Nghị lực vươn lên của chàng sinh viên nghèo hiếu thảo Lê Quốc Thứ

Đăng lúc: Thứ năm - 06/05/2010 07:22
Nghị lực vươn lên của chàng sinh viên nghèo hiếu thảo Lê Quốc Thứ

Nghị lực vươn lên của chàng sinh viên nghèo hiếu thảo Lê Quốc Thứ

Cuộc sống khốn khó đã lấy đi của cậu bé Lê Quốc Thứ những nét vô tư hồn nhiên vốn có của tuổi thơ. Từ khi chào đời, Quốc Thứ đã phải sống trong cảnh nhà túng thiếu. Nhưng Quốc Thứ luôn cố gắng khắc phục mọi khó khăn, quyết chí học tập thật tốt. Từ lâu, Quốc Thứ đã luôn tâm niệm: chỉ có học vấn mới giúp Thứ thoát khỏi mọi khó khăn của cuộc sống. Và cũng có lẽ chính vì cuộc sống quá khó khăn đã trui rèn cho cậu sinh viên nghèo một ý chí cầu tiến vượt bậc.

Người ta thường hay nói "cái khó bó cái khôn". Trong hoàn cảnh túng quẫn, không có cái ăn, cái mặc dễ làm cho con người ta nản chí, buông xuôi tất cả, không đủ sức vươn tìm đến chân trời mới lạ. Nhưng với Quốc Thứ, thì lại khác, chàng trai trẻ ấy được tiếp thêm nguồn sức mạnh từ những tháng ngày gian nan nhất của cuộc sống để thực hiện được niềm say mê học tập, nghị lực vươn lên, đặc biệt là tấm lòng hiếu thảo đối với cha mẹ.

Chính nhờ sự động viên của thầy cô, sự giúp đỡ của bạn  bè, bà con hàng xóm là tất cả những gì cần để Quốc Thứ tự tin đi thi đại học. Nhưng trong lòng Quốc Thứ vẫn còn canh cánh một nỗi lo quá lớn: sức khoẻ của cha Quốc Thứ càng ngày càng xấu đi do căn bệnh thận, gia cảnh khó khăn, nếu đậu đại học lấy tiền đâu mà học!? Nhưng không thể để cho sự kỳ vọng của mọi người trở thành vô nghĩa, không thể để cho người cha đang chống chọi với cơn bạo bệnh thất vọng về mình, Quốc Thứ đã cố gắng nỗ lực bằng chính ý chí vươn lên của bản thân - vì em biết rằng chỉ có đậu đại học mới là lời cảm ơn chân thành nhất đối với tất cả những người đã yêu thương, đùm bọc và kỳ vọng vào bản thân mình, giúp  đỡ mình - và cuối cùng Quốc Thứ cũng đã thực hiện được điều đó!

Sinh ra và lớn lên trong gia cảnh khó khăn ở một vùng quê nghèo, Lê Quốc Thứ (sinh năm 1991, ngụ ấp Tân Quy, xã Tân Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, sinh viên lớp Đại học QTKD 09B, Trường Đại học Tiền Giang phải tự bươn chải để lo chi phí học tập và sinh hoạt, dành dụm chút ít còn lại, cậu học trò nghèo ấy gửi về quê phụ mẹ lo thuốc thang cho người cha ngày ngày phải chịu cơn đau thận mãn tính hành hạ, phải nằm viện liên tục (để chạy thận tại Bệnh viện Trưng Vương - Tp. HCM). Dù gia cảnh như thế, nhưng cậu sinh viên vẫn toát lên niềm tin nghị lực vượt qua số phận để tìm đến ngày mai tươi sáng. Bằng ý chí và nghị lực vươn lên của mình, suốt năm thứ nhất đại học vừa qua, Quốc Thứ đã tự xoay xở với đủ thứ nghề để có tiền trang trải chi phí học tập và sinh hoạt cho mình.

Lớn lên trong gia đình có 2 anh em, Thứ là người con cả, hằng ngày phụ cha mẹ làm vườn, trồng rau, đem rau ra chợ bán. Ngôi nhà của gia đình Quốc Thứ trước đây luôn vang tiếng cười và nhất là những lúc người cha trở về sau những ngày lao động miệt mài để lo cho cuộc sống gia đình, nhưng giờ đây, tiếng cười trở nên hiếm hoi và thay vào đó là tiếng thở dài của người cha, nỗi buồn của người mẹ. Năm 2009, ông Lê Văn Tới, cha của Quốc Thứ, vốn đã mang trên mình nhiều thương tích do chiến tranh tàn ác năm xưa để lại (ông là thương binh hạng 3/4) bị lâm bệnh nặng nên cuộc sống gia đình ngày càng bi đát, khốn khó hơn.

Trước đây, do mẹ Quốc Thứ sức khỏe yếu, lại mắc bệnh thấp khớp, nên tất cả việc kiếm tiền lo cho gia đình đều đặt lên vai người chồng, bà chỉ làm việc nhà và chăm sóc mảnh vườn. Giờ chồng bệnh tật, phải ngày đêm túc trực tại bệnh viện gần hai năm qua, bà lại phải thay chồng trở thành trụ cột chính. Dù đã phải cố gắng hết sức mình để chăm chồng, chăm con, lo làm thuê để kiếm thêm thu nhập cho gia đình, vậy mà cũng chẳng đủ ăn. Tháng ngày nuôi chồng tại bệnh viện, bà chỉ ăn cơm với quả chuối chín, cùng với nước tương! Hôm nào có cơm từ thiện có nghĩa là cũng đỡ phần nào tiền ăn uống! Bao nhiêu tiền, bà dành dụm đều để lo cho cha Quốc Thứ, nhưng cũng cạn dần, rồi đến mấy sào ruộng còn sót lại cũng bán đi để lo thuốc thang cho cha Thứ.

Thấu hiểu nỗi khó khăn của gia đình, bước vào đại học, Quốc Thứ đã lo tìm việc làm thêm để tự lo cho cuộc sống, chi phí học tập của mình. Buổi chiều, sau giờ học, Quốc Thứ vội đạp xe đến nơi dạy kèm, đúng sáu giờ là Quốc Thứ còn phải đi phục vụ quán nước cho đến 10 giờ khuya. Tan ca, Quốc Thứ về nhà tranh thủ ăn nhanh vài bát cơm, rồi lao vào việc học. Những ngày thứ bảy, chủ nhật, Quốc Thứ còn tranh thủ đi phục vụ tại các nhà hàng với thù lao 50.000/buổi, có khi Quốc Thứ làm cả ngày  được 100.000 đồng. Em nói: "Làm nhà hàng dù mệt nhưng được cái có tiền nhiều hơn phục vụ quán nước. Vả lại, mình còn được ăn sau giờ phục vụ - đỡ tốn được chi phí ngày cơm anh ạ!". Rồi với vẻ mặt trầm tư Quốc Thứ nói tiếp: "Em thương cha mẹ em lắm! Mỗi khi nghĩ tới cha nằm trên giường bệnh, mẹ phải ăn uống kham khổ, lòng em đau như cắt, em chỉ mong sao có dư chút ít gửi về quê phụ giúp mẹ lo thuốc cho cha!" Thu nhập từ việc làm thêm không được nhiều, nên Quốc Thứ tiêu xài rất tiết kiệm, ăn uống kham khổ. Hằng ngày, Quốc Thứ cố gắng chi tiêu cho tiền thức ăn chỉ khoảng 5.000-7000 đồng. Tôi hỏi: "Em ăn uống như thế làm sao có sức khỏe học tập?". Quốc Thứ cúi mặt, nói: "Thì cũng ráng thôi anh ạ! Đã sắp hết học kỳ hai, năm học mới lại sắp bắt đầu, em còn biết bao chi phí phải lo!". Biết gia đình Quốc Thứ khó khăn, các bạn trong phòng thường an ủi, động viên, chia sẻ, giúp đỡ khi có thể...

Còn trong suốt thời gian học tập từ tiểu học đến trung học phổ thông, Quốc Thứ luôn đạt danh hiệu là học sinh khá, giỏi. Lên đại học, dù bận lo toan cho chi phí học tập, sinh hoạt nhưng chàng trai Quốc Thứ vẫn giữ được thành tích khá trong học tập, năng nổ trong công việc của lớp, của trường và là một lớp trưởng gương mẫu trong mọi việc.

Ba năm nữa, Quốc Thứ mới tốt nghiệp đại học, thời gian còn dài và nhiều khó khăn đang chờ Quốc Thứ vượt qua. Với Quốc Thứ, nỗi trăn trở lớn nhất là làm thế nào để có tiền lo thuốc thang cho cha và học thêm Anh văn, Tin học. Dù không có tiền học thêm, nhưng Quốc Thứ vẫn cố gắng tự mày mò và học hỏi thêm từ các bạn, để trang bị kiến thức cho mình. Quốc Thứ bày tỏ: "Em rất cảm ơn bạn Quốc Huỳnh- người bạn đã giúp đỡ em rất nhiều trong việc học, làm thêm. Sau những buổi học thêm Tin học, Bình đến nhà chỉ lại cho em những gì Bình đã học được!". Năm học thứ nhất cũng gần kết thúc, hè lại đến, Quốc Thứ vui mừng vì tiếp tục được đi làm kiếm tiền trang trải cho năm học mới, có dư nhiều hơn để gửi về lo thuốc cho cha mình. Nhưng, Quốc Thứ cũng hết sức lo lắng phải tiếp tục chạy đua với thời gian để học tập và lao động kiếm tiền trang trải chi phí học tập và sinh hoạt, vả lại căn bệnh của cha Quốc Thứ ngày một trở nặng...

Cậu học trò nghèo, hiếu thảo Lê Quốc Thứ với chiếc áo sờn vai, ngày ngày đến trường mang theo bao hoài bão về một tương lai tươi sáng: trở thành một công dân có nghề nghiệp ổn định để lo cho cha, cho mẹ, cho em và những người nghèo cùng cảnh ngộ! Tự tin với kết quả học tập của mình nhưng trong khoé mắt em vẫn ẩn sâu nỗi lo buồn, gia đình rất khó khăn khi mẹ yếu, nay bệnh mai đau, cha em lại phải nằm viện với số ngày phải kể bằng tháng, bằng năm với chi phí lên tới hàng chục triệu đồng - đó là con số đối với gia đình em quả là một điều lớn lao và đầy khó khăn! Và để thực hiện được mơ ước của em, quả là còn lắm gian nan, cần có những tấm lòng hảo tâm giang tay, góp sức giúp cho em vượt qua khó khăn trước mắt, là nhịp cầu nối giúp em thực hiện được hoài bão của mình! Với ý chí của một chàng trai có ý thức tự lập, biết vượt khó, phấn đấu học tốt, hết lòng hiếu thảo với cha mẹ, hy vọng Quốc Thứ sẽ gặt hái nhiều thành công trong học tập và cuộc sống.

Võ Minh Tuấn
(Theo tiengiang.gov.vn)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 296
  • Hôm nay: 65800
  • Tháng hiện tại: 2434225
  • Tổng lượt truy cập: 48808352