Ký ức đám cưới xưa - nét chân quê bình dị

Đăng lúc: Thứ ba - 27/10/2015 08:56
ĐÁM CƯỚI Ở QUÊ XƯA - NÉT ĐẸP TÌNH LÀNG, NGHĨA XÓM
Lúc sinh thời, má tôi nói: Mùa cưới là khoảng cuối tháng 10 năm trước cho đến tháng 2 âm lịch năm sau, vì thời gian này sau mùa thu hoạch bà con có lúa thóc, tiền bạc, lại nhằm vào lúc nông nhàn. Thêm vào đó, cuối tháng 10 âm lịch thời tiết chớm đông, đôi uyên ương tìm nhau tạo ra hơi ấm của hạnh phúc là hợp với quy luật của đất trời.
Cổng đám cưới thuê nghệ nhân làm.
Cổng đám cưới thuê nghệ nhân làm.

ĐÁM CƯỚI Ở QUÊ XƯA - NÉT ĐẸP TÌNH LÀNG, NGHĨA XÓM

Ngày xưa ở quê, mỗi lần nhà có đám cưới thì phải chuẩn bị trước đó hàng tháng, cho nên có câu “Cưới được con dâu, sâu con mắt”. Bởi nhà trai phải chuẩn bị nuôi heo, vỗ béo bò, lo đủ tiền bạc để mua sắm sính lễ (nhiều nhà gái thách cưới đã đòi hỏi đủ thứ lễ vật, mâm quả…. mà hiện nay một số vùng ở tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau… vẫn còn). Hồi đó, nhà nào có đám cưới thì y như cả xóm đều náo nức, rộn ràng, giúp nhau từ chuyện bếp núc đến trang hoàng nhà cửa, dựng rạp và trang trí cổng cưới.
 
Chủ nhà chuẩn bị danh sách bà con, hàng xóm để mời; nhà giàu giao tiếp rộng có khi mượn người mời giúp. Tùy theo đám cưới lớn hay nhỏ mà trước đám cưới vài ngày con gái hoặc con dâu quảy gánh đến những nhà hàng xóm khá giả mượn thêm đồ dùng bếp núc.
 
Các bà, các chị hàng xóm đến phụ tỉa củ làm kim chi, làm bánh; đàn ông, con trai phụ dựng rạp, khiêng vác bàn ghế các nhà lân cận về bày trí trong nhà, ngoài rạp, vật heo, vật bò… làm thịt. Đàn ông có tuổi, rành việc tổ chức sắp xếp sẽ phân công trai tráng mỗi người mỗi việc như trang hoàng cổng hoa và dựng rạp; bạn gái thân thiết thì khuya đưa cô dâu đi làm tóc, trang điểm…
 
Người đến phụ đám thấy thiếu cái gì mà nhà mình có thì tự động về nhà mang lại. Hồi ấy nhà đám cưới sáng rực đèn măng xông từ sân trước đến sân sau, có đám tập hợp bạn bè đến đờn ca cả đêm; con nít thì nôn nao để xem cô dâu chú rể…
 
Nhắc đến chiếc cổng hoa bằng “cây nhà lá vườn”, chúng ta nghĩ ngay đến sự chất phác, thiệt thà, nhân hậu, giản dị của người nông dân miền sông nước. Trước ngày nhóm họ, các thanh niên phụ đám sẽ ra vườn chủ nhà hoặc sang vườn nhà hàng xóm tìm đủng đỉnh, tàu dừa… đốn vác về dựng rạp, làm cổng. Những người khéo tay sẽ tham khảo ý kiến nhau để trang trí chiếc cổng hoa.
 
Tàu dừa được tỉa tót và bện lại như thắt bím tóc hoặc bẻ cong buộc túm như lồng đèn… rất nhiều kiểu đơn giản nhưng không thiếu phần tinh tế. Trên cổng là bảng hình chữ nhật có chữ “Tân hôn” hoặc “Thành hôn” (nhà trai), chữ “Vu Qui” (nhà gái).
 
Những chiếc bảng này được bện bằng cây lá, chữ ghép bằng bông dừa hoặc bông đủng đỉnh, trái cau hoặc bằng hột lúa, hột gạo đính thành chữ rất công phu. Nhiều cổng hoa đẹp đến độ xong đám cưới chủ nhà không muốn phá bỏ.
 
Cổng hoa cưới “cây nhà lá vườn” và đám cưới quê xưa mang đậm nét văn hóa dân gian, gần gũi mà có chút lãng mạn, nặng tình làng nghĩa xóm mộc mạc, chân quê làm cho những cặp đôi khó quên. Có lẽ, từ cái tình quê, tình người sâu nặng ấy mà cô dâu chú rể không thể dễ dàng nói tiếng chia tay.
 
ĐÁM CƯỚI BÂY GIỜ
 
Thời đại công nghiệp nên bây giờ mùa nào, tháng nào cũng có thể tổ chức lễ cưới. Lễ cưới thường tổ chức vào thứ bảy, chủ nhật để khách có thời gian đến dự tiệc.
 
Ở nông thôn bây giờ, đám cưới hiếm có chuyện làm cổng hoa bằng lá dừa, đủng đỉnh, mà có dịch vụ trọn gói cho thuê cổng hoa, rạp, bàn ghế… Thông thường là cổng hoa giả xanh, đỏ; bảng bằng nhôm hoặc nhựa có chữ dán sẵn (nên hầu như đám cưới nào cổng cũng như nhau), có lồng đèn, trái châu bằng nhựa, rạp khung sắt, vải xanh đỏ hoặc hồng hay trắng buông xung quanh như rèm cửa…. Tất cả được đưa đến và lắp ráp nhanh chóng.
 
Những thợ nấu lành nghề cũng phục vụ “trọn gói” khi chủ nhà đến đặt mâm bàn, tùy theo giá cả và số lượng mà thỏa thuận giữa đôi bên, đúng ngày giờ có một nhóm đến phục vụ cùng các món thức ăn đưa đến… Có đám thuê nhạc sống (hiện nay có dàn nhạc “kẹo kéo”) mở âm thanh hết cỡ, thực khách ăn uống trong không khí nóng bức (nếu là mùa nắng) và trò chuyện như hét vào tai nhau vì ca hát ầm ĩ.
 
Tuy nhiên, cũng có một số gia đình ở vùng sâu vẫn giữ truyền thống đám tiệc nấu nướng tại nhà, làm cổng hoa bằng lá dừa, nếu nhà khá giả thì thuê cả nghệ nhân chưng mâm ngũ quả rồng phụng trong nhà, làm cổng hoa rất hoành tráng…
 
Ông bà ta nói: “Ăn theo thuở, ở theo thời”, nhưng mỗi khi dự một đám cưới, nhìn chiếc cổng hoa xuề xòa, gia chủ tổ chức đám cưới mà có vẻ hời hợt thì bỗng cảm thấy chạnh lòng nhớ về ký ức của đám cưới ở quê xưa với nét đẹp tình làng, nghĩa xóm.
 
Ngọc Lệ
(Theo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 210
  • Khách viếng thăm: 207
  • Máy chủ tìm kiếm: 3
  • Hôm nay: 15180
  • Tháng hiện tại: 2514566
  • Tổng lượt truy cập: 48888693