(Tác phẩm vào vòng xếp giải Cuộc thi Truyện ngắn khu vực ĐBSCL năm 2023)
Chị Sáu múc cơm và đồ ăn vô đầy cái cà-mèn rồi sai con Dương với thằng Út mang ra cho ba nó đang ở ngoài đồng. Ruộng dưa hấu còn khoảng chưa đầy một tuần sẽ thu hoạch.
Nhưng độ rày mưa gió thất thường nên chồng chị Sáu phải túc trực bám trại giữ rẫy. Trời đã ngã bóng nhưng nắng vẫn còn gắt. Đứng ở sau hè nhìn ra thấy dáng hai đứa nhỏ liêu xiêu trên bờ đê, lọt thỏm giữa bãi hoang, bụi sậy, khuất dần sau rặng cây trâm bầu chị mới an tâm quay vô nhà để may vá cho xong mấy bộ quần áo còn đang dang dở.
Anh Sáu tay run run, trật vuột mấy lần mới mở được nắp cà-mèn. Chợt nhớ ra một chuyện nên quay sang tụi nhỏ nói: Giờ này còn sớm, hai chị em con tranh thủ ra ngoài lung, chặt mấy nhánh cây khô lấy củi. Trời sắp mưa tới nơi rồi. Tụi nó đứng lên, mặt hí hửng, đồng thanh “dạ” lên một tiếng to. Con Dương đầu đội nón lá to đùng, tay cầm cái rựa xung phong đi trước. Thằng Út đội cái nón vải xụ vành, chi chít hình bông hoa xen lẫn trái tim hồng cũng lẽo đẽo theo sau. Nhìn thấy cảnh đó, anh Sáu nuốt cơm không trôi, nước mắt rưng rưng. Lòng anh thầm nguyện trời đất mong rằng vụ này trúng mùa, đắt giá sẽ không để cho vợ con cực khổ nữa. Lo nghĩ chi sâu xa, cầu cho vài ngày tới ông trời đừng đổ mưa to. Trồng dưa hấu mùa nghịch khó lắm, nắng không ưa, mưa không chịu. Phải thương yêu chiều chuộng tụi dưa như chiều người yêu có tánh tình đỏng đảnh, tiểu thơ.
Chuyện gì chứ chuyện chiều người yêu thì anh Sáu làm được. Chị Sáu quê xa tận miệt biển mặn Bến Tre, mỗi mùa thu hoạch lúa theo đoàn gặt về xứ Tháp Mười phèn chua cắt lúa rồi gặp anh. Người ta thì ra đồng dầm mưa đội nắng, khom lưng, chổng mông hì hục cắt lúa vác thóc, còn chị Sáu được anh người yêu bao đứt ở trong chòi hay dưới chiếc ghe có mái che. Chủ yếu lo việc nấu nướng, làm mấy chuyện lặt vặt. Vậy mà sau mùa gặt, ghe chị Sáu vẫn đầy ắp lúa để chở về quê nhà. Sau ngày cưới, anh Sáu không cho vợ làm động móng tay. Chả nhẽ ngồi không mãi sau đành khi thấy chồng mình ngày đêm hì hục với đám ruộng, nên chị Sáu thủ thỉ với chồng đòi mua một dàn máy may để may đồ. Cái nghề mà chị yêu thích từ nhỏ. Anh Sáu không ngần ngại bán cả trăm giạ lúa để đáp ứng nguyện vọng của vợ yêu.
Con Dương tay cầm cái dao để chặt củi, nhưng miệng mồm lại lép nhép liên tục. Nó nói nghề nông ai cũng cực. Sau này nghề của tao sẽ không lam lũ như ba, vất vả như má, ngồi muốn mục xương mới may được bộ đồ, tiền công chỉ có vài chục ngàn. Nhưng việc gì thì chị của mày chưa có nghĩ ra.
- Còn em chỉ ước mơ mình trở thành ca sỹ đứng trên sân khấu, đem lời ca tiếng hát đến với mọi người.
- Ca sỹ nghèo thấy mụ nội. Trăm nghìn người chỉ vài người nổi tiếng như Minh Vương, Lệ Thủy, nhưng cũng chỉ một thời. Má đi coi bói, ông thầy nói là sau này tao giàu có dữ lắm. Đến chừng đó mày nghèo, mày đội cái nón lá lụp xụp, cầm cái giỏ rách đến gõ cửa xin tiền của tao. Em nói là em khoái làm ca sỹ. Vậy bây giờ em hát một bài xem sao.
Tay thì bẻ mấy cành củi khô, thằng Út nhắm mắt lại, hít sâu vào lồng ngực lấy hơi định vô câu vọng cổ trong bản Võ Đông Sơ, Bạch Thu Hà: Trời ơi… bởi sa cơ giữa chiến trường đành thọ tiễn…mà ba nó với mấy chú bác khi nhậu sắp tàn cuộc hay lấy đũa gõ chén, đập xuống sàn tre mà hát. Nhưng nó bỗng nghe một cái bụp, cánh tay đau buốt tê tái, nhìn xuống thấy máu phún ra. Với phản xạ tự nhiên, thằng Út nấc lên thành tiếng thét kéo dài: Trời ơi…ơ…i…chết em rồi chị Hai ơi…ơ…i… Hoá ra con Dương vừa thả hồn nghe hát, nhưng vẫn cầm cái dao mà chặt củi. Rồi vô tình chém một phát thật mạnh nhằm vô bàn tay của đứa em mình. Nó hoảng sợ, lúng túng không biết phải làm gì. Miệng ú ớ không thể kêu ai cứu giúp được khi thấy máu chảy thành dòng, nhỏ từng giọt xuống đống củi khô, loang ra ngọn cỏ, cành hoang, nhuốm đỏ mặt đất quê. Con Dương thấy khiếp quá, lấy hai tay bụm kín mặt. Thằng Út lúc đầu hơi bị choáng, rồi nó kịp bình tĩnh lấy tay siết chặt vết thương. Lúc này mà có cục thuốc rê hay đọt chuối non cầm máu là hết sảy. Thằng Út liếc thấy bụi cỏ mực to đùng mọc ở sau đít chị của nó, nên kêu ngắt một nắm đọt non nhai nhuyễn, rồi đắp vào chỗ bị đứt. Chỉ vài giây sau thì máu ngừng chảy. Nó lấy cái nón đang đội trên đầu bó kín vết thương, bứt mấy dây cỏ đang bò đầy dưới đất buộc chặt lại.
Ở trong ruộng dưa, anh Sáu nghe tiếng la trời thật lớn và kéo dài là biết hai đứa con của mình đã gặp chuyện chẳng lành. Anh quăng cái len, bỏ dở công việc vét mấy đường rãnh thoát nước mà chạy thục mạng ra ngoài lung. Từ xa anh Sáu đã thấy dáng khập khểnh của hai đứa nhỏ đang dìu nhau đi trên bờ đê. Đến gần, nhìn thấy vết băng bó to đùng trên cánh tay thằng Út thì đã rõ cớ sự. Anh sốc nó cõng trên lưng, con Dương tay cầm rựa, tay cầm nón lá chạy lẽo đẽo theo sau. Bóng chiều đanh sắc đỏ sà xuống đẩy bóng ba cha con thằng Út xiêu vẹo, ngã dài trên ruộng lúa, rẫy dưa, chập choạng theo những bước chân vội vã. Xa xa có tiếng người inh ỏi gọi nhau, nghe chừng gấp gáp, vội vàng, khiến cho bầy chim đang bay về tổ trên bầu chiều cũng ngập ngừng đôi cánh. Tội cho mấy cành củi khô nhuộm tràn những giọt máu rơi của thằng Út vẫn còn nằm trơ vơ, ngỗn ngang dưới gốc tràm, bụi cây hoang. Chúng vẫn còn lăn lóc ở ruộng sâu, lung cạn, giữa cánh đồng mênh mông đầy nắng gió.
*
Anh Sáu cõng thằng Út mới tới sau hè bỗng thấy trời tối sầm. Chắc tại mấy ngày nay mãi lo chăm sóc đám dưa, ăn uống thất thường nên sức khỏe yếu, dẫn đến xây sẫm mặt mày. Gió từ phía sau lưng thổi bạt vạt khăn rằn vắt trên cổ anh Sáu. Chiếc nón lá vuột khỏi tầm tay con Dương bay vèo vèo như cánh diều vừa bị đứt dây, lượn mấy vòng lên không trung rồi rớt xuống mặt nước dưới đìa sen kêu nghe phành phạch. Anh Sáu chạy như bay rồi quăng thằng Út lên bộ ngựa gõ đặt dưới chái bếp sau hè, dặn dò với má con Dương: Em xem vết thương của nó, coi chừng bị nhiễm trùng nghen. Anh ra ngoài ruộng dưa. Nhớ là dù có bất cứ chuyện gì, cũng đừng kêu tụi nó đi ra ngoài đồng. Mưa gió bất thường kiểu này nguy hiểm lắm.
Đâu phải chỉ có nguy hiểm cho con người mà còn nguy hiểm cho mấy đám dưa hấu trồng mùa nghịch gặp những cơn mưa nghịch mùa. Nước ngập, rút không kịp, dây dưa đang tươi tốt sẽ bị sượng, héo vàng, mau tàn, còn trái dưa sẽ bị thúi úng, vỏ dưa không còn bóng loáng, xanh đậm, không ai thèm mua. Ở cái xứ này ai mà không biết mưa nghịch mùa giọt to và thường dai dẳng, có khi kèm mưa đá. Đang hừng hực nắng thì trời bỗng chớp nhoáng kéo mây, trút hàng trăm ngàn tấn nước xuống đất quê. Mưa như chưa hề có những cơn mưa. Mưa cho đã tức, để chứng tỏ cho người đời biết là ngoài nắng ra còn có mưa. Thiên nhiên đất trời mà cũng biết đố kị, ganh tị với nhau.
Gió thổi mạnh như giục, đẩy anh Sáu chạy nhanh ra với ruộng dưa. Mưa bắt đầu tuôn rơi, bờ đê trơn trợt, lầy lội sình bùn. Hai chân anh lỏng thỏng. Chiều đến giờ vẫn chưa có một hột cơm cho vô bụng nên cơ thể anh Sáu càng thêm bệ rã. Anh trượt chân té xuống ruộng nhưng cố lồm cồm bò dậy, gượng đứng lên chạy tiếp. Những hạt mưa nặng trịch từ trên cao bắn xuống xối xả. Giọt nước vừa mới chạm vào lớp da đã sạm nám, nhăn nheo của anh Sáu tức thì nó dãn ra đôi chút, nhưng sau đó đanh tái lại, co giật liên hồi. Anh Sáu ngước mặt lên trời, mắt trờn trợn, răng cắn chặt môi muốn bật cả máu, lấy hai bàn tay run run dính đầy đất quê mà chỉ thẳng lên ông trời. Miệng định chửi thành tiếng. Nhưng kịp dừng lại.
Những cơn mưa nghịch mùa, đang nắng chang chang bỗng kéo về thường kèm theo những trận sấm sét. Ánh sáng chớp nhoáng của chúng như những con dao khổng lồ chém loạn xạ vào bầu trời đêm ngấn lệ. Nghe tiếng nổ ì đoàng, anh Sáu vội rút tay lại, khúm người. Ông trời coi vậy mà linh ứng thiệt. Anh Sáu chợt tỉnh ngộ sau những tiếng sét đinh tai, nhức óc kia. Trước khi người khác đến cứu mình thì ta hãy tự cứu mình. Muốn trách người, trước tiên hãy trách mình. Muốn giữ lấy đất, muốn đổi đời hãy cứu lấy ruộng dưa.
Mưa ngoài trời lành lạnh, không làm xoa dịu được cơn sốt của thằng Út bởi vết đứt hồi chiều đang sưng tấy. Nó bắt đầu run lên bần bật. Miệng liên tục than nóng ở trên đầu nhưng lại cảm thấy lạnh ở bàn tay và dưới chân. Nó nói trong mê sảng, lung tung đủ thứ chuyện không ăn nhập gì với nhau: Chị Dương coi cái nón vải của em còn hông vậy. Chắc rớt mất tiêu rồi. Con Dương nghe vậy mới vội vã soi đèn đi tìm. Cầm cái nón dính đầy máu của thằng Út trên tay, nó mới cảm nhận được sự tỉ mỉ, công phu của mẹ mình. Chị Sáu tận dụng lại từ các loại vải vụn sau khi may đồ cho người ta để kết lại thành chiếc nón. Những miếng vải bé xíu được xếp thành hình trái tim màu đỏ hồng, bông hoa có hình ngũ giác, lục giác xanh vàng, tim tím trông cực kì đẹp mắt. Đến cái mền thằng Út đang đắp, tấm thảm trải bàn, nệm lót chân,… cũng ngập tràn những cánh hoa, trái tim thắm đỏ.
Má con Dương may đồ khéo và sắc sảo như vẻ đẹp hút hồn của chính chị, nên bà con chòm xóm trân quý, gọi bằng một cái tên thân mật: chị Sáu Thợ May. Chị lấy khăn nhúng nước ấm, chườm lên trán, lên ngực, nách của thằng Út. Chị đổi tay sang cho con Dương rồi vội vàng đi lấy tấm ni-lông làm màn che thêm các khe vách bị mưa tạt, gió lùa; lụi hụi lấy mấy cái thau hứng ở những chỗ dột. Chị lấy nùi giẻ lau khô những dòng nước tràn ngập vô nhà. Mưa vẫn nặng hạt. Nhìn ra hướng cánh đồng, chị Sáu chỉ thấy một màu thăm thẳm.
Hai hôm sau, trời chạng vạng, con Dương đang hái mớ lá mồng tơi ở hàng rào trước nhà để nấu canh, chị Sáu chụm lửa liu riu cái nồi cơm trên bếp mới chắt nước rồi vội vã lên nhà trên định may cho xong mấy bộ đồ còn dang dở. Chưa kịp đặt đít xuống dàn máy may thì có tiếng bước chân chạy thình thịch, tiếng người gọi gấp gáp:
- Chị Sáu với tụi nhỏ có nhà không, nhanh ra dìu đưa anh Sáu vô nhà nè:
- Trời ơi, sao chồng tôi lại như thế này.
- Ba ơi ba, ba có sao không ba.
Thằng Út cũng xúm lại mếu máo, lấy tay vuốt mặt, bóp chân ba nó, hỏi dồn dập. Hai ông bạn hàng xóm sau khi đặt anh Sáu ổn định lên bộ ngựa gõ nói:
- Đừng xúm lại đông quá làm ảnh mệt thêm. Hai đứa tui đi ngang miếng dưa thì thấy anh nằm gục trên cái máy bơm nước.
- Anh có sao không anh Sáu. Vợ anh nè.
- Không có gì đâu. Nghỉ một chút là khỏe . Hồi trưa, anh có uống vài ly với mấy ông coi kỹ thuật ghé vô trại nhà mình, bày cách cứu ruộng dưa nên mệt vậy mà.
Anh Sáu bỗng lên cơn ho. Ho sặc sụa. Một tay anh ôm bụng, tay bụm miệng cố kìm nén lại. Đợi cho hai vị ân nhân khuất dạng, anh mới cho ói tràn vô cái thau mà con Dương kịp thời mang đến. Mới liếc nhìn qua, nó run run kêu chị Sáu:
- Má ơi ba ói ra máu.
- Trời ơi anh Sáu, sao ói ra toàn máu tươi như thế này.
- Máu đâu mà máu. Hồi trưa anh nhậu bằng mồi lẫu dưa hấu nên có màu đỏ tươi đó. Thấy chưa.
Đêm đó anh Sáu buộc phải ngủ trong nhà. Trời khuya lạnh, anh lại liên tục ho dữ dội. Sau mỗi trận ho là anh ói trào vô cái thau đặt sẵn dưới sàn chõng. Chị Sáu lo lắng cho chồng, nên cũng không thể nào chợt mắt. Chị lấy đèn soi vô cái thau, rồi đau đớn la trời: Anh lại ói toàn máu tím đen không hà. Anh thấy sao, đi bệnh viện nghen chồng, người còn thì còn tất cả mà. Nghĩ đến đám dưa, nghĩ đến gia đình, anh Sáu nén nỗi đau thân thể, quên đi bản thân mình, tiếp tục xoa dịu, nói dối vợ: Có lần anh quay máy bơm để rút nước trong ruộng dưa, vô tình cái máy dầu nổ ngược. Tay quay đập vô ngực, anh né không kịp, nên bị tụ máu bầm. Bây giờ nó xổ ra. Ói sạch máu là hết bệnh chứ lo gì.
Đến chiều ngày hôm sau, không thấy chồng về ăn cơm, chị Sáu vô cùng lo lắng. Chị kéo hai tụi nhỏ cùng chạy như bay ra đồng. Không thấy bóng dáng anh đâu. Linh tính báo cho người đàn bà biết sẽ có chuyện chẳng lành sắp xảy ra. Lội bừa qua mấy luống dưa, đến giữa ruộng, chị Sáu phát hiện chồng mình nằm cứng đơ dưới đường nước, mắt trợn trắng ngước nhìn lên trời xanh, một tay cầm cán len, tay còn lại nắm chặt bụi dưa hấu. Chị ngất lịm. Đến khi tỉnh lại thì nghe văng vẳng bên tai tiếng chuông mõ kinh cầu, giữa nhà có đặt một cỗ quan tài, phía trước là di ảnh của anh Sáu.
Lúc thi hài của ba mình được bà con làng xóm khiêng ra khỏi ruộng đưa vô nhà, mới đi khoảng một đoạn ngắn, con Dương vừa lấy tay quệt nước mắt, vừa ngoái đầu nhìn lại đám dưa hấu lần cuối. Nó thấy những quả dưa nằm trơ trọi, lăn lóc bên cạnh những dây dưa đã héo hắt, quéo tàn. Có quả tự thân úng thúi, có quả bị chim cò, côn trùng đục khoét rơi vãi cả màu ruột đỏ ra ngoài. Nước của nó chảy ri rỉ, nhỏ thành từng giọt như những giọt máu rơi choáng ngập cả cánh đồng quê.
*
Sau ngày anh Sáu ra đi đột ngột, ba mẹ con chị Sáu cuộn đồ đạc, vài vật dụng cần thiết ra tận ngoài bãi đất hoang xa tít mọc đầy cỏ năn, sậy đế, nước đỏ lờ lợ, dậy phèn chua, rồi dựng cái chòi trên gò đất, trú tạm ở đó. Mấy chục công đất đã bay mất tiêu bởi ruộng dưa hấu mùa nghịch; bay theo cơn gió, đám mây của trận mưa nghịch mùa. Chưa đủ, người ta còn lấy đi ngôi nhà mà tổ tiên bên chồng bao đời gầy dựng…
Chị Sáu lau di ảnh của chồng mà nước mắt chảy ngược vào tim, rồi đặt tạm lên trên cái bàn gỗ thấp lè tè, đêm khuya vắng lặng, cả nhà nghe được tiếng bầy mọt đục khoét kêu sè sè ở trong đó. Chị sai thằng Út ra chỗ bếp nấu cơm hốt mấy nắm tro tàn, trộn với đất quê nén vô cái keo chao mà nó đã tận dụng lại đựng mấy con dế để làm cái lư hương. Đốt ba cây nhang, lạy bốn lạy, rồi cắm lên bàn thờ chồng mình, chị Sáu nghẹn lời không còn biết nói câu gì, chỉ biết quay qua xoa đầu, ôm hai đứa con vào lòng an ủi: Ba của tụi con vắn số nhưng còn để lại những giọt máu này trên đời cùng hủ hỉ vui buồn với má. Hai con ráng sống với má. Má lo ngày nào được ngày nấy. Lỡ tao có chuyện gì, tụi bây phải đùm bọc yêu thương nhau. Chị Sáu Thợ May nói mà như trăng trối.
Nghe má nó nói vậy, con Dương với thằng Út ôm siết chị Sáu khóc dữ hơn. Tiếng khóc vọng vang, lọt thỏm giữa đồng hoang thiếu vắng bóng người. Chỉ có tiếng kêu thất thanh, đứt quãng của những cánh chim quê bị lạc đàn, xa xứ. Hình như có cả tiếng kêu lảnh lót của bầy quạ đang no mồi ở một ruộng dưa vắng chủ nào đó, để cho tụi cò trắng trên bầu trời phải dãi nắng, dầm sương.
Hôm má con Dương kêu nó mang mấy trái dưa hấu ra chợ Đông Mỹ bán lấy tiền, mua lại gạo thóc để ăn qua ngày. Trái dưa hấu mùa nghịch sinh ra trong những cơn mưa nghịch mùa rất quý hiếm. Đứa con gái hỏi chị Sáu sao dưa hấu ở đâu mà gần đây má mang về nhà nhiều đến ăn không hết. Chị cười gượng nói gọn hơ: Đó là tiền công may đồ của má. Thời buổi này bà con quê mình làm ăn, kiếm tiền khó khăn, lúa thì chưa tới mùa gặt. Cái gì cũng đợi lúa, đợi mùa hết. Chị vuốt ve trái dưa hấu to đùng da màu xanh đậm, bóng loáng tấm tắc khen: Chồng của người ta làm dưa dấu nghịch mùa vừa trúng mùa, trúng giá, còn ba Sáu của tụi bây thì…Vậy đó, hễ nhắc đến anh Sáu là má con Dương cứ nghẹn ngào, nước mắt chảy trào ra, không có thứ gì ngăn lại được.
Con Dương đội cái nón lá của anh Sáu còn để lại làm cho dáng của nó càng trở nên bé xíu giữa chợ đời xôn xao. Mặt của nó nhăn nhăn, đứng lóng nga, lóng ngóng vì chưa có ai ghé hỏi mua. Mắt con Dương sáng rực khi nghĩ đến chuyện sẽ bán mớ dưa này, mua được cả bao gạo ăn được gần cả tuần, còn lại chút tiền mua mấy viên bi màu xanh, đỏ làm quà cho thằng Út. Ở nhà, mỗi khi nó muốn chơi bắn đạn, nó móc đất quê dẽo nhẹo, đen thui rồi vo tròn lại. Hay thằng Út lấy mấy trái mù u, bằng lăng đã già rụng đầy xuống dòng kênh, vớt lên cạo vỏ, phơi khô để dành chơi. Kẹt kẹt lấy làm đạn cho nạng giàn thun để bắn mấy con chim cú kêu đêm nghe lạnh cả xương sống. Bất ngờ, từ phía sau, tiếng của bà Tám oang oang khiến Hoài Dương không khỏi giật mình:
- Dưa hấu này thấy trái to, da bóng loáng nhưng bên trong thúi hôi, dơ lắm.
- Đó là tiền công may đồ của má tôi đàng hoàng. Bà không có quyền nói vậy.
- Mày đừng nhìn tao bằng con mắt đó. Còn nhỏ mà đã tinh ranh rồi. Tiền công may đồ cái con khỉ. Má mày làm đĩ thì có.
Con Dương định khóc nhưng cố nén lại. Nó nắm chặt hai bàn tay, cục tức giận, uất hận chạy rần rần trong cơ thể, dồn lên mặt đỏ gay, nén vô hai con mắt như hai cục lửa. Cục buồn tủi, xấu hổ chèn ép vô trái tim làm con nhỏ thở kêu nghe khèn khẹt. Người ta thường nói: con gái giống cha, con trai thì giống mẹ. Cái bản tính can trường của con Dương được thừa hưởng từ anh Sáu. Và nó được rèn luyện sau ngày ba nó mất. Khi chị Sáu vắng nhà, con bé vừa phải trông coi thằng Út, vừa phải đi hái rau, mò cua, bắt ốc… kể cả chuyện đi ra tuốt ở ngoài đồng xa để nhặt lúa, mót dưa đem về nhà cùng ăn. Nó định nói với bà Tám câu gì đó cho đã tức, đã hận, thì có người cất tiếng:
- Kìa, chị Tám. Sao chị nói vậy. Con nít biết gì. Oan cho nó lắm. Có chuyện gì thì từ từ nói với người lớn chứ.
- Nó mà không biết gì. Cái thứ con nít không còn cha, mẹ bỏ nhà tối ngày đi nhong nhong ngoài đường thường khôn ranh đáo để. Oan đâu mà oan, cả cánh đàn ông ở xóm này đều kháo nhau rằng: Chị Sáu Thợ May là gái hai con trông mòn con mắt, nhìn còn bén ngót. Lúc đầu làm giá dữ lắm. Nhưng gần đây xuống rồi, có lúa gạo cho lúa gạo, có dưa cà cho cà dưa. Chỉ có bà mới không biết. Coi chừng ông xã ở nhà cũng dính chấu rồi đó.
- Nói vậy, chồng bà ở nhà cũng đã dính rồi à.
- Thì từ ổng mà ra. Hồi chiều qua, mấy thằng cha chụm lại nhậu rồi xầm xì, tui lóng tai nghe lén mới biết cớ sự. Tức muốn chết.
Hoài Dương chịu không nổi, hai tay bụm mặt ùa chạy, bỏ mấy trái dưa hấu nằm lăn lóc. Nước mắt của nó rơi lã chã trên đường về nhà. Nó khóc hưng hức, đợi đến chỗ vắng người mới bật thành tiếng hu hu. Con bé sà xuống bụi cỏ hoang, gục đầu xuống gốc cây tiếp tục rưng rức khóc đến lả cả người.
Đúng là má của nó từ ngày chuyển nhà ra ở ngoài bãi hoang hay đi đứng thất thường, có hôm tới khuya mới về. Nhiều khi mưa gió bão bùng, đèn hết dầu nên trời đất tối thui, tiếng côn trùng, ếch nhái, ễnh ương hòa tấu điệu Nam ai nghe buồn não ruột. Hai chị em chui đại vô mùng, tay gảy gảy chỗ muỗi cắn, mắt đăm đăm nhìn vô xóm xưa, làng cũ, có ánh đèn nhỏ xíu li ti mà chờ đợi má về. Hỏi thì má bảo: Má đi may đồ chứ đâu, bữa nay đồ nhiều, người ta kêu may gấp. Lâu lâu, nó thấy có một người đàn ông chở má về, dừng ở ngoài đường. Thấy con Dương nhìn bằng ánh mắt dò xét, chị Sáu phân trần: Má đang lội bộ, chú ấy thương tình nên cho quá giang. Gần đây, thấy sắc diện của má xuống thấy rõ, đêm đêm, má hay trở mình và có những cơn ho hục hặc kéo dài.
Chị Sáu thấy con Dương đi chợ về tay không, lủi thủi chui vô mùng trùm kín mền, nằm im thinh thít là đoán biết có chuyện chẳng lành. Đợi cho thằng Út xách nạng giàn thun đi bắn chim, chị lay nó dậy, hỏi cái gì cũng im ru. Rồi con Dương bật khóc, mếu máo: Má ơi, người ta nói má làm đĩ. Má có làm chuyện đó không má. Chị Sáu mím môi, kéo đứa con gái tội nghiệp của mình vào lòng, vuốt tóc, vỗ vỗ vô lưng để xoa dịu cảm xúc xót xa tủi hổ của nó và cả chính chị rồi thổn thức nói: Con hãy tin má…
*
Hoài Dương đã âm thầm trở lại xóm xưa, làng cũ để buôn bán, lập nghiệp. Những bãi đất hoang đầy cỏ dại đã hóa thành ruộng lúa phì nhiêu. Trăm năm dâu bể đổi dời là chuyện thường tình, nhưng điều nó ray rứt là vẫn chưa tìm gặp lại thằng Út và má Sáu. Hồi nhớ lại cái đêm xảy ra biến cố, chị mới nhắm mắt ngủ thiêm thiếp thì nghe tiếng thét vang của má: Dương ơi, nhà bị cháy. Chị vọt lẹ ra bờ đê, chưa kịp hoàn hồn thì có bàn tay cầm chiếc khăn tẩm thuốc bịt mũi, miệng chị lại. Trong mê man, Hoài Dương chỉ thấy hình ảnh của má Sáu ngập chìm trong biển lửa. Tỉnh dậy, chị thấy mình nằm trong xe tải, bên cạnh ngỗn ngang, đầy ắp những quả dưa hấu nghịch mùa.
Đêm đó, thằng Út xin má đi coi cải lương ở ngoài trung tâm văn hóa huyện đến khuya vẫn chưa thấy về. Má Sáu thắp đèn sáng trưng, lục đục may vá, cốt là chờ đợi nó. Báo hại Hoài Dương cũng ngủ gà, ngủ gật thức theo. Đúng rồi, phải bắt đầu từ đoàn gánh hát. Nhưng bây giờ, cải lương xuống cấp và đa số rã đám hết rồi. Biết đâu mà tìm.
Có đoàn hội chợ mướn cả nghệ sỹ ở Sài Gòn về xã biểu diễn, Hoài Dương cũng đi xem. Bỗng trên sân khấu có một ca sỹ lên câu vọng cổ: Trời ơi… bởi sa cơ giữa chiến trường thọ tiễn, nên Võ Đông Sơ đành chia tay vĩnh viễn Bạch Thu Hà… Mới cất lên hai tiếng: Trời ơi đã khiến Hoài Dương sởn cả gai ốc. Nó như tiếng thét đau đớn làm rúng động cả bầu trời chiều sắp ngấn lệ của thằng Út cách đây hơn hai mươi năm. Chị chạy như bay vô cánh gà sân khấu để hỏi thăm. Nhưng gặp ông bầu nói là anh ấy đã đi rồi. Còn sô diễn chỗ khác.
Đêm sau, Hoài Dương lại đến với hội chợ. Cố chờ anh ca sỹ đêm qua, nhưng chị lại ấn tượng với anh ảo thuật gia. Mọi cử chỉ, điệu bộ, liếc mắt, nụ cười sao giông giống thằng Út đến lạ. Nhưng đứa em mình ngày xưa chỉ có tài ca hát. Trước khi đến với tiết mục cuối cùng của nhà ảo thuật. Anh ta ngừng lại giới thiệu ngắn gọn với khán giả là tiết mục này chỉ mới luyện tập nên chưa nhuần nhuyễn, hấp dẫn. Nó có tên gọi: Chiếc nón thần kì. Nhà ảo thuật gia móc chiếc nón trong túi ra. Chiếc nón bằng vải được ghép lại từ hình trái tim, bông hoa xinh xắn. Chiếc nón có màu ngà ngà như màu máu. Trời ơi…đúng là thằng Út đây rồi. Hoài Dương vọt lên sân khấu ôm chặt lấy đứa em thất lạc. Nó quay xuống khán giả nói: Mọi thứ tôi lấy ra từ chiếc nón này chỉ là ảo thuật, đều là giả. Chỉ có người chị ruột đang đứng bên cạnh tôi mới là thật. Tất cả các khán giả đều đứng lên. Vỗ tay rần rần.
Thằng Út đốt nén nhang cắm lên bàn thờ anh Sáu, rồi bần thần khấn nguyện trước khi cùng mấy anh em văn nghệ sỹ biểu diễn văn nghệ mừng khai trương công ty thu mua dưa hấu của chị hai nó, để xuất khẩu ra nước ngoài với hàng chục xe tải, công ten nơ đạt chuẩn quốc tế. Chuyện thắp nhang thằng Út làm hoài, trước khi diễn phải cầu nguyện lên bàn thờ tổ nghiệp. Nhưng hôm nay, được khấn vái trước bàn thờ ba ruột mình, nó xúc động mà nước mắt chực trào ra. Hoài Dương đứng đằng sau đợi cho đứa em vuốt lên đầu ba cái mới cất giọng trêu chọc:
- Hôm nay là ngày vui, không được khóc nghen em trai.
- Em biết mà. Vậy là má Sáu hồi đó coi bói nói chị giàu có là trúng phóc.
Tự dưng nhắc đến má Sáu khiến cả hai đều buồn. Không biết bây giờ má ở nơi đâu. Khi công ty ổn định, Hoài Dương sẽ cùng thằng Út đi một chuyến về quê biển Bến Tre. Linh tính mách bảo chị rằng má của mình vẫn còn đâu đó trên cõi đời này.
Trời đang nắng hừng hực, không gió mây lại đổ mưa ầm ào. Mưa nghịch mùa. Những giọt mưa long lanh như giọt máu rơi, tuôn ra từ đám dưa hấu mùa nghịch của anh Sáu năm nào. Nó có vị phèn chua đất quê và mùi biển mặn, loang thành dòng xuống đồng ruộng, đìa sen./.
Ý kiến bạn đọc