Tiếng trống ngày khai trường

Đăng lúc: Thứ tư - 12/11/2014 07:00
Đã lâu lắm rồi tôi chẳng còn cư ngụ nơi ga xép ấy nữa. Khu xóm ga cũ kỹ có khoảng sân rộng trải loang lổ nhựa đường và với những tiếng còi tàu lúc nào cũng nghe như ngáy ngủ, vào các buổi sớm lên hay mỗi khi chiều xuống. Các chuyến tàu ghé đến ga xép này thường mang đi, thả xuống độ mươi người với những gánh gồng tanh mùi cá, mực của vùng biển quê tôi.

Dạo ấy, vợ tôi đột ngột qua đời. Như con thuyền bão giật mất neo giữa biển thường cơm áo, tôi bèn tạm nghỉ việc viết lách lâu dài, quay qua “xoay nóng” về cái ăn cho mấy cha con, bằng mở ra một quầy bán sách trước ga  xe lửa. Gọi là quầy cho oai, chứ kỳ thật chỉ tre lá tuềnh toàng. Tuềnh toàng hệt như đời tôi và sân ga ấy vậy! Đầu tư ban đầu cho quầy sách đột xuất này là toàn bộ kho sách báo đồ sộ của tôi được chắt mót, giữ gìn từ khi còn cắp cặp tới trường đến lúc đó. Có nhiều cuốn hồi mua được nó, nỗi mừng vui khiến tôi cứ ngồi nhìn ngắm, vuốt ve đến cả quên ăn bỏ ngủ. Giờ thì tôi bán tất! Vì sống còn trước mắt của “gà trống nuôi con”. Hy vọng rồi các sách mang đầy kỷ niệm của tôi sẽ tìm được những chủ mua yêu quý nó như là tôi vậy!

Những đợt bán đầu đắt như tôm tươi. Có tí đỉnh tiền, để đa dạng hóa quầy sách của mình, tôi lôi về hàng loạt truyện tranh, giăng đầy trên mấy nẹp tre. Vùng tôi nghèo nên sau mấy hôm xôn xao ban đầu, quầy sách tôi các em đến thưa dần bởi túi tiền có hạn. Sách thì ngày một ố vàng, xuống cấp thêm vì giăng phơi cho gió dầu nắng dãi. “Tiếp thị” tình trạng này, để vớt vát lại phần nào sách đã đến hồi cong bìa, gãy gáy, tôi bèn phân xuống loại hai, cho các em thuê đọc tại chỗ trong khi chờ tàu. Nhờ chuyển hướng phục vụ kịp thời này, các em đến quầy tôi ngày lại một đông lên. Và cùng dịp này, tôi mới quen em -  người độc giả nhỏ tuổi mà tôi không bao giờ quên được!


Minh họa: Lê Hồng Thái

Một chiều, khi tôi đang cặm cụi sắp xếp quầy thì một cơn gió bất ngờ đánh trốt lên. Gặp quầy sách tuềnh toàng của tôi, nó xoáy thẳng vào và cuộn tung lên trời tất cả những gì có thể. Khi kịp nhận ra sự viếng thăm đường đột này, sách báo của tôi đã lẫn vào bụi mù, lớp bay trắng trời, lớp đang hạ dần độ cao xuống khắp khu vực! Tôi chỉ còn biết dụi mắt kêu trời và đành đón lượm những thứ rớt gần quầy thôi. Kiểm lại, kể cả số mấy người hảo tâm lượm giúp, sách báo tôi cơn lốc xoáy vừa rồi “phát không” đi quá nửa! Nhất là truyện tranh. Bộ thì mất đầu, bộ lại mất đuôi, nếu còn đầu đuôi thì vắng đi khúc giữa. Những bộ còn lại dạng què quặt thế cũng cầm bằng như lốc xoáy bay đi!

Hôm sau, giữa lúc tôi đang bần thần với những thiệt hại do cơn lốc gây ra thì… bỗng có tiếng động bên hông quầy:

- Dạ… sách của chú gió bay nè!

Tôi quay lại, một thằng bé chừng mười hai, mười ba tuổi đang nhoẻn miệng cười với chồng truyện trên tay.

- Ơ… cám… cám ơn cháu! - Tôi vô cùng mừng rỡ. Cháu lượm hôm qua phải không?

- Dạ. Lượm xong, tàu chạy nên… cháu phải đem về nhà.

Tôi xem lại. Đúng là mười mấy cuốn trong loạt sách của tôi. Hầu hết là truyện tranh. Trong đó có những cuốn ráp vào, giúp tôi khỏi phải vứt đi khá nhiều bộ sách. Cám ơn nhiều! Việc em không giữ chúng để đọc chơi rồi bỏ là điều khiến tôi vô cùng ngạc nhiên và cảm động. Nhất là khi em đã mang chúng về đến nhà.

Bây giờ thì em sốt sắng giúp tôi xếp các sách vừa mang đến vào quầy. Theo cách xếp, hóa ra em cũng khá quen thuộc với truyện tranh ở quầy tôi. Không chừng em là độc giả thường xuyên ngay từ những ngày đầu cho thuê nữa đấy. Điều đó nghĩa là em đã tốn không ít tiền vào quầy sách của tôi.

- Cháu có… hay đọc truyện không? Tôi gợi ý.

Thằng bé như không thể giấu được chiếc răng khểnh của mình, cười bẽn  lẽn:

- Thưa có. Cháu thích xem truyện… tranh.

Tôi xoa đầu em:

- Được rồi! Từ nay chú cho phép cháu đọc tất cả những truyện thiếu nhi có trong quầy chú mà khỏi phải trả tiền. Đồng ý không?

Nó vòng tay, cúi đầu:

- Cháu… xin cám ơn chú.

Tôi bèn đưa em cuốn mở đầu của bộ truyện tranh hay nhất mà tôi mới mua. Em lễ phép cám ơn và đến ngồi đọc nơi băng đợi tàu. Trong quầy nhìn, bỗng dưng tôi nhận ra em. Phải rồi! Em đúng là độc giả thường xuyên ở quầy sách của tôi. Với dáng ngồi nghiêm túc như “ông cụ non” ấy, thái độ đọc khi cười mỉm, lúc chau mày tuy lặng lẽ nhưng đồng cảm với nhân vật ấy… Dù hôm nay thiếu cái bị cói dưới chân khi ngồi đọc, song tôi vẫn nhớ có lần đã từ chối tờ tiền năm trăm vừa rách, vừa ướt em lôi từ trong ấy ra. Em đã gửi lại cái bị cói cho tôi, chạy đâu đó kiếm về đưa tờ bạc khác. Những tờ năm trăm kiếm được ở tuổi em chắc cũng chẳng dễ dàng gì!

Từ ấy, ngày nào như ngày nào, trước còi tàu ngược ga vang lên chừng vài mươi phút, em với bị cói bên mình lại rụt rè đến đọc nơi quầy sách của tôi. Có nhiều hôm em phụ giúp tôi những việc lặt vặt trong quầy, để khi đọc không trả tiền cho bớt phần áy náy. Và cũng từ ấy, em thoạt đến thoạt đi theo những tiếng còi tàu; còn tôi, chẳng lời lãi bao nhiêu song lúc nào cũng bận rộn bán, thuê như người nuôi con mọn. Do vậy, tuy quen nhau đã lâu nhưng tôi vẫn chưa tỏ tường quê quán cũng như việc làm của em. Chỉ mang máng biết rằng em rất đông anh em qua những thứ quà em tha về trong bị cói.

Một hôm, có thằng bé thuê đọc tập truyện tranh, tôi tìm hoài chẳng thấy. Cuối cùng, sực nhớ đã đưa em đang ngồi đọc nơi băng đợi tàu. Thằng bé thuê này ăn vận ngon lành, hứa hẹn sau là khách sộp nên tôi nhỏ nhẹ:

- Truyện đó cháu ngồi cuối băng tàu đang đọc. Chờ nó lên tàu chú sẽ cho thuê.

Nghe thế, thằng này vội sấn sổ đến, giật phăng cuốn sách trong tay em, giọng kẻ cả:

- Biết gì mà cũng bày đặt đọc xem! Đồ không biết chữ!

Sau cái giật thô bạo của thằng kia là tiếng còi tàu. Em nhìn tôi đầy thẹn thùng rồi lao vào phía cửa ga. Chẳng mấy chốc, chiếc bị cói cần mẫn bên hông em đã khuất chìm sau những gánh gồng vội vã.

- Hóa ra em vẫn chưa biết đọc ư?! Tôi lẩm bẩm, bàng hoàng.

Thằng bé vừa giật sách bĩu môi:

- Nó chỉ biết có mỗi chữ O, nhờ quả trứng gà thôi!

Sau buổi chiều biết em không đọc được chữ ấy, em chẳng bao giờ ghé lại quầy tôi. Cứ mỗi lần tiếng còi tàu vang lên hay trước chừng dăm phút, tôi lại bỏ cả bán mua để dõi mắt tìm em. Nhưng thật là hoài công…! Và… sao lại như thế, em ơi ???

Đã lâu lắm rồi tôi chẳng về lại nơi ga xép ấy nữa! Khu ga xép cũ kỹ với những tiếng còi tàu bây giờ nghe cứ nghèn nghẹn, buồn buồn kể từ dạo em không trở lại quầy sách của tôi. Quầy sách, cũng từ dạo thiếu

“độc giả” là em, thưa vắng dần. Cộng thêm mua lỗ, bán hao và miệng ăn mấy cha con nên rốt cuộc rồi, chính tôi cũng phải tha phương, bỏ xứ! Thế là vĩnh viễn tôi không còn cơ hội để tìm gặp lại em.

Bây giờ trên bước đường lưu lạc của mình, cứ mỗi lần nghe tiếng còi tàu mơ hồ vọng về từ đâu đó hay tiếng trống gọi ngày khai trường, tôi lại nhớ đến em. Nhớ vô cùng! Em giờ đang lận đận phương trời nào hay vẫn còn ngược xuôi nơi ga tàu quê cũ? Dù ở đâu, mong rằng lúc nào em cũng mạnh tay, khỏe chân để giúp đỡ gia đình.

Và nhất là… đã biết đọc rồi để em còn xem được những dòng vừa nhắn gửi của tôi.

Lê Nguyên Ngữ
(Theo Văn Nghệ Trẻ số 64)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 414
  • Khách viếng thăm: 411
  • Máy chủ tìm kiếm: 3
  • Hôm nay: 39143
  • Tháng hiện tại: 2203803
  • Tổng lượt truy cập: 46171036