Đàn bà quê

Đăng lúc: Thứ hai - 30/10/2023 16:40

(Tác phẩm vào vòng xếp giải Cuộc thi Truyện ngắn khu vực ĐBSCL năm 2023)

Nắng chiều, ôm ngọn dừa lão gật gật như đứa trẻ chơi bập bênh mỗi khi gió ngoài sông cái nhịp nhàng thổi vô. Nắng xoa nhẹ trên lưng những người đàn bà quê sau một buổi nhọc nhằn ngoài ruộng. Rửa vội chân tay lấm lem, Bé Chùa lo bữa cơm chiều cho mình.

Nhà chỉ còn vài nắm gạo, chị trút vô nồi ra lu nước vo gạo, nấu cháo. Nửa giạ gạo tàu hương bà Bảy Thịt trả công làm mướn, chị đem về bên nội phụ nuôi hai đứa con. Bé Chùa lột trái dừa khô, nạo vắt nước, gạo nở, cho nước cốt vô nồi thành cháo dừa. Hai khứa cá trắm cỏ, Bé Chùa dầm nát bỏ xương, thêm nước mắm, vét tóp mỡ, thêm trái ớt hiểm xanh kho quẹt để ăn cháo dừa.

Mùi gạo Tàu Hương bốc khói thơm lừng, gạo mềm cơm nên nấu cháo mau nhừ. Mùi thơm của gạo cùng nước cốt dừa nghe cồn cào bao tử. Bé Chùa nhắc nồi cháo đặt lên bàn, bưng nồi đất lên bếp kho quẹt. Tiếng dâu bà Bảy kêu, chị lật đật chạy ra nói năm, ba câu thì nghe mùi khét. Bé Chùa chạy vô. Nồi kho quẹt cháy đen. Chị quay lại, lấy vá dạo dạo cho cháo mau nguội thì thấy cục gì đó đen đen, vớt ra nhìn kỹ. Bé Chùa tức mình ngó lên mái nhà coi con thằn lằn nào mà "mất dạy" đập cho nó biết thân. Bực bội, chị buông cái vá múc cháo xuống rồi mệt mỏi ngã người lên võng đánh bằng dây chuối. Tiếng rao bánh mì nóng giòn ngoài ngõ, chị bật dậy lục túi, định mua bánh mì.

Trong túi chỉ còn ba đồng mà ổ bánh mì tới năm đồng mới đủ. Bé Chùa lục tìm những chỗ thường để tiền lẻ, cũng không còn đồng nào. Tiền chị cũng vét túi đưa cho bà nội con Tím hết rồi. Bé Chùa tựa cửa, ngó theo chiếc xe đạp chở cái bội bánh mì bằng tre bự chảng đã khuất cua quẹo. Tiếng rao rớt lại. Chị quay vô nhà, lại gần nồi cháo, lấy cái vá dạo dạo, con thằn lằn hiện lên trong đầu. Chị lại buông cái vá. Hoàng hôn rớt xuống ngoài sân, phía chân trời mây giăng màu tím thẩm. Phải chi có ai đó để Bé Chùa chia sẻ với họ vài câu rồi khóc. Từ khi anh Bần mất, chị vẫn khóc một mình trong những lúc ngặt nghèo, nhưng hôm nay bỗng dưng chị muốn khóc với ai đó. Khi những giọt nước mắt góa bụa, nghèo túng vơi đi, chị quơ cái thau nhôm cũ kỹ, men theo bờ mẫu, tắt qua nhà Bảy Thịt. Trong nhà nhộn nhạo bóng người, nói cười xôn xao, Bé Chùa khựng lại định quay về. Cái bụng kêu ồn ột nhắc nhở, chị bước vô cổng đang mở, mấy con chó ùa tới, chúng nó kịp nhận ra Bé Chùa nên ngoắc đuôi, bởi chị thường mần mướn cho nhà này và hay vuốt ve chuyện trò với tụi nó. Người kêu Bé Chùa mần cỏ lúa hồi chiều bước ra định đóng cửa rào, thấy bé Chùa chị giật mình:

- Ủa cô Bé đi đâu tối vậy?

Ngập ngừng một chút rồi Bé Chùa phân trần:

- Gạo bữa hổm em đem về dưới cho tụi nhỏ hết rồi, tính lên bác Bảy mượn trước lít gạo khuya nấu cơm ăn đi mần!

Con dâu bà Bảy nhanh nhẹn:

- Vậy cô ngồi ghế đá nghỉ chân, tôi vô thưa với má rồi lấy gạo cho cô hén!

- Dạ, mang ơn chị!

Phút chốc, người con dâu bà Bảy bưng thau gạo đầy đi ra, chị nói:

- Cái thau vừa đủ hai lít gạo nè cô Bé, cô về nấu cơm đỡ nhiêu đây. Đợt này mầm chắc cả tuần, có gì muốn lấy gạo thêm hay lấy tiền thì mình tính tiếp hén cô!

Bé Chùa thấy cay cay sống mũi, cảm ơn rồi bước đi, cánh cổng cót két đóng lại sau lưng. Trời đã sẫm tối, thau gạo đầy tràn, Bé Chùa không lội băng đường tắt vì sợ đi bờ mẫu xảy chân đổ gạo xuống ruộng, chị vòng lên đê. Ngang chỗ mành vịt đẻ của Ba Ca, Bé Chùa dừng lại :

- Anh Ba ơi! Anh Ba!

Ba Ca từ trong chòi ngóng ra, giọng hài hài:

- Ai kêu tui đó?

- Tôi, Bé Chùa anh ơi!

Ba Ca nhảy xuống võng, cười hì hì:

- Rủ anh vô nhà chơi hả?

- Rảnh quá!

- Chớ sao giờ này kiếm anh?

- Tính hỏi anh mua chịu nửa chục hột vịt!

- Tưởng gì, lấy luôn một chục đi!

- Thôi mua nhiều không tiền trả.

Ba Ca cười hức hức, cầm năm  trứng vịt quay lại:

- Tặng nè! Tay nào cầm đây?

- Anh để dùm lên thau gạo đi! Nhận nó xuống cho không rớt!

 Bé Chùa cặp thau gạo bên hông, chừa một tay đỡ gạt, vậy mà Ba Ca cũng  hiểu ý:

- Tôi đâu phải dê xồm mà cô Bé thủ bộ ghê vậy? Thương Bé thiệt chớ bộ!

- Thôi đi, xàm quá, để tôi sống mà nuôi con!

Nói xong, Bé Chùa quày quả đi. Ba Ca nói với theo:

- Thì anh phụ nuôi, anh có nghề nuôi vịt đẻ mà sợ gì đói. Bé chê anh, mai mốt gặp phải thằng sở khanh nó quánh mấy đứa nhỏ cho coi!

Bé Chùa quay đi không trả lời, chị biết Ba Ca đang ngó theo. Nhà tối thui, ai đó ghé thắp nhang bàn thờ phật, hương bay phảng phất. Bé Chùa vô bếp, lửa than vẫn còn đỏ rực dưới lớp tro. Chị lấy nắm lá dừa đặt vô thổi phù phù, lửa bùng lên. Nhanh tay, chị bỏ thêm mấy khúc củi, mồi cái đèn dầu, lấy lon gạo vo rồi bắc lên. Trong rổ còn mớ rau muống hái ngoài ao. Lặt rau, lột hành rửa sạch, cắt nhuyễn, hơ hũ mỡ lên ngọn lửa, mỡ tan chiên trứng vịt. Không lâu, chị đã có bữa cơm nóng, gạo nhà giàu ăn với nước mắm cũng ngon nói chi có trứng chiên, rau luộc. Phía ngoài cửa trăng đầu tháng giống chiếc xuồng ba lá đang lướt qua những cụm mây bồng bềnh thật đẹp. Nằm võng, ngó trời mây một hồi, Bé Chùa bật dậy, ra sàn nước, búi tóc lên đỉnh đầu rồi để nguyên áo quần múc nước xối lên người. Ăn no, tắm mát, người tươi tỉnh ra. Hai con rồi nhưng chị chỉ mới ngoài hai mươi, cơ thể vẫn trẻ trung căng tròn, đầy sức sống. Chị thòng hai chân xuống khuấy nước, trăng non vẫn đủ sáng để soi mặt nước vỡ vụn và lóng lánh. Đâu đó vẳng lại tiếng ca vọng cổ của Lệ Thủy. Lẫn trong hương hoa cỏ, có mùi thuốc lá, Bé Chùa giật thót khi thấy bóng người lấp ló ở bụi cỏ lứt cách sàn nước không xa. Chị bật dậy, chạy vô nhà, cài nhanh cửa lại, run run cầm cái mác vót sẵn sàng "chiến đấu". Tim chị đập thình thịch theo bước chân chắc là của cái bóng đen hồi nãy rảo vòng quanh nhà. Hắn dừng lại ngay cửa, nghe tiếng kéo cánh cửa, Bé Chùa sợ muốn cứng lưỡi, chị cố gắng giả bộ kêu bà nội con Tím:

- Má ơi! Ai rình nhà mình kìa!  

Tiếng sột soạt dừng lại. Tiếng chân rón rén xa dần, Bé Chùa mới hoàn hồn. Nước từ áo quần ướt nhễu đọng vũng dưới chân, đứng lâu trong bóng tối cũng quen mắt nên thấy mờ mờ. Chị quờ tay lấy bộ đồ khô để thay, lấy đồ ướt lau chân rồi thót lên giường buông mùng, nằm sát vô vách cho đỡ sợ. “Ông nội nào nữa vậy trời? Ba Ca thì không phải bởi anh ta không hút thuốc, lại đàng hoàng”. Suy nghĩ vẫn vơ rồi Bé Chùa chìm vào giấc ngủ.

*

Bé Chùa lớn lên trong căn nhà cũ kĩ nằm phía sau ngôi chùa đổ nát. Nghe kể là chùa qua nhiều đời của dòng họ người Minh Hương đến đây khai phá và dựng nên. Hồi còn sống, ông Cả Hai gom lại một căn rộng, xếp các tượng phật chung một bàn thờ, ngày rằm người trong xóm vẫn tụ lại phụ nấu chè cúng kiếng. Ông không làm cửa để mọi người ghé vô thắp nén nhang và cầu nguyện.

         Bé Chùa là đứa trẻ được ông bà Cả Hai lượm trước cửa chùa. Sáng, trưa, chiều bà Cả Hai bồng Bé đến những nhà đang có mẹ nuôi con nhỏ xin "bú thép". Ông Cả Hai nhờ người làm chứng, khai sinh và đặt tên là Điêu Thị Bé. Người già nhất xóm nói: “ông Cả Hai là cháu chắt của Điêu Thuyền”, cũng có thể bởi ông Cả Hai là người cuối cùng của họ Điêu thừa kế ngôi chùa đầy rêu xanh, đổ nát.

Ở xóm Vàm nhiều đứa tên Bé, nào là: Bé Lớn, Bé Nhỏ, Bé Hai, Bé Ba đến Bé Bảy… nên người trong xóm gọi Bé bằng Bé Chùa cho dễ phân biệt. Ông bà không có con nên Bé Chùa được thương yêu, ăn no, mặc ấm, được đi học tới lớp 5.

Bé Chùa lên mười sáu, cao lớn, đầy đặn như thiếu nữ mười chín, đôi mươi. Người ta mai mối cho Bé Chùa về xóm Vông cách nhà độ chừng hai tiếng đồng hồ đi bộ. Bà thương con bảo còn dại khờ không chịu gả, ông nói rằng mình đã già mong con có nơi để nương tựa, hơn nữa Bé Chùa cũng đẹp, mới mười ba, mươi bốn mà tụi con trai cứ kiếm chuyện ghé chùa lạy phật để ngó trộm nên ông sợ con hư.

Tiền mặt thì không nhiều, nhưng ai cưới Bé Chùa cũng có hồi môn hơn ba công đất ruộng và hơn hai công vườn khuôn viên chùa. Anh Bần lớn hơn Bé Chùa bảy tuổi, làm nghề chài lưới trên sông nên mọi con rạch, bờ cồn, chỗ cạn, chỗ sâu từ cửa tiểu, cửa đại chạy dài lên Mỹ Tho hầu như anh đều rành.

Sau đám cưới, anh Bần ở rể bởi gia đình chồng có tới ba người con trai còn bên này Bé Chùa con một. Thỉnh thoảng anh Bần cưỡi chiếc xe đạp đòn gánh của ba vợ chở Bé Chùa về thăm ba mẹ. Ông Cả Hai mãn nguyện, được ẵm bồng đứa cháu trai rồi mới nhắm mắt xuôi tay. Kiến họ Điêu ở xóm Vàm chỉ còn có Bé Chùa kế tục. Cặp áo quan bằng xi măng, ông Cả Hai thuê thợ đúc cho ông bà "dưỡng già" khi qua tuổi sáu mươi chỉ còn một cái đơn lẻ, lạnh lẽo đắp tấm lá chằm che bụi. Hồi nhỏ mỗi khi có việc ra chỗ hai “cái thọ”, Bé Chùa sợ lắm, lớn lên chị không sợ mà lo khi chúng không còn nữa tức là chị sẽ mồ côi. Rồi ngày đó cũng tới, khi con Tím được bảy tuổi, thằng Xanh lên năm, bà Cả Hai cũng theo ông.

Má vợ mất, anh Bần làm trụ cột bên vợ. Mấy công ruộng gò, chỉ làm một mùa lúa nhưng luôn thất bát nên anh bàn với Bé Chùa lên vuông trồng dừa, dưới ao nuôi cá, sau đó anh sẽ bỏ nghề chài lưới, câu tôm. Mọi việc chưa làm thì một đêm, nước đã lé đé mé rạch mà chẳng thấy chồng bơi xuồng về. Bé Chùa thức trắng trông ngóng. Tảng sáng, chị nhờ người chạy về bên nội con Tím cho hay. Dòng họ bên chồng, mướn đò máy chạy dọc bờ Sông Tiền. Rồi người ta cũng đem được anh Bần về cho mẹ con Bé Chùa. Người già đoán anh Bần bị "máu xâm" nên té xuống nước mà chết. Chưa mãn tang mẹ mà lại để tang chồng, ai nấy ngậm ngùi khi thấy cảnh mẹ con Bé Chùa đầu trắng khăn tang, úp mặt rũ rượi trước quan tài anh Bần.

Một lần má chồng lên thăm, gặp Bé Chùa để hai con chơi trên bờ trâm bầu, còn mình lội ruộng làm cỏ. Thương con dâu, xót hai đứa cháu, bà rước về nhà phụ chăm sóc. Cứ mươi bữa, Bé Chùa cưỡi chiếc xe đòn gánh của ông Cả Hai để lại, đèo ít gạo, khoai, chuối… khi gom hết tiền làm mướn về thăm con.

Vất vả việc ruộng đồng nhưng Bé Chùa vẫn “ngộ” gái. Đám đàn ông, con trai chết đuối trong đôi mắt đen ngơ ngác của Bé Chùa mỗi khi họ nói bóng gió mà chị chưa hiểu. Bé Chùa thường bị phá giấc ngủ mỗi khi ai đó có chút rượu ngang qua, ghé vô đập cửa. May mà ngày còn sống, anh Bần đã gia cố, sửa sang vách phên, cửa nẻo bởi anh biết vợ mình đẹp mà anh hay chài lưới hoặc câu tôm theo con nước có khi quá nửa đêm hoặc gần sáng mới về. Cũng không ít lần mấy gã đàn ông “đụng độ” rồi chửi nhau khi đêm khuya mò vô hè mong "kiếm chút cháo". Cũng có lần đang ngủ Bé Chùa ngơ ngác vì bị đập cửa kêu tên chửi bới, ghen tuông do ông chồng mò vô chùa, vợ nom theo "bắt ghen". Nhiều lúc chị muốn ưng ai đó cho thiên hạ khỏi dèm pha và bị ghen oan ức nhưng rồi nghĩ lại hai đứa con cần cái ăn, cái mặc, bước thêm bước nữa sanh con, đẻ cái thêm, lo không xuể tội cho tụi nhỏ.

*

Một tuần mần cỏ cho bà Bảy, Bé Chùa được trả tiền, chị kẹp riêng phần tiền dành cho hai con, còn lại trả tiền nửa chục trứng cho Ba Ca và mua thêm để dành ăn. Chưa tới chỗ, Bé Chùa đã nghe anh ngân nga bài vọng cổ “Tình anh bán chiếu”. Đang nằm tòn teng trên võng, nghe tiếng Bé Chùa, Ba Ca bật dậy mừng rỡ:

- Nãy giờ tôi đợi Bé!

- Chi vậy? Bữa hỗm hẹn nhưng tới bữa nay có tiền tôi trả liền nè!

- Không phải tôi đòi nợ, có con vịt giập trứng, mấy nay nó không đẻ, tôi chờ Bé ngang qua, nhờ đem về mần thịt nấu cháo, cho tôi húp ké một chén thôi. Được hôn?

Bé Chùa ngó con vịt đang nằm trong mành, do dự một chút rồi đáp:

- Hay là anh qua bên kia rạch nhờ vợ Tám Cao mần cho, sẵn nhậu với ảnh luôn.

- Trời ơi! Tôi đâu có nhậu nên nhờ Bé mần cho gọn!

- Hay là tôi mần sạch rồi đem con vịt ra đây cho anh? Bé Chùa đáp.

- Thôi nấu cháo nửa con với bộ lòng, còn lại Bé kho mai ăn cơm đi ruộng, cứ hà tiện ăn hột vịt với muối quẹt riết rồi sức đâu mà mần nuôi con!

Bé Chùa hơi chạnh lòng. Từ khi cha mẹ rồi tới chồng mất lâu lâu mới nghe má chồng nhắc nhở tới cái ăn, cái mặc của chị. Còn đàn ông gặp chị, đa số cứ quét cặp mắt từ đầu xuống chân, làm chị phải ngượng ngùng.

Do dự một chút rồi Bé Chùa đáp:

- Vậy thôi để tôi mầm vịt nấu cháo, làm dĩa chuối cây bóp giấm, lá quế rồi bưng ra cho anh hén!

Ba Ca khẽ  gật nhưng Bé Chùa vừa để nửa con vịt vô nồi, đang xắt cây chuối hột thì Ba Ca nhảy cái đuội qua đường mương:

- Còn làm cái gì tôi phụ cho cô Bé!

Bé Chùa kêu thầm:

- Trời ơi! Chắc là thằng chả gài mình để có cớ vô nhà!

Chị ngước lên:

- Sao không ở ngoải nghỉ ngơi, cháo chín tôi bưng ra cho tiện!

- Ở ngoài đó một mình cũng buồn, đợi chờ cũng thấy lâu, chi bằng vô phụ cô, có người nói chuyện cho vui.

Mà Bé Chùa cũng thấy vui thiệt, nói chuyện này, chuyện nọ, không đầu, không đuôi vậy mà nấu cháo, kho vịt xong hồi nào không hay. Bé Chùa dọn lên cái bàn ngoài mé hiên. Nắng chiều vẫn còn trong veo trên vòm trâm bầu chắc là ông Mặt Trời vẫn cố chồm lên ngó xem họ làm gì khi nồi cháo chín. Gió ngoài sông cái lùa qua đám dừa nước nghe lào xào, gió đem mùi mắm gừng để vô mũi.

- Cô Bé thiệt khéo chuyện bếp núc, nghe mùi mắm gừng đã chảy nước miếng! Ba Ca khen.

Bé Chùa không để ý đến lời hoa mỹ, chị nói:

- Ăn đi anh Ba, để còn sáng thấy đường về ngoài đó!

Ba Ca cười thành tiếng :

- Chưa ăn miếng nào mà lo đuổi rồi!

Bé Chùa giả bộ không nghe, chị nhắc nồi vịt kho xốc xốc cho thấm đều và nói:

- Vịt kho sả cũng ngon quá, anh Ba đem về ngoài đó mai ăn.

Ba Ca cười cười rồi lấy thêm chén đũa, Bé Chùa tròn mắt :

- Ủa tôi dọn đủ chén rồi mà anh Ba?

Ba Ca nói :

- Tôi lấy chén mời anh Bần cùng ăn!

Nấn ná tới chạng vạng, Ba Ca mới chịu về bởi Bé Chùa đuổi hoài. Anh từ chối tô vịt kho sả và lén để lại tiền Bé Chùa trả lúc chiều. Trước khi nhảy qua đường mương, anh dặn:

- Chừng nào về thăm tụi nhỏ cho tôi hay tôi gởi  hột vịt.

Bé Chùa dọn dẹp và ngóng ra đê, cái bóng Ba Ca lầm lũi trong ánh sáng sót lại của hoàng hôn thấy thương thương, tội tội.

*

Lúc trăng sáng, Bé Chùa làm ban đêm, Ba Ca chở dùm gạo đem về cho tụi nhỏ, anh âm thầm gởi thêm tiền riêng của mình cho bà nội con Tím. Bà nội tin ý vì từ lúc có Ba Ca, tiền bạc và các thứ cho tụi nhỏ có phần nhỉnh hơn. Bữa Bé Chùa  xin rước hai đứa nhỏ về ở chung, má chồng ngạc nhiên. Chị giải thích:

- Ba má cũng có tuổi, hai chị em con Tím cũng lớn để nó sống gần con không thôi mai mốt nó không mến mẹ!

Bà nội con Tím xa, gần:

- Má thấy chú Ba Ca cũng đẹp người, tốt bụng… hay con ưng nó cho có chỗ nương tựa!

Bé Chùa đắn đo:

- Dạ con của con còn nhỏ quá, con chưa nghĩ tới chuyện bước thêm bước nữa má ơi!

*

Tưởng rước hai đứa nhỏ về ở chung thì Ba Ca ngại không dám tới, ai dè thằng Xanh đeo miết lấy bác Ba, còn nhỏ Tím ngày nào không thấy bóng dáng Ba Ca là nó nhắc. Con nít mà, cứ yêu thương nó là nó quý mến. Có hai con bên cạnh, Bé Chùa ngủ ngon giấc hơn. Những lúc trở giấc, chị kê lại cái gối, đắp lại tấm mền rồi ngắm nghía, hun tay, hun chân con mà thấy lòng bình yên, hạnh phúc. Rồi chị em con Tím đi học, nghe tụi nó học bài, khoe điểm cao mà chị nở từng khúc ruột. Người đàn bà quê sớm góa bụa, vui với niềm vui của con, nên mọi cực khổ đều không là gì với chị. Xóm ven sông, vài chục nóc gia, tối đến nhà nhà chỉ leo lét đèn dầu với tiếng dế kêu ren rét, tiếng vạc sành thổn thức. Còn sau cơn mưa, tụi ếch nhái ca hoài điệp khúc quềnh quàng nghe buồn đứt ruột. Nên chuyện Ba Ca mê Bé Chùa là một đề tài nóng từ ngoài bờ ruộng của mấy chị công cấy tới bàn trà của mấy ông sau cơm chiều. Mấy bà thì nói thẳng với Ba Ca  rằng "ai mà trai tân lại mê đàn bà hai con lại lớn hơn mình mấy tuổi", mấy cô thôn nữ, len lén quan sát Bé Chùa rồi về soi gương xem mình khiếm khuyết điểm nào. Còn đám đàn ông, có cả những người đã từng đụng mặt nhau khi mò vô hè Bé Chùa “kiếm chác” thì nói xa nói gần "nhất gái một con, nhì thuốc ngon nửa điếu...". Nhưng không phải vì vậy mà Ba Ca bỏ cuộc.

Bữa bà nội lên thăm cháu, sau bữa cơm chị em con Tím ra sân chơi lò cò với mấy đứa nhỏ gần nhà, bà nói :

- Bây ưng hay không thì trả lời dứt khoát, không ỡm ờ làm chú Ca hy vọng còn thiên hạ  đàm tiếu, dèm pha. Người đàng hoàng, không ưng, mai kia lỡ bây mần bé ai đó, người ta cười vô đầu. Rồi tội nghiệp cho hai đứa nhỏ, má đâu có sống đời mà đùm bọc tụi nó.

Bé Chùa cúi đầu nhổ cỏ gà dưới đất, thật sự là chị chưa biết phải nói như thế nào để từ chối Ba Ca.

Cứ ngày chủ nhật là thằng Xanh giục chị hai Tím dậy sớm chạy ra mành vịt, lượm trứng giúp bác Ba. Trở về lúc nào cũng có vài cái trứng sanh đôi (2 lòng đỏ), cùng một hai thứ khác mà bác Ba để dành cho tụi nó. Hai đứa nhỏ khắng khít với Ba Ca làm chị trăn trở hoài: “Biết nói làm sao cho anh ấy không buồn!”. Sáng chủ nhật như thường lệ, Bé Chùa đang dặm lúa nhà thì con Tím, thằng Xanh chạy ra:

- Mẹ ơi Bác Ba dọn mành vịt đi đâu mất tiêu rồi!

Con Tím im lặng kéo tay áo chùi mắt, thằng Xanh ngồi bẹp xuống đất, khóc tức tưởi.

*

 Ba mươi lăm năm!

Sau buổi trưa Bé Chùa ghé chòi vịt, thẳng thừng nói lời từ chối, Ba Ca kêu thương lái sang gấp mành vịt, gởi Năm Chồn cho chị em con Tím ít tiền. Anh xuống ghe, băng qua cồn Tàu chạy về phía Hàm Luông. Ghé thăm bà con bên ngoại rồi thả ghe qua Cồn Cái Gà định bụng sẽ bỏ hẳn nghề nuôi vịt đẻ chuyển qua nuôi cá bè. Không như một số người khác, thất tình rồi khùng điên hay nhậu nhẹt hư thân, Ba Ca xin làm mướn và lén “ăn cắp” nghề nuôi cá da trơn. Hơn hai năm chăm chỉ với công việc, định xin nghỉ để làm bè cá riêng, nhưng ông chủ bè cá lớn nhất khúc sông này đã chọn Ba Ca làm rể. Vợ Ba Ca không đẹp nhưng đảm đang, thật thà và thương chồng con hết mực. Vậy mà mối tình đơn phương với Bé Chùa vẫn âm thầm thổn thức. Cứ mỗi chiều Ba Ca lại ngó về phía bên kia Sông Tiền day dứt hình ảnh của mấy mẹ con Bé Chùa rồi nuốt những ưu tư vào lòng. Hôm nay thằng cháu vợ nhờ Ba Ca qua hướng dẫn kinh nghiệm nuôi cá bè ở gần cầu Rạch Miễu. Sau bữa cơm trưa, Ba Ca nói đi thăm người nhà bên nội, tự lái xe về hướng Gò Công. Bỏ xứ đi ngần ấy năm, mọi thứ thay đổi nhiều quá, mấy lần Ba Ca phải hỏi thăm đường, ngỡ ngàng khi dừng lại ngay cổng chùa năm cũ. Một dãy tiệm quán buôn bán nhiều mặt hàng ngay khu đất nhà của Bé Chùa hồi đó. Nép xe vô lề đường, Ba Ca định hỏi thăm thì thấy bóng dáng Bé Chùa thấp thoáng trong cửa hàng tạp hóa. Người phụ nữ quay lại, tim Ba Ca như ngừng đập: ánh mắt ấy, nụ cười ấy... nhưng ba mươi lăm năm, Bé Chùa không thể trẻ hoài như vậy được.

- Bác mua gì vậy bác? Tím hỏi.

Ba Ca ngờ ngợ :

- Cháu... Cháu... Có phải là con gái của...

Câu hỏi của Ba Ca chưa dứt, con Tím chạy ra mừng quýnh :

- Bác Ba Ca! Trời đất ơi Bác Ba đi đâu mất tiêu vậy?

Rồi Tím ôm lấy ông và khóc nức nở trước cặp mắt ngạc nhiên của nhiều người. Ngồi trên chiếc ghế salong ngời ngời vân gỗ quý, Ba Ca chưa kịp hỏi thì nghe Tím cho hay:

- Mẹ con mất lâu rồi Bác Ba! Bác sĩ nói mẹ con bị khối u trong đầu mà hồi đó tụi con còn nhỏ, nhà nghèo nên khi bà nội hay, bà mướn xe đưa mẹ lên Sài Gòn thì không cứu kịp.

Ba Ca nghẹn lời. Tím kể tiếp:

- Mấy năm bác ba đi, mẹ một mình lên mô trồng dừa như dự định của ba con nhưng mà làm chưa xong. Rồi mấy bác của con lên làm dùm, lấy giống nhãn xuồng bên cồn Tàu về trồng. Mấy năm sau, nhãn trúng mùa, được giá nên tụi con thoát nghèo. Rồi có điện về. Cả xóm cũng lên liếp trồng nhãn, trồng mận An Phước nên nhà ai cũng khá hơn xưa.

Tím dừng lại như nuốt gì đó nghẹn ở cổ, rồi tiếp:

- Hồi Bác Ba đi tụi con khóc quá trời, bữa nào thằng Xanh cũng ra chòi vịt kiếm Bác Ba. Mấy lần nó đăng tin tìm Bác Ba mà ngặt một nỗi, tụi con không biết họ tên Bác Ba là gì, người lớn trong xóm nói quê nội của bác lút trên Cái Bè tụi con không biết chỗ hỏi thăm nên chỉ để là Bác Ba Ca nuôi vịt đẻ. Mới hôm trước nó cũng nhắc phải biết bác Ba đi về hướng nào nó sẽ đi tìm.

Ba Ca ngước mặt lên trần nhà, cho nước mắt không trào ra. Lâu lắm ông mới hỏi được câu:

- Thằng Xanh đâu rồi?

Tím rót thêm trà vào tách bằng sứ trắng bóng rồi hít mũi :

- Dạ, gia đình của nó với chồng con của con dẫn nhau đi Nha Trang, chiều nay về tới rồi. Bác Ba ở lại với tụi con đi, trời ơi gặp bác Ba chắc em con nó mừng lắm. Con mới gọi điện mà máy bận, chút nữa con gọi lại.

Ba Ca "ừa" rồi ngó ra cửa, Tím diễn giải :

- Hồi mở lộ nhựa trước cửa, tụi con được đền bù mớ tiền, con cất tiệm lớn ra, rồi cho thuê mặt bằng phía trước. Đất ông bà để lại hai chị em chia nhau, thằng Xanh, nó quản lý luôn phần mồ mả ông bà, ba mẹ tụi con. Phải mẹ con sống tới giờ để tụi con phụng dưỡng. (Tím rơm rớm nước mắt). Bây giờ tụi con có điều kiện, làm ra tiền dễ hơn hồi xưa nhiều lắm Bác Ba. Tụi con nhớ hồi đó bác Ba hay cho tụi con tiền, cho đồ ăn. Mẹ con làm lụng cực quá mà không đủ nuôi hai đứa. Hồi đó chỉ biết làm lúa, chưa biết trồng cây ăn trái nên ai cũng nghèo.

Ba Ca hỏi :

- Có tiền sao bây không đi du lịch với chồng con cho vui?

Tím cười :

- Dạ thôi, con mà đóng cửa tiệm đi mấy ngày là mất mối nhiều lắm bác Ba. Miễn là chồng con của con nó sung sướng, vui vẻ là con cũng vui lắm rồi bác!

Ba Ca nói thầm:"Đàn bà quê đa phần đều như vậy! Họ sống vì chồng, vì con. Tím cũng vậy, nó giống mẹ nó từ dung mạo đến suy nghĩ”.

Theo chânTím ra khu mộ của gia đình Bé Chùa. Ông vịn tay lên phần mộ của người xưa, nhìn bức di ảnh trên bia mộ, “người đàn bà quê” ấy vẫn mãi trẻ trung và đẹp từ trong tâm hồn đẹp ra. Ba Ca xoay người ngó ra tìm con đê ngoài cánh đồng cặp bờ sông, vườn nhãn đang ra bông, che khuất tầm nhìn. Mọi thứ đổi khác hoàn toàn nhưng ông vẫn thấy đâu đó bóng dáng Bé Chùa tất tả đi về sau buổi làm đồng và hai chị em con Tím dắt nhau chạy ra mành vịt và ông giật mình văng vẳng vọng lại tiếng thằng Xanh:

- Bác Ba! Bác Ba ơi!./.

MÃ SỐ 130
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 11 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 172
  • Khách viếng thăm: 166
  • Máy chủ tìm kiếm: 6
  • Hôm nay: 40697
  • Tháng hiện tại: 2540083
  • Tổng lượt truy cập: 48914210