"Địa chỉ tin cậy" của nạn nhân bạo lực gia đình

Đăng lúc: Thứ tư - 09/11/2016 10:55
Bạo lực gia đình (BLGĐ) là điều nhức nhối trong xã hội. BLGĐ tàn phá hạnh phúc gia đình và làm ảnh hưởng lớn đến đời sống tinh thần, thậm chí cả vật chất của nạn nhân. Đa số nạn nhân là chị em phụ nữ. Ngăn chặn bạo hành gia đình là việc làm không phải đơn giản, dễ dàng. Mô hình “Địa chỉ tin cậy” của Hội LHPN đã góp phần ngăn chặn tình trạng trên.
Chị Phan Thị Phân, Chi hội trưởng Phụ nữ ấp Mỹ Thạnh A, xã Long Tiên, huyện Cai Lậy đến thăm hỏi, chia sẻ với hội viên, phụ nữ bị bạo lực gia đình.
Chị Phan Thị Phân, Chi hội trưởng Phụ nữ ấp Mỹ Thạnh A, xã Long Tiên, huyện Cai Lậy đến thăm hỏi, chia sẻ với hội viên, phụ nữ bị bạo lực gia đình.

Nghiên cứu Quốc gia về BLGĐ đối với phụ nữ ở Việt Nam đã được Chính phủ Việt Nam và Liên Hợp quốc công bố ngày 25-11-2010 cho kết quả: Có 3 hình thức bạo hành chính trong đời sống vợ chồng là bạo hành về thể xác, tình dục và tinh thần. 58% phụ nữ được khảo sát cho biết, đã từng là nạn nhân của ít nhất 1 hình thức bạo hành gia đình nêu trên. Tuy nhiên, con số thống kê được về bạo hành gia đình chỉ là bề nổi; còn trên thực tế, số trường hợp bạo hành gia đình trong cộng đồng còn nhiều hơn gấp nhiều lần, nhưng không phát hiện được, do nạn nhân cố tình che giấu vì xấu hổ. Phần lớn trường hợp BLGĐ bị phát hiện khi hành vi bạo hành đưa đến hậu quả nghiêm trọng. Chính thái độ cam chịu, nhẫn nhục, che giấu của phụ nữ đã khiến mức độ bị bạo hành của họ càng nặng nề hơn.

Toàn tỉnh đã thành lập 356 “Địa chỉ tin cậy” tại cộng đồng, do Hội LHPN tổ chức, đã tư vấn, hỗ trợ cho nhiều chị hàn gắn mối quan hệ trong gia đình, những vụ BLGĐ không vận động hàn gắn được thì đề xuất ngành Công an xử lý.

Chị Huỳnh Thị Mảnh, Chủ tịch Hội LHPN xã Long Tiên, huyện Cai Lậy kể: “Đi xuống cơ sở, thấy không ít chị em tội nghiệp lắm, bị BLGĐ mà che giấu. Qua sinh hoạt tổ, nhóm, thấy chị nào có “biểu hiện lạ” là chúng tôi lân la hỏi thăm, gặp riêng chia sẻ và hứa đảm bảo bí mật thì chị em mới chịu nói lên tình trạng của mình. Chị em bị BLGĐ với nhiều hình thức, trong đó bị bạo lực tình dục là chuyện chị em giấu nhẹm nhiều nhất. Khi tin tưởng, có chị cho biết nhiều lần phải... “chạy ra chuồng heo để trốn chồng”. Tìm hiểu nguyên nhân, chúng tôi giải thích và nhờ cán bộ y tế hỗ trợ, cuối cùng thì êm xuôi”.

Chị Phan Thị Phân, thành viên “Địa chỉ tin cậy” ấp Mỹ Thạnh A, xã Long Tiên cho biết: “Từ đầu năm đến nay, chúng tôi đã giải quyết 6 vụ BLGĐ và tất cả đã êm đẹp”.

Sợ chồng đánh đập, chửi bới mỗi khi chồng đi nhậu về đã ra ngủ ở đống rơm là câu chuyện của chị Nguyễn Thị L., ngụ ấp Long Phước, xã Long Chánh, TX. Gò Công. Cho là số phận của mình kém may mắn nên chị L. cắn răng chịu đựng và cũng đến tai các thành viên trong Tổ “Địa chỉ tin cậy” của ấp. Nắm được thông tin đó, các thành viên trong Tổ “Địa chỉ tin cậy” của ấp đã đến gặp trực tiếp chồng chị L. là anh Nguyễn Văn V. để khuyên răn, giải thích. Trong lần đầu tiên đó, anh V. hứa sẽ không hành hung vợ nữa. Thế nhưng, chỉ vài hôm sau mọi chuyện trở lại như cũ. Đến khi các thành viên trong tổ tìm hiểu ra nguyên nhân bất hòa và đã tư vấn giúp anh V. nhận thấy được sai lầm của bản thân, đã xin lỗi vợ, hứa sẽ không lặp lại tình trạng trên, cùng nhau vượt qua khó khăn, xây dựng gia đình hạnh phúc.

Hiện ở khu phố 5 (phường 1, TP. Mỹ Tho), trong số những gia đình hòa hợp sau “sóng gió”, điển hình là gia đình chị Trần Thị Xuân H., nhà đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Trước đây, người dân trong xóm thường nghe tiếng chị chửi chồng ra rả và tiếng đập đồ đạc của chồng chị. Đã hơn chục lần họ đưa đơn ra khu phố, phường và đến cả tòa án để xin ly hôn. Vậy mà hôm nay, đây lại là gia đình hạnh phúc. Chị H. chia sẻ: “Nhìn tôi của ngày hôm nay đâu có ai biết được trước đây tôi tệ như thế nào. Hồi xưa tôi không có nhà ở, chỉ che tạm túp lều trên vỉa hè để sống. Sau đó được người thân hỗ trợ tiền mua một cái nền nhỏ để cất nhà tạm ở.

Nghèo túng, chồng tôi lại có “bồ nhí” nên tôi ghen và gây chuyện liên miên. Mỗi lần như vậy thì chồng tôi đập phá đồ đạc. Chán nản cuộc sống gia đình, tôi tìm vui bằng cờ bạc để rồi vướng nợ nần. Thế là cô Bảy (tên thân mật mà người dân khu phố 5 gọi bà Trần Kim Hoa, thành viên Tổ “Địa chỉ tin cậy” của khu phố) đến khuyên nhủ, phân tích cho vợ chồng tôi thấy đâu là sai, là đúng. Được khuyên bảo nhiều lần, vợ chồng tôi tỉnh ngộ và biết lo làm ăn, nuôi dạy con cái, nhưng ngặt nỗi không có vốn. Thấy vậy, cô Bảy đã mang chiếc vòng tay của mình ra tiệm cầm đồ để lấy mấy triệu đồng cho vợ chồng tôi mượn làm vốn. Sau này, gia đình tôi được Tổ “Góp vốn xoay vòng” và Tổ “Tiết kiệm mùa xuân” của Chi hội Phụ nữ khu phố hỗ trợ vốn với lãi suất rất thấp, tôi mở tiệm tạp hóa, cuộc sống không còn túng quẩn, nên vợ chồng, con cái vui vẻ, hạnh phúc”.

Hiệu quả tích cực mà mô hình “Địa chỉ tin cậy” đạt được là nhờ vào sự nhiệt tình, tâm huyết của các thành viên. Họ thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền kiến thức pháp luật về phòng chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới, phòng chống tệ nạn xã hội, xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”… Đặc biệt là, khi nắm được thông tin từ cơ sở về tranh chấp hay bạo lực gia đình là các thành viên xuống gia đình nạn nhân tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến BLGĐ và khéo léo tư vấn, động viên để cho đối tượng cảm thấy không bị xúc phạm và hiểu ra được việc làm sai trái của bản thân để sửa chữa.

Có thể thấy, mô hình “Địa chỉ tin cậy” không chỉ đơn thuần làm công tác hòa giải, tư vấn cho chị em, mà còn là cầu nối giúp nạn nhân bị BLGĐ nắm được những kiến thức về pháp luật để bảo vệ bản thân khi tính mạng bị đe dọa, góp phần giữ gìn hạnh phúc cho gia đình và bình yên cho xã hội.

Thủy Hà
(Theo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 203
  • Khách viếng thăm: 202
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 50411
  • Tháng hiện tại: 2282961
  • Tổng lượt truy cập: 46250194