Chủ động bảo vệ trẻ trong mùa hè

Đăng lúc: Thứ năm - 23/04/2015 08:53
Với đặc điểm nóng ẩm, mùa hè là thời điểm thuận lợi của nhiều loại vi trùng sinh sôi và phát tán. Trong khi đó, hệ miễn dịch và sức đề kháng của trẻ còn kém, cộng thêm sự hiếu động trong các trò chơi hè nên trẻ rất dễ mắc nhiều loại bệnh nếu cha mẹ không có cách phòng ngừa bảo vệ cho con.

DỄ MẮC BỆNH TIÊU CHẢY VÀ RÔM SẢY

Những bệnh thường gặp ở trẻ em trong mùa hè là tiêu chảy cấp, bệnh tay - chân - miệng, sốt xuất huyết, bệnh ngoài da, sởi và ngộ độc thức ăn…

Cho trẻ học bơi để tăng sức đề kháng, phòng ngừa dịch bệnh. Ảnh: H.lê
Cho trẻ học bơi để tăng sức đề kháng, phòng ngừa dịch bệnh. Ảnh: H.lê

Tiêu chảy cấp là bệnh rất hay gặp ở trẻ. Nguyên nhân gây tiêu chảy có thể là vi sinh vật gây bệnh như vi khuẩn (lỵ, thương hàn, tả...) hoặc vi rút, nấm, ký sinh trùng đường ruột. Khi trẻ bị tiêu chảy cấp, phụ huynh nhanh chóng bù nước điện giải bằng đường uống (dung dịch Oresol).

Truyền dịch chỉ thực hiện khi trẻ mất nước nặng, nôn nhiều, không thể uống được hoặc đi ngoài rất nhiều không thể bù kịp bằng đường uống. Việc sử dụng kháng sinh và các men tiêu hóa vi sinh cần phải theo chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không được tự ý dùng thuốc trị tiêu chảy.

Bên cạnh tiêu chảy cấp thì ngộ độc thực phẩm là tình trạng trẻ hay gặp phải và cũng có triệu chứng là tiêu chảy. Vì đặc trưng của mùa hè là có nhiệt độ cao, độ ẩm lớn. Môi trường này dễ làm cho thức ăn bị ôi thiu nếu không bảo quản cẩn thận và rất thuận lợi cho sự phát triển của các loại vi trùng, dẫn tới nhiễm trùng, nhiễm độc thức ăn, đặc biệt là ở trẻ em do có thói quen ăn uống vỉa hè. Khi bị ngộ độc thực phẩm, các trẻ thường có những biểu hiện chóng mặt, nôn mửa, tiêu chảy, sốt, đau quặn bụng…

Bệnh hầu như rất hay gặp ở trẻ nhỏ vào lúc thời tiết nắng nóng chính là rôm, sảy. Thương tổn là các sẩn màu đỏ hồng, trên có mụn nước nhỏ, đôi khi có mụn mủ trắng xen lẫn. Da của trẻ bị viêm nên trẻ thường có cảm giác bứt rứt khó chịu, ngứa và quấy khóc. Thông thường rôm sảy có thể tự khỏi, nhưng cũng có một số trường hợp phải được điều trị.

Những vùng mồ hôi tiết ra nhiều như trán, cổ, lưng, ngực, các nếp gấp khuỷu tay, bẹn… càng có nhiều rôm sảy. Nguyên nhân chủ yếu của rôm sảy là do bít tắc lỗ chân lông bởi các chất bẩn và khi thời tiết nắng nóng cơ thể tăng cường hoạt động của các tuyến mồ hôi và tuyến nhầy làm tăng khả năng tắc nghẽn lỗ chân lông hơn nữa.

Xử trí rôm sảy chỉ đơn giản là tắm rửa sạch sẽ bằng xà phòng có độ pH phù hợp hay dung dịch thuốc tím pha loãng (một số lá thuốc dân gian như lá chè tươi, mướp đắng, sài đất, chanh cũng có tác dụng nhất định) nhằm thông các ống thoát đổ ra ngoài của các tuyến trên bề mặt da. Khi bị rôm sảy, nhiều bậc phụ huynh cũng có thói quen dùng phấn rôm xoa ngoài da các trẻ để không bị ẩm ướt do nhiều mồ hôi.

Có nhiều công thức hóa học pha chế phấn rôm tùy nơi sản xuất, nhưng thành phần chính vẫn là bột talc, muối calci, muối kẽm, chất béo và một số chất tạo mùi thơm. Tuy nhiên, việc lạm dụng phấn rôm có thể gây những tác hại khó ngờ như trẻ sẽ bị ho, khó thở, nôn và có thể tím tái, phù phổi...

Để tránh những tác hại cho trẻ, phụ huynh cần chọn sản phẩm của các thương hiệu có uy tín, còn hạn sử dụng và không chứa chất gây hại. Trước khi dùng, phụ huynh cần thử phản ứng da của trẻ với sản phẩm bằng cách lấy một ít phấn ra tay, thoa nhẹ nhàng lên da của trẻ và theo dõi trong 24 giờ.

BẢO VỆ SỨC KHỎE CHO TRẺ

Biện pháp phòng ngừa bệnh mùa hè cho trẻ đơn giản chỉ là việc giữ vệ sinh thân thể và vệ sinh ăn uống của trẻ. Điều đơn giản này lại là cách bảo vệ trẻ hiệu quả khỏi nhiều loại bệnh dịch.

Phụ huynh cần tắm gội cho trẻ hàng ngày để hạn chế vi trùng bám vào, tránh ngứa ngáy, khó chịu do bụi bặm, mồ hôi ứ đọng. Nên thay quần áo cho trẻ mỗi khi bị mưa ướt hay ra nhiều mồ hôi, nhất là những trẻ hiếu động để tránh bị cảm lạnh, chốc lở, nhiễm nấm; mặc quần áo thoáng mát… Lưu ý, người lớn cần rửa tay kỹ sau khi đi vệ sinh, trước và sau khi chăm sóc trẻ, trước khi ăn và chế biến thức ăn, sau khi tiếp xúc với người bệnh.

Cho trẻ uống nhiều nước, bảo đảm nước được đun sôi diệt khuẩn. Nước chanh, nước cam, nước dừa và các loại trái cây khác không những giúp trẻ có đủ lượng nước trong cơ thể mà còn có các chất dinh dưỡng cần thiết. Tránh cho trẻ mua đồ ăn, hoa quả đã chế biến sẵn ở vỉa hè, lề đường vì nguy cơ thức ăn đường phố bị nhiễm độc, nhiễm khuẩn rất cao.

Khi cho trẻ ra ngoài trời trong những ngày nắng nóng, phụ huynh nhớ cho trẻ đội nón rộng vành, mặc đồ màu sáng để giảm độ bắt nhiệt… Trong dịp hè, cần đặc biệt lưu ý khi cho trẻ về quê hoặc đi tắm biển không cho trẻ chơi ngoài nắng nhiều trong khoảng thời gian từ 10 giờ đến 16 giờ, vì vào thời điểm này rất nóng sẽ làm trẻ mau mất nước, dễ say nắng, đặc biệt da non của trẻ dễ bị tổn thương bởi tia cực tím.

Phụ huynh cần lưu ý thực hiện tiêm phòng những bệnh thường gặp cho trẻ để có sức đề kháng tốt và cần tạo cho trẻ môi trường sống sạch sẽ, thoáng mát.

ThS. BS Đỗ Quang Thành
(Theo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 405
  • Khách viếng thăm: 398
  • Máy chủ tìm kiếm: 7
  • Hôm nay: 38122
  • Tháng hiện tại: 1787022
  • Tổng lượt truy cập: 48161149