Đôi điều cảm nhận về tác giả-tác phẩm của nhà văn Lương Hiệu Vui

Đăng lúc: Thứ ba - 05/05/2015 07:24
Tôi nghe tên nhà văn Lương Hiệu Vui từ rất lâu - khoảng 20 năm trước, lúc chưa dịp gặp mặt. Hồi ấy tôi chỉ đọc được vài truyện ngắn của nhà văn. Ấn tượng đầu tiên là ông thường viết về bối cảnh thời kỳ đấu tranh cách mạng kể từ sau Hiệp định Giơ-né-vơ. Những con người, tổ chức còn ở lại hoạt động trong lòng địch để giữ lấy cơ sở, nhen nhúm tập hợp phong trào, đấu tranh cho hòa bình, dân chủ.

Thời gian ấy, ngoài chuyện bị địch bắt bớ, tù đày, còn biết bao hoàn cảnh cơ cực, đau thương, éo le… đã được nhà văn chuyển tải qua từng tập, từng đoạn hồi ức. Lối văn chân thực, giản dị dễ đi vào lòng người, bất kỳ người đọc thuộc thành phần nào cũng bị lôi cuốn cho đến cuối truyện.

Bạn viết thăm hỏi nhà văn Lương Hiệu Vui (thứ 3 từ phải sang) tại buổi tọa đàm. Ảnh: LÊ VĂN
Bạn viết thăm hỏi nhà văn Lương Hiệu Vui (thứ 3 từ phải sang) tại buổi tọa đàm. Ảnh: Lê Văn

Nằm trong chuỗi hoạt động chào mừng Ngày Sách Việt Nam lần thứ II-2015, Hội Văn học - Nghệ thuật Tiền Giang tổ chức buổi tọa đàm về tác giả - tác phẩm của nhà văn Lương Hiệu Vui. Số người tham dự khá đông. Ai đến gặp nhà văn hầu như đều có lời thăm hỏi về sức khỏe.

Ông sinh năm 1932, đã vượt xa tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng vẫn minh mẫn, chuyện trò sôi nổi, hứng thú và thân tình. Buổi tọa đàm xoay quanh cuộc đời và tác phẩm của nhà văn Lương Hiệu Vui. Tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1949, năm 1951 ông bị địch bắt, được thả, lại tiếp tục học, dạy học, tham gia công tác trí vận…

Giữa năm 1960, ông lại bị địch bắt, trải qua các phòng điều tra, nhà giam, ra tòa án quân sự lãnh án 2 năm tù, nhưng đến giữa năm 1964 mới được trả tự do, làm thầy giáo dạy môn Pháp văn. Sau ngày 30-4-1975, ông vẫn công tác trong ngành Giáo dục đến lúc về hưu (năm 1992) và thực sự dấn thân vào văn nghiệp lúc tuổi đã 60, nhanh chóng thành công với nhiều tác phẩm được giới chuyên môn đánh giá cao.

Năm 1997, nhà văn Lương Hiệu Vui được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam. Giờ ông ngồi đó, thanh thản với ánh mắt linh hoạt, thông minh, lắng nghe gần 10 tham luận nêu nhiều vấn đề, nhận xét cần học hỏi, nghiên cứu thêm của nhà văn Thu Trang, nhà thơ Lê Ái Siêm, nhà thơ Trần Đỗ Liêm, thầy giáo Ngô Tấn Lực, thầy giáo Trần Công Tùng, thầy giáo Nguyễn Thanh Xuân… Buổi tọa đàm rất bổ ích, nhiều ý nghĩa và mọi người đều mong mỏi Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh nên tổ chức thêm nhiều cuộc tọa đàm như thế này…

Gần đây, tôi có đọc truyện dài Khám Chí Hòa của nhà văn Lương Hiệu Vui, do Nhà Xuất bản Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh liên kết với Hội Văn học - Nghệ thuật Tiền Giang xuất bản. Tập sách dày hơn 400 trang, tôi đọc khá lâu và kỹ để hòa mình vào cái không khí bắt bớ, hỏi cung của ngục tù chế độ cũ. Lồng vào đó là tiếng cười lạc quan, nhẹ nhàng của người đọc với các tình huống đối phó kiên cường, sinh hoạt ngộ nghĩnh trong nhà tù, phòng giam…qua truyện dài của ông - dài mà mạch lạc từng chữ, từng câu.

Tôi thật sự nể nang, khâm phục sức lao động bền bĩ cùng trí nhớ về không gian, thời gian, hệ thống điều hành, bắt giam người, tra tấn người của địch. Đối phó lại, những chính trị phạm yêu nước với khối óc linh hoạt, sự đoàn kết và trên hết là tuyệt đối giữ lập trường, bí mật cơ cấu tổ chức, cho dù phải thương tật, hy sinh…

Về truyện ngắn, hình như tôi hơi chủ quan khi thiên về cốt truyện, mạch văn tựa bỡn cợt mà thật sâu sắc, chí lý của nhà văn. Đọc lại truyện ngắn Người cũ của nhà văn Lương Hiệu Vui đăng trên Tạp chí Văn nghệ Tiền Giang năm 1994, ngẫm ra mà cảm động: Một thầy giáo trẻ hoạt động nội thành đơn độc, thâm tâm muốn có vợ, được anh cán bộ hứa sẽ giúp se duyên, tưởng rằng hạnh phúc cận kề, nào ngờ vuột mất hy vọng. Truyện buồn, nhưng không phải nỗi buồn bi lụy, mà buồn trong tâm tình cao thượng, nhân ái.

Hay như, truyện ngắn Gặp gỡ, in trong tập truyện ngắn “Xóm cũ” do Hội Văn học - Nghệ thuật Tiền Giang xuất bản vào tháng 4-1994, tuy bối cảnh là nơi giam giữ tù liên quan chính trị đối lập của Tổng nha cảnh sát Sài Gòn, nhưng thôi thúc người đọc một mạch cho đến hết, do nhà văn xây dựng tính cách, hành vi của nhân vật trung tâm là Ba Ẹo hay đến độ người đọc đọc tới những dòng cuối mới vỡ lẽ. Đây là tác phẩm đoạt Giải thưởng Văn học - Nghệ thuật Thủ Khoa Huân lần thứ I…

Với truyện ngắn Dạy con, cũng nằm trong số truyện ngắn của nhà văn Lương Hiệu Vui mà tôi thường xem đi xem lại, thích thú với văn phong dí dỏm, để học hỏi kinh nghiệm xây dựng cốt truyện, cách dùng từ ngữ thích hợp…

Có thể nói, nhà văn Lương Hiệu Vui xứng đáng để người theo nghiệp văn tôn trọng và học hỏi. Ngoài văn tài, mọi người còn quý trọng nhà văn Lương Hiệu Vui ở đức tính hòa đồng, khiêm tốn, sẵn sàng góp ý, giúp đỡ lớp em, cháu trong lĩnh vực chuyên môn.

Tham gia buổi tọa đàm, xin được góp vài ý kiến chân thành, như lời lẽ mến mộ của một độc giả.

Nguyễn Kim
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 193
  • Khách viếng thăm: 192
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 15706
  • Tháng hiện tại: 2515092
  • Tổng lượt truy cập: 48889219