Ông Hai Khôi

Đăng lúc: Thứ hai - 30/10/2023 15:47

(Tác phẩm vào vòng xếp giải Cuộc thi Truyện ngắn khu vực ĐBSCL năm 2023)

"Ông Hai Khôi quẫy nước kìa bà con ơiiii!!!!!". Tiếng ai đó thất thanh la lên giữa màn đêm tịch mịch. Thằng Ếch bỏ dở chén cháo đêm chạy nhanh ra ngã ba sông Vàm Nao. Nó chạy như bay trên đôi chân chưa kịp mang dép. Cái lều nó cách bờ sông chừng năm chục mét là cùng. Lòng bàn chân dày cộm vết chai của nó dẫm phải cục đá nào đó nhọn hoắc. Nó kệ bà. Ra sớm chừng nào có lợi chừng đó.

Ngã ba sông Vàm Nao to tổ bố. Dưới ánh trăng sáng vằng vặc chỉ thấy tầng tầng lớp lớp sóng nhấp nhô loáng thoáng, long lanh lúng lính. Nhìn chéo từ bên đây qua bên kia ngã ba sông, chắc phải gần một cây số, cây cối đen thùi phất phơ dưới vòm trời rộng không sao. Mây tỏa tám hướng, bảng lảng ôm ông trăng vàng ngà trên đầu. Hai bên bờ tả hữu ngạn mà thằng Ếch có thể nhìn thấy được, là hàng hai ba chục đóm đèn vàng chói người ta ra coi. Thằng Ếch chặc lưỡi:                

- Má, biết Ổng quẫy ở đâu trời?! 

Ngã ba sông Vàm Nao, mấy ông già xưa vẫn gọi tên sách là Hồi Oa, nghĩa là vòng xoáy nước, từ hồi nảo hồi nao đã là huyền thoại.

"Núi Sập sấm rền vang tiếng muỗi, 

Vàm Nao nước chảy đứt đuôi xà."

Câu thơ trên của ông Thủ Khoa Nghĩa, thằng Ếch từ lâu đã thuộc nằm lòng. Địa hình địa danh vùng này nó cũng nhừ như cháo rồi. Cái ngã ba này hồi xửa hồi xưa thời ông Bành Tổ là đường voi rừng nó đi. Đi riết thành lạch. Nước bên sông Tiền đổ qua sông Hậu, dần dà nối liền thành cửa sông bự chà bá. Nếu mà ví sông Tiền sông Hậu là hai con rồng bự nhứt trong Cửu Long, thì Vàm Nao là đứa con hung dữ nhứt của hai con long đó. Nước ở đâu chảy một dòng chứ sông này lâu lâu nó cứ đổi dòng hoài. Rồi thêm xoáy nước. Xưa lúc còn lũ bên Campuchia đổ qua, nước ngay giữa sông nó chảy vòng cầu nghe ục ục. Hồi đó ghe xuồng còn mong manh, đi qua đây dễ gặp bà Thủy lắm. Lâu lâu nửa đêm nghe tiếng than khóc ngoài sông vọng vô hoài. Thêm nạn hút cát, Vàm Nao nó thêm cái tật sạt lở. Nghĩ lại rừng thiêng nước độc ở đây chứ đâu nữa? 

Cái sông này rộng và sâu kinh khủng. Thằng Ếch nổi danh là lặn giỏi. Mấy bữa nước ròng, chỉ cần đang trong trạng thái sung sức và chuẩn bị đủ đồ nghề là nó có thể lặn tới đáy sông luôn. Nó đếm chừng mười bốn mười lăm sải tay. Nó lặn tài tới nỗi là bà con kêu nó bằng cái tên Yết Kiêu, hay đúng ra là Ếch Kêu. Nó hay nổ với vợ nó, con Hương, là xóm này nó đứng thứ hai không ai dám xưng thứ nhứt.

Gia đình nó làm ngư dân lâu đời trên Biển Hồ Campuchia, chạy Pol Pot về đây không nhớ bao nhiêu năm. Từ đời ông cóc nó trở xuống ai cũng là tay lặn máu mặt. 

Xưa lúc còn hoang sơ, đất Vàm Nao này làm ăn được dữ lắm. Hồi đó cơ man là cá. Cá lạc đường từ cửa biển dạt về đây, rồi mắc kẹt ở lòng sông đầy hang hốc này. Hồi đó, bắt dính cá đuối, cá tra dầu, cá nược là bình thường. Có khi còn có cá mập, cá sấu. Có chỗ nào mà vừa cá mập vừa có cá sấu như ở đây không? Chuyện tới mùa cá bông lau, ngư dân sắm nhà mua đất là như cơm bữa. Rồi chuyện Ông Năm Chèo:

"Con sông nước chảy vòng cầu, 

Ngày sau có việc thảm sầu thiết tha. 

Chừng ấy nổi dậy phong ba,

Có con nghiệt thú nuốt người mà hung."

Chuyện con cá sấu chúa khổng lồ dưới đáy sông, hơn ba chục năm bơi lặn thằng Ếch Kêu chưa một lần thấy ổng. Chắc là chuyện cổ tích. Duy nhứt, điều nó chính mắt nhìn thấy là ông cá hô. 

Cá hô, ba nó nói là vua không ngai của Vàm Nao. Lúc đó, thời nó còn chưa biết tự lau nước mũi, ông nội nó bắt dính cá hô một lần. Lúc đó bà nội bịnh nặng, nhà hết tiền, ông nội ra thắp nhang khấn tổ tiên phù hộ bắt được cá hô có tiền chữa bịnh cho bả. Tối ra giăng lưới thì dính. Năm cha đàn ông lực lưỡng mới kéo nổi ổng lên. Ông cá hô hơn một trăm ký lô, dài hơn một mét rưỡi. Mấy ông vua này người ta đồn thổi quá trời, nhiều bận nó nghe bàn nhậu kế bên kể chuyện mà nó cười khẩy. Nào là ngày xưa thợ lặn xuống nước thấy mắt ổng to sáng như cái bóng đèn xe hơi. Nào là ổng nuốt người cái một như Ông Năm Chèo. Nào là ổng ủi tàu bè một cái là lật úp. Dóc hết! Ông vua Vàm Nao ăn chay mấy ba ơi. Bơi chậm rì rì, lủi lủi vô mấy hốc sình dưới đáy. Cao nhân người ta ẩn mình, có đâu hùng hùng hổ hổ như Trương Phi vậy mấy ba?! Ông cá hô thiệt y chang cá chép, không có râu, nhân kích cỡ mười lần lên. 

Thời đó ông nội nó bán ông cá hô được mười lăm cây vàng. Ông nội nó nổi tiếng như cồn, giàu sụ lên trong một đêm. Phải mà ổng đừng sa vào cờ bạc rượu chè thì bây giờ thằng Ếch Kêu nhịp đùi hút thuốc rồi, có đâu đêm hôm khuya khoắt ra chầu chực?  Người ta nói bắt dính ông cá hô xong là phải bỏ nghề luôn, không thì ổng quở cho tán gia gia bại sản. Không biết đúng không mà nhà nó giờ chỉ còn mấy miếng vảy cá bự bằng cái dĩa trưng tủ cho đẹp. 

 

Thằng Ếch Kêu nhớ lại thời nó bỏ học, nhà suy quá nên nó học chài cá theo ông già. Mần ăn cũng được, sống lay lắt không thiếu ăn, nhưng dư dả thì không có. Bây giờ có còn ai đánh cá  được như hồi xưa đâu. Ngư dân nghèo thấy bà. Nó ước ao một lần nữa, nó sẽ như ông nội, đánh bại ông Cá Hô để đưa gia đình trở lại thời hoàng kim. Lặn mấy chục năm, tóc muối tiêu luôn rồi, mà nó chưa bao giờ thấy ông Cá Hô nữa. Cho đến gần đây, nó nghe tiếng Ông Hai Khôi. 

- Ông Hai Khôi đâu mà mấy cha báo động giả? 

- Thằng nào xỉn trông gà hóa cuốc. 

- Mẹ nó, làm chạy muốn chết! 

Bà con nhao nhao xung quanh. Nó im re không nói, dò mắt khắp mặt sông. Nó vừa quan sát vừa khen thầm cha thầy giáo trên chợ đặt cái tên hay dữ. Ông Hai Khôi là tên thứ của ông Lê Văn Khôi, con nuôi ông Tả Quân Lê Văn Duyệt. Ổng khởi nghĩa, yếu thế qua Xiêm La cầu viện, kéo quân qua đánh với nhà Nguyễn, vua Minh Mạng, ngay trân cửa sông này. Bận đó nhà Nguyễn đại thắng, quân Xiêm La thua sát ván. Lê Văn Khôi vì bại trận mà tức quá đổ bệnh, qua đời ở thành Gia Định. Lấy tên ông nguyên soái vong mạng đặt tên cho con kình ngư Vàm Nao chẳng có sai. Lần đầu tiên người ta thấy ông Hai Khôi là ba năm trước. Hai mùa thiên di, ổng bặt tăm. Tự nhiên năm nay ổng xuất hiện. 

Ông Hai Khôi xuất hiện ở đây cả tuần nay. Bữa đó, đêm trăng sáng nước ròng, giữa sông có tiếng quẫy nước cái đùng. Bà con nhìn ra không thấy ổng, nhưng sóng nước còn đó, tăm hơi còn đó. Tiếng đùng lớn như ai quăng cục đá cả trăm ký ra giữa mặt sông. Chấn động hết trơn.  Mấy ông già xưa trong xóm nói cá hô chui rúc trong sình, bị đỉa vắt nó bám vô mang, ngứa quá nên quẫy nước cho đỉa văng ra. Dân tình người ta nghe cá hô lớn xuất hiện trở lại, ì ì kéo nhau tới coi cho thỏa trí tò mò. Còn cánh ngư dân Vàm Nao như thằng Ếch Kêu thì trong lòng khấp khởi. Thằng nào hên, bắt được ông Hai là đổi đời liền! 

Cá hô thì người ta nhân giống được rồi. Dù là cá tự nhiên còn trong sách đỏ, chứ cá nuôi người ta bán hà rầm. Cá nuôi bự đâu chừng mười lăm ký, ăn ngon ghê lắm. Ăn cá nuôi đã cái họng, nhưng với dân tài phiệt, cá hô tự nhiên nặng cả trăm ký mới là thượng phẩm. Càng cấm người ta càng ham, càng được giá. Đó cũng là lý do mà thằng Ếch Kêu dựng cái lều ngay bờ sông chờ cơ hội hạ bệ ông vua. 

Nó đan cái lưới cá bằng chỉ Thái Lan, dài gần một trăm thước, sâu mười thước. Mắt lưới bự bốn gang tay để cá nhỏ lọt qua, cá lớn ở lại. Mặt trên lưới thì gắn phao cho nổi, mặt dưới lưới thì gắn nguyên hàng khoen chì để rà xuống lòng sông. Sợi chỉ nào nấy trắng tinh trơn tuột, mướt rượt như tóc thiếu nữ, chủ yếu để không bị nước đánh rối. Kiểu lưới này gọi là lưới quàng, chuyên để bắt kình ngư. Vợ chồng nó đan lưới chai cả tay, tốn biết bao nhiêu tiền vay mượn. Vợ nó cằn nhằn, tiền để nuôi con, bắt cá thường cũng có đồng ra đồng vào, mắc cái giống gì phải săn cá vua? Vừa phạm pháp vừa nguy hiểm. Nó chửi con Hương mày ngu lắm. Tao dân lặn nổi tiếng vùng này, không bắt được cá hô thì ai mà nể tao nữa. Lúc tao bắt được, thành đại gia thì mày muốn con học trường nào mà chả được? Tiền lớn không kiếm, đi bắt ba cái con cá nhỏ biết nào thoát nghèo? 

Mỗi lần nó thử vận may, quăng lưới ngang hai bờ tả hữu ngạn, rồi uống nước mắm cho nóng người, nhảy ùm xuống sông giữa đêm rà soát là trong lều con Hương tim đập thình thịch. Nó sợ không thấy thằng Ếch Kêu ngoi đầu lên nữa.  Nó dấy thêm nỗi sợ vô lý là lỡ ông Hai Khôi nổi điên nhai đầu chồng nó, hoặc nhỡ thủy thần quở, níu chồng nó dưới đáy sông không cho lên thì sao? Nhứt phá sơn lâm, nhì đâm hà bá mà? Mỗi lần thằng Ếch đi lặn là nó ẵm con chạy ra, được mười phút thì bắt đầu mếu máo khóc bù lu bù loa. 

Đêm nay là đêm cuối cùng nước ròng. Thằng Ếch Kêu tính nhẩm, đoán chắc hết đêm nay là khó mà bắt được ông Hai Khôi. Mai là mực nước dâng cao, ông Hai sẽ đi ra biển mất tăm. Ổng hơn trăm ký, là phải trải qua hàng mấy chục cuộc thiên di, là cái đầu ổng đã cáo già chứa đầy sạn. Là ổng đã đánh bại hết thảy các tay sát cá khắp dọc bờ Mê Kông từ Campuchia xuống đây. Đêm nay, nhứt định nó sẽ tóm đầu ông vua, giữa lòng sông này. 

Nó quay vào lều ăn no, rồi chèo ghe ra giữa lòng Vàm Nao tối om om. Nó thuê tám thằng lính, chia làm hai ghe tiến ra khơi. Thêm người thêm sức. Nó chớm thấy xa xa bóng đèn của mấy ghe khác, sáng trưng mấy góc sông, y chang cảnh bắt cá mực ngoài Kiên Giang. Lâu lâu nghe cái chủm tiếng người ta nhảy xuống rà lưới. Mẹ bà. Nó càng nôn nao hơn, hối đám lính hùng hục quăng cái lưới cá khổng lồ. Hai chiếc ghe căng cái lưới ngang mặt sông, di chuyển hớt ngang dòng chảy. Vậy đó, đảo đi đảo lại mấy chục bận, cái lưới vẫn trống không, nhẹ te. Nó điên tiết, chửi rủa tụi tính càng thậm tệ. Có mấy thằng lính nản chí đòi về, nó chỉ tay vô bờ, chỗ vợ nó đứng, kêu mày muốn về thì tự bơi vô. Cuối cùng, mấy anh còn non nghề không ai dám nhảy xuống Vàm Nao giờ này. Thằng Ếch Kêu càng lúc càng hết kiên nhẫn khi mỗi lần nghe tiếng ghe khác dô ta hai ba kéo lưới. Nó đoán chắc tụi kia chỉ kéo cầu may chứ dễ gì mà bắt được. Bày đặt nhảy xuống rà lưới, chớ có ai dám lặn xuống quá năm mét để kiểm tra ở đáy sông đâu?

 Thằng Ếch Kêu đẩy thằng lính qua một bên, cởi cái áo thun, nhét cục cao su vô lỗ tai để tránh thủng màng nhĩ. Nó cột cục tạ xi măng tự chế vào bụng, rồi hít một hơi sâu, nhảy tùm xuống nước. Miệng nó ngậm ống thở nối với cái máy oxy chạy ì ì trên ghe. Nó lặn một hơi ước chừng năm bảy mét, liếc lên thấy đèn trên ghe xung quanh phản chiếu lóng lánh lan tỏa. Nó thấy lờ mờ dòng chảy bên dưới. Nhắm mắt chừng mấy giây cho quen dần bóng tối, vừa nhắm nó vừa lặn sâu. Cảm thấy cái lạnh xâm lấn vào da thịt dần dần, biết là càng gần đáy sông, nó càng ráng. Lỗ tai nó hơi nghe răng rắc vì áp suất. Lặn quen lâu năm, phổi nó khỏe, da nó dày, sức nó dẻo dai. Chắc vùng này chỉ có nó gan cỡ này, lặn giỏi cỡ này. Nước sông Vàm Nao ban đêm lạnh cắt da cắt thịt. Lạnh thấu vô trong nghe nhức cả xương. Càng sâu, áp suất đè lên người nó càng dữ. Quơ tay một cái cũng tốn biết bao nhiêu là sức lực.

Nó rà rà tay dọc các mắt lưới, vái trời cho rờ trúng lớp vảy của ông cá Hô. Nhưng làm gì mà dễ vậy được? Tay nó vừa chạm vào đáy là nó đảo người đặt hai chân lên lòng sông. Lòng sông bị nước lèn chặt, phẳng lỳ cưng cứng chứ không có bùn sình như khúc gần bờ. Nó gỡ cục tạ, ráng giữ độ sâu bằng cách đập tay, rà chân lên cái nền lạnh băng. Mẹ cha! Đi mò ông Hai Khôi kiểu này là hên xui rồi! Tối đen như mực. Cho dù có tìm được ngay hang ổng, nó cũng chưa chắc ôm nổi ổng chứ đừng nói là bắt. Trong đầu nó nảy ra kế hoạch là phá cho ổng chui khỏi sình, bơi lên cao, rồi nó tức tốc lội lên ghe kéo lưới nguyên khu. Thế nào cũng phải dính! 

Nó dò một hồi thì mệt quá, đành quay lên. Phổi nó căng hết cỡ vì công suất cái máy oxy bơm không đủ. Thằng Ếch Kêu vừa ngóc đầu khỏi mặt nước, chớm thấy thằng lính đang hút thuốc, nó thèm ngang nhưng ráng nhịn. Nó để dành cái phổi thiệt khỏe để lặn nữa. Mấy phút sau, nó lại ôm cục tạ khác dìm mình xuống lòng sông. Trên bờ vợ nó kêu khản cổ "Dìa thôi chồng ơi! Bỏ đi chồng ơi!!! " Tai nó lùng bùng khi xuống sâu, tiếng con Hương tan vào sóng nước mênh mông. Thằng Ếch Kêu chìm vào khoảng tối đen Vàm Nao.  

Lần thứ ba lặn xuống tự nhiên nó nghe tim mình đập bình bịch. Tay nó không chạm vào lòng sông nữa. Nó chạm vào cái gì lạnh ngắt, đàn hồi. Nó nghe như luồng điện chạy dọc thân khi cảm nhận vật thể ở tay nó cử động. Trúng số rồi!

Ông vua Vàm Nao cựa mình, sức mạnh bạt sơn đảo hải. Một cái quẫy đuôi nhẹ của ông Hai vô tình cuốn luồng nước xung quanh ổng thành dòng. Sóng lớn ở đáy sông! Thằng Ếch Kêu văng đi gọn hơ như con phù du. Nó điên cuồng giữ vững trọng tâm, đè hết sự kích động của trái tim, dồn máu nóng lên não, tập trung hết dạ cho động tác tiếp theo: ôm chặt ông Hai Khôi. 

Châu chấu đá xe! Nó chưa kịp vòng tay qua thân ổng là đã bị hất xa ra lần nữa. Thằng Ếch Kêu nào phải tay mơ! Nó nhanh trí găm mười ngón chân xuống sình như cái cuốc. Sau đó, nó nhận ra cái ống thở ngậm trong miệng nãy giờ vuột đi đâu mất tiêu sau cú va chạm. Nó quờ tay kiếm cái ống màu vàng, nhưng vô vọng. Dưới này đôi mắt nó kể như vứt đi! Thấy mẹ rồi! Tai trái nó nghe cái “bụp”, rồi đau như ai lấy đinh đóng vô. Cục cao su trong tai đã văng ra, màng nhĩ nó thủng rồi! Trong đầu nó ù ù như ngồi trước quạt máy. Càng trong bóng tối lâu, nó càng mất phương hướng và càng cảm thấy sợ hãi. Nó cố gắng bình tĩnh, gần bắt được rồi Ếch ơi, mày phải bình tĩnh! Nó dùng tham vọng gạt hết mọi cảm giác khác. Nó phải làm được!

Thằng Ếch Kêu định thần rồi trờ tới chực ôm khóa ông Hai. Sao mà được? Người mà đấu với cá dưới đáy sông? Rừng nào cọp nấy chớ? Nó chụp vào khoảng không. Phổi nó bắt đầu nóng rát, đầu nó ong lên vì thiếu oxy. Nó chưa tính được chuyện hoạt động mạnh nó ảnh hưởng đến khả năng nín thở. Nó đành quay đầu lên mặt sông quăng lưới. Lần này ông vua có chạy đằng trời! 

Nó dợm người bơi lên, được vài mét nó găm trúng cái gì đau điếng. Thằng Ếch Kêu cảm thấy máu ở bắp tay phun ra hòa vào dòng phù sa òng ọc. Nó giật mạnh cái tay, vết thương cứa sâu hơn. Mẹ nó, cái đách gì vậy trời. Nó quơ tay rờ, thấy nguyên sợi dây vướng lòng vòng. Thằng nào chơi nguyên sợi dây câu quấn bằng ba bốn sợi nhỏ! Cái lưỡi câu gắn đầy móc bự chảng nguyên chùm đang ghim thẳng vô tay nó. Phải mà đang ở trên bờ là nó thoát dễ dàng rồi. Đau quá mạng. Nó hoảng loạn cực độ, giật mạnh cái tay trong cơn sợ hãi và sự thiếu oxy đang kéo ào ào tới như lũ quét. Mắt nó dù đang nhắm cũng thấy đom đóm xanh xanh đỏ đỏ bay trước mặt. Người nó cứ bê bê không định thân vì tiền đình đang chống đối. Nó vùng vằng một hồi cuối cùng thoát ra được cái lưỡi câu! Nó biết có một cục da thịt ở tay nó đã nằm lại ở cái lưỡi câu chó chết. 

Nén cơn đau, thằng Ếch Kêu vùng người đạp mạnh cặp giò rắn chắc. Bỏ mẹ chuyến này rồi, chân trái nó lại mắc vô cái gì như là cái lưới. Cái lưới quàng của chính tay vợ chồng nó đan đây mà! Cái lưới bằng dây chỉ Thái Lan - Xiêm La! Dăm ba cái quân Xiêm La mà đòi đánh úp hùng thiêng xứ Bảy Núi? Thằng Ếch Kêu bung ra tiếng thét tuyệt vọng.  Tiếng thét nào? Trong lòng sông Vàm Nao không có thứ âm thanh nào phát ra được. Chỉ có tiếng ọc ọc của nước chảy vô phổi nó qua đường lỗ mũi. Mày chết chắc rồi, thằng oắt con! 

Trong đầu nó chớp ngang hình ảnh con Hương bồng con trên bờ. Chớp ngang hình ảnh ông nội nó ôm con cá hô vừa cười vừa khóc. Chớp ngang hình ảnh ba má nó ngồi trước căn nhà sàn dột nát chắp vá. Chớp ngang hình ảnh ông cá hô. 

Ông cá hô. Ông Hai Khôi. Con cá hơn trăm ký, dài như thằng đàn ông vạm vỡ. Con cá đó vừa quật mạnh lần nữa trúng nó. Nó nghe như xương sườn mình gãy đôi. Nó điếng hồn trở lại thực tại. Trước khi chìm dần, thằng Ếch Kêu thấy chân mình đã thoát ra từ cái lưới tự lúc nào. 

Tự nhiên khát khao được sống của nó trỗi dậy. Nó bơi như điên như dại trong vô thức. Bơi giữa dòng chảy xoáy ốc của Vàm Nao. Bơi giữa khoảng không đen thui thùi lùi. Tới khi nó thấy ánh đèn trên ghe loang loáng là nó muốn lịm dần. Nó mất ý thức khi vừa nghe được đám lính la lối ỏm tỏi rồi văng vẳng đâu đó tiếng vợ nó gào lên, tan ngay trong tiếng sóng... 

Vàm Nao cuốn tròn đổ sụp. Ông Hai Khôi tan vào hư không... 

Một, 

Rồi hai, 

Rồi ba, 

... 

Rồi mười mấy mùa nước ròng sau đó. Vàm Nao vẫn cuồn cuộn xoáy. Trăng hạ huyền vẫn sáng vằng vặc. Có lão già tóc bạc đi dọc hai bờ sông, nhìn xuống mặt nước xâm xấp ánh trăng lấp loáng. Lão chờ nghe động, chờ ông Hai Khôi trở lại. Tay lão có cái sẹo to như cái chén, yếu xìu vì tét mất bó cơ. Lão muốn gặp ông Hai Khôi, không phải để bắt ông, để đổi đời, mà lão chỉ muốn quỳ sụp lạy ông ra ơn cứu lão bữa đó. Lâu lâu, người ta lại thấy cha già điên đó quỳ lạy mặt sông lia lịa. Hễ ai chèo ghe ra sông ban đêm, lại nghe cha già gào thét trên bờ: "Thằng nào bắt cá hô tao báo công an!!!".  

Nghe đâu con trai cha già điên đó bỏ sông trôi về thành phố. Nghe đâu nó học thủy sản. Nghe đâu nó nhân giống cá hô nổi tiếng. Nghe đâu nó ăn nên làm ra, xây cho lão cái nhà đàng hoàng...  Nghe đâu, nhiều năm sau đó người ta vẫn hát câu ca dao:

"Ở trên Châu Đốc ngó xuống Vàm Nao

Thấy con cá đao nó nhảy nhào vô lưới

Anh ngồi chắc lưỡi

Không biết khi nào mới cưới đặng em"./.

MÃ SỐ 16
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 389
  • Khách viếng thăm: 382
  • Máy chủ tìm kiếm: 7
  • Hôm nay: 61082
  • Tháng hiện tại: 1098705
  • Tổng lượt truy cập: 63327673