Gan nhiễm mỡ - nguyên nhân và cách điều trị

Đăng lúc: Thứ sáu - 15/05/2015 08:39
Trung bình cứ 10 người thì có 6 người bị mắc chứng gan nhiễm mỡ với mức độ khác nhau và độ tuổi của người mắc chứng bệnh này ngày càng trẻ hóa. Đây là điều đáng báo động và đáng ngại hơn là bệnh chưa được người bệnh quan tâm đúng mức cho đến khi có biến chứng.

BỆNH HIỆN ĐẠI

Khi nói đến bệnh gan, người ta thường chú ý đến viêm gan, xơ gan hay ung thư gan…, chứ ít ai nhắc đến gan thoái hóa mỡ (gan nhiễm mỡ). Tuy nhiên, tổn thương này hiện đang có tốc độ phát triển nhanh, không chỉ ở tuổi trung niên mà ngay cả ở tuổi trẻ.

Bệnh gan nhiễm mỡ là do tế bào gan bị mô mỡ xâm chiếm, nguyên nhân gây bệnh có rất nhiều. Có thể kể đến một số nguyên nhân như:

Ruột gia tăng hấp thu chất mỡ do ăn nhiều chất béo động vật hay do chất mỡ ở mô mỡ từ nhiều nơi trong cơ thể được huy động bất thường đến gan; ăn nhiều đường, khi chuyển đến gan, một phần đường được gan dự trữ dưới dạng glycogen, phần khác chuyển hóa thành mỡ; tăng tổng hợp chất mỡ tại gan hoặc giảm sự chuyển tải chất mỡ ra khỏi gan (vì thiếu một số chất để chuyên chở mỡ).

Bên cạnh đó, gan nhiễm mỡ cũng có nguyên nhân do sử dụng quá nhiều loại thuốc không có lợi cho gan như: Thuốc kháng sinh, các thuốc giảm đau, thuốc chống táo bón, dùng liều cao và kéo dài một số thuốc như corticoid, tétracycline, oestrogen, thuốc chữa ung thư… đều có thể gây thoái hóa mỡ gan.

Ngoài ra, một số bệnh cũng có thể làm gia tăng gan nhiễm mỡ như: Tiểu đường type 2, tăng mỡ máu, lao, viêm gan C mạn tính, nhiễm chất đồng, táo bón, tiêu chảy, bệnh nhiễm trùng, nhiễm siêu vi trùng, ký sinh trùng, lọc máu chu kỳ, nuôi dưỡng bằng đường tĩnh mạch, đường uống hoặc có thai… Đặc biệt, gan cũng có thể thoái hóa mỡ do suy dinh dưỡng.

Với các nguyên nhân trên, gan nhiễm mỡ thường gặp ở những người thừa cân, béo phì; tiểu đường type 2; người uống nhiều rượu, bia; dùng các thuốc độc cho gan; người có các thói quen ăn uống nhiều năng lượng, nhiều chất béo hoặc ăn quá ít đạm, nhịn đói, suy dinh dưỡng thiếu protein...

Đa số các trường hợp gan nhiễm mỡ không cần điều trị. Tuy nhiên, nhiều trường hợp nặng, không có triệu chứng rõ rất dễ bị bỏ quên dẫn đến biến chứng nguy hiểm. Các bác sĩ khuyến cáo, nếu không điều trị, có 50% số người bệnh gan nhiễm mỡ sẽ bị xơ hóa gan, trong số này 20% sẽ tiến triển đến xơ gan và 4% sẽ bị ung thư gan.

Các nghiên cứu tại Việt Nam cho thấy, bệnh lý gan nhiễm mỡ hiện diện trong 75% người béo phì và tiểu đường tuýp 2; 50% số trẻ bị béo phì có gan nhiễm mỡ. Vì thế, khi phát hiện gan nhiễm mỡ nên kịp thời đến bệnh viện để tiến hành kiểm tra. Sau khi xác định, tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ sẽ quyết định có cần tiến hành điều trị hay không.

ĐIỀU TRỊ NHƯ THẾ NÀO?

Gan nhiễm mỡ hầu hết không phải là bệnh lý của gan, mà chỉ là một triệu chứng do sự tích lũy mỡ quá nhiều tại gan. Vì thế, điều trị gan nhiễm mỡ chủ yếu là điều trị các nguyên nhân cơ bản gây bệnh.
Về chế độ ăn uống, chú ý ăn uống điều độ, hạn chế thức ăn có nhiều năng lượng, lượng mỡ cao, nhiều đường, nhiều vitamin và protein.

Đối với người dư cân, béo phì thì cần áp dụng chế độ ăn hợp lý và chế độ tập luyện vận động để giảm cân. Hạn chế thực phẩm giàu cholesterol như các loại phủ tạng, da… động vật, lòng đỏ trứng; hạn chế chất béo, ưu tiên chọn dầu thực vật (trừ dầu dừa), hạn chế mỡ động vật (trừ mỡ cá); ăn chất đạm vừa phải với khả năng chuyển hóa của gan; tăng cường lượng rau, trái cây (tối thiểu 300g rau xanh, 200g quả chín tươi mỗi ngày).

Một số thực phẩm được khuyên nên dùng hàng ngày là rau xanh, cà chua, cà rốt, măng, bí đao, mướp, dưa gang, dưa leo… Các loại dầu thực vật như: Dầu đậu phộng, dầu mè, dầu đậu nành… chứa nhiều acid béo không no; các thức ăn chế biến từ đậu nành, đậu xanh, đậu đen…

Đối với bệnh nhân gan nhiễm mỡ có liên quan đến uống rượu thì nên ngưng uống rượu, dù rượu mạnh hay rượu nhẹ. Uống rượu càng nhiều, càng kéo dài, thoái hóa mỡ ở gan càng nặng, có thể dẫn đến xơ gan, gây tử vong. Uống ít cũng có nguy cơ gây thoái hóa mỡ gan, nếu nhiễm mỡ mức độ nhẹ có thể hồi phục được khi không uống rượu nữa.

Ngưng ngay những thuốc có khả năng gây độc cho gan và thay thế bằng những thuốc an toàn theo hướng dẫn của bác sĩ. Điều trị tận gốc các bệnh rối loạn chuyển hóa như tiểu đường, viêm gan siêu vi…
Đặc biệt, người mắc gan nhiễm mỡ và cả người khỏe mạnh cũng cần tăng cường vận động, tập thể dục thường xuyên trên 30 phút mỗi ngày, ít nhất 5 ngày trong tuần.

Tóm lại, gan nhiễm mỡ thường gặp ở những người ít vận động và ăn uống chưa hợp lý, thừa năng lượng. Hầu hết các trường hợp gan nhiễm mỡ không phải là bệnh lý, đó chỉ là một triệu chứng do sự tích lũy mỡ quá nhiều tại gan. Tuy nhiên, 20% gan nhiễm mỡ có thể diễn tiến đến xơ gan, điều này có ý nghĩa rất lớn đến cuộc sống khỏe mạnh và dài lâu.

Do nguyên nhân gây nên gan nhiễm mỡ rất nhiều và cũng có rất nhiều cách điều trị khác nhau, không có loại thuốc nào là có hiệu quả nhất trong điều trị. Thế nên mỗi người phải căn cứ vào thói quen ăn uống, tình trạng sức khỏe của mình nhằm tìm ra nguyên nhân thực sự để điều chỉnh, có những trường hợp gan nhiễm mỡ không cần dùng thuốc mà vẫn có thể hồi phục thông qua việc điều chỉnh chế độ dinh dưỡng và vận động.

Hoàng Hà
(Theo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 392
  • Khách viếng thăm: 389
  • Máy chủ tìm kiếm: 3
  • Hôm nay: 37267
  • Tháng hiện tại: 2201927
  • Tổng lượt truy cập: 46169160