hình minh họa
Tôi ghé qua phòng ông Thanh, vuốt mắt bạn lần cuối rồi lách khỏi đám đông, lặng lẽ đi về phía bờ sông. Gió lạnh rì rào hắt lên từ mặt nước mờ sương. Cảm giác trống trải ùa về khi tôi nghĩ về bạn, về sự vô thường của kiếp người.
Mới hôm qua, trong khoảng sân rộng nằm giữa hai dãy phòng ở tập thể, ông Thanh còn đứng dõng dạc đếm nhịp cho bài tập thể dục sáng. Mười giờ, ông than mệt không lên phòng ăn, ngồi một mình dưới gốc cây phượng già, tay lập lòe điếu thuốc. Buổi tối, tôi lần mò qua phòng ông Thanh rủ đánh cờ tướng, ông hăng hái nhổm dậy từ trong đống chăn gối lộn xộn trên giường. “Ông không được khỏe à?” — tôi hỏi. “Chẳng có gì, chắc trở trời thôi mà”. Tôi nhìn những ngón tay gầy gò của người bạn già đang khỏ đều trên quân cờ: “Dạo này nhìn ông xanh quá!”- “Khó ngủ, ông à! Năm nào cũng vậy, cứ tới mùa nước lên, mưa già, gió chướng hiu hiu thổi là tui mất ngủ. Nhớ đất đai, nhớ ông bà ông vãi gì không biết mà con mắt trao tráo suốt đêm”. Tôi chậm rãi đi nước cờ tiếp theo: “Cái gì đã qua, đã mất thì đừng níu kéo, ông ạ! Cứ coi như mấy công đất của ông cúng cho Hà Bá. Nó không mất đi mà đã hiện ra ở nơi khác thành cồn bãi nào đó”. Tôi nói câu ấy hình như để vỗ về mình hơn là an ủi ông bạn già ngồi đối diện. Bất giác, ông Thanh cười chua chát: “Tui đi sai nước cờ đời rồi, ông à! Sai một li là đi... ngàn dặm! Cũng như tui biết cái thế “Pháo đầu, mã đội, xe kè hông, xuất tướng” của ông mà có đỡ được đâu!”
Chúng tôi cùng cười sảng khoái. Có những điều không cần nói ra mà cả hai đều hiểu. Ván cờ đời kết thúc có mấy khi nằm trong toan tính của con người?
Mờ sáng, đứa cháu trai duy nhất của ông Thanh đã có mặt để đưa thi thể người chú ruột về nhà an táng. Bạn bè đứng dọc bờ sông đưa tiễn. Con nước ròng rút ra xa, để lộ bờ cát mịn màu phù sa nâu đỏ. Sông Tiền mùa này nước lũ chưa về nhưng dập dềnh trên ngọn sóng là những vạt lục bình trôi tan tác. Bầu trời xám đục, sũng nước. Tôi lặng lẽ đứng nhìn theo đến khi chiếc ghe máy khuất dần trong làn nước, như chiếc lá nhỏ chìm mất tăm giữa trường giang rộng lớn. Bên kia sông, mờ mờ trong khói sóng là hàng cây nằm vắt ngang chân trời như đường chì nhỏ. Đó là quê hương thứ hai của ông Thanh, nơi ông đã bỏ ra đi nhưng ngày đêm vẫn đau đáu khát vọng trở về. Thôi, vậy cũng xong. Cuối cùng thì ông cũng được... về với đất.
Tôi ngoảnh nhìn về phía hạ nguồn, nơi những xóm làng đã biến mất giữa dòng nước lũ. Bao nhiêu phận người từng chìm nổi lênh đênh theo dòng chảy hiên hòa nhưng nghiệt ngã đó? Thế gian vật đổi sao dời, nhưng tôi không thể hình dung cách mà “biển xanh biến thành ruộng dâu” đã diễn ra như thế nào.
Bờ sông nơi tôi đứng trải dài về phía xa, uốn cong thành hình cánh cung ở cuối tầm mắt. Đó là nơi ông Thanh đã ra đi hơn 10 năm trước. Con sông Tiền hiền hòa như người mẹ ôm ấp lấy xóm làng dọc đôi bờ, nhưng có khi lại hung hãn như con quái thú há cái miệng rộng hoác nuốt chửng đất đai, nhà cửa, nhấn chìm mọi thứ vào giữa dòng nước xoáy cuồng nộ. Hơn chục công đất ruộng của ông Thanh đã đổ xuống sông từng mảng, từng mảng, để rồi một buổi sáng tỉnh giấc, ông Thanh bàng hoàng như người vừa trải qua cơn ác mộng khi ngôi mộ đất của người vợ thân yêu chưa kịp cải táng đã bị nhấn chìm trong dòng nước đục ngầu sủi bọt. Với ông, thế là hết! Cả đời dành dụm, chắt mót, cuối cùng mọi thứ đã đổ xuống sông, trôi ra biển cả. Mấy lượng vàng mua từ tiền bán tháo bán đổ hơn chục công đất cho lò gạch, ông giao hết cho đứa cháu trai, mua lại được vài công vườn bên bờ kia sông. Bên này sông, khi bao nhiêu gia đình ly tán vì đất lở thì ở phía đối diện, những vạt bần xanh miết mọc dần lên trên những bãi bồi màu mỡ phù sa, cuộc sống mới vươn lên tươi tốt một cách lạ kỳ từ trong lòng đất. Những căn nhà tường vôi ngói đỏ thi nhau mọc lên giữa vườn cây ăn trái trùng điệp. Cứ tưởng đó là chốn dừng chân bình yên cuối đời, nào ngờ ông Thanh phải quay trở lại bên này sông ở cái tuổi ngoài bảy mươi. Gia đình đứa cháu trai ly tán trong vòng xoáy kim tiền. Cuộc sống cực khổ và nghèo túng từng bao lần vượt qua nhưng đứa cháu ông Thanh đã không trụ lại nổi trước những cám dỗ đời thường: chồng rượu chè, đề đóm; vợ se sua, ngoại tình. Căn nhà mới xây và mảnh vườn cây trái sum sê bị hóa giá để trừ nợ. Vợ chồng chúng đưa nhau ra tòa, kết thúc mâu thuẫn hôn nhân và những tổn thương tình cảm không thể hàn gắn. Vậy là ông Thanh làm chuyến sang sông cuối cùng.... Một nước cờ sai đã đẩy ông đi như cánh bèo trôi dạt lênh đênh giữa dòng đời.
Tôi vào Trung tâm Bảo trợ xã hội bằng một cách khác. Tôi có những thứ mà ông Thanh hay những người đàn ông cùng tuổi mong muốn có được, đó là thu nhập, gia đình, những mối quan hệ... Tôi là giáo viên về hưu, lương tháng đủ trang trải cho cuộc sống cá nhân, đôi khi còn dư ra để làm việc từ thiện hay đi tham quan, du lịch. Tôi có con trai và con dâu là công nhân viên Nhà nước, có hai đứa cháu nhỏ lễ phép, ngoan hiền. Tôi có hơn chục công đất ruộng và một căn nhà thờ họ do cha mẹ để lại ở nơi tôi chôn nhau cắt rốn. Dòng đời cuốn tôi đi trong sự bất lực và cả sự buông xuôi đáng trách của chính tôi. Con người có những phút dễ dàng thả trôi bản thân một cách khó giải thích. Tôi bắt đầu trượt dài như thế từ một buổi sáng....
Chiếc xe xúc bấu cái gàu đầy răng nhọn xuống đất như đang cấu cào từng nhát rướm máu vào trái tim tôi. Con đường băng qua trước nhà với hàng rào dâm bụt xanh um phút chốc biến thành cái hố sâu chạy dài, bùn đất nham nhở. Một con đường mới sắp mở xuyên qua xóm nghèo, cắt ngang cánh đồng, xóa trắng một vùng ruộng vườn trù phú để biến nơi đây thành một khu công nghiệp. Tôi là người đầu tiên đặt bút ký vào biên bản nhận đền bù giải tỏa. Tôi hành động do ý thức công dân, trách nhiệm với xóm làng và cả áp lực tình cảm của con trai và con dâu. Lần lượt sau tôi, những hộ khác ký tên, nhận tiền rồi chuyển vào khu dân cư tập trung xây nhà mới. Họ, những nông dân ít học và tôi, có chút ít hiểu biết, không thể ý thức và hình dung được những gì đang chờ đợi mình ở phía trước.
Tôi vốn hoài cổ, chậm thích nghi và khó chấp nhận những thay đổi quá lớn trong đời mình. Chỉ một buổi sáng, căn nhà gỗ do ông bà để lại làm nơi thờ phụng đã bị dỡ xuống. Trước mắt tôi là một đống ngổn ngang cột kèo, gạch ngói. Khu vườn cây trái xanh um bị chặt hạ xơ xác như sau trận bom cày. Tôi ngồi dưới bến sông, tê dại trong cảm giác mất mát không thể hiểu nổi. Ngay chiều hôm đó, tôi theo các con về ở trong căn nhà khang trang vừa mới xây.
Tôi gầy rộc đi sau một tháng sống với cháu con. Lạ chỗ, lạ người cộng thêm cái nóng bức ngột ngạt tại khu dân cư khiến tôi nhiều đêm mất ngủ, sức khỏe ngày càng sa sút. Tôi thơ thẩn đi trên những con đường quê, đi như người đãng trí, đi mà không biết đi đâu. Một vài lần, trong vô thức, tôi tỉm về nền nhà cũ, nơi chỉ còn là bãi đất hoang mọc đầy lau sậy. Tôi ngồi hàng giờ như kẻ mất hồn. Vài người quen qua lại hỏi chào, tôi trả lời ngớ ngẩn như kẻ mộng du. Những lúc như thế, tôi biết rất rõ tôi không phải là người của phố thị, của chen chúc ồn ào, hơn thua cơm áo. Con người tôi như lau sậy, như cây lúa, chỉ có thể mọc lên và phát triển xanh tốt trên đất quê chứ không phải là nơi công viên hầm hập hơi nóng hay những con đường xi măng cháy khét mùi phố chợ. Nửa đêm, tôi thường lần mò ra bãi đất hoang còn sót lại trong khu dân cư, tôi lần tay chạm vào từng chiếc lá đang đọng sương đêm để thỏa cơn thèm khát làng quê.
Con trai tôi lo lắng bàn với vợ: “Em à! Hay là mình dành dụm tiền mua đất xây cho ba căn nhà nhỏ ở trong quê để ba yên nghỉ tuổi già. Anh thấy ở đây ba không ổn chút nào!” - “Anh biết rồi, mình đã lo hết cách cho ba. Đời bây giờ phải tập thích nghi - thích nghi - anh hiểu không? Cây cỏ còn phải tự thích nghi với môi trường sống, huống hồ con người!” - “Anh biết, nhưng người già khó thích nghi lắm em ạ! Hay là...anh bàn với em thế này, mình tìm cho ba một người bạn để ba hủ hỉ lúc tuổi già, em thấy sao?” - “Thôi nghe! Bỏ ngay cái kiểu suy nghĩ đó giùm em. Nhà này chật chội lắm rồi. Các con mình cũng không cần có thêm một bà nội khác. Em không thích có người lạ xen vô nếp sinh hoạt bình thường của gia đình mình. Tiền bạc em không nói, nhưng anh và em phải nghĩ tới danh dự và địa vị xã hội của hai vợ chồng mình. Ba già rồi, còn ham hố gì nữa!”. Đó là những câu trao đổi qua lại mà tôi vô tình nghe được khi đi ngang qua phòng ngủ con trai. Bữa cơm chiều, tôi ăn lấy lệ trong ánh mắt lo lắng của con trai. Nó đang đứng trước một lựa chọn không dễ dàng. Tôi như người khách lạ. Tôi càng lúc càng cô đơn trong căn nhà của con cháu mình. Buổi tối, lúc mọi người có mặt đầy đủ thì cũng là lúc con dâu tôi luôn miệng nhắc nhở về chuyện học hành, chuyện đi ngủ sớm... trong khi hai đứa cháu chỉ muốn được ở bên ông nội vài phút. Sau bữa cơm, vợ chồng, con cái chúi đầu vào điện thoại hay laptop trong khi tôi nằm một mình trong phòng, chờ đợi giấc ngủ không bao giờ đến.
Tôi bị tai biến mạch máu não ít lâu sau đó. Gần một tháng năm liệt giường, tôi gượng dậy lần mò tập đi những bước chân lóng ngóng quanh nhà. Tôi trở thành gánh nặng cho mọi người với những khoản thuốc men và nhiêu thứ tôn kém linh tinh khác.
Một lần, người bạn là bác sĩ ghé thăm. Anh nhìn tôi ái ngại: “Mình đề nghị thế này, nếu có gì không phải thì ông bỏ qua cho. Ông vào chỗ mình đang công tác để nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng một thời gian. Khi nào sức khỏe hồi phục mình sẽ tính tiếp”.
Tôi có mặt tại khu “dưỡng lão” của bạn mình một tuần sau đó, dù con dâu tôi quyết liệt phản đối. Bọn trẻ có lý do riêng để ngăn cản tôi rời khỏi gia đình cho dù chúng thừa biết tôi có thể sống tốt hơn bên cạnh những con người có cùng độ tuổi, cùng tâm trạng.
Người tiếp tôi tại văn phòng Trung tâm là một phụ nữ ngoài 50 tuổi. Chị có vẻ khó tính. Qua cặp kính cận, chị lạnh lùng hỏi:
- Anh cho xem giấy giới thiệu.
Tôi lúng túng chìa ra mẩu giấy viết tay:
- Chỉ có cái này thôi, chị ạ!
Chị liếc nhanh qua những dòng chữ viết tay của bác sĩ Giám đốc trung tâm, nét mặt lạnh lùng:
- Tôi đã được trao đổi về trường hợp đặc biệt của anh. Thế này, anh không thuộc diện được vào đây nên không được hưởng quyền lợi của đối tượng chính sách. Cụ thể là các suất ăn uống, chăm sóc y tế và vài thứ khác. Chúng tôi chỉ có thể cung cấp cho anh chỗ ở, một số vật dụng để anh có điều kiện sinh hoạt bình thường như bao người khác.
- Tôi hiểu. Cám ơn chị đã giúp đỡ. Tôi coi đây như một chuyến du lịch nghỉ dưỡng và tôi sẽ tự lo mọi thứ.
Với tôi, chỉ cần một chiếc giường đơn, mùng mền và vài bộ quần áo, thế là quá đủ.
Hạnh - người phụ nữ khó tính mà tôi gặp ở văn phòng, là cán bộ phụ trách nhân sự - dẫn tôi xuống phòng tập thể, chỉ giường và giới thiệu tôi với mọi người. Khác với nét mặt khắc chổ và lạnh nhạt ban đầu, chị cười thật tươi:
- Giới thiệu với cả phòng, đây là người mới. Thầy B. giáo viên về hưu.
Sau đó là những cái bắt tay, những lời thăm hỏi chân tình và ấm áp. Tôi bắt đầu hòa nhập vào một môi trường sống mới, môi trường mà tôi chưa hề có khái niệm nào về nó khi còn ở ngoài đời.
Buổi chiều, khi tôi đang thơ thẩn dạo chơi thì chị Hạnh đến tìm. Chị mời tôi ngồi xuống ghế đá, hướng mặt ra sông và bắt đầu câu chuyện:
- Anh yên tâm, tôi gặp anh chỉ là công việc thôi. Với bất cứ ai mới vào tôi đều phải tìm hiểu nguyên nhân, hoàn cảnh gia đình, sức khỏe nhân thân, tâm tư và nguyện vọng của họ để trung tâm có hướng chăm sóc tốt nhất cho đối tượng được bảo trợ. Nói vậy thôi, anh cứ thoải mái, cứ xem đây là cuộc nói chuyện bình thường giữa hai người bạn...
Tôi im lặng khá lâu trước khi nói về mình:
- Tôi là giáo viên dạy tiểu học, chị ạ. Con trai và dâu tôi đều là công nhân viên Nhà nước, thu nhập ổn định, có thể lo đầy đủ cho tôi về vật chất. Lương hưu của tôi cũng đủ chi xài cho bản thân. Như chị đã biết, tôi vào đây không phải để hưởng chế độ trợ cấp của Nhà nước. Nói sao để chị hiểu? Tôi muốn tìm cho mình một nơi yên tĩnh để nghỉ ngơi, một nơi tôi có thể sống có ích cho mình, cho người khác, nơi mà tôi có thể sống mỗi ngày với cái tôi chân thật của mình...
Chị Hạnh nhìn tôi, đôi mắt mở to, dò hỏi. Không thấy tôi nói tiếp, chị hỏi:
- Anh có đứa cháu nội, ngoại nào chưa?
- Rồi chị ạ. Hai đứa cháu nội, kháu khỉnh, dễ thương — Ngừng giây lát tôi nói tiếp:
- Xa chúng, tôi rất nhớ. Khoảng cách tuổi tác làm cho những thế hệ trong gia đình ngày một xa nhau. Thương yêu nhau, chưa đủ chị ạ! Phải hiểu nhau, phải đặt mình vào vị trí người khác mà suy nghĩ để biết họ cần gì, suy nghĩ ra sao. Trong đời đi dạy, có lúc tôi đã sai lầm khi áp đặt suy nghĩ của mình lên học trò. Tôi đã từng nghĩ đó là điều tốt nhất mà một ông thầy có thể làm cho học sinh của mình...
Chị Hạnh kiên nhẫn ngồi nghe. Tôi biết, đó là công việc, là nghề của chị, là cách im lặng để khơi gợi cảm xúc của người đối diện.
- Vợ tôi mất sớm. Tôi sợ cảnh mẹ ghẻ con chồng nên ở vậy nuôi con. Tội cho thằng bé, đi dạy, tôi dắt nó theo, tôi lên lớp, nó chơi quanh quẩn ngoài sân. Cứ như vậy, tôi vừa làm cha lại vừa làm mẹ, làm thầy. Căn nhà thờ của dòng họ lạnh ngắt khi thiếu bàn tay người đàn bà chăm sóc. Hai cha con tôi thui thủi tới lui, lầm lũi sống, lầm lũi lớn khôn và già đi. Không hiểu sao tôi có đủ niềm tin và nghị lực để nuôi con trong chừng ấy thời gian. Cháu nó tốt nghiệp đại học, có việc làm, lấy vợ, sinh con... tất cả diễn ra bình thường, trơn tru... Bình thường đến nỗi có lúc tôi tin mình là người cha tốt, là người đàn ông vĩ đại nhất trên thế gian này!
Gió chiều lộng thổi đưa hơi nước và cái lạnh từ mặt sông lên. Tôi và người đàn bà đối diện im lặng dõi theo những suy nghĩ của riêng mình. Chị Hạnh nghiêng đầu hất những sợi tóc rơi lòa xòa trên má. Tôi thoáng giật mình. Đây là thói quen mà tôi tưởng chỉ có ở vợ mình những khi nàng bối rối? Hình như tôi nghe mùi bồ kết thoang thoảng trong gió, nhẹ nhàng nhưng đủ gợn sóng lao xao trong lòng tôi. Tôi bối rối thốt lên một câu vu vơ:
- Tháng Bảy rồi, chị nhỉ! Mới đó mà đã qua hết nửa năm. Nước quay, lũ đã về!
- Dạ... Anh cứ gọi tôi bằng tên, tôi nhỏ hơn anh tới 10 tuổi kia! Thôi, tôi về phòng đây!
Chị đột ngột và lúng túng đứng lên, bỏ mặc tôi ở lại với những con sóng nối nhau xô lên bờ cát. Hoàng hôn rớt xuống mặt sông, bình yên và ấm áp...
Chiều hôm sau tôi lại gặp chị ngồi một mình trên ghế đá, mắt đăm đắm nhìn theo những cánh chim chiều nối đuôi nhau bay về tổ. Hoàng hôn nhuộm tím tóc chị. Trước mắt tôi không phải là người đàn bà lạnh lùng, vô cảm mà là một phụ nữ cô đơn, yếu đuối. Không hiểu sao tôi lại nghĩ thế. Chị cười bối rối như vừa bị ai bắt gặp cái riêng tư cần che giấu:
-Anh ngồi chơi. Tôi thường ra đây ngồi một mình. Có người trò chuyện thấy đỡ trống trải hơn, phải không anh?
Chị nghiêng đầu, hất mái tóc bằng cử chỉ quen thuộc rồi nói như tâm sự:
- Do công việc tôi phải nói nhiều. Tôi vẫn tin ngôn ngữ là nhịp cầu nối con người xích lại gần nhau. Chúng ta đã bỏ lỡ những cơ hội, đã đánh mất dịp may để có thể hiểu người khác và để người khác hiểu mình. Anh nói đúng, thương yêu nhau là chưa đủ. Phải hiểu nhau mới làm cuộc sống này tốt đẹp hơn.
Chị Hạnh hạ thấp giọng, tiếng nói thì thầm lẫn vào tiếng gió:
- Anh biết hồi còn là sinh viên tôi mơ ước gì không? Tôi đã từng mơ ước trở thành một nhà văn lớn, anh ạ! Lúc ấy, tôi tin là văn học có quyền năng to lớn, có thể làm thay đổi thế giới, thay đổi số phận con người. Tôi tin bằng tính dự báo, bằng khả năng bay bổng không giới hạn của ý tưởng và ngôn từ, văn học sẽ mở ra cánh cửa để con người bước vào thiên đường của hạnh phúc - Chị thở dài - Tiếc thay, tôi mải mê rong chơi trên cánh đồng văn chương mà quên khuấy chuyện đi tìm hạnh phúc cho riêng mình! Tôi vào làm biên tập viên văn học cho một tờ báo năm 32 tuổi. Lúc ấy tôi lờ mờ nhận ra mình đã quá lứa, lỡ thì.
Chị cười thật tươi, nụ cười lóe lên như tia nắng chiều ấm áp rồi bất chợt vụt tắt:
- Anh thấy đó, tôi không đẹp. Tôi đã bỏ qua vài cơ hội để có một gia đình bình thường như bao phụ nữ khác. Tôi lạnh lùng, khép kín và có khi vô cảm trong mắt những người đàn ông. Nhiều năm lăn lộn trong thế giới văn chương, niềm tin của tôi về quyền năng vô tận của văn học suy giảm dần. Tôi chông chênh, tôi mất chỗ dựa. Khi người chị ruột qua đời, tôi nhận đứa cháu nhỏ về nuôi. Đó là cách tôi bám víu, là cách tôi tự giữ thăng bằng bằng sự ràng buộc với trách nhiệm, điều mà tôi chưa hề được dạy ngày còn bé.
Chị quay về với thực tại:
- Công việc buộc tôi phải đi nhiều. Tôi đã nhận ra những góc cạnh khác của cuộc sống mà tôi chưa từng biết đến. Có những sự đối lập khiến mình không thể không suy nghĩ, anh ạ! Cuộc sóng đi lên từng ngày với những đổi thay chóng mặt. Trên đường đi của nó, cuộc sống đã để lại vô vàn những mảnh vỡ. Tôi gọi đó là những “mảnh vỡ” mà không phải là “mặt trái” hay cái gì đó tương tự! Nói sao nhỉ? Khi tôi thấy những đường phố thênh thang, những ngôi nhà nguy nga lộng lẩy thì tôi lại thấy ở nơi khác có những căn nhà lá rách nát, những con đường lầy lội đất bùn. Chưa bao giờ tôi dự những bữa tiệc thừa mứa thịt cá mà tôi lại không nghĩ đến những bữa ăn chỉ có cơm rau, dưa muối. Tôi không đủ chữ nghĩa để diễn đạt những khái niệm trừu tượng. Thôi thì anh và tôi cứ coi sự có mặt của chúng ta trên bờ sông này, hôm nay, như là hai “mảnh vỡ” của cuộc sống để lại...
Tôi và chị Hạnh đã có những buổi chiều nói chuyện với nhau như thế - đối thoại mà như độc thoại, một người nói và một người im lặng lắng nghe. Tôi đã nói rất nhiều về những điều tôi chưa từng bày tỏ cùng ai sau ngày vợ tôi qua đời. Và một trong những lần trò chuyện ấy, tôi thấy chị Hạnh đứng lên vội vã với đôi mắt đỏ hoe.
Sau ngày ông Thanh mất, tôi như người hụt chân, chới với không có điểm tựa. Tôi tham gia hầu hết những hoạt động của Trung tâm như thể thao, văn nghệ, kể cả giúp đỡ tổ thuốc Nam phơi sấy dược liệu hay lên trạm xá chăm sóc người ốm. Những hoạt động đó giúp tôi lấy lại phần nào sự cân bằng nhưng tôi biết, người giúp tôi đứng dậy chính là... chị Hạnh. Sự gần gũi nhanh chóng và có gì đó khác thường làm nhiều người để ý. Tôi thấy hơi ngại nhưng chị Hạnh không mấy quan tâm. Tôi và chị có lẽ không còn nhiều thời gian để nghĩ về những thứ khác hay về một tương lai xa hơn. Tôi chỉ mong trong thời gian tạm trú ở Trung tâm này, tôi tìm được những tháng ngày vui vẻ, tìm thấy niềm tin ở cuộc sống và nhất là tìm lại chút ấm áp từ sự sẻ chia, đồng cảm của một người phụ nữ - điều mà từ lâu là một khao khát giấu kín trong trái tim già cỗi của tôi.
*
Một ngày chủ nhật đẹp trời, chị Hạnh đứng đợi tôi trước cửa phòng để mời tôi đi ăn sáng. Chúng tôi vừa ăn hết phần của mình thì chị ra dấu bảo tôi ngồi lại. Chị có vẻ bịn rịn:
- Khoan đã anh, ngồi thêm chút nữa đi. Có khi mình không còn dịp ngồi với nhau thế này...
Tôi ngạc nhiên nhìn chị:
- Sao vậy? Tôi vẫn còn ở đây mà!
Chị nhìn xa về phía sông:
- Là phía tôi, anh ạ! Tôi đang đứng trước một lựa chọn khó khăn. Tôi là cán bộ nghỉ hưu được lưu dụng. Vài hôm trước, đứa cháu mà tôi nuôi nấng từ nhỏ đã đưa xe đến đây định đón tôi về thành phố sống hẳn với nó. Tôi lấy cớ còn phải bàn giao sổ sách để nấn ná ở lại Trung tâm thêm ít ngày. Tôi chưa nỡ xa nơi đây, mà... thật ra... chưa nỡ xa anh thì đúng hơn...
Tim tôi đau nhói. Chúng tôi im lặng đi bên nhau một đoạn đường dài dọc bờ sông. Nắng trưa chang chang mà gió sông bỗng trở lạnh.
I*
*
Tháng Chạp
Gió đông bắc tràn về không đủ lạnh để ngăn những nụ hoa vạn thọ vươn lên phơi phới trên nền đất mới. Một vùng lau sậy hoang vu chỉ trong vài tháng đã biến thành thảm rau màu xanh non mướt mát. Khu công nghiệp treo từng treo những ước mơ và khát vọng của bao nhiêu con người, giờ đã được gỡ xuống. Đất đã trả về với người khát đất.
Tôi ngồi một mình dưới bóng cây bạch đàn vừa mọc cao khỏi đầu, say sưa thả hồn về một thế giới bình yên và hạnh phúc. Tôi trong mơ tóc bạc trắng, đi bên cạnh người phụ nữ không phải vợ mình.. .Mộng và thực cứ lẫn vào nhau...
Từ trong căn nhà lá mới cất, một người phụ nữ bước ra, trên tay bưng mâm thức ăn và chai rượu nhỏ. Nàng hất mái tóc sang một bên để mùi bồ kết bay nhẹ nhàng trong gió và nghiêng đầu nhìn tôi âu yếm:
- Ăn cơm trưa với “bạn cờ” đi, ông giáo! Bữa nay là kỷ niệm 5 tháng ngày ông Thanh “về với đất”. Nhớ chưa?
Làm sao tôi quên được những người đã giúp tôi tìm lại ý nghĩa của cuộc sống. Từ ngày tôi được về với đất, tôi như hạt mầm mọc lên tươi tốt dưới sự nâng niu, chăm chút bởi bàn tay kỳ diệu của một người mà tôi vẫn quen miệng gọi bằng “chị”- chị Hạnh!
Nguyễn Quang Ba (Đồng Tháp)
Tác phẩm, đoạt giải, cuộc thi, truyện ngắn, ĐBSCL, lần thứ V - 21015
Ý kiến bạn đọc