Chị Nguyễn Thị Ru Riếp: Tấm gương của nghị lực & nhân hậu

Đăng lúc: Thứ tư - 27/11/2013 15:46
Chị Nguyễn Thị Ru Riếp (ngụ ấp Thạnh Thới, xã Vĩnh Hựu, huyện Gò Công Tây) là 1 trong 2 phụ nữ tiêu biểu của tỉnh được chọn tham dự Hội nghị Phụ nữ toàn quốc tại Hà Nội vào ngày 1-10 vừa qua. Thành tích nổi bật của chị Riếp chính là ý chí vượt khó và trên con đường phấn đấu chị không quên những người phụ nữ nghèo quanh mình.
Chị Riếp hướng dẫn anh thương binh mù Nguyễn Văn Sáu thực hiện sản phẩm.
Chị Riếp hướng dẫn anh thương binh mù Nguyễn Văn Sáu thực hiện sản phẩm.

Như bao phụ nữ chân quê khác, chị Riếp theo chồng và cật lực gầy dựng cuộc sống gia đình. Chị nhớ lại: “Gia đình cha mẹ 2 bên đều nghèo nên khi ra riêng vợ chồng tôi được cha mẹ cho cái nền nhà và 2 công đất ruộng. Canh tác ruộng nhà không đủ nuôi 3 con, chồng tôi đi làm mướn, còn tôi phát triển chăn nuôi gia đình. Dù làm lụng cật lực nhưng gia đình tôi chỉ đủ ăn.

Thế là vợ chồng bàn nhau dồn hết tài sản để mua ghe đi buôn bán. Cả gia đình chuyển lên sống trên chiếc ghe, sống nay đây mai đó, thu nhập dần khá lên. Nhưng rủi thay, trong một chuyến đi mua mía ở Cà Mau trở về, chiếc ghe của tôi gặp nạn giữa bốn bề sông nước. Không người cứu giúp, vợ chồng tôi chống chọi với sóng dữ đưa được 3 con nhỏ vào bờ an toàn, còn tài sản thì mất trắng, vợ chồng tôi lại phải tiếp tục vật lộn với đói nghèo để vươn lên…”.

Trong cuộc họp bình xét hộ nghèo năm 2006, hộ chị Riếp được bình xét là hộ nghèo của xã. Khó khăn không khiến người phụ nữ này lùi bước, chấp nhận cuộc sống nghèo túng. Chị luôn tự động viên mình “còn đôi tay thì còn cơ hội thoát nghèo!”. Thế là từ tiền làm thuê được của chồng, chị tiện tặn chi tiêu để lấy vốn nuôi heo, gà.

Nhưng một lần rủi nữa, chồng chị không thể tiếp tục làm thuê vì căn bệnh đau thần kinh tọa hành hạ, cuộc sống gia đình lại rơi vào bế tắc. Thời gian đó, ở Vĩnh Hựu bắt đầu phát triển nghề đan lát gia công hàng thủ công mỹ nghệ từ lục bình và sợi cói. Thế là chị Riếp xin tham gia lớp học nghề đan lát hàng thủ công mỹ nghệ do Hội LHPN xã tổ chức. Với nghề mới này, chị đã đưa gia đình vượt qua nghèo khó.

Năn 2007, sau khi đã thành thục nghề, chị có ý định liên hệ trực tiếp với nơi cung cấp hàng gia công nhưng không có vốn. Thấy chị chí thú làm ăn, Hội LHPN xã đã bảo lãnh cho chị vay tín chấp 5 triệu đồng vốn của Ngân hàng Chính sách - Xã hội. Có tiền trong tay, chị đến HTX Hương Hòa ở tỉnh Bình Dương nhận hàng gia công với số lượng lớn mang về vừa làm vừa chia cho chị em phụ nữ trong xóm cùng làm. Theo chị Riếp: “Nhờ nhận hàng tận gốc nên tiền gia công cao hơn nhận hàng từ các cơ sở khác, thu nhập của chị em cũng nhỉnh hơn. Lúc mình túng quẫn được bà con chòm xóm giúp đỡ nên khi có điều kiện thì phải trả nghĩa lại!”.

Chị Nguyễn Thị Hợi, Chủ tịch Hội LHPN huyện Gò Công Tây cho rằng: “Chị Riếp là người biết sống “có trước có sau”. Chị nhận hàng gia công và giao lại cho chị em phụ nữ xung quanh nhưng không tính lời trên sản phẩm, do vậy thu nhập của phụ nữ trong tổ của chị khá hơn nơi khác. Hiện tại, chị cung cấp hàng gia công tạo việc làm thêm lúc nhàn rỗi cho trên 60 phụ nữ với thu nhập khoảng 1,5 triệu đồng/tháng và đã đưa gia đình chị thoát nghèo, dù chưa khá giả nhưng chị biết giúp đỡ người khác, đây là điều rất đáng quý”.

Anh thương binh mù Nguyễn Văn Sáu ở ấp Hưng Hòa, xã Long Vĩnh là một trong số những người nhận hàng gia công từ cơ sở của chị Riếp đã chia sẻ: “Tôi đã làm qua nhiều nghề dành cho người khiếm thị, từ xe nhang đến kết chổi tàu dừa, chổi bông cỏ, nhưng 2 năm nay tôi trụ với nghề đan lát này vì cho thu nhập khá hơn. Ban đầu tôi không biết làm, được cô Riếp chỉ dẫn tận tình, sản phẩm nào tôi làm sai thì cô ấy sửa giúp rồi chỉ cho tôi cách làm. Giờ gặp đợt hàng khó tôi lên nhà cô Riếp đan để cô ấy chỉ dẫn cho thuần thục mới tự đan ở nhà. Nhờ công việc ổn định như vầy, có thu nhập từ đôi tay mình làm ra, giúp tôi tự tin hơn trong cuộc sống”.

Không nản lòng trước khó khăn, biết chia sẻ cùng nhiều người xung quanh, chị Riếp là tấm gương phụ nữ của nghị lực và lòng nhân hậu.

Thủy Hà
(Theo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 190
  • Khách viếng thăm: 186
  • Máy chủ tìm kiếm: 4
  • Hôm nay: 38613
  • Tháng hiện tại: 2483503
  • Tổng lượt truy cập: 48857630