Kinh tế Tiền Giang hội nhập và phát triển

Đăng lúc: Thứ hai - 19/04/2010 13:50
Ảnh: Duy Anh

Ảnh: Duy Anh

Tiền Giang là tỉnh thuộc cửa ngõ của miền Tây Nam bộ ; trong 2 cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, nơi đây bị địch tàn phá nặng nề. Sau khi đất nước được hòa bình, độc lập, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Tiền Giang ra sức thi đua lao động, sản xuất, hàn gắn vết thương chiến tranh, từng bước ổn định và phát triển kinh tế - xã hội. Đến nay, Tiền Giang đã tham gia vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là một trong những địa phương tình hình kinh tế - xã hội phát triển khá mạnh ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Tỉnh Tiền Giang vào những ngày tháng 4 lịch sử này rất sôi nổi, rộn ràng của một sự kiện văn hóa, kinh tế đang diễn ra để chào mừng ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng - đó là việc tỉnh được chọn để tổ chức Festival trái cây Việt Nam lần thứ nhất ;  đây là một sự kiện đánh giá bước phát triển mô hình sản xuất trái cây cũng như thành quả trong sản xuất nông nghiệp tại địa phương.

Sau đất nước được hòa bình, độc lập, kinh tế tỉnh Tiền Giang phát triển nhờ vào sự thắng lợi trong sản xuất nông nghiệp. Đây là mặt trận hàng đầu để giải quyết vấn đề no cơm, ấm áo của người dân , thực hiện chính sách an sinh xã hội, khắc phục vết thương chiến tranh. Nhờ đầu tư xây dựng đê bao chống lũ, xây dựng hoàn thành dự án ngọt hóa Gò Công và các công trình thủy lợi khác đã giúp cho người dân địa phương tăng gia sản xuất, tỉ lệ tăng trưởng của ngành nông nghiệp đạt gần 5% năm. Cây lúa  từ 1-2 vụ bấp bệnh lên 3 vụ ăn chắc với tổng diện tích hiện nay trên 82 nghìn hecta/vụ, năng suất đạt  từ 5-7 tấn/hecta, cho sản lượng hàng năm đạt trên 1,3 triệu  tấn lúa. Bên cạnh cây lúa thì mô hình trồng cây ăn quả, hoa màu cũng phát triển vượt bật. Đến nay, tỉnh Tiền Giang dẫn đầu cả nước về diện tích cây ăn quả với trên 68 nghìn hecta, cho sản lượng mỗi năm trên 900 nghìn tấn quả; trong đó có 7 loại cây ăn quả chủ lực có hiệu quả kinh tế cao, thu hút thị trường xuất khẩu. Riêng diện tích hoa màu của địa phương cũng duy trì hàng năm tên 30 nghìn hecta, cung cứng lượng hàng hóa thương phẩm cho nhiều tỉnh, thành trong khu vực. Trong nông nghiệp, mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm ở tỉnh Tiền Giang phát triển nhanh và chiếm tỉ trọng lớn. Đến nay, toàn tỉnh phát triển đàn gia cầm được hơn 6 triệu con, đàn gia súc trên 500 nghìn con, dẫn đầu các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Các mô hình chăn nuôi phát triển đều khắp ở các huyện, thành, thị. Ngoài đàn lợn, đàn bò chiếm đa số thì  còn có 13.000 ha đất nuôi trồng thủy sản; ngày càng xuất hiện nhiều mô hình chăn nuôi mới theo kiểu trang trại cho hiệu quả kinh tế cao mang tính hàng hóa như: nuôi heo rừng, nhím, cá sấu, gà sao, kỳ đà, ếch. Mỗi năm, tỉnh Tiền Giang xét công nhận hơn 40 chục nghìn nông dân sản xuất giỏi các cấp, trong đó có hơn 6 nghìn nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh với nguồn thu nhập từ vài trăm triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng/nông hộ.

Anh Trần Văn Lực, một nông dân sản xuất giỏi ở xã Bình Phan, huyện Chợ Gạo là một nông dân điển hình của Tiền Giang với nguồn thu nhập hơn 300 triệu đồng/năm. Bản thân anh  luôn đi đầu trong các mô hình sản xuất mới, có hiệu quả kinh tế . Anh "đi" từ nuôi lợn, gà công nghiệp đến gà sao và hiện nay chuyển qua nuôi con chim trích. Anh Trần Văn Lực bày tỏ : "Mô hình mới thì rất hiệu quả, bởi vì mình khai thác đầu tiên thì làm con giống, đầu ra con giống lúc nào  cũng  đắt nên hiệu quả kinh tế cao. Tôi đang đầu tư nuôi 120 con chim trích, chuẩn bị để cho ra con giống. Con giống rất đắc  đắt, trên 500 nghìn đồng/cặp và đã có người đặt hàng rồi!".

Nông nghiệp tỉnh Tiền Giang phát triển đã góp phần ổn định cuộc sống người dân và làm tiền đề để phát triển các ngành nghề khác và hoàn thiện cơ sở hạ tầng. 35 năm qua, hoạt động  công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp ở tỉnh Tiền Giang từng bước phát triển, phát huy tốt vai trò, vị trí của cửa ngõ vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đến nay, tỉnh Tiền Giang đã  triển khai xây dựng 5 khu, cụm công nghiệp; thu hút 53 dự án đấu tư, tổng vốn đăng ký 225 triệu USD và trên 1.600 tỉ đồng, qua đó giải quyết việc làm cho hơn 14 nghìn lao động. Tốc độ tăng trưởng trong lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của tỉnh Tiền Giang năm qua tăng 20%, đạt doanh thu trên 7 nghìn tỷ đồng. Hiện nay, tỉnh Tiền Giang còn tiếp tục xây dựng 4 khu công nghiệp ở Tân Phước và Gò Công Đông, kêu gọi tiếp 117 dự án mời gọi đầu tư trên các lĩnh vực với tổng số vốn lên đến 10 tỉ USD. Điều đó cho thấy nỗ lực của lãnh đạo và nhân dân tỉnh Tiền Giang quyết tâm đổi mới cơ chế quản lý, phát huy nội lực, đồng thời với thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng tốc, nhằm tiến nhanh trên con đường đổi mới và hội nhập.

Ngoài ra, các địa phương trong tỉnh còn tạo điều kiện cho hơn 3000 doanh nghiệp tư nhân, các cơ sở sản xuất, làng nghề sản xuất tiểu thủ công nghiệp phát triển. Đáng nói là ở huyện Cái Bè, giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp mỗi năm đều đạt cao nhất tỉnh. Huyện Cái Bè đang hình thành cụm công nghiệp xay xát lúa gạo, kinh doanh lương thực An Thạnh có quy mô lớn nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ông Lê Văn Năm, Trưởng phòng Kinh tế huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang cho rằng: "Nghề kinh doanh, xay xát lúa gạo là thế mạnh của địa phương. Hiện nay, chúng tôi sắp mở rộng khu An Thạnh 35 hecta, dành 8 ha cho Cục Dự trữ lương thực Quốc gia .Ngoài ra, chúng tôi cũng triển khai cho các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn để hình thành Trung tâm lương thực tại đây vào năm 2015".

Hoạt động thương mại, du lịch của Tiền Giang không ngừng khởi sắc, phát huy lợi thế của vùng đồng bằng sông nước, của vườn cây trái sum xuê gắn với các di tích văn hóa lịch sử. Mỗi năm, tỉnh Tiền Giang đón tiếp hơn 800.000 lượt khách du lịch trong và ngoài nước, đạt doanh thu trên 300 tỉ đồng.

Gần đây, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Tiền Giang  đã tăng tốc  phát triển kinh tế, xem  phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, từ đó đưa ra các giải pháp, chính sách khả thi, phù hợp với tình hình của địa phương. Năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Tiền Giang ở mức trên 9%, chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh đứng hàng thứ  9 trong cả nước và đứng hàng thứ 3 trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Năm qua, toàn tỉnh thu ngân sách từ kinh tế địa phương được hơn 2,2 nghìn tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 25 nghìn lao động, mức thu nhập bình quân đầu người của địa phương đạt 969 USD/năm,  tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 8,1 %.

Đến tỉnh Tiền Giang hôm nay, từ vùng biển (Gò Công Đông), vùng cù lao (huyện Tân Phú Đông) hay đến miệt vườn (huyện Cái Bè), vùng Đồng Tháp Mười (huyện Tân Phước), mọi người đều ngỡ ngàng trước cảnh thay da đổi thịt; cảnh hoang hóa ngày nào đã đi vào dĩ vãng, thay vào đó là những vườn cây trĩu quả, ruộng lúa phì nhiêu, xinh tươi. Tại thành phố Mỹ Tho, trung tâm kinh tế - văn hóa - chính trị của tỉnh Tiền Giang đang phát triển từng ngày. Đến nay, bộ mặt thành phố đã khang trang, cơ sở hạ tầng từng bước được hoàn thiện xứng tầm với đô thị loại 2. Nhìn lại sự phát triển của thành phố Mỹ Tho, ông Nguyễn Văn Nhơn, người dân phường 5 cảm nhận: "Tiền Giang Mỹ Tho này thay đổi nhất là từ sau 1975, sự phát triển và thay đổi gần như lột xác hoàn toàn,từ đường sá ,cầu cống đến nếp sống của người dân đều được nâng lên. Trước 1975 đâu có xe gắn máy mà bây giờ nhà nào cũng có 1-2 chiếc, tôi thấy dân vui vẻ, phấn khởi lắm".

So với các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long thì hiện nay tỉnh Tiền Giang có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, nhất là địa phương có nhiều công trình giao thông huyết mạch của quốc gia đi qua như: đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương, Quốc lộ 1A, Kinh Chợ Gạo, Quốc lộ 50... Gần đây, cầu Mỹ Thuận, cầu Rạch Miễu được xây dựng hoàn thành  tạo điều kiện cho việc giao thương của địa phương với các tỉnh,thành trong khu vực rất thuận lợi. Do đó tỉnh Tiền Giang còn rất nhiều tiềm năng, điều kiện để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Trong lần về thăm và làm việc tại tỉnh Tiền Giang mới đây, đồng chí Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch nước bày tỏ niềm vui, sự phấn khởi khi thấy quê hương Tiền Giang phát triển rất mạnh. Đồng chí Nguyễn Minh Triết  nói: "Tỉnh Tiền Giang có một vị trí rất quan trọng và phát triển từ lâu rồi. Trong thời kỳ chống Pháp, tỉnh có bước phát triển nhất, là trung tâm của khu vực. Trong chiến đấu ,Tiền Giang rất anh hùng, trong thời kỳ xây dựng thì Tiền Giang đã  nỗ lực ra sức khắc phục hậu quả của chiến tranh và đưa kinh tế - xã hội của tỉnh nhà tiến lên. Môi trường đầu tư của Tiền Giang hiện nay rất thuận lợi, tỉnh đã có những chính sách thông thoáng để các nhà đầu tư đến đầu tư phát triển sản xuất!".

Phát huy tiềm năng, lợi thế và thành quả đạt được, hiện nay tỉnh Tiền Giang tiếp tục nỗ lực phát triển kinh tế để nâng cao đời sống người dân.Trong năm nay Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Tiền Giang phải tăng tốc để hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, thực hiện thắng lợi kế hoạch 2006 - 2010 mà Nghị quyết  Đảng bộ tỉnh lần thứ VIII đã đề ra. Tỉnh phấn đấu  tăng trưởng GDP đạt hơn 10,5%, thu nhập bình quân đầu người 1.100 USD, tổng kim ngạch xuất khẩu 440 triệu USD, tạo công ăn việc làm cho trên 22.500 lao động, đồng thời giảm tỉ lệ hộ nghèo xuống dưới 7%... Để phát triển kinh tế ở mức cao, tỉnh Tiền Giang tiếp tục chính sách thu hút đầu tư vào phát triển công nghiệp, dịch vụ, khai thác tiềm năng đất đai, cơ sở hạ tầng, chung tay cải cách hành chính, quan tâm các chính sách an sinh xã hội, phát triển công nghiệp, nông nghiệp mang tính hàng hóa và theo hướng bền vững gắn với bảo vệ môi trường. Về các mục tiêu phát triển kinh tế, đồng chí Trần Thế Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang nói: "Tiền Giang tập trung 4 mục tiêu, thứ 1 là mục tiêu phát triển kinh tế. Theo đó năm 2010 sẽ vượt cao hơn 2009 để bù lại những năm qua ,do suy giảm kinh tế tác động. Điểm thứ 2 là chúng ta sẽ nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn, , mang lại hiệu quả  đầu tư cao nhất. Trong công tác thu hút đầu tư nên chọn các ngành nghề phù hợp với điều kiện địa phương, chú trọng  việc bảo vệ  môi trường , đảm bảo an sinh xã hội nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân".

Tự hào về quá khứ hào hùng của vùng quê cách mạng, nhìn nhận, đánh giá đúng tình hình thực tế của địa phương để phấn đấu nỗ lực ở  tương lai - với những chính sách, chủ trương đúng đắn, khả thi đó, tin tưởng rằng kinh tế tỉnh Tiền Giang tương lai sẽ phát triển cao hơn, xứng danh với một miền quê giàu truyền thống cách mạng bên dòng sông Tiền.

Chu Trinh
(Theo tiengiang.gov.vn)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 448
  • Khách viếng thăm: 407
  • Máy chủ tìm kiếm: 41
  • Hôm nay: 49844
  • Tháng hiện tại: 2214504
  • Tổng lượt truy cập: 46181737