Hai nhà nông đạt giải tại hội thi "Trái ngon và an toàn"

Đăng lúc: Thứ năm - 06/05/2010 07:25
Anh Lê Thanh Nhựt

Anh Lê Thanh Nhựt

Tại hội thi "Trái ngon và an toàn" được tổ chức trong những ngày diễn ra Festival trái cây Việt Nam lần thứ I tại Tiền Giang, có hai nhà vườn ở huyện Cai Lậy đã đạt giải với 02 loại trái: vú sữa nâu và chôm chôm nhãn. Đó là anh Dương Thanh Nhựt ở ấp Bình Chánh Đông, xã Tam Bình và ông Nguyễn Văn Anh ở ấp Tân Luông B, xã Tân Phong. Hai nhà vườn là hai câu chuyện khác nhau về cách làm kinh tế nhưng đều gặp nhau ở điểm chung là ý chí cầu tiến, không ngừng tìm tòi, học hỏi để giảm chi phí đầu tư mà vẫn thu được lợi nhuận cao từ diện tích đất canh tác.
Sẽ rất khó tìm ra vườn vú sữa nâu của Lê Thanh Nhựt nếu không có người dẫn đường ,vì mảnh vườn của anh lẻ loi giữa những vườn sầu riêng xanh mát, nối tiếp nhau. Trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nhà vườn ấp Bình Chánh Đông cũng như những nhà vườn khác ở xã Tam Bình, đều chọn cây sầu riêng là cây trồng chủ lực. Vì vậy, mô hình trồng vú sữa nâu của Nhựt được xem là "khá lạ" ở địa phương này. Nhựt giải thích, trước đây khi chuyển đất ruộng lên vườn, anh cũng không khác những nhà vườn khác, chọn chuyên canh sầu riêng với hy vọng cải thiện kinh tế. Nhưng 5 công sầu riêng vừa cho trái chiến thì bệnh xì mủ tấn công. Thành quả lao động của Nhựt gần như đổ sông đổ biển. Vốn chưa thu hồi được, trong khi cây cứ chết dần chết mòn, Nhựt đối mặt với cảnh gần như trắng tay. Trong lúc chưa biết chọn cây trồng gì thay thế, một lần đến thăm người dì ở xã Phú Phong (huyện Châu Thành), Nhựt biết đến giống vú sữa nâu. Từ câu chuyện của nhà vườn địa phương, anh nhận thấy loại cây trồng này có ưu điểm là cho trái sớm hơn vú sữa Lò Rèn nên không phải gặp cảnh dội chợ hay ép giá, cũng không nặng phân thuốc vì  chủ yếu là sử dụng phân hữu cơ. Nhựt quyết định chuyển sang chuyên canh giống cây trồng đặc sản này. Sau đó là những ngày anh đi hết vườn này đến vườn khác để học hỏi kinh nghiệm trồng và chăm sóc. Gần như chưa có vườn trồng vú sữa nâu nào ở xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành mà Nhựt chưa ghé qua tham quan. Ít vốn nên ban đầu, anh chỉ đốn bỏ hai công sầu riêng và lên liếp trồng 50 gốc vú sữa nâu. Từ những người đi trước, Nhựt rút ra kinh nghiệm: bộ rễ của vú sữa rất dễ bị nấm bệnh tấn công nên anh chọn cách lên mô, với phương pháp này, bộ rễ của cây sẽ không ăn sâu xuống đất nên hạn chế được nấm bệnh. Năm đầu khi cây cho trái chiến, Nhựt đã tỉa bỏ bớt để cây có thể phát triển tốt hơn. Không thuận lợi về nguồn nước tưới tiêu, anh ủ gốc bằng cỏ, rơm để giữa độ ẩm cho cây. Sự nỗ lực của Nhựt đã được đền bù xứng đáng: 2 công vú sữa nâu của anh phát triển xanh tốt và sau ba năm bắt đầu cho thu hoạch. Nhờ áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp khoa học- kỹ thuật trong chăm sóc nên tỷ lệ đậu trái rất cao: trên 90%. Bước đầu hiệu quả kinh tế đã được xác định khi năm 2009, ở mùa trái chiến, anh đã thu lợi nhuận 40 triệu đồng. Nhựt còn cho biết thêm: "Có thể xử lý cây ra trái sớm để "đón giá" vào khoảng tháng 8 âm lịch. Thời điểm được giá, một trái vú sữa nâu có trọng lượng từ 400g - 500g có giá bán khoảng 40.000đ- 45.000đ/trái, hiệu quả kinh tế cao!".

Chưa dừng lại ở kết quả đó, hai năm nay, Nhựt còn sang Cái Mơn (huyện Chợ Lách, Bến Tre) học cách ghép cây. Ý định ban đầu của Nhựt là ghép cây để nhân giống sang 3 công đất vườn còn lại, nhưng sau đó, những nhà vườn khác đã đến tìm mua. Tận dụng nhánh bỏ từ việc tỉa cành để ghép cây con, Nhựt thu trên 50 triệu đồng/năm từ việc bán cây giống. Cho biết về giải nhì ở hội thi "Trái ngon và an toàn", Nhựt nói, kết quả đối với anh khá bất ngờ vì  06 nhà vườn tham dự đều là những người nhiều kinh nghiệm và có thời gian chuyên canh giống vú sữa nâu lâu hơn anh. Giải thưởng như minh chứng cho sự thành công từ việc mạnh dạn chuyển đổi giống cây trồng của Nhựt.

Ông Nguyễn Văn Anh
Từ lâu, xã cù lao Tân Phong, huyện Cai Lậy vốn nổi tiếng là vùng đất của cây lành trái ngọt và chôm chôm được xem là loại cây "truyền thống" của địa phương này. Gắn bó với những vườn chôm chôm gần cả cuộc đời nên ông Nguyễn Văn Anh (ở ấp Tân Luông B) không muốn đốn bỏ dù hiệu quả kinh tế không cao. Ông Anh kể, trước đây dù cố công chăm sóc nhưng vườn cây của ông cứ cho vụ được vụ thất vì đất vườn là đất sét trắng - loại đất không tốt cho cây trồng. Đã có lúc, ông cũng muốn chuyển sang cây trồng khác để phù hợp với thổ nhưỡng nhưng cứ lần lữa mãi vì tiếc những vườn chôm chôm trên 20 năm tuổi của gia đình. Một lần thuê người đào ao, ông Anh tình cờ phát hiện nằm sâu dưới lớp đất mặt kém màu mỡ là đất đen pha cát, lá cây mục - một loại đất giàu dưỡng chất và rất tốt cho cây trồng. Vướng mắc lớn nhất về đất trồng kém màu mỡ của ông Anh vì thế đã có cách tháo gỡ: ông quyết định trộn đất để cải tạo vườn cây. Diện tích vườn quá rộng nên ông đã mất gần hai năm để thực hiện vì các công đoạn đều thủ công. Ông thuê người đào sâu hai lớp xung quanh các gốc chôm chôm, lấy phần đất bên dưới để cho hoai rồi đưa phần đất mặt xuống dưới, lấp phần đất này phủ lên trên. Với phương pháp này, năm năm trở lại đây, vườn chôm chôm của ông không tốn nhiều công chăm sóc cũng không tốn nhiều phân thuốc vẫn cho năng suất từ 2,5 - 3 tấn/công, phẩm chất trái ngon, đều màu, ít sâu bệnh và đạt chất lượng, độ an toàn cao. Sau khi thu hoạch cây cũng không bị cháy lá như những vườn cây khác. Chưa dừng lại ở kết quả đó, ông Anh còn học cách xử lý cây ra trái nghịch vụ để đón giá. Thời điểm cao nhất, một 1kg chôm chôm nhãn được thương lái thu tại vườn với giá 36.000đ. Năm năm gần đây, ông Anh đã thu lợi nhuận mỗi năm trên 200 triệu đồng từ 11 công đất trồng chôm chôm nhãn và chôm chôm Java. Phương pháp trộn đất của ông Anh đã được nhiều nhà vườn đến học tập kinh nghiệm và ông rất sẵn lòng chia sẻ để cùng nhân rộng. Giống cây trồng không mới nhưng với cách làm sáng tạo, đem lại hiệu quả kinh tế cao đã giúp ông trở thành nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi cấp tỉnh nhiều năm liền và đạt giải khuyến khích tại hội thi "Trái ngon và an toàn" tại Festival trái cây lần thứ I.

Có thể nói, phía sau giải thưởng của hai nhà vườn Lê Thanh Nhựt và Nguyễn Văn Anh là câu chuyện về khát vọng làm giàu và ý chí cầu tiến, không ngừng học hỏi. Giải thưởng tại hội thi "Trái ngon và an toàn" lần này như một sự vinh danh xứng đáng cho thành quả lao động của họ và góp phần khẳng định: thành công sẽ đến với những ai dám chọn cách đi sáng tạo!.

Quế Ngân
(Theo tiengiang.gov.vn)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 261
  • Khách viếng thăm: 229
  • Máy chủ tìm kiếm: 32
  • Hôm nay: 5764
  • Tháng hiện tại: 2505150
  • Tổng lượt truy cập: 48879277