Quên mình nhưng vẫn tỏa sáng

Đăng lúc: Thứ ba - 17/09/2013 09:46
Những người vợ, người mẹ được nói đến trong bài viết này có những đặc điểm, tính cách riêng, nhưng ở họ có rất nhiều điểm chung, giống nhau một cách kỳ lạ. Nét chung ấy làm nên một vẻ đẹp lung linh - âm thầm tỏa sáng, trở thành điểm tựa dịu dàng và bền chắc trong suốt cuộc đời những người chồng nổi tiếng của họ.
Điểm chung ấy là gì? Trước hết, họ đều là những người phụ nữ xinh đẹp. Vẻ đẹp tự nhiên trời cho cộng với nét duyên riêng của nếp nhà dòng dõi, đã tạo cho họ một nhan sắc không lộng lẫy mà đằm thắm, bền lâu. Họ từng là niềm ngưỡng mộ của không ít kẻ "phong lưu mã thượng" đất Hà Thành ngày đó. Thế nhưng, sự lựa chọn của số phận đã khiến họ trở thành vợ của những nghệ sĩ tài hoa, nhưng đầy long đong vất vả.

Họ là những "nội tướng" tài giỏi, lo chèo lái con thuyền gia đình vượt qua bao ghềnh thác, lo nuôi dạy đàn con đông đúc khôn lớn, trưởng thành... Họ là những người phụ nữ đầy hiểu biết và độ lượng, biết chấp nhận và sẻ chia những "thói tật" của các ông chồng nghệ sĩ đào hoa, đa cảm, để suốt đời là những chiếc "lạt mềm buộc chặt" theo đúng nghĩa tốt đẹp nhất của nó. Các bà là vợ của những nhà thơ, nhà hoạt động sân khấu nổi tiếng: Lộng Chương, Lưu Quang Thuận, Trần Huyền Trân.

"Trăm năm ra cũng không lâu nhỉ/Ai đó tri âm...! Ai đó... ai?"

Ông bà Lộng Chương năm 1941
Tôi cứ nghĩ rằng người tri âm tri kỷ trong bài Cảm tác của nhà viết kịch Lộng Chương chính là bà Nguyễn Thị Quy - người vợ hiền, đảm đang, đẹp người đẹp nết của ông. Như nhiều người đã biết, Lộng Chương là thế hệ kịch tác gia đầu tiên của nền sân khấu cách mạng. Ông là người có đóng góp hàng đầu cho thể hài kịch ViệtNam hiện đại, với những vở diễn xuất sắc như Quẫn, Cửa mở hé, Quẫy v.v...

Năm 2000, tác giả Lộng Chương đã được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Thế nhưng, ít ai biết được rằng, người đứng sau ánh đèn sân khấu, đóng góp rất lớn vào sự nghiệp của ông lại chính là bà. Bạn bè trong giới văn nghệ không ít người khẳng định rằng: "Không có bà Lộng Chương thì không thể có nhà viết kịch Lộng Chương".

Bà Nguyễn Thị Quy là một phụ nữ rất xinh đẹp, vẻ đẹp Á Đông truyền thống không cần đến một thứ trang điểm son phấn nào. Vẻ duyên dáng, đằm thắm của bà cuốn hút người ta ngay từ khi mới gặp lần đầu. Hàm răng đen, đều như hạt huyền của bà thật ấn tượng. Mắt đen, răng đen, tóc đen, môi đỏ và da trắng. "Nét cười đen nhánh sau tay áo" (thơ Lưu Trọng Lư) lúc nào cũng thường trực trên gương mặt bà.

Ai cũng bảo Lộng Chương tốt số, kén được người vợ xinh đẹp lại vô cùng tốt nết. Bà là trưởng nữ của một gia đình giàu có vùng Kinh Bắc. Từ bỏ cuộc sống giàu sang nhung lụa, bà khăn gói theo chồng, đảm đang tảo tần làm lụng để chồng mình hoàn toàn yên tâm dốc lòng cho nghệ thuật. Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, vì thương con gái thiếu thốn gian khổ, gia đình bà đã nhiều lần cho người tìm đón về, nhưng bà cương quyết từ chối. Bà muốn được chia sẻ cùng chồng mọi nỗi vất vả, gian lao của cuộc sống kháng chiến đầy gian khổ.

Ngôi nhà của vợ chồng bà ở phố Hàm Long từ lâu đã trở thành nơi gặp gỡ của những người làm sân khấu ở Thủ đô, cũng như của các đoàn nghệ thuật ở các tỉnh xa. Thời bao cấp khó khăn, thiếu thốn trăm bề, những đồng nghiệp, bạn bè, học trò ở các tỉnh về cứ việc ném ba lô vào góc nhà rồi báo cơm với bác gái là có cơm ngon canh ngọt. Có những vị khách ý tứ, hiểu được hoàn cảnh khó khăn, hơn nữa công việc dở dang phải ở lại dài ngày đã đưa tem gạo tiêu chuẩn để bớt gánh nặng, nhưng bà gạt đi ngay, nhẹ nhàng nói rằng: Anh cứ ở đây làm việc, có gì ăn nấy cùng với chúng tôi và các cháu.

Ngay từ đầu những năm sáu mươi (của thế kỷ XX), nhà viết kịch Lộng Chương đã cùng với những người bạn thân: Trần Huyền Trân, Lưu Quang Thuận, Hà Văn Cầu, Nguyễn Đình Hàm... dày công tìm kiếm, chỉnh lý và bổ sung một khối lượng lớn những tích chèo cổ. Để có một đơn vị thực hiện những ý đồ nghệ thuật của mình, các ông đã tự bỏ tiền túi ra để thành lập Đoàn chèo Cổ Phong - nơi dàn dựng những miếng trò "độc nhất vô nhị" và đào tạo được một lớp diễn viên có hạng của sân khấu chèo sau này.

Ngày ấy nếu không có sự hợp tác của các bà vợ, không có sự sẻ chia gánh nặng cơm áo gạo tiền của các hiền thê thì chắc chắn rằng các ông không thể tận tâm tận lực với niềm đam mê sân khấu của mình như vậy. Mà đâu phải chỉ chia sẻ tiền bạc vật chất, các ông còn dành thời gian, tâm huyết và cả... tình cảm nghệ sĩ của mình cho nghệ thuật mà đôi khi được "cụ thể hóa" bằng những cô diễn viên trẻ trung, xinh đẹp. Chả là hồi ấy các ông đã cùng với các nghệ nhân chèo nổi tiếng khôi phục lại các làn điệu, các miếng chèo mẫu mực để truyền thụ cho các thế hệ đi sau.

Hơn 60 năm làm vợ của nhà viết kịch Lộng Chương, bà đã sinh cho ông 8 người con bằng xương bằng thịt và hàng trăm đứa con tinh thần của ông đều có sự đóng góp của bà. Lúc nào bà cũng ân tình, chu đáo, nín nhịn, hết lòng vì chồng con. Bây giờ cả hai ông bà đều đã đi vào cõi yên tĩnh đời đời. Nhưng tài năng và tâm huyết ông dành cho nghệ thuật, cũng như tình yêu và tâm huyết bà dành cho ông vẫn được truyền tụng và nhắc nhở.

"Đời anh sẽ nghèo đi biết mấy/Nếu mẹ hiền ngày trước chẳng sinh em"

Ông bà Lưu Quang Thuận trong ngày cưới năm 1946
Đây là hai câu thơ trong bài Nhìn nhau, nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Thuận tặng vợ ngày mới cưới. Bà là Vũ Thị Khánh, một cô gái người Hà Nội gốc, sinh ra và lớn lên tại phố Ngõ Gạch, khu Ô Quan Chưởng của Hà Nội xưa. Thời thiếu nữ, những người bạn học cùng lớp ở Trường Đồng Khánh thường gọi bà là "Khánh Quận chúa". Vì bà là con gái ông chủ hiệu giày “Quận chúa” ở đất Hà Thành, lại thêm vẻ xinh đẹp yêu kiều của một cô tiểu thư khuê các.

Những ngày đầu cách mạng, bà tham gia phong trào bình dân học vụ của nữ sinh Hà Nội. Quen biết, cảm phục, yêu mến, rồi bà trở thành vợ của nhà viết kịch Lưu Quang Thuận. Khi đó tuy đã là tác giả của một số vở kịch nói, kịch thơ, của một số bài thơ in báo, nhưng ông vẫn chỉ là một anh công chức nghèo, một chàng trai xứ Quảng ra Thủ đô tìm cách lập thân.

Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, bà theo chồng tản cư lên chiến khu Việt Bắc. Vốn xuất thân "cành vàng lá ngọc", thời gian đầu bà thật vất vả để thích nghi với cuộc sống thiếu thốn, gian khổ. Vốn có thói quen hễ đi ra đường là phải mặc áo dài, những ngày mới đi kháng chiến dù phải đi bộ, trèo đèo, lội suối, bà vẫn không chịu mặc áo sơ mi, cứ nhất định phải mặc áo dài rồi sau đó lại buộc túm hai vạt lên cho gọn. Thế mà chỉ một thời gian ngắn sau đó, bà đã trở thành một người phụ nữ lao động, chịu đựng lam lũ vất vả, tần tảo một nắng hai sương để nuôi con.

Năm 1948, bà sinh con trai đầu lòng Lưu Quang Vũ tại Phú Thọ. Khi con mới được mấy tháng, ông Lưu Quang Thuận, lúc đó đang là Giám đốc Nhà in Quốc gia (Ấn thư cục) đã nhập ngũ, hoạt động trong Đoàn kịch Chiến Thắng, đi lưu động khắp nơi. Sau mỗi đợt công tác, mỗi mùa chiến dịch, ông mới có dịp ghé qua nhà thăm vợ con. Một mình bà chèo chống nuôi 3 con nhỏ. Hình ảnh bà trong những ngày kháng chiến gian khổ được ghi lại thật ấn tượng trong thơ Lưu Quang Vũ: Vỡ đồi hoang mẹ trồng sắn trồng ngô/ Con lớn trong nỗi nhọc nhằn của mẹ/ Trong cánh tay xóm làng bồng bế/ Trong tiếng hò tha thiết vọng trên nương/ Mẹ ơi thương mẹ nhiều mưa nắng/ Những năm dài khoai sắn nuôi con.

Suốt cuộc đời mình, bà đã hy sinh tất cả vì chồng con, chẳng nề hà một điều gì để vun đắp cho mái ấm của gia đình. Cách đây vài năm, trong chương trình Điểm tựa của tài năng - một chương trình rất có ý nghĩa, nhằm tôn vinh những người vợ, người mẹ của các nhân tài trong nhiều lĩnh vực, do Nhà văn hóa Lao động và Báo Phụ nữ TP Hồ Chí Minh thực hiện, những câu chuyện kể của bà Vũ Thị Khánh về chồng con mình đã khiến nhiều người xúc động rơi nước mắt.

Người phụ nữ bình thường, giản dị ấy đã thực sự là điểm tựa về nhiều mặt cho chồng, con trai, con dâu mình đạt tới những đỉnh cao trong sáng tạo nghệ thuật. Giải thưởng Nhà nước về VHNT của nhà viết kịch Lưu Quang Thuận và nhà thơ Xuân Quỳnh, Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT của nhà thơ - nhà viết kịch Lưu Quang Vũ có phần đóng góp rất lớn của bà. Trong bài thơ Mẹ của anh, Xuân Quỳnh đã dành cho bà những câu thơ rất xúc động: Phải đâu mẹ của riêng anh/ Mẹ là mẹ của chúng mình đấy thôi/ Mẹ tuy không đẻ không nuôi/ Mà em ơn mẹ suốt đời chưa xong.
 

"Anh đi còn đó rau Tần/Tiếng thương hạc gọi trên đầm lẻ đôi"

Ông bà Trần Huyền Trân và con gái, Việt Bắc năm 1950.

Ngày nhà thơ Trần Huyền Trân qua đời, vợ ông - bà Hạc Đính đã làm bài thơ Khóc chồng. Sau hai câu mở đầu ở trên là những dòng thơ thấm đẫm tình yêu thương, nhớ tiếc: Đêm đêm xa gửi mây trời/ Đinh ninh trân trọng lời lời anh trao/ Anh đi trăm núi ngàn đèo/ Ngàn sương nội khói sớm chiều em thương. Nhiều chục năm là người "nâng khăn sửa túi" cho thi sĩ, bà Hạc Đính cũng đã ảnh hưởng được ở ông một giọng thơ trữ tình hoài cổ, đầy khí phách.

Bà Hạc Đính tên thật là Bùi Thị Đĩnh, sinh ra và lớn lên tại Hà Nội. Bà là con gái yêu của cụ Nam Hương Bùi Huy Cường - một nhà thơ ngụ ngôn nổi tiếng đất Hà Thành thời Pháp thuộc. Là một cô gái tài sắc vẹn toàn lại khá tân tiến, từ thời trước cách mạng, vượt qua những quan niệm phong kiến lạc hậu, bà đã bước lên sân khấu, thủ vai chính trong những vở kịch như Lệ Chi Viên (Vi Huyền Đắc), Nửa chừng xuân (Mạnh Phú Tư).

Cách mạng Tháng Tám thành công, Trần Huyền Trân phụ trách Ban kịch Tháng Tám. Ông cùng Thâm Tâm viết vở kịch 19-8. Bà được mời đóng vai nữ chính của vở. Gần gũi nhau trong công việc, bà bị nhà thơ Trần Huyền Trân "hút hồn" và mau chóng trở thành vợ của ông. Cưới nhau được nửa năm, vợ chồng bà cùng đoàn kịch đi theo kháng chiến. 9 năm gian khổ ở Việt Bắc, bà Hạc Đính trồng khoai, trồng sắn, đánh vật với mưa rừng gió núi, với bom rơi đạn nổ... để nuôi nấng con cái, làm yên lòng chồng đi công tác biền biệt.

Hòa bình trở về Hà Nội, bà lại được quay lại với ánh đèn sân khấu. Tham gia các vở kịch như Giờ quyết định (Nguyễn Bắc), Cái máy chém (Trúc Đường), Lam Sơn tụ nghĩa (Nguyễn Xuân Trâm).

Gia đình bà sống trong căn nhà lợp toàn bằng tre nứa trong một ngõ nhỏ phía sau nhà thờ Nam Đồng. Cuộc sống nghèo, nhưng đầm ấm và hạnh phúc. Nhưng rồi tai họa liên tiếp ập đến, ngôi nhà của bà bị lửa thiêu cháy rụi. Con gái bị tai nạn mất khi đang du học ở nước ngoài. Gia cảnh nghèo lại càng thêm khốn khó. Những năm cuối đời, nhà thơ Trần Huyền Trân lại mắc bệnh hiểm nghèo. Ông nằm tiều tụy nhỏ thó trên giường bệnh, nhưng đôi mắt tinh anh sắc sảo vẫn dành cho bà ánh nhìn chan chứa yêu thương và thấm đẫm lòng biết ơn sâu nặng.

Suốt đời mình bà đã gánh đỡ cùng ông những kiếp nạn của một đời nghệ sĩ tài hoa và bất hạnh. Không chỉ tôn trọng công việc mà bà còn tôn trọng sự tự do và những niềm đam mê khác của ông. Thi sĩ vốn nổi tiếng là người đào hoa, đa tình. Tác giả của nhiều câu thơ tình tứ, đẹp đến nao lòng: Xa nhau gió ít lạnh nhiều/ Lửa khuya tàn chậm mưa chiều đổ nhanh; Người ơi sênh phách hay hồn đấy/ Tay yếu gieo lòng xuống chiếu hoa. Những năm chung sống, biết được những "án tích" của chồng, bà cho qua hết. Nhất là từ sau năm 1954, ông chuyển hẳn sang hoạt động sân khấu, môi trường làm việc toàn với các diễn viên trẻ đẹp. Bà suy nghĩ rất thoáng rằng đã là nghệ sĩ mà không lãng mạn bay bổng thì lấy đâu ra cảm hứng sáng tạo.

Ông cũng từng có lần "thú nhận": Đàn ông năm bảy lá gan/ Lá ở cùng vợ lá toan cùng người. Biết vậy nên đôi khi có "nhân chứng vật chứng" trong thơ cũng như trong đời ông bà đều "đại xá". Hơn ai hết bà hiểu rằng, dù có những lúc xao lòng nào đó thì cuối cùng bao giờ ông cũng hướng về bà - "Vợ cái con cột", người đã yêu thương, tận tụy một đời vì ông.

Lưu Khánh Thơ
(Theo VNCA)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 321
  • Khách viếng thăm: 313
  • Máy chủ tìm kiếm: 8
  • Hôm nay: 30791
  • Tháng hiện tại: 1253468
  • Tổng lượt truy cập: 63482436