Cười như mặt trời

Đăng lúc: Thứ hai - 18/01/2016 10:11
(Tác phẩm đoạt giải Khuyến khích cuộc thi truyện ngắn ĐBSCL lần thứ V - 21015)

Sau cái tát đáng ngỡ ngàng của mẹ, thằng Gấu 15 tuổi bỏ nhà đi mất.
Quán cà phê khuất sau cái cổng được uốn bởi hai cây sử quân tử. Mẹ đến chỗ ngồi quen thuộc của mình, dưới tán dù đặt bên gốc cây mít. Những trái mít lóc nhóc đu trên thân cây như những đứa con bám vào mẹ. 
Hình minh họa

Hình minh họa

Đó là lời của thằng Gấu ba tuổi. Thằng Gấu ba tuổi đã biết lẽo đẽo theo mẹ đi trầm quán cà phê, ngồi nghiêm trang như người lớn, đĩnh đạc gọi: “Cho Gấu ly cà phê sữa đá”. Hơn mười năm cây mít vẫn còn đó, vẫn mang nặng những đứa con ủn ỉn xung quanh. Mẹ không quen uống cà phê, nhưng hôm nay mẹ gọi cho mình ly cà phê sữa đá, đúng như cách thằng Gấu thường hay gọi. Cô chủ quán lúc nào cũng cười tươi tắn, hỏi: “Hôm nay thằng Gau đâu?”

Thằng Gấu đâu?

Mẹ không thể trả lời rằng thằng Gấu đã bỏ nhà ra đi, sau khi mẹ tát cho một cái vì phát hiện đã trốn học trong trường mấy ngày và từ lâu đã bỏ tất cả các lớp học thêm nào Toán, nào Hóa, nào Lý, nào Anh, kể cả môn Văn mà mẹ năn nỉ lắm cô giáo dạy giỏi nhất thành phố mới chịu nhận. Con học dở là nhục. Con trốn học là nhục. Có thể nói ra nỗi nhục của mình hay không?

Đó là lần thứ hai mẹ tát Gấu. Lần đầu tiên, mẹ đã tát thằng Gấu ba tuổi vì một lí do vớ vẩn nào đó như bao bà mẹ khác trên đời, bao bà mẹ cho mình cái quyền được tát con mà không cần hỏi nguyên do phạm tội. Thằng Gấu ba tuổi không hề khóc như bất kỳ đứa bé lên ba nào bị tát dù oan hay đáng tội. Một lần, bất thần nó tát vào mặt mẹ. Mẹ kinh hòang trước hành vi động trời vô căn cứ đó, bàng hòang hỏi: “Sao con tát mẹ?”. Thản nhiên, thằng Gấu trả lời: “Con tát để mẹ biết là bị tát có đau không?”. Mẹ thần người nhớ lại thời thơ ấu của mình, nhớ cảm giác đau điếng của thể xác và phẫn uất của tâm hồn khi bị mẹ mình tát, dù oan hay không. Oan thì cảm giác đó rất nặng, còn không oan thì tự hỏi: “Sao mẹ mình chẳng thể thứ tha?.

Tiếng nhạc im bặt. Rồi lại vang lên. Có lẽ cô chủ quán thay đĩa. Hiền Thục đang hát bài “ Nhật Ký của mẹ”

Bao ngày mẹ ngóng

Bao ngày mẹ trông

Bao ngày mẹ trông con chào đời

Áp trong đáy lòng

Có chăng tiếng cười

Của một hài nhi đang lớn dần

Thằng Gấu 13 tuổi vụt cao lên, cũng vụt có hàng đống dam mê, mê đá banh là hiển nhiên có từ nhỏ rồi, lại thêm mê phim, mê nhạc, mê tụ tập bạn bè đi khơi khơi ngoài đường không có mục đích gì hết. Một ngày cười rạng rỡ: “Mẹ, mẹ nghe bài hát này nè, hay vô cùng”. Thằng Gấu 13 tuổi mờ mạng cho mẹ nghe bài hát: “Nhật ký của mẹ”, rồi nó quên mất mẹ ở bên, cả hồn chìm lút trong bản nhạc. Rồi nó chợt tinh khi mẹ vỗ vào vai nó.

Hay hén mẹ. Bộ còn trong bụng người ta đã biết cười rồi hả mẹ?

Mẹ không biết

-Chớ sao bài hát có chăng tiếng cười, cùa một hài nhi đang lớn dần? Nhưng Gấu chắc Gấu biết cười từ lúc còn trong bụng mẹ.

Mẹ không biết Gấu có biết cười khi còn trong bụng mẹ hay không, nhưng khi chào đời không bao lâu Gấu đã biết cười. Trong tháng, con người ta thức suốt đêm khóc, còn Gấu thức suốt đêm để cười, có khi không cười cũng nằm chơi như thế chứ không khóc quấy, đến nỗi mẹ cũng mặc kệ Gấu mà ngủ. Nên lớn lên Gấu hay nói giỡn, người ta ru: Gió mùa thu mẹ ru mà con ngủ, năm canh chầy thức đủ năm canh, còn mẹ là ngủ đủ năm canh.

Thằng Gấu 4 tuổi hì hục vẽ một bức tranh toàn thú vật, nào gấu, voi, hổ, báo, son dưong, khỉ... đang nhảy múa trong rừng. Không con nào có vẻ như đe dọa ăn thịt con nào, thậm chí thỏ còn đứng trên lưng cọp. Gấu mê thú vật từ khi biết xem ti vi. Thế giới động vật là chưong trình Gấu yêu thích, đến nỗi Gấu biết hết loài nào sống ở đâu, ăn cái gì, đẻ con hay đẻ trứng... Bức tranh của Gấu đầy màu sắc, màu xanh của lá cây, của bãi cỏ, của mây, màu đen của quạ, đủ màu lấp lánh của con công. Lơ lửng trên cao là mặt trời to như cái mâm, vẽ như mặt người, có mắt, có mũi có miệng đang cười toe tóet. Gấu đề dưới bức tranh: “Cười như mặt trời”.

Thằng Gấu yêu thương tất cả loài vật, yêu cả con chuột cống dơ bẩn, con gián gớm ghiếc. Có lần mẹ giận đám chuột cống phá nhà phá cửa, đã đập chết một con, thằng Gấu nhào khóc như lên cơn động kinh.

-Mẹ có biết vì sao nó vào nhà mình không? Nó đi kiếm thức ăn về cho con nó. Bây giờ nó chết rồi con nó ngóng hoài không thấy mẹ về, sẽ chết vì đói.

Cả mẹ, cũng chưa bao giờ nghĩ đến điều đó. Một lần thằng Gấu 5 tuổi từ công viên chạy về, hai tay bê hai con mèo con còn chưa mở mắt, mắt sáng hoắc:

-Mẹ ơi, mình nuôi hai con mèo này đi

-Trời đất ơi, ở đâu vậy?

-Ở công viên, nằm trên cỏ. Ai cũng đòi đem ra sông quẳng đi. Con nói để con nuôi cho

Kinh nghiệm về con chuột, mẹ lại gần nhìn hai con mèo, nhẹ nhàng nói:

-Nó đáng yêu thật, nhưng nhà mình ai cũng đi suốt, sẽ không ai chăm sóc nó. Chắc mẹ nó tha ra công viên rồi quay về tha tiếp con khác. Lát nữa mẹ nó ra không thấy nó sẽ rất buồn. Con mang về chỗ cũ đi, đến tối hai mẹ con mình ra xem, nếu chúng còn ở đó, mình sẽ mang về nuôi.

Thằng Gấu mang đi, rất lâu sau mới quay về, hớn hở kêu lên:

-Mẹ ơi, có dì kia nhận nuôi rồi.

Thằng Gấu sáu tuổi, buổi chiều khi mẹ chuẩn bị đi rước thì thấy Gấu ở đầu hẻm, lưng mang ba lô, tay cầm gói xôi vò, cười rạng rỡ, kêu rối rít:

-Mẹ, mẹ, con đã thành công rồi!

-Thành công cái gì, ai đưa con về vậy?

-Con tự đi bộ về. Cô cho về sớm, cả đám ngồi trước cổng đợi cha mẹ. Con đi bộ về coi mình có sợ không? Lúc đầu con sợ lắm, nhưng từ từ hết. Con mua cho mẹ gói xôi nè! Bà bán xôi đã già, con thấy tội nghiệp quá nên mua.

Mẹ rưng rưng nước mắt.

Thằng Gấu khi nhỏ đáng yêu là vậy. Vậy mà đêm qua nó sừng sộ như con gà chọi, mặt gầm xuống lì lợm, cha mẹ nói một câu trả lời một câu, đến nỗi mẹ phải gào lên:

-Ngày xưa con cái không ai dám trả lời cha mẹ một câu, bà ngoại la rầy mẹ dù oan mẹ cũng không dám trả lời, còn con coi không thua một tiếng

-Ai cấm mẹ không trả lời. Mình phải có quyền nói lên ý mình chớ.

-Con nói coi, vì sao con trốn học?

-Không phải là trốn học mà là con không đi học. Con không đi học vì con không muốn đi học. Tại sao con phải nghe những điều con không muốn nghe? Tại sao con phải nhớ những điều con không muốn nhớ? Tại sao con phải làm những điều con không muốn làm?

-Nhưng không học thì con sẽ làm cái gì?

- Làm cái gì là làm cái gì? Ở nhà, ở trường lúc nào con cũng nghe ra rả, các em phải học để sau này được cái này được cái nọ. Con không muốn được cái gì hết. Bây giờ con chỉ muốn học đủ năm điểm rồi thời gian còn lại đi đá banh, đi bơi lội, đi chơi, đi làm những gì mà con thích thôi. Tại sao qui định năm điểm là được, mà có đứa chín điểm vẫn bị đánh đòn là sao? Con thà chỉ năm điểm thôi còn hơn mười điểm mà suốt ngày phải chạy sô từ nhà thầy này sang nhà thầy khác. Mẹ không nhớ là lúc đầu con rất háo hức đi học sao? Nhưng ngày đầu tiên con đã bị cô giáo la là sao không viết được thời khóa biểu. Cô giáo ghi thời khóa biểu lên bảng, cả lớp rào rào viết theo, chỉ có mình con. Thì ra tụi nó đã học trước chương trình lớp một. Thế là cả năm đó con phải chạy theo đuôi người ta. Tại sao chỉ cần một năm học để biết đọc biết viết mà bắt chúng con phải học đến hai năm? Tại sao sách giáo khoa sọan chỉ để học trong một buổi mà chúng con phải vừa học trong trường vừa học thêm? Tại sao suốt ngày con chỉ nghe từ học, học,... Tại sao mẹ kể hồi nhỏ mẹ chỉ học một buổi, còn lại là đi chơi, leo núi, bơi lội, tán u, thả diều... Còn con không được làm gì hết ngoài học, học... Tại sao người lớn đi làm chỉ tám tiếng trong ngày, còn tụi con phải học đến mười hai tiếng, thứ bảy chủ nhật cũng không được nghỉ. Con không muốn học nữa. Con chỉ muốn đi đá banh thôi. Con không muốn thi vô trường chuyên. Tại sao cũng là lớp mười mà cứ phải chen vào trường nào đó để rồi học đến khổ đến sở. Con không muốn học. Con chỉ muốn đi đá banh. Con không cần phải học thành tài như mẹ và cô nói mới nuôi nổi mình. Con đi đá banh cũng có tiền. Mẹ có tin là con có thể vô đươc các câu lạc bộ của nước ngoài không? Còn không thì bán vé số cũng có tiền. Tại sao mẹ khinh người bán vé số? Tại sao mẹ khinh cầu thủ đá banh là vô học? Con thấy họ cười nhiều hơn mẹ, nhiều hơn mấy ông tiến sĩ. Con không học nữa.

Và nó cứ gào lên như thế cho đến khi nhận cái tát như trời giáng của mẹ.

Mẹ đã đi tìm thằng Gấu suốt đêm qua. Mẹ cũng đã vào phòng cấp cứu của bệnh viện. Nơi đó mẹ chứng kiến đủ kiểu tai nạn, đủ kiểu bệnh và đủ kiểu chết. Nơi đó có lần thằng Gấu bốn tuổi được đưa vào vì bị viêm phổi. Thằng Gấu bốn tuổi quậy phá suốt ngày, tay chân không lúc nào yên, thậm chí mỗi buổi sáng mẹ gần như muốn trói nó lại mới thay đồ đi học được cho nó. Lần nào mẹ cũng quát, đứng im chưa, ngồi im chưa, nằm im chưa. Rồi một buổi sáng, thằng Gấu bốn tuổi im thật không quậy, không phá, thở khò khè và... nhập viện. Và lúc đó, mẹ chỉ mong thắng Gấu đừng nằm im nữa, mà đứng dậy, tiếp tục quậy phá.

Khi dáo dác đi khắp phòng cấp cứu, nhìn tận mặt từng người, mẹ thầm nhủ: “Như thế nào cũng được, không thi vào trường chuyên cũng được, không thành ai khác cũng được, miễn Gấu của mẹ còn nguyên vẹn hình hài như mẹ sinh ra, mỗi sáng cười rạng rỡ như mặt trời chiếu từng tia sáng lấp lánh vào đời mẹ”.

Mẹ ngồi ở quán cà phê suốt buổi sáng, rồi buổi chiều. Mẹ không còn biết đi đâu tìm nữa, chỉ còn bám vào hy vọng mong manh là Gấu sẽ tìm đến nơi lưu dấu kỉ niệm của hai mẹ con mình, nơi Gấu khát khao được nhấm nháp từng muỗng cà phê sữa đá hoặc từng muỗng kem dâu đầy khoái trá.

Chiều dần buông. Khi nhũng tia nắng cuối cùng tắt hẳn trên giàn sử quân tử cùng với niềm hy vọng của mẹ lụn tàn, thì Gấu bất ngờ xuất hiện. Quần áo tinh tươm, dù vẫn là bộ quần áo mặc lúc ra đi đêm hôm qua. Mẹ gần như muốn đứng phắt dậy, chạy đến ôm chầm lấy Gấu, nhưng mẹ kềm chế lại được, ngồi im lặng nhìn Gấu. Gấu thoáng ngỡ ngàng khi nhìn thấy mẹ, như trong tâm tư cũng mong gặp mẹ nơi này mà vẫn không tin là gặp. Cô chủ quán lăng xăng chạy ra:

-Gấu đây hả? Lớn bộn rồi. Cao hơn cả mẹ rồi. Ngồi xuống đi, uống gì, cà phê sữa đá hay kem.

Không còn là chú bé thơ, nhấp nháp từng muỗng cà phê sữa đặc quánh, Gấu hút một roạt hết ngay ly nước, rồi ngước mắt lên nhìn mẹ, như sẵn sàng đón nhận mọi cơn giông bão.

-Tối qua con ở đâu?

-Con ở nhà bạn.

Mẹ khẽ nhắm mắt lại, rồi mở mắt ra nhìn Gấu. Điềm tĩnh hơn tuổi của mình, Gấu nhìn mẹ với cái nhìn thẳng thắn và trong sáng. Mẹ hỏi:

Con nói cho mẹ nghe, nếu con có một điều ước, con sẽ ước về một người mẹ như thế nào?

vẫn là mẹ.

Vậy tại sao con không nghe lời mẹ.

-Không nghe lời mẹ không phải là con muốn có một người mẹ khác. Mẹ có quyền bảo con những điều mẹ muốn con làm, nhưng con cũng có quyền làm những gì con muốn làm.

Nếu sau này con có con, con sẽ đối với con con như thế nào?

Con cho nó có quyền làm những gì nó thích và có khả năng làm, miễn không đi quá xa những chuẩn mực.

Những chuẩn mực là gì?

-Một môn học qui định trên năm điểm là đạt yêu cầu. Đó là chuẩn mực. Vậy tại sao con năm điểm thì mẹ không hài lòng. Mẹ muốn con mười một điểm con cũng đạt được, nhưng với chương trình học kiểu này, cả đời con chỉ biết đến những con số toán học, những công thức lý, những phương trình hóa học, những bài phú đã quá lỗi thời, mà không biết bơi lội là gì, không có cả thời gian ăn cơm với gia đình. Mẹ vô nhìn bạn con kìa, cả ngày bị giam lỏng ở nhà cô, đến tối về mệt lăn đùng ra ngủ, không nói chuyện được với ba mẹ một câu, học đến nỗi cái mặt trở thành hình vuông.

Hình vuông là sao?

-Là như khối đá, mất hết cảm xúc chứ sao. Mẹ hỏi hết tụi nó coi, có đứa nào muốn đi học không, đâu phải mình con. Đứa nào cũng trải qua những khổ sở chỉ vì: “Học đi con, học cho có tương lai”. Mẹ còn nhớ cái lần con đi thi cờ vua không, bạn con đã bị mẹ nó đánh khi bị thua. Chơi cho vui thôi mà cũng khổ đến như vậy. Phần lớn bạn con học vì cha mẹ muốn như vậy. Thậm chí chúng không có cả ước mơ, mà cũng không muốn có ước mơ. Nhỏ bạn con kìa, đang luyện thi chuyên Lý cả năm nay. Hỏi mày thích môn Lý hả? Không. Mày giỏi môn Lý hả? Không luôn. Vậy sao mày thi chuyên Lý. Tại cô giáo nói thi chuyên Lý dễ đậu hơn các môn kia. Mẹ cứ hay nói con thế này thế nọ, chứ con còn hơn tụi nó là con biết con muốn gì?

Con muốn gì?

Mẹ hỏi mà cũng bàng hoàng thảng thốt với chính mình, khi nhận ra mẹ nuôi con suốt mười lăm năm qua mà vẫn chưa biết Gấu muốn gì, muốn trở thành người như thế nào, trong khi trong đầu mẹ luôn hình thành sẵn một tương lai cho Gấu, một trường chuyên, một trường đại học y danh tiếng, một bác sĩ danh tiếng, một địa vị xứng tầm với những lo toan vất vả của mẹ.

Con cũng muốn thành bác sĩ như mẹ, nhưng không phải để cứu người mà cứu động vật.

-Hả?

Con muôn trở thành bác sĩ thú y. Thời gian đâu con sẽ tập trung chữa bệnh cho vật cưng đê có nhiêu tiên và lành nghề. Sau đó con sẽ tham gia vào hội bảo vệ động vật hoang dã. Con sẽ đi khắp thế giới cứu những con vật nào cần sự cứu giúp.

Hả? - Mẹ vẫn chưa hết ngỡ ngàng.

Mẹ im lặng. Gấu lấy ngón tay chấm vũng nước đọng trên bàn, vẽ thành hình trái tim. Rồi ngẩng lên nhìn mẹ. Ánh mắt trong veo như Gấu hồi năm tuổi. Gấu năm tuổi sống trong thế giới thần tiên đầy mơ mộng. Bên cạnh Gấu là hàng đống con vật, bằng mủ, bằng sành, bằng sứ, bằng thủy tinh... lấp lánh. Gấu vào bàn ăn chúng cũng nheo nhóc ngồi bên cạnh. Panda ơi, ăn món này không? Bird ơi, ăn hạt cơm này. Gấu vào bồn tắm, cả bọn cũng nổi lềnh bềnh trong đó, nói năng ì xèo. Này, cậu làm văng xà bông vào mắt tớ rồi đây nè. Ê, chơi không được nhận nước à nghen. Cái con khỉ này, sao mày bút tóc tao. Mưa rồi các bạn ơi. Mưa đâu mà mưa, cái thằng voi đang phun nước kìa. Những cuộc đối thoại nhặng xị chỉ một mình Gấu đóng tất cả các vai ấy vẫn hay làm ngỡ ngàng những người khách tình cờ đi ngang qua nhà tắm.

- Con suy nghĩ kỹ rồi, nếu mình không có ước mơ và quyết tâm thực hiện ước mơ đó thì sẽ có người khác bắt mình phải thực hiện ước mơ của họ. Con sẽ thi vào trường chuyên. Con sẽ thi chuyên sinh. Từ đây tới thi chỉ còn một tháng, nhưng con sẽ quyết tâm. Nấu được học chuyên sinh, con sẽ có nhiều kiến thức cho công việc của mình. Con sẽ gia nhập hội bảo vệ động vật hoang dã. Mẹ cho con sử dụng mảnh đất hoang sau lưng nhà mình đi.

-Chi vậy?

- Con sẽ lập một vườn thú, đem những con vật bị người ta vứt bỏ, hành hạ, ngược đãi về cứu chữa và nuôi dưỡng chúng.

Mẹ gần như muốn bụm miệng lại để ngăn tiếng kêu: “Trời ơi!” chực chờ văng ra. Nhưng nhìn ánh mắt đầy quyết tâm, ngùn ngụt khí thế của Gấu, mẹ ngưng lại. Mẹ nghĩ, Gấu mới muời lăm tuổi thôi, mọi suy nghĩ, mọi tình cảm đều có thể đổi thay. Miễn là bây giờ Gấu đã chịu thi vào trường chuyên.

Gấu dọn dẹp lại bàn học. Các quyển tập quăn góc được vuốt lại thẳng thớm. Các quyển sách quăng tứ tung trong nhà được xếp ngay ngắn lên kệ. Những con thú đồ chơi được nhét hết vào thùng, bên ngoài dán hàng chữ: “Ngủ đông đi, cho Gấu học bài”. Quá lâu rồi mới nghe được tiếng líu lo. Mẹ ơi, mẹ dạy con môn văn đi. Mấy môn kia con học được. Nếu con là người soạn sách giáo khoa, môn văn con không có yêu cầu gì hết. Chỉ cần điểm tên tác phẩm và tác giả, rồi ai thích gì cứ đọc đấy. Rồi tới tiết dạy văn, cô trò chỉ thay nhau kể chuyện, đọc thơ, rồi bình luận, rồi muốn viết gì cứ viết. Bài văn mà bắt học thuộc lòng con không làm sao thuộc nổi. Văn của con tự viết ra con còn không thuộc nổi thì làm sao con thuộc cả trăm bài văn mẫu như vậy.

Đêm nào hai mẹ con cũng ngủ gục trên bàn. Mẹ không dám bỏ Gấu học một mình, sợ Gấu nản lòng. Các bạn của Gấu cũng xanh xao phờ phạc vì học, vì chạy sô. Có đứa chỉ riêng môn Toán vừa luyện ở trường, vừa luyện thêm ở hai thầy. Cả nhà, cha mẹ ông bà cô dì thay nhau đưa rước. Như con thoi từ nơi này đến nơi khác, có đứa cả ngày ăn cơm bụi, có đứa vừa ngồi sau lưng xe ba vừa gặm bánh mì. Tại nhà thầy, một hàng dài ngồi chờ đến giờ học, đứa ăn cơm, đứa ăn xôi, đứa ăn bánh bao... Để tối về, không đứa nào còn đủ sức tắm đã lăn đùng ra ngủ. Ấy mà chúng đã luyện thi cả năm trong tình cảnh như vậy.

Mọi hỉ nộ ái ố của cuộc đời tập trung ở sảnh đường, nơi dán thông báo kết quả cuộc thi. Những ông cha bà mẹ đứng lên ngồi xuống chờ đợi. Hầu hết kèm theo đứa con mắt thất thần sợ hãi lo âu. Có bà mẹ khi biết con mình rớt, đã tru tréo lên, con tôi làm bài như vậy mà sao rớt được. Tôi phải bắt chấm phúc khảo lại. Có ông cha cả một trời thất vọng trong mắt, kế bên là đứa con ủ rũ. Có đôi vợ chồng nắm tay nhau gần nhưng nhảy cỡn lên và kêu hu ra.

Mẹ ngồi một mình trên ghế đá. Sáng mẹ rủ Gấu đi xem kết quả, Gấu điềm nhiên nói:

-Mẹ đi xem một mình đi. Con còn có công việc quan trọng hơn để làm.

 

-Việc gì mà quan trọng hơn đi xem kêt quả thi.

-Trời ơi, thì kết quả như thế nào là nó như vậy. Bộ mẹ đi xem sớm thì khác hơn hả? Chen chúc làm gì cho mệt.

Nói xong, Gấu phóng lên xe đạp vù đi.

Khi đám đông tản dần, mẹ mới từ từ đứng dậy tiến đến bảng thông báo. Đêm qua, sốt ruột mẹ hỏi lại Gấu làm bài ra sao, dù chuyện đó đã diễn ra cả tuần trước, và câu hỏi đó lặp đi lặp lại không biết bao nhiêu lần. Gấu quạu, nói:

- Con đã trả lời mẹ bao nhiêu lần rồi. Môn Tóan con nghĩ mình chi trung bình, vì con ghét nó nên không sao học vô. Môn Anh văn điểm sẽ cao vì con thương cô giáo con, rất quan tâm đến con, rất hiểu con, không sỉ nhục con như thầy cô khác. Môn Văn vì con thích Người con gái Nam Xương, cảm thông, thương cảm nàng nên con viết như một đoàn tàu xe lửa. Cái thằng ngồi kế bên nói, ở đâu mà mày viết nhiều dữ vậy, cho tao một khúc coi.

-Trời ơi, học mà phải có yêu ghét trong đó nữa.

- Chứ sao? Thích mới học được. Con thích Thúy Kiều nên câu thơ nào con cũng nhớ. Con không thích Kiều Nguyệt Nga nên một câu cũng không nhớ. Con mà ra đề văn, con chỉ ra kiểu đề như em hãy viết tự do về tác phẩm, tác giả hay nhân vật nào mà em thích.

-Cái thằng này. Mọi việc trên đời này phải có quy tắc chứ. Còn môn Sinh thì sao?

-Sao bài con làm hổng giống đứa nào hết.

-Sao vậy?

- Cái đề không có trong sách giáo khoa, không có trong đề cương ôn của bất cứ thầy cô nào hết. Tụi nó hoặc là không làm được, hoặc là bê nguyên xi của thầy cô nào đó vào dù con thấy nội dung xa lơ xa lắc với cái đề. Còn con viết quá ười, tới hết giờ mà vẫn chưa hết ý.

-Ý ở đâu mà con viết?

- Hổng biết nữa. Con viết tràn lan hết, có ý là cô dạy con tóm tắt lại, phân tích lại, có ý là con đọc sách, có ý là con đọc trên Net, có ý là do con bịa ra.

-Trời ơi, khoa học mà bịa hả.

-Mẹ giỡn hoài. Có khi phải bịa trước rồi tìm cách chứng minh sau.

-Người ta chấm cái roạt là con không điểm, ở đó mà có thời gian cho con chứng minh.

Mấy chục trang danh sách được dán trên bảng. Mẹ đến tìm vần T. Gấu tên là Quang Tuệ, không phải là nghĩa trí tuệ sáng sủa, thông minh của đời thường, dù ai đọc tên Gấu cũng hiểu là như vậy. Mẹ đã lấy chữ Tuệ trong nhà Phật đặt cho Gấu. Khi con người sống đúng giới luật, luật nhân bản nhân quả, sống với cái tâm hướng thiện, tĩnh lặng không lăng xăng lao xao chạy theo dục vọng thế gian, thì sẽ sinh ra Định. Định là trạng thái Tâm hoàn toàn bất động trước mọi vô thường. Mọi biến cố cuộc đời, mọi bất trắc không còn làm mình xao động sợ hãi nữa. Từ đó sẽ sinh ra Tuệ. Trí tuệ bát nhã, thoát khỏi vô minh, giải thoát mọi khổ đau trong tâm hồn. Nên hạnh phúc, chính là điều mẹ muốn mang lại cho Gấu trong cái tên của mình, hạnh phúc bất diệt chứ không phải hạnh phúc vô thường của thế gian.

Tên Quang Tuệ hiện ra trong danh sách trúng tuyển. Điểm môn Sinh đứng thứ hai. Có ai đó nói rằng đề môn Sinh năm nay rất khó, và chỉ có một hai em làm được câu “ngoài đề”. Cái chữ “ngoài đề” mẹ đã nghe rất nhiều lần, nghĩa là ngoài đề cương ôn tập. Có lần trong cuộc họp phụ huynh, mẹ đã đề nghị, đừng cho các em học theo đề cương nữa, nghĩa là học thuộc lòng câu hỏi lẫn câu trả lời do cô giáo soạn sẵn. Cô giáo nói, không như vậy tụi nó sẽ rớt hết. Chi cần ra câu hỏi có cùng nội dung mà khác chữ một chút xíu có khi nó cũng không làm được. Mẹ nhíu mày không hiểu nổi, nhớ lại thời mình đi học, học mênh mông kiến thức, khi bước vào phòng thi vẫn có cảm giác cái đầu rỗng không. Nhưng khi câu hỏi hiện ra thì những gì mình biết cũng tuôn ra lũ lượt.

Mẹ nhìn tên Gấu lần nữa rồi quay về nhà, kìm lòng lắm mới không kêu lên Hu ra như hai vợ chồng nọ. Gấu vẫn chưa về. Vườn nhà sau, nơi mấy ngày nay Gấu cùng đám bạn phát quang sạch sẽ, dựng hàng rào bằng tre xung quanh, trồng cây, trồng cỏ, trồng hoa, còn treo nhũng cái lồng trên cao không biết để làm gì. Lẽ nào Gấu sẽ làm cái vườn thú như Gấu nói.

Một tràng cười nói lao vào nhà. Một đám con trai trong đội đá banh tự phát của Gấu, một quần thể đủ mọi thành phần trong xã hội mà Gấu nói nhà tụi nó nghèo lắm mẹ, nhưng nhân ái. Gấu ngồi trên yên sau xe đạp một thằng bạn, tay giơ cao cái giỏ đựng bốn con chó con lông trắng có điểm những đốm vàng. Hai thằng khác khiêng vào vườn sau một biển gỗ đề chữ “Vườn nhân lọaỉ”, hì hục treo lên cái cổng tre mà tụi nó dựng mấy ngày trước. Gấu mang bầy chó đến gần mẹ:

- Mẹ xem, đẹp hông nè?

-Ở đâu vậy?

-Ba của bạn cho con.Chúng là những cá thể đầu tiên trong “ Vườn nhân loại”.

-Sao đặt tên “Vườn nhân loại”? Nhân là phải có người trong đó.

-Thì nhân là tụi con đây. Nhân là người. Người là thông minh hơn loài vật, nên cũng phải bảo vệ nó, chăm sóc nó, chứ không phải giết nó.

-Đặt tên chúng là gì?

-Con này là Tiger, con này Lion, con này là Monkey, con này là Panda..

-Nó là chó đâu phải là cọp, sư tử, khỉ hay gấu trúc?

-Rồi sẽ có cọp thật, sư tử thật, khỉ thật, gấu trúc thật và nhiều con khác nữa. - Gấu trả lời chắc như đinh đóng cột.

Rồi cả đám lao vào vườn, thả bầy chó ra, giỡn cùng chúng và giỡn cùng nhau. Mẹ như thấy bức tranh của Gấu sống động trước mắt, nào khỉ đu trên cây, nào voi phun nước, nào hươu cao cổ nhẩn nha gặm lá. Và kia, Gấu đã giành được con Tiger, giơ lên cao, nhe hàm răng đều đặn ra cười hết cỡ. Mặt trời ở trên cao, chiếu xuống đầu Gấu những tia nắng lấp lánh. Mặt trời cũng cười hết cỡ, tươi vui và rạng rỡ.

Trương Thị Thanh Hiền (An Giang)

 

Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 81
  • Khách viếng thăm: 79
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 7588
  • Tháng hiện tại: 288702
  • Tổng lượt truy cập: 67263193