Gò Công - tiềm năng và cơ hội phát triển du lịch sinh thái biển

Đăng lúc: Thứ hai - 05/10/2015 04:53
Với những lợi thế về tự nhiên và hạ tầng giao thông thuận lợi, trong những năm qua Tiền Giang đã tập trung xây dựng sản phẩm du lịch, trong đó Gò Công được xem là khu vực có nhiều tiềm năng và cơ hội phát triển du lịch trong tương lai.

Khu vực biển Gò Công có tiềm năng du lịch rất đa dạng, với rừng ngập mặn, những cồn, bãi ven biển như: Cồn Ngang, cồn Vượt, bãi biển Tân Thành; trái cây đặc sản như: Sơ ri, mãng cầu xiêm, mãng cầu ta (na); đặc sản ẩm thực như:

Mắm tôm chà, mắm còng, nghêu, cua và nhiều hải sản tươi khác; cùng những di tích lịch sử - văn hóa như: Lăng Hoàng Gia, lăng Trương Định, nhà Đốc Phủ Hải, Dinh Tỉnh trưởng, miếu Võ Tánh, đình Trung, lễ hội Nghinh Ông, làng nghề tủ thờ Gò Công... có thể khai thác trở thành những điểm khám phá lý tưởng, thu hút du khách trong hành trình tham quan, trải nghiệm du lịch sinh thái biển.

Đền thờ Anh hùng dân tộc Trương Định.
Đền thờ Anh hùng dân tộc Trương Định.

Hiện nay, vùng biển Gò Công đang được khai thác du lịch, chủ yếu là Khu du lịch biển Tân Thành - Hàng Dương, đã có 2 doanh nghiệp (Công ty cổ phần Du lịch Tiền Giang và Công ty TNHH Vạn Bình An) tham gia đầu tư du lịch biển, quy mô gần 16 ha, với các công trình du lịch như: Nhà hàng ăn uống, nhà nghỉ, nhà nghỉ mát ven bãi biển, bờ kè chống sạt lở, trồng cây xanh… để thu hút du khách đến tham quan, du lịch.

Bên cạnh đó, Nhà nước cũng đã tăng cường đầu tư trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia như: Lăng Hoàng Gia, lăng Trương Định, nhà Đốc Phủ Hải (TX. Gò Công); đền thờ Anh hùng dân tộc Trương Định (xã Gia Thuận, huyện Gò Công Đông); lũy Pháo Đài Trương Định (huyện Tân Phú Đông); đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch như: Xây dựng bờ kè chống sạt lở, cầu du lịch dẫn ra biển dài 300 m, bãi đỗ xe… tại Khu du lịch biển Tân Thành để hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển, thu hút khách du lịch.

Đặc biệt, mới đây cầu Mỹ Lợi nối đôi bờ sông Vàm Cỏ đã chính thức được khánh thành và đưa vào sử dụng, rút ngắn khoảng cách đáng kể - chỉ hơn 70 km (trước đây trên 100 km) để đi từ TP. Hồ Chí Minh đến vùng Gò Công theo Quốc lộ 1; đồng thời du khách khi đi qua cầu Mỹ Lợi sẽ tiết kiệm được thời gian và không còn cảnh “qua sông phải lụy đò”, đáp ứng niềm mong ước của nhân dân 2 tỉnh Tiền Giang và Long An, tạo điều kiện phát triển ngành Du lịch vùng ven biển tỉnh Tiền Giang.

Như vậy, điều kiện về tiềm năng du lịch cũng như giao thông thuận lợi đã có, chỉ còn việc tập trung đầu tư xây dựng những sản phẩm du lịch mang bản sắc văn hóa địa phương. Trước mắt, đối với 2 địa phương tiếp cận gần nhất và có tiềm năng du lịch nổi trội là TX. Gò Công và huyện Gò Công Đông cần dựa vào ưu thế về tài nguyên du lịch biển và bản sắc văn hóa phong phú, độc đáo để phát triển các dịch vụ:

Tham quan, nghỉ dưỡng, tắm biển, thưởng thức các món ăn hải sản; kết hợp tham quan di tích lịch sử - văn hóa, làng nghề truyền thống, vườn cây ăn trái đặc sản của địa phương, tạo điểm nhấn đặc trưng, hấp dẫn để thu hút khách du lịch; đồng thời khu vực biển Gò Công cũng rất thuận lợi để liên kết tuyến du lịch với biển Cần Giờ (TP. Hồ Chí Minh) và biển Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Đây cũng là một lợi thế mà không phải địa phương nào cũng có được trong Chiến lược phát triển du lịch biển trong tương lai.

Bên cạnh đó, cần có những sản phẩm mới, đặc trưng của vùng Gò Công cũng là một trong những điểm thu hút khách du lịch.

 Vườn sơ ri Gò Công.
Vườn sơ ri Gò Công.

Để thực hiện được mục tiêu này, các địa phương vùng biển Gò Công cần có những giải pháp mang tính đồng bộ và khả thi như:

Có cơ chế, chính sách ưu đãi để các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào các dự án du lịch, nhất là đối với các dự án phát triển du lịch sinh thái gắn với phát triển du lịch cộng đồng; tăng cường huy động nguồn vốn đầu tư của các thành phần kinh tế cũng như nguồn lực trong nhân dân cho đầu tư du lịch; hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng đến các khu, điểm du lịch; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, quảng bá nhằm xây dựng sản phẩm và hình ảnh đặc trưng du lịch biển của tỉnh.

Bên cạnh đó, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cùng với Trung tâm Xúc tiến đầu tư - Thương mại và Du lịch Tiền Giang cần quan tâm mời gọi đầu tư, tìm kiếm nguồn lực hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch; tăng cường hợp tác với TP. Hồ Chí Minh, các địa phương trong và ngoài tỉnh để liên kết xây dựng tour, tuyến du lịch, phát triển đa dạng hóa sản phẩm du lịch biển.

Theo số liệu thống kê của ngành Du lịch Tiền Giang, hàng năm vùng biển Gò Công đón bình quân 50.000 lượt khách, chỉ tính năm 2014 đón được 66.000 lượt khách/1.426.000 tổng lượt khách du lịch đến Tiền Giang.

Dự kiến năm 2015 tỉnh sẽ đón 1.500.000 lượt khách, trong đó khu vực biển Gò Công đón khoảng 80.000 lượt khách; đến năm 2020 dự kiến đón 2.180.000 lượt khách, trong đó khu vực biển Gò Công đón khoảng 300.000 lượt khách, tăng gần 4 lần so với năm 2015.

Với những cơ hội mới, chúng ta hy vọng trong thời gian tới du lịch khu vực biển Gò Công sẽ thu hút lượng du khách đến tham quan, trải nghiệm ngày càng tăng, góp phần thúc đẩy ngành Du lịch Tiền Giang phát triển bền vững.

Tấn Phong
(Theo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 397
  • Khách viếng thăm: 396
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 4599
  • Tháng hiện tại: 1753499
  • Tổng lượt truy cập: 48127626