Nắng trong gió chiều

Đăng lúc: Thứ hai - 30/10/2023 19:24

(Tác phẩm vào vòng xếp giải Cuộc thi Truyện ngắn khu vực ĐBSCL năm 2023)

Khánh có mặt muộn khi tụi tôi hú nhau họp mặt ở nhà Phương. Chiếc SH mới toanh dựng cạnh con ngựa sắt Wave Trung Quốc cũ kỹ của tôi chứng minh khoảng cách tài chính giữa hai chủ nhân của nó chênh lệch rất xa. Khánh chỉn chu từ quần áo, giày dép, tóc tai, chỉ có nụ cười thì khá tiết kiệm, với cả bà chủ nhà là vợ Phương, khi chị ta xởi lởi chào Khánh.

Khánh luôn luôn trễ với lý do cực kỳ thuyết phục: Tao làm công chức nhà nước, giờ giấc đâu ra đó, đâu có sướng như tụi bây. Ba thằng học chung phổ thông, thỉnh thoảng a lô gặp nhau ở đâu đó để khề khà, để nhắc chuyện cũ dù đứa nào cũng có sự bận bịu riêng cho cuộc mưu sinh khắc nghiệt hiện tại. Lần này thì quyết định tổ chức họp mặt ở nhà Phương, thằng bạn “cương quyết” làm nông dân chứ không chịu vào đại học khi tốt nghiệp cấp ba. Nhà Phương ven một con sông nhỏ, đầy gió và nắng. Năm công đất vườn chôm chôm Thái đủ để vợ chồng Phương và đứa con gái đang học đại học sống thoải mái, không vướng vấp ngân hàng hay tiền nóng, tiền nguội. Phương dọn bàn ra cái bãi bồi ven mé sông, nơi nó vừa lấn ra được hơn bốn mét. Chỗ ngồi lý tưởng, không gian lý tưởng và mồi màng lý tưởng. Ốc đắng trộn gỏi bắp chuối, hến xào củ hành, cá lòng tong chiên giòn và cái lẩu cá hú bốc khói với dĩa nước mắm trong dầm ớt hiểm đầy hấp dẫn. Vợ Phương bưng dĩa rau nhúng lẩu ra, đùa.

- Tổng cộng chi phí cho bàn nhậu này vỏn vẹn có hai trăm ngàn, ba người nhậu quắc cần câu rồi, vậy mà mấy anh hở cái là ra tiệm, ra quán, tốn bạc triệu. Tui nghi ra đó nhậu chỉ là cái cớ...

Phương chống chế.

- Tại tui sợ bà cực thôi.

Vợ Phương liếc xéo chồng.

- Đừng có mà nguỵ biện. Tui đi guốc trong bụng mấy ông.

Phương cười huề khi vợ nó ngoe ngoảy đi vào nhà với cái lườm sắc như dao. Khánh nhìn bao quát bàn nhậu, ngạc nhiên.

- Ủa, có ba người sao ông dọn tới bốn cái chén?

Đang vui, bỗng gương mặt Phương buồn rụp xuống.

- Tao có rủ thêm thằng Đạt về chơi với tụi mình. Tụi bây nhớ thằng Đạt bên cồn không?

Có hơn mười giây tôi lục trí nhớ ra để nhớ thằng Đạt. Và trong một ngăn riêng của ký ức, gương mặt, tính cách, con người thằng Đạt hiện ra, rõ dần. Đó là một thanh niên thấp, đậm, dáng vẻ cục mịch, đôi mắt sâu và buồn. Nói chung, Đạt không có gì đặc biệt để bạn bè ấn tượng, để nhớ khi hết lớp mười Đạt chợt nghỉ ngang xương. Riêng tôi thì có, một chút, bởi Đạt luôn lầm lũi và mất hút trong đám đông, bạn ấy có vẻ rất cô độc mỗi khi tan trường. Nhưng, tôi không có nhiều thời gian để tìm hiểu hoàn cảnh của Đạt, cho đến khi Đạt đột ngột biến mất như chưa từng tồn tại.

- Nhớ rồi - Tôi nói trong hồi ức - Thằng Đạt mà cả thế giới này chưa ai thấy được nụ cười của nó.

Khánh lơ đãng.

- Hơn ba mươi năm rồi, lớp bao nhiêu đứa, ai chủ nhiệm, ai dạy môn gì, còn không nhớ, sao nhớ nổi một kẻ vô danh!

Khánh không bỏ được cái tật ăn nói hàm hồ, kiêu ngạo và trịch thượng. Tôi không hiểu sao khi xưa ba chúng tôi lại có thể chơi thân nhau với ba tính cách một trời một vực. Phương thì vô tư, hề hà, không giận ai quá... sáu mươi giây. Khánh ỷ lại, háo danh và sĩ diện. Tôi, yếm thế, an phận, không có chí cầu tiến. Chơi thân với nhau có một lẽ duy nhất để có thể giải thích: Vì ba thằng tui cùng quê, cùng xuất thân nông dân và cùng hiếm hoi là những đứa học sinh vùng sâu vùng xa đậu vào cấp ba thời đó; đoàn kết nhau để bảo vệ nhau, “chống” lại đám bạn thị trấn luôn “ăn hiếp” những học trò ở quê ra như tụi tôi. Không để ý tới câu nói xúc phạm bạn của Khánh, tôi nhìn Phương thăm dò.

- Đạt giờ ra sao, khá không?

Phương lắc đầu, thở dài.

- Cuộc đời nó là cả một bi kịch. Nó là đứa con ngoài giá thú. Mẹ nó chửa hoang với người đàn ông hào hoa từ Sài Gòn về thăm bạn. Mẹ nó lại là con nuôi của một gia đình trọc phú, họ vì sĩ diện đã đuổi cổ mẹ nó ra khỏi nhà lúc nó chỉ mới là một giọt máu trong bụng mẹ nó. Mẹ nó không bà con, họ hàng, không có bất kỳ một chỗ nương tựa nào. Một đêm, bà leo lên cây còng già gie ra mé sông, gieo mình xuống dòng nước đang chảy xiết. May, ông hai Tấn ngồi câu tôm gần đó nghe tiếng động mạnh, nhanh nhảu nhổ sào bơi xuồng câu lại, cứu bà. Hai Tấn đem bà về căn chòi nhỏ ở cồn Phú Vĩnh ven sông Cổ Chiên chăm sóc. Và đó là duyên nợ của hai người.

- Chuyện nghe buồn quá, Phương - Tôi xúc động

- Chưa, khúc sau còn đoạn trường hơn. Thôi, vô một cái nguyên ly chúc mừng hội ngộ. Kìa, thằng Khánh hình như đang “dội” rượu, hay để tao điện thoại kêu cho nó thùng bia con cọp?

Khánh phản ứng nửa vời.

- Sao cũng được. Tao bị sỏi thận, uống bia cho… tan sỏi.

Tôi cười thầm. Bịa ra một lý do từ chối uống rượu thì cũng phải tư duy một chút, lô gich một chút. Nhưng Khánh là vậy, luôn biết cách tránh né và nguỵ biện. Tính chất thì còn có thể thay đổi, nhưng bản chất thì vô phương. Khánh có dòng dõi địa chủ hết thời. Hào quang xưa của dòng tộc gieo vào đầu Khánh những ảo tưởng thân phận, rằng mình là quí tộc, là danh giá dù bây giờ hư danh đó chỉ còn là một nền gạch đá ong xanh rêu và một cái nhà cây dựng lên đó rệu rã, mục ruỗng. Khánh thường khoe: Xưa nhà nội tao là biệt thự cổ và đẹp nhất vùng này, dòng họ tao phần lớn định cư ở Mỹ, mai mốt họ về phục dựng lại ngôi biệt thự xưa trên cái nền nhà tao đang ở cho coi. Không ai cấm Khánh ước mơ (có khi viễn vông), vì dù sao, dưới cái ngôi nhà xập xệ Khánh và gia đình đang ở vẫn sót lại chút hào quang xưa từ những tảng đá ong bao xung quanh nhà, là một quá khứ đáng kiêu hãnh của một dòng tộc danh giá dù bây giờ đã điêu tàn. Khánh được duy nhất một điều để tôi và Phương không xa lánh nó, để chúng tôi luôn gặp nhau mà không thấy gượng gạo. Đó là, Khánh vô cùng nghĩa hiệp (với tôi và Phương). Khánh sẵn sàng lao vào bất cứ ai dám bắt nạt hai tụi tôi. Lúc đó nó bặm trợn, dữ dằn nếu không muốn nói là hoang dã. Có lần, một nhóm học sinh thị trấn dồn tôi và Phương xuống mé sông, định hành hung vì... ganh gái. Không biết từ đâu Khánh xuất hiện, trên tay là một đoạn tầm vông, nó nhào xuống quơ loạn xạ vào nhóm học sinh kia. Nhóm học sinh nọ bị tấn công bất ngờ, chạy như ong vỡ tổ. Và đó là lý do vì sao sau này tôi và Phương không thể bỏ Khánh dù biết rất rõ nó sống như thế nào.

Khánh càm ràm.

- Kêu dùm tao thùng bia, tao trả tiền.

Phương mỉm cười hiền hậu.

- Yên tâm, năm phút nữa tới liền. Mà nè, nói trước là tao chỉ uống rượu đế thôi nghen, còn thằng Tâm, thì tuỳ.

- Tao thì sao cũng được, miễn được say - Tôi đùa với Phương.

Khánh chỉ qua chỗ cái chén và ly rượu chưa có người ngồi, giọng khó chịu.

- Còn cái thằng quỷ kia nữa, đâu mất tiêu, sao chưa tới?

Phương trầm ngâm hướng mặt ra phía sông, đôi mắt đầy tâm trạng. Bây giờ đang là mùa nước rong, nước từ thượng nguồn sông Mê kông đổ về hạ lưu đỏ quạch phù sa. Đã có liu riu gió heo may sớm đi qua vùng châu thổ. Nắng chiều thu phương Nam bảng lảng gợi một nỗi buồn nhè nhẹ. Phương hắng giọng.

- Tụi bây biết sao thằng Đạt nghỉ học ngang xương không? Nghèo. Nghèo đến nỗi không có mồng tơi để rớt. Mẹ nó được ông Tấn cưu mang và họ thành vợ chồng. Ông Tấn ngày ngày chịu khó nai lưng bồi đắp, tôn tạo bãi bồi ven cồn, nơi ông được nhà nước cấp cho cái nền nhà lưu trú vì là thương binh chiến trường biên giới Tây Nam. Ban đêm, ông bơi xuồng đi câu tôm, kiếm thêm thu nhập cho gia đình nhỏ. Đạt lớn lên cùng với những thăng trầm thời cuộc. Mẹ Đạt cắt rau mọc hoang bờ đê đem bán kiếm tiền phụ với ông Tân nuôi Đạt ăn học. Năm Đạt học gần hết lớp mười thì biến cố xảy ra. Bốn công đất ông Tân kỳ công vun bồi thành khoảnh trong mười năm chưa kịp trồng thứ gì vô đó thì ông đột ngột qua đời vì bị đột tử trong một đêm cố bồi cho xong một đoạn bờ bao bị lở. Thấy khuya quá mà ông Tân chưa vô nhà, mẹ của Đạt bưng cái đèn bóng đi một vòng tìm kiếm. Bà thất thần khi thấy ông nằm ngửa trên bờ bao, trên tay còn ôm cái cuốc trong người.

Người ta đem bia tới, Khánh móc tiền định trả, Phương phủi ngang.

- Khỏi, tao thiếu quán ắp lẵm rồi, để dồn lại trả luôn một lượt. Mẹ nó đâu, đem ra cho tui mấy cái ly uống bia.

Nhìn cách Phương nhẩn nha với cuộc sống này tôi thấy ganh tị với nó. Tôi, một thầy giáo cấp hai, luôn sống theo mệnh lệnh và cố gắng hoàn thành trách nhiệm mình một cách tốt nhất có thể. Không dám bon chen, không dám thể hiện mình, không dám phản biện xã hội, không dám luôn cái quyền cơ bản nhất là nói thật trước đám đông. Phương thì khác, không ai ràng buộc được nó điều gì, muốn ăn thì ăn, muốn nói thì nói, không phải dòm trước ngó sau, tự do tự tại.

Phương bỏ nước đá vào bốn cái ly, giọng cà rỡn.

- Thằng Khánh “hộ nghèo”, cho nó uống bia thoải mái, Tâm thì mầy tự lựa chọn theo phe bia hay rượu, còn tao, tao lấy bia chữa lửa. Mà ngộ hén, ba thằng mình, ba cách sống khác nhau mà thân nhau được, nghĩ cũng lạ.

Nhìn Khánh bưng ly bia uống một cách sành sỏi và chuyên nghiệp, tôi ngưỡng mộ nó. Ngưỡng mộ một thằng bạn ăn nên làm ra, tồn tại vững chắc ở cái nền kinh tế thị trường có định hướng này. Khánh rớt tốt nghiệp cấp ba, cũng là lúc đến tuổi phải đi nghĩa vụ quân sự. Gần hai năm trong môi trường quân đội, không biết nó học được những gì, nhưng khi xuất ngũ nhìn nó trưởng thành ra, mạnh mẽ đầy năng lượng. Trong đó sự kiêu hãnh toát ra từ đôi mắt nó vẫn không thay đổi. Một người có chức quyền ở huyện, bà con bên mẹ nó, giới thiệu nó vào uỷ ban huyện... rót trà. Và đó là nấc thang đầu tiên cho một kẻ thực dụng, hãnh tiến và tham vọng như nó. Nó lấy được bằng cấp ba bổ túc không tốn một... giờ học. Rồi bằng cao đẳng tại chức chuyên ngành môi trường cũng dễ như vậy. Hai năm chuyên rót trà mời khách ở văn phòng uỷ ban kiêm phục vụ hậu cần mỗi khi uỷ ban tiếp khách nó có thêm cái bằng trung cấp chính trị. Nó, đơn giản chỉ làm mỗi việc: uống rượu bia thay cho sếp và phục vụ mồi màng. Đừng tưởng bở, môi trường đó là cơ hội để nó được tiếp cận các vị lãnh đạo ở trên, các doanh nghiệp rủng rỉnh tiền. Môi trường đó, chỉ cần lòn cúi chút xíu là nó sẽ được “các anh” chú ý, nó không dại gì không chớp thời cơ này. Và, nó từ một tạp vụ không danh không phận, sau hai năm nhảy qua làm chuyên viên Phòng Tài nguyên môi trường, nơi “chắp cánh” cho nó ngoi lên ngang tầm với những đại gia đương thời của huyện.

Khánh bưng ly bia cụng với tôi và Phương một cách điệu đàng. Nó nói trong khi mắt thì nhìn đâu đâu.

- Mai mốt muốn họp mặt thì đi nhà hàng hay cái quán nào đó cho gọn, bia bọt mồi màng có sẵn, em út phục vụ tận răng, ở nhà bày biện cực khổ vợ con.

Phương cười, tếu táo.

- Mầy biết chôm chôm Thái có lúc xuống giá bao nhiêu một ký không? Bảy ngàn! Đi quán sang như mầy nói, ba thằng ngồi một hai tiếng đồng hồ đi đứt hai trăm ký chôm chôm của tao mà chưa chưa đủ, rồi còn “bo biếc” nữa, mất mẹ một phần mười thu nhập từ vườn chôm chôm của tao.

Vợ Phương đem ra dĩa trái cây gọt sẵn, chen vào.

- Ông Phương giỏi quá hén, biết “bo” đồ hén. Có ngày... Ờ, giàu như anh Khánh, một hai triệu bạc như rụng cọng lông, còn nông dân tụi tui chắt mót từng chút còn thiếu lên thiếu xuống. Như ông Phương nhà tui nè, đâu phải không biết uống bia, nhưng quen tật hà tiện, nên rượu đế muôn năm!

Vợ Phương quày quả bỏ vào nhà. Tôi thấy gương mặt Khánh nhăn lại, tỏ vẻ khó chịu. Phương quan sát và nhận ra điều đó. Nó đánh trống lảng.

- Nghe nói lúc này mầy hùn hạp làm ăn gì đó ngon lành lắm hả, Khánh?

Nét bực bội trên gương mặt Khánh giãn ra.

- Cũng được - Chữ “được” Khánh cố ý nhấn mạnh - Trời thương, đầu tư vào đâu cũng suôn sẻ hết. Tụi mầy có cần vốn mần ăn gì thì nói tao một tiếng, tao giúp. Mà nè, chuyện công chức làm kinh tế rất “nhạy cảm”, chỉ mấy thằng mình biết, đừng rò rỉ cho ai nữa nghen.

Tôi biết, đó là câu nói thật lòng của Khánh, bởi nó nhiều lần đề cập vấn đề này với tôi. Nó bảo, lương giáo viên ba đồng ba cọc sống sao nổi, mầy ra kinh doanh đi, vốn liếng, đường đi nước bước tao lo trọn cho mầy. Khánh có khi cũng rất thật lòng với bạn bè, nhưng có vẻ như con người nó nghiêng về thủ đoạn nhiều hơn thiện lương. Tôi đồ rằng, đôi lúc trong chính bản thể của nó cũng có sự giằng co quyết liệt giữa thiện và ác. Và sự lương thiện đã cúi đầu trước danh vọng và tiền bạc. Vẫn như nhiều lần khác, tôi lắc đầu. Cái tạng tôi mà kinh doanh không sớm thì muộn sẽ sạt nghiệp. Tôi phải công nhận Khánh giỏi. Khởi đầu chỉ là một tạp vụ quèn, nó lòn lách, bon chen để đến nay có một cơ ngơi bề thế, vững vàng. Ngôi nhà xập xệ ngày xưa trên trên cái nền có những tảng đá ong bao quanh giờ là căn biệt thự hai tầng hoành tráng. Những tảng đá ong là chứng tích hào quang của gia tộc quyền thế một thời bị Khánh kêu xe ủi tới ủi hết xuống sông. Khánh đã khôi phục được thân phận danh giá của mình như nó từng ước mơ. Là phó Phòng Tài nguyên môi trường của huyện, nếu tính lương công chức, Khánh không nuôi nổi một gia đình năm người như hiện tại, nói gì tậu đất, tậu xe con, xây nhà lầu. Mặc kệ những hoài nghi, Khánh vẫn sống phây phây, vẫn đường hoàng là một công chức liêm khiết trong mắt mọi người.

Khánh đưa tay nhìn đồng hồ, có vẻ sốt ruột.

- Tao ngồi chơi với tụi bây nửa tiếng nữa thôi nghen, tối có một bữa tiệc không thể vắng mặt.

Khánh luôn bận rộn, ngay cả khi ngồi nhậu với tụi tôi chưa được một tiếng mà đã có hơn mười cuộc điện thoại gọi đến. Có cuộc gọi nó ngồi ở tại bàn nghe, thong dong trả lời, cũng có những cuộc gọi nó phải đứng dậy đi chỗ khác để nghe, mặt khá căng thẳng. Phương trầm mặc khi nhìn bóng chiều ngã dần về phía mình, dưới tàn nhãn xuồng già quắt queo những chiếc lá khô cuối mùa. Nó thở hắt ra, giọng đều đều, buồn bã.

- Tội nghiệp thằng Đạt. Số phận nhiều lần đẩy nó vào đường cùng. Cha dượng mất, nó nghỉ học, về phụ mẹ nó đào mương, lên liếp bốn công đất ông Tấn cực trần thân mới có được. Cái thằng, chịu cực vô cùng giỏi, nai lưng làm ngày làm đêm, bất chấp mưa nắng, đêm ngày. Từ một bãi đất hoang, sau hai năm, nó đã thành hình hài. Những mô đất khoảng cách đều nhau, những cái mương phèn thẳng thóm, mấy trăm gốc mận hồng đào huyết tươi xanh, mơn mởn vừa xuống giống, bức tranh mới ở giai đoạn phác thảo, nhưng đã nhìn thấy một tương lai màu mỡ trên đó. Mùa mận đầu tiên, gia đình Đạt thu hoạch rất khả quan. Mùa thứ hai thì trúng lớn. Niềm vui vỡ oà. Đạt nhắn tao qua chung vui với nó. Nó tíu tít khoe thành quả của mình với đôi mắt rất lạc quan. Lúc đó, phụ vui với thằng Đạt, nhưng tao quan sát thấy có gì đó không ổn. Ngoài sông, đoàn ghe hút cát nối đuôi nhau bấu xuống lòng sông cào cấu, bươi móc một cách “nhiệt tình”. Đạt nói, cái mầy thấy chỉ là bề nổi, là được cấp phép khai thác đàng hoàng. Ban đêm kinh khủng lắm, ghe lớn ghe nhỏ đua nhau hút “máu” sông, tất cả là hút lậu, mà đứng đằng sau là cả một đường dây bảo kê chặt chẽ. Báo đài gần đây cũng lên tiếng mạnh mẽ về hiện tượng khai thác cát tràn lan trên các con sông miền Tây, làm các bờ sông sạt lở nghiêm trọng. Tao nói với Đạt suy nghĩ của mình, rằng, những cái cồn được phù sa bồi lắng hàng trăm năm sẽ bị “Bà thủy” lấy lại không còn là nguy cơ nếu vẫn khai thác cát vô tội vạ như bây giờ. Đạt không trả lời, đôi mắt buồn rười rượi. Và, điều tao dự cảm, tiên đoán đã xảy ra sau đó hai năm. Đất bắt đầu lở trên đầu cồn lở xuống. Mới đầu cách nhà Đạt khá xa, và lở từng mảng nhỏ. Sau đó, nó lan ra dần, cho đến khi nó lấn đến sát phần đất của Đạt, mẹ con nó phải bán đổ, bán tháo bốn công mận đang cho trái mùa thứ tư để người ta làm hầm nuôi cá, đứt ruột. Chưa đầy một năm sau, bốn công đất có mồ hôi nước mắt được gầy dựng mấy chục năm của ông Tấn, mẹ Đạt và nó lọt ùm xuống sông chỉ trong vài giây. Thiên nhiên đã nổi giận! Đạt và mẹ nó về bên đất liền mua cái nền cất tạm bợ căn nhà nhỏ để che mưa che nắng. Ngày ngày, nó đi chài, lưới, câu kéo kiếm tiền nuôi mẹ nó. Số thằng Đạt đen đúa vô cùng.

Tôi thấy Khánh bưng ly bia hớp nhanh, phản ứng của người đang che giấu điều gì đó trong suy nghĩ, như sự mắc cỡ chẳng hạn. Người ta đồn, những công ty mà Khánh có liên hệ mật thiết đang là sân sau của các hoạt động tàn phá môi trường để kiếm tiền. Với chức phó Phòng Tài nguyên môi trường, Khánh đủ uy tín và quan hệ chống lưng cho những hoạt động mờ ám để làm giàu. Khánh lại nhìn đồng hồ, nói có vẻ bối rối.

- Tao uống hết một lon nữa rồi rút nghen.

Phương đổ ly bia chỗ cái chén và đôi đũa không có người ngồi ra ngoài đất, lẩm bẩm.

- Để rót cho nó một ly khác.

Cả tôi và Khánh đều trố mắt kinh ngạc, bàng hoàng. Có gì đó bất thường ở đây? Tiếng Phương chợt trầm xuống, ngậm ngùi. Nó nức nở từng lời: Cách đây hơn ba tháng, ban đêm, khi đang giăng câu ngoài sông, Đạt nghe bên cồn rộ lên những tiếng kêu cứu vì bể bờ bao do đất lở. Nó vội vàng bỏ lưới bơi qua sông. Đêm tối trời nên mọi người nhốn nháo tìm kiếm nhau. Một ngôi nhà trên bờ bao sụp xuống bị nước cuốn đi. Những cánh tay chấp chới trong nhập nhoạng ánh sao trời. Đạt nhanh nhảu nhảy xuống lội theo những cánh tay vẫy yếu dần, tuyệt vọng. Nó lần lượt cứu một người, hai người, ba người đem vào bờ. Trên bờ vọng xuống những tiếng la hét kinh hoàng: Còn một người nữa, còn một người nữa... Đạt lao ra giữa dòng nước xiết, nó trôi dần, trôi dần...

- Đạt, mầy về uống với tụi tao một chút nghen, rồi phù hộ cho những người dân trên đất cồn từ đây về sau được bình yên - Phương nói trong rơm rớm nước mắt.

Quay qua Khánh, tôi thấy thần sắc nó thay đổi một cách đột ngột. Nó liếc nhanh về phía ly bia không người ngồi, mặt tái dần. Mắt dại đi, đôi môi mấp máy điều gì đó không thành tiếng. Rồi đột ngột nó đứng dậy, quay lưng, đi như chạy khỏi bàn, run rẩy đề pa chiếc SH mấy lần mới nổ máy. Chiếc xe lao vút đi mất hút trong chớp mắt, để lại một làn bụi mỏng chấp chới trong không gian. Phương úp mặt xuống bàn khóc rưng rức. Tôi hướng mặt về phía sông, chiều man mác, tôi nhận ra, sông vẫn luôn rộng lượng và bao dung, hình như có nắng trong gió hanh hao thổi qua chiều./.

MÃ SỐ 78
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 166
  • Khách viếng thăm: 163
  • Máy chủ tìm kiếm: 3
  • Hôm nay: 43632
  • Tháng hiện tại: 2543018
  • Tổng lượt truy cập: 48917145