế độ dinh dưỡng cung cấp đầy đủ vitamin và khoáng chất giúp răng chắc khỏe. Song song đó, cần thực hiện vệ sinh răng miệng thật tốt; hạn chế tối đa việc ăn thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh…

Một lưu ý là bảo vệ răng nhưng đừng quên lợi, nướu răng. Lợi giúp bảo vệ, chống lại vi khuẩn, các độc tố tấn công răng. Nguyên nhân gây viêm lợi có thể do thay đổi nội tiết, hormon (như dậy thì, mãn kinh, mang thai), răng khôn mọc lệch, vệ sinh răng miệng kém. Lợi bị viêm khiến miệng có mùi hôi, chân răng tự nhiên chảy máu. Viêm lợi không được điều trị dứt điểm sẽ dẫn tới viêm quanh răng.

Đặc biệt, để bảo vệ răng chắc khỏe, mỗi người nên tập thói quen khám, kiểm tra răng định kỳ ít nhất 6 tháng 1 lần để phát hiện sớm dấu hiệu thương tổn trên răng và điều trị kịp thời.

THỦY HÀ
(Theo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 243
  • Hôm nay: 76462
  • Tháng hiện tại: 2276751
  • Tổng lượt truy cập: 48650878