Ngược chiều

Đăng lúc: Thứ sáu - 15/01/2016 10:31
(Tác phẩm đoạt giải Khuyến khích cuộc thi truyện ngắn ĐBSCL lần V-2015)

Từ hồi chiều tới giờ, ông bà già Năm cứ rậm rực như mấy đứa con nít sắp được ba má nó cho đi chơi xa. Bà Năm đi vô đi ra, cầm cái này lên, để cái kia xuống mà không biết mình tính làm gì. Ông Năm thì hết hút thuốc lại uống trà, rồi chắp tay sau đít đi rảo rảo ngoài sân, lại leo lên võng nằm, uống trà, hút thuốc. Tới lúc muỗi bay lào xào, bà già Năm mới nhớ chực ra là chưa bắt cơm chiều. Bà tính đi bắt thì ông nói khỏi, để ông chở bà xuống xóm dưới ăn bún riêu, coi như ăn mừng.

Ai đời nay, chỉ nhận được cuộc điện thoại của thằng Bổ mà ông bà mừng muốn hết lớn vậy đó. Thằng Bổ là con trai một của ông bà. Nó đi Bình Dương làm công nhân ngót hai năm rồi, hồi chiều mới điện thoại báo tin là ngày mai nó về. Bà Năm nghe nó nói mà thiếu điều muốn rớt cái điện thoại. Từ hồi nó đi mần, cứ dăm ba bữa nó cũng điện về một lần. Lần nào nó điện ông bà cũng hỏi chừng nào nó về. Nó nói công chuyện lu bu lắm, làm công nhân cho người ta đâu phải như ở quê, không xin nghỉ ngang xương được. Đáng lý ra tết năm ngoái nó về chơi vài ngày. Ngặt một nỗi, công ty trả lương trễ, nó đành ăn tết luôn ở trển. Tự nhiên giờ nó nói mai về chơi, ở lại ít nhất cũng ba ngày. Trời ơi, bà Năm nghe nó nói mà mừng muốn khóc, phải hỏi lại hai ba lần cho chắc ăn. Tới khi nó cúp máy rồi mà bà còn run, cứ như là bị ai gọi điện thoại tống tiền hay khủng bố hông bằng. Ông Năm nói vậy đó, nhưng một hồi ông còn run hơn bà. Ông hỏi nó nói thiệt hả, bà có nghe lầm không đó, nó về một mình hay với ai, khoảng mấy giờ về tới… Hỏi một hồi bà Năm phát quạo. Nhưng bà cười.

Thiệt tình mà nói, ở cái xóm Trà Bông này, nhà ông bà Năm chưa phải là nghèo nhứt, có điều hơi đơn chiếc. Hồi thằng Bổ chưa đi Bình Dương, công đất hương quả cũng nuôi được ba miệng ăn. Tới mùa thì đi mần mướn thêm. Tự nhiên mấy năm nay, trong xóm thanh niên trai tráng kéo nhau đi Bình Dương nườm nượp, thằng Bổ cũng xin ông bà cho nó đi một chuyến coi làm ăn được không. Ở nhà làm đồng nào ăn đồng nấy kiểu này biết chừng nào dư, rồi còn tiền bạc sửa sang nhà cửa, lo chuyện vợ con nữa, không đi làm không được. Thằng Bổ là thằng biết lo, ông bà Năm thấy thương nó lắm nên đâu cản nó được. Nó nói ba má cứ làm công đất đó đi, trúng thất gì cũng được, con đi làm sẽ gởi tiền thêm về cho ba má, chừng vài năm thế nào cũng để dành được chút đỉnh, lúc đó sẽ về sửa nhà, cưới vợ. Ba má cứ yên tâm. Nói vậy rồi nó đi, đi biền biệt gần hai năm trời. Nói nào ngay, tháng nào nó cũng gởi tiền về cho ông bà, không sớm thì trễ, không nhiều thì ít. Ông Năm là người đi lãnh tiền, rồi đem về đưa cho bà Năm. Bà lấy cái khăn mùi xoa gói tiền lại, để vô hộc tủ cất, chưa xài một đồng một cắc nào của nó hết. Tháng nào nó cũng điện về kêu ba má cứ xài tiền con gởi đi, con có tiền để dành rồi. Ông bà ậm ừ cho nó an tâm, chứ không xài. Ông bà còn làm lụng được, cần gì xài tới tiền của con, cứ để dành đó, mai mốt nó về đưa lại, coi như cất giùm nó.

Mà nói thiệt, cái ông bà cần đâu phải tiền bạc. Nhiều đêm nhớ con, bà Năm không tài nào chợp mắt được, cứ lăn qua lăn lại. Ông Năm cũng trở mình, thở dài thườn thượt, rồi ông chun ra châm trà, hút thuốc, sáng bét hồi nào không hay. Mấy lần bà Năm biểu ông điện thoại kêu nó về đi, không làm công nhân công nhiếc gì hết. Nhưng ông Năm la bà. Ông nói con người ta không lo làm ăn, lo đua đòi thì mới cấm cản, chớ con mình nó chí thú làm ăn, mình lại không cho, coi sao được. Thôi ráng một thời gian nữa, chắc nó cũng về. Bà Năm nghe nói xong, không cãi được, nhưng lòng bà xa xót lắm. Bà vô buồng tấm tức khóc. Ông cũng não nùng.

Gần nhà có thằng Ne, cũng lên đó kiếm việc làm nhưng chưa đủ tuổi nên công ty trả về. Nó hay qua nhà ông bà chơi. Ông bà coi nó như con. Thằng Ne thấy vậy cũng gọi ông bà là ba má nghe ngọt xớt. Nó nói, con có gặp anh Bổ ở trển nè ba má ơi, ảnh lo mần ăn dữ lắm, tăng ca đều đều luôn. Mấy anh em tụi con cuối tuần cũng thường rủ nhau đi nhậu chơi đỡ buồn, mà ảnh nhất định không đi. Ảnh nói dưỡng sức để mần. Mà nói thiệt nghe ba má, lên trển mà mần như anh Bổ họa may còn có dư, chớ ăn xài, nhậu nhẹt, gái gú là tiêu tùng. Thằng Cao xóm dưới đó, lên ba năm rồi mà có dư đồng nào đâu, mần được một đồng xài ba đồng. Giờ nó thiếu nợ nhiều quá, đâu dám ở đó, sợ giang hồ xử, nghe nói trốn lên Tây Nguyên luôn rồi. Con mà đủ tuổi, lên đó cũng ráng làm như anh Bổ, ráng làm gởi tiền về cho ba má con trả nợ.

Hễ rảnh rỗi là ông bà Năm kêu thằng Ne qua nói chuyện chơi, vừa đỡ nhớ thằng Bổ, vừa tưởng tượng cái cảnh ở Bình Dương. Nói thiệt chớ ông bà cũng mơ hồ lắm, nghe thằng Ne kể thằng Bổ chí thú làm ăn, ông bà cũng yên tâm phần nào thôi, chứ lo thì vẫn lo. Không lo sao được, cứ vài bữa lại nghe một vụ công nhân trên đó bị hành hung, bị bọn giang hồ đánh đập vì mấy lí do lãng xẹt, rồi ôm đầu máu về quê, thuốc thang chạy chữa cũng hết tiền hết bạc. Rồi chuyện công nhân xa nhà buồn quá rượu chè triền miên, cả chích hút ma túy á phiện cũng có… Nói chung đủ thứ cái phải lo hết. Nên có đêm nào ông bà ngủ yên đâu. Chưa nói tới, tết năm rồi, mấy đứa cũng tuổi thằng Bổ, đi làm một thời gian rủng rỉnh tiền, về nhậu nhẹt thâu đêm suốt sáng. Nhậu xong tụi nó còn xách xe ra đường lộ đua, té xe nhập viện mấy thằng. May mà không chết. Ông bà Năm nghĩ đến thằng Bổ, chỉ biết thở dài.

Ảnh minh họa

Bữa thằng Bổ về, ông bà già Năm mời mấy người ở xóm lại, nhậu một trận linh đình. Ai cũng khen thằng Bổ dạo này trắng ra, giống người thành phố quá. Thằng Bổ cười. Nó nói phố xá gì mấy chú ơi, tại tối ngày làm trong công ty, không có dang nắng, riết rồi trắng như công tử bột. Ông Ba Bi cười ha ha, nói mày về đây, đi vác lúa chừng ba bữa là đen như tao liền. Mọi người cười, nói đen như ông chắc thằng nhỏ ế vợ. Ổng nói xời xời, mấy bà sồn sồn xóm dưới hỏi xin số điện thoại tui hoài kìa mấy cha ơi. Bà Năm bưng đồ ăn ra, góp mấy lời, nói chú Ba có chiêu gì chỉ cho thằng Bổ với, để nó kiếm cho tôi con dâu, kiếm thằng cháu nội nựng chơi, rồi nó đi đâu thì đi. Ông Năm cười khà khà. Ông Ba Bi nói được thôi được thôi, đẹp trai, chịu mần ăn như thằng Bổ, con gái xóm này mê chết, khỏi cần bí kíp. Mà nói thiệt, tao thấy con gái xóm này riết cũng đi lên mấy khu công nghiệp hết trơn rồi, một năm mười hai tháng mới về một lần, về vài bữa lại đi, mày lên trển kiếm vợ coi chừng dễ hơn ở đây à. Rồi giọng ông bỗng nhiên chùng xuống, ông nói thiệt tình cái thời cuộc gì đâu mà bứng mấy đứa nhỏ xóm này đi hết trơn hết trọi. Từ đầu trên tới xóm dưới chỉ còn mấy đứa con nít với mấy ông bà già. Mọi lần tới mùa lúa là ngoài đồng đông rần rần, già trẻ gái trai ra đồng hết, cực thì cực mà vui ơi là vui. Mùa lúa năm rồi tao ra đồng, thấy loe hoe có mấy nhân mạng, mà toàn mấy ông bà già, lùi lũi làm cho xong rồi về, buồn muốn thúi ruột. Ông già Năm thấy không khí chùng xuống, nói thôi uống đi chú Ba ơi, “lâu lâu lâu ta mới nhậu một lần”. Mọi người gượng cười. Ông Ba Bi bưng ly nốc cái ực, để ly xuống ván cái cốc. Mắt ông nhìn ra cánh đồng vắng đến mênh mông.

Cuộc nhậu kéo dài tới chạng vạng mới dứt. Mấy ông ở xóm vắt vẻo đi về, còn lựa nhựa hẹn tới ngày thằng Bổ đi phải làm một trận nữa. Ông Năm tiễn khách về rồi, lật ngang ngáy khò khò. Thằng Bổ cũng chun vô mùng ngủ. Dọn dẹp nhà cửa xong, bà Năm thắp đèn lên. Bà lấy mớ tiền thằng Bổ đem về đợt này, gói chung với cái gói tiền trong hộc tủ, cất y chỗ cũ. Rồi bà bưng đèn lại mùng thằng Bổ, bà soi đèn gần sát mặt nó. Bà dòm. Thằng Bổ trở mình một cái. Bà khẽ giật mình, lẩm bẩm, mùng chiếu tấn không kỹ, chắc muỗi thiêu. Bà giả bộ tấn lại mấy vách mùng cho nó, rồi bưng đèn để lên bàn thờ. Thằng Bổ nằm nghe tiếng thở bà rất dài, lẫn vào tiếng thằn lằn tặc lưỡi trong đêm.

Thằng Bổ ngồi trước hàng ba, cái ba lô đồ soạn sẵn để bên hông. Nó thấy còn sớm nên ngồi nấn ná lại một chút. Bà Năm cũng ngồi kế bên, luôn miệng nhắc nó coi có quên cái này cái kia không. Ông Năm nằm võng hút thuốc, lâu lâu lại quay qua cằn nhằn bà Năm sao lắm lời, nhắc con một lần nó biết rồi, nhắc hoài. Bà Năm hỏi con đi đợt này tính mấy tháng về. Thằng Bổ ngồi ngẫm nghĩ một lát, nói chưa biết nữa má ơi, để coi. Im lặng. Tiếng cúm núm ngoài đồng vọng vào khô khốc. Bà Năm kiềm mấy giọt nước mắt sắp trào ra, nói, hay là ở nhà đi con ơi, ở nhà, có cơm ăn cơm, có cháo ăn cháo, chớ con đi… Bà nghẹn lại một lúc rồi nấc lên, không nói được nữa. Có lẽ sự dồn nén bấy lâu nay chỉ chờ dịp này để bung tỏa. Bà khóc. Người càng lớn tuổi thì tiếng khóc của họ nghe càng day dứt. Thằng Bổ nhìn ra con đường làng xa hun hút. Ông Năm lại la bà, nói con cái nó lớn rồi, cho nó quyết định cuộc đời của nó đi bà ơi. Bà Năm quay qua cự ông, nói ông là đồ máu lạnh, ông đâu có biết thương con, nhớ con. Ông Năm không cãi lại, chỉ im lặng, đốt điếu thuốc mới. Ông nghĩ tới cái dáng còm cõi mà cương nghị của ba ông, nghĩ tới cái vẻ mặt già nua khắc khổ của má ông. Hình như họ đang nhìn ông, và thở dài. Ngày xưa, cũng tại cái hàng ba này, năm hai mươi mốt tuổi ông còn bị bắt cúi xuống, ba ông quất mấy roi mây sau khi giáo huấn một tràng dài vì cái tính ương ngạnh của ông. Những trận đòn ấy như chiếc dây cương vô hình, ghìm giữ con ngựa bất kham trong ông. Dần dà, con ngựa ấy như đánh mất cái bản năng giương bờm tung vó, nó chỉ còn biết nện những bước chân đều đều trên quãng đường quen thuộc, rồi lững thững dạo chơi, gặm nhấm mấy bụi cỏ trồng sẵn bên nhà, an nhiên chấp nhận. Đến nỗi, sau này, khi ba má ông Năm đã qui tiên, ông cũng chẳng thiết tha gì với những ý nghĩ chọc trời khuấy nước thời trẻ. Ông cũng như biết bao người dân trong cái xóm nghèo heo hút này, tự nguyện buộc chặt đời mình bằng những ngọn gió đồng đơn nhạt.

Tiếng võng kẽo kẹt của ông Năm, lẫn trong tiếng khóc của bà, tiếng cúm núm kêu ngoài đồng vọng vào não nuột. Thằng Bổ cắn chặt môi. Nó không dám nhìn bà Năm. Nó hiểu, trong đôi mắt giàn giụa nước kia, nó vẫn là một đứa con nít. Như cái ngày nó với thằng Hậu mải mê móc cá chạch, tới tối mịch mới về. Bà Năm quất mấy cây đau điếng. Nó không khóc mà bà lại ôm nó vào lòng, khóc nấc lên. Bùn đất trên người nó dính đầy áo quần bà. Những bước chân của nó đã rắn rỏi từ cái thời đi vác lúa mướn với ông Ba Bi. Trái tim nó đã thôi mơ mộng hão huyền từ ngày cô gái kia hỏi một câu thõng thượt, anh lấy cái gì để nuôi tui. Ừ, đâu phải hạnh phúc nào cũng chỉ xây bằng những lời ngọt ngào tình tự, bằng đêm trăng thanh mát rượi trên cánh đồng quê, bằng cái trại nhỏ xíu de đít xuống dòng kinh với hai trái tim quằn quại vì đói nghèo và một đám con nheo nhóc. Những đứa con gái trạc tuổi thằng Bổ ở cái xóm này đã bị cuốn dạt tứ xứ. Có lẽ, họ chẳng vui sướng gì khi cặp kè một ông già lạ hoắc, nói tiếng Việt lờ lợ, vừa đi trên đường quê vừa càu nhàu “tời oi lóng quạ” (trời ơi nóng quá!). Trên chỗ thằng Bổ làm, rất nhiều cô gái quê đã phải ngậm đắng nuốt cay vì những ông chủ vô liêm sỉ. Nhiều cô đau khổ đến mức cắt mạch máu, uống thuốc ngủ tự tử. Nhưng cũng biết bao cô sẵn sàng ngã vào vòng xoáy của những cuộc ái tình tạm bợ, để khỏa lấp đi giấc ngủ hầm hập mùi bia rượu mùi mồ hôi mùi nước đái, khỏa lấp những trận đòn vô cớ của gã chồng lực điền. Và, khỏa lấp nỗi ám ảnh đói nghèo đã lẽo đẽo theo họ biết bao đời nay.

Người ta trôi về đó ngày một đông.

Thằng Bổ nhận ra điều ấy, nhưng dần dần nó chẳng bận tâm lý giải. Cũng như không thèm lý giải tại sao thỉnh thoảng cuối tuần nó hay bắt xe ôm đi mấy chục cây số, dừng lại ở một quãng đồng vắng, xa lạ, chỉ để hít… cái - mùi - đồng. Có lần tự ái vì câu nói của gã xe ôm, nó định bụng không đi nữa. Nhưng được vài tuần nó không chịu nổi. Rồi, mặc cho gã xe ôm dè bĩu, nó lẳng lặng ngồi phía sau, cho đến khi trở về phòng trọ với một lồng ngực đầy mùi ký ức. Nhưng, lúc này đây, thằng Bổ lại hoàn toàn lý giải được những thứ đang diễn ra trong chính con người nó. Nó đứng dậy, mang cái ba lô nặng trìu trịu lên vai, cúi đầu chào ông bà già Năm, và bước. Có vài tốp người ở xóm dưới đi làm đồng, đang ngược chiều với nó. Những gương mặt quá đỗi thân quen. Đến nỗi, thằng Bổ cảm giác như đã gặp họ, cách đây cả ngàn năm, cũng trên con đường này. 

Trương Chí Hùng (An Giang)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 423
  • Hôm nay: 52308
  • Tháng hiện tại: 2216968
  • Tổng lượt truy cập: 46184201