Mẹ và mùa xuân

Đăng lúc: Thứ tư - 25/01/2017 07:43
Mẹ tôi làm nghề nấu/bán rượu. Nói phải tội, chứ nghề này như bán niềm vui cho thiên hạ mà mua buồn bực về cho mình. Tôi to gan nói vậy vì tôi thấy mẹ chẳng còn thời gian, mà cũng chẳng có bụng dạ để cười. Có khi mẹ đã quên cười rồi cũng nên.
Minh họa: Thanh Tiên

Minh họa: Thanh Tiên

Nghề nấu rượu rất cực, giỏi lắm cũng đủ mắm cá và lo cho chị em tôi đi học. Ba tôi có nhiệm vụ kiếm củi, còn chọn gạo, mua men, nấu rượu là việc của mẹ. À, giới thiệu với các bạn, nhà ngoại tôi ở Bình Định, có nghề gia truyền nấu rượu. Mẹ tôi là “con nhà tông”, lại thêm thích tìm tòi nghiên cứu nên kiến văn về rượu của mẹ cũng gần bằng... chuyên gia.

Nghề nấu rượu không có Tết. Để ra lò và bán 10 lít rượu mỗi ngày thì gần như mẹ đã không còn chỗ để ngủ. Còn Tết ư? Nghèo khó gì thì ngày Tết cũng phải có rượu. Lại thêm cái lệ “Tháng giêng là tháng ăn chơi” nên rượu cho ba ngày Tết thì càng nhiều càng… ít. Mà nấu rượu đâu có dễ như nấu… cháo. Nghề này lắm công phu, đòi hỏi phải tỉ mỉ ở tất cả các khâu. Mẹ rất đầu tư cho một mẻ rượu có chất lượng, làm riết rồi “võ công” của mẹ cũng lên mức thượng thừa. Đến nỗi chỉ cần nghe tiếng giọt rượu rớt xuống hũ sành là mẹ có thể biết được chất lượng của mẻ rượu ấy. Nên tôi cũng chẳng lạ gì chuyện nhà mình lúc nào cũng có khách, thì rượu mẹ nấu chỉ khiến người khác “say” thôi mà.

Lần quần chuyện rượu mà quên chuyện tình tầm… huyền thoại của mẹ. Mẹ kể, hồi í mẹ học xong Trung cấp thì vào Nha Trang làm việc cho xí nghiệp chế biến thực phẩm. Ba không chữ nghĩa, bán hàng ở quầy mỹ nghệ dưới chân tháp Bà. Chỉ việc gã trai nghèo đèo trên chiếc xe đạp cà tàng về tới nhà khi gã đi làm về gặp mẹ ngồi dưới chân tháp nhăn nhó vì chân bị trật khớp mà mẹ hoàn toàn tin rằng, đó là một gã trai tốt. Tình yêu bắt đầu, đơm hoa, kết trái - như mối lương duyên tiền kiếp. Chuyện tình tưởng đã kết thúc có hậu với sự dâng hiến và chiếm đoạt theo nghĩa đẹp nhất của từ này. Giọt máu đang tượng hình trong bụng mẹ tưởng trái ngọt của tình yêu lại là lí do để bắt đầu cuộc chiến lựa chọn.

Thì ông bà ngoại làm sao chấp nhận chuyện “cành vàng lá ngọc” của mình lại đi trao thân cho một tên nhà nghèo vô học. Còn ông bà nội thì nổi xung vì thấy bị xúc phạm, từ tự ti, sang tự ái rồi đổ quạu. (Ba không được đi học, lại thêm cái vụ bác Năm, bác Chín từng ra vô chốn ngục tù). Vậy là ba mẹ đành chấp nhận cái giá từ bỏ gia đình để bảo vệ tình yêu. Đưa nhau về vùng kinh tế mới, không có công ty, xí nghiệp để xin làm công nhân, lại không có “kĩ năng” phá rừng làm rẫy, xóm núi heo hút, dân di cư là chủ yếu, lại thêm có nhiều người nghèo lười biếng và nghiện rượu. Trong hoàn cảnh ấy, để tồn tại thì nấu rượu là lựa chọn hoàn toàn sáng suốt.

Quay lại chuyện nấu rượu nhé. Vì rượu của mẹ chỉ khiến người ta “say sưa” nên mấy ông lưu linh hay ghé nhà. Nhiều lúc muốn bỏ nhà đi quách. Biết sao không, làm nghề buôn bán thì khách hàng đương nhiên là “thượng đế”. Khổ nỗi, nhà tôi toàn là những “thượng đế”… say. Thấy khổ chưa? Mà bạn biết rồi đấy, rượu vào thì ai mà tỉnh táo cho được. Buông lời sỗ sàng, có khi còn hành xử lỗ mãng, ngỗ ngược. Mẹ cắn răng chằng mắt chịu, chị em tôi thì tức cành hông. Đấy là chưa nói chuyện mấy ông vô nhà mua rượu, bày ra uống tại chỗ rồi chèo kéo ba tôi lại. Mà rớt xuống bàn rượu rồi thì “vào ba ra bảy” chứ đâu dễ dàng được đứng lên, vậy là trễ công trễ việc. Mẹ phải nai ra làm hết, tối mặt tối mày. Ba tôi có tính xấu là hễ rượu vô thì nhớ bài lai, hay lôi chuyện tận đẩu tận đâu ra ca cẩm. Mà chuyện này đâu phải chuyện năm thì mười họa, nó diễn ra gần như ngày một mới chết chứ. Giờ thì bạn hiểu vì sao tôi nói mẹ hình như quên cười chưa? Khổ lắm, mẹ có than thân trách phận, có đòi hỏi chi đâu. Mẹ lại càng không thích chuyện cãi cọ, hục hoặc nên lầm lũi như chiếc bóng. Không nổi đóa là may chứ bụng dạ nào mà cười.

Không phải sự im lặng nào cũng cần thiết cho một gia đình. Căng quá! Chị em tôi nhiều lần nói tới chuyện nhà mình đừng nấu rượu nữa, mà nếu nấu thì không nên bán ở nhà. Không được, không còn sự lựa chọn nào khác. Khu này dân cư ít ỏi, quán xá ở đâu mà đi bỏ mối, đó là chưa nói, nấu rượu lời lãi bao nhiêu, đi bỏ quán họ kiếm hoa hồng, mình còn chút gì để ăn. Nỗi khổ nhà mình thì mọi thứ đều ngó chừng vào lò rượu của mẹ.

Biết, mẹ không nói tôi cũng biết nỗi khổ của mẹ. Nhưng tôi cũng phải nói để mẹ biết nỗi khổ của mình. Chán, chán và chán! Đi học thì thôi, về tới nhà đằng nào cũng nghe mùi rượu lẫn với mùi hành, mùi sả. Cái mùi của mấy ông say rượu nôn mửa tới mật xanh mật vàng thật chỉ khiến người ta muốn… chết ngợp. Đó là chưa nói, nhà tôi bán rượu, riết thành chỗ… đái công cộng luôn. Mấy ông uống rượu cứ ra hè vô mấy bụi cây trong vườn mà xả nước. Chết mất thôi! Tôi tin là không có nỗi phiền nào lớn bằng nỗi phiền một người tỉnh phải “cộng nghiệp” với một người say.

Ở trong xóm, nhà chú Mĩ cũng nấu rượu nhưng khách bên nhà tôi lúc nào cũng nhiều hơn. Người ta tấm tắc khen rượu mẹ nấu. Tôi không biết uống rượu, cũng chưa nếm thử bao giờ nhưng tôi tin là người ta nói đúng. Tôi lấy món cơm rượu của mẹ để xác thực.

Dù bận rộn thế nào thì Tết đến mẹ tôi cũng không quên làm cơm rượu - là món nửa cơm, nửa rượu.Nó là cơm nếp ép thành miếng rồi phủ men lên, bọc kín bằng lá chuối đem ủ. Một ngày, hai ngày, ba ngày… cơm rượu bắt đầu dậy, thơm điếc mũi luôn. Từng miếng cơm rượu vuông, tươm nước được bóc lên, cho cẩn thận vào thẩu. Nhìn mà nuốt nước miếng ừng ực. Mùi thơm ngọt của nếp, mùi thơm nồng của rượu hòa vào nhau, quyến rũ đến mê mệt. Với chị em tôi thì món cơm rượu của mẹ là hương vị Tết. Chị em tôi trông Tết một mà trông món cơm rượu của mẹ đến… mười.

Còn nhớ, năm tôi học lớp 8, Tết năm ấy, nhà tôi có một sự kiện trọng đại là phía nội ở Nha Trang ra chơi. Cái vụ bên kia thấp kém, bên này kiêu căng, chắc đã quên rồi. “Giận gần chết ngày Tết cũng thôi” mà. Mẹ tôi vẫn một lòng tôn kính gia đình chồng, năm nào mẹ chẳng gửi phẩu rượu nếp vào Nha Trang. Mười lăm năm thử thách rồi còn gì, phía bên nội quay lại nhận con, nhìn cháu. Niềm vui quả là to lớn.

Phía nội bây giờ còn bác Năm, bác Chín. Hai bác đưa gia đình ra thăm thằng Út - ba tôi. Bữa cơm đầu năm thật ấm áp, có bánh chưng, giò chả, củ kiệu, cuối bữa còn có thêm đặc sản cơm rượu. Hai bác niềm nở, không khí thật nồng ấm. Ba tôi thấy vui quá, bèn lôi cây guitar ra, ai cũng hào hứng với tiết mục đờn ca sáo thổi. Hai bác gái hát trước. Ba sai tôi xách ra chai rượu. Mẹ tỏ ý không muốn nhưng ba bảo, hát hò mà không có rượu nó “nhạt” lắm.

Một đĩa thịt quấn lá mãng cầu nướng sực nức mùi thơm cộng với chai rượu mang thương hiệu mẹ thì còn gì bằng. Vậy là một chai, hai chai,… Ba tôi rất máu mê đàn hát nhưng cuộc sống cơm áo đâu có chỗ để đờn ca. Được mấy khi nuông chiều cảm xúc, ba ôm đàn, đắm đuối gõ bập bùng. Rồi mẹ hát, giọng mẹ nhẹ xốp, ngọt lịm. Bỗng “ầm”, chai rượu nát nem dưới thềm nhà. Bác Năm gào:

- Cái đồ đàn bà hư hỏng mà mở miệng hát lời thanh cao. Ngon lành gì cái thứ được sinh ra trong lò rượu. Bán rượu cho đàn ông được thì bán thân cũng không khó đâu! Mày cao đẹp mà có chửa rồi bắt chồng ? Vậy mà gia đình mày khinh miệt nhà tao thấp hèn. Tao phỉ nhổ cái thứ đàn bà mất gốc, lai căng!

Bác Năm gái tái mặt, chạy lại bụm miệng bác trai, cuống cuồng xin lỗi mẹ tôi: “Ổng say quá rồi nên nói xàm đấy, cái tật đánh chết cũng không bỏ! Thím đừng buồn nha!”. Ba tôi dụt cây đàn xuống, dỗ mẹ đang thút thít. Mấy anh chị con bác Năm vội lại ôm chặt, lôi bác vô giường, đè xuống cho bác ngủ.

Gia đình nhà bác Năm, bác Chín về, bữa ấy mới mùng hai Tết nhưng nhà tôi cũng chính thức hết Tết. Sau cái Tết ấy, mẹ tôi bỏ nghề nấu rượu. Bỏ hẳn. Ba xin làm bảo vệ ở trường mẫu giáo, mẹ làm tạp vụ ở Ủy ban xã. Không có “thượng đế” ra vô, không có mùi nồng của rượu, không còn tiếng lải nhải của mấy ông say, nhà tôi bình yên, đúng nghĩa của từ đó. Nhưng cũng chẳng thể vui.

Mấy cái Tết qua, mâm cơm đầu năm thật đầy đủ. Nào bánh chưng, giò chả, dưa kiệu… Nhưng cuối bữa, không còn bát cơm rượu nồng nàn nữa. Thấy thiếu thiếu, nhạt nhạt. Tôi lỡ miệng nói:

- Lâu lắm rồi, nhà mình không còn Tết!

- Mẹ tới tuổi tri thiên mệnh rồi, có biết Tết nhứt chi đâu!

Mẹ nói trơn tru, không chút cảm xúc nhưng tôi nghe rất đau. Mẹ không thở dài nhưng tôi nghe mùa xuân trôi qua nặng nề, như tiếng lòng của mẹ…

***

- Tết này mẹ đưa vợ chồng thằng Khánh vào chỗ con ăn Tết, con gái có đón mẹ không ?

Là điện thoại của bà ngoại tôi đấy. Mẹ mừng đến sửng sốt. Tiếng “dạ” buông ra nghèn nghẹn, hạnh phúc có niềm vui lẫn tủi hờn. Trả lời bà ngoại xong, mẹ hớn hở chạy tìm ba báo tin. Ba không có trên bàn trà, không xem ti vi. Đố bạn biết ba tôi đang làm gì? Tin không, ông đang loay hoay dưới bếp. Mẹ thấy ba làm cơm rượu thì kinh ngạc, hỏi có chuyện trọng đại gì, ba cười hê hê nói, không có gì, chỉ là muốn có một mùa xuân trọn vẹn. Tết mà thiếu cơm rượu thì hương vị mùa xuân sẽ thiếu.

Mẹ cười, im lặng ngồi làm cơm rượu cùng ba. Tôi biết, mẹ không thắc mắc chuyện lần đầu ba tự tay làm cơm rượu mà muốn hỏi lí do bà ngoại thay đổi, chấp nhận ba. Mẹ cũng ngờ ngợ nghĩ, hình như ba đã biết chuyện Tết này nhà tôi sẽ có “khách quý” nhưng hỏi thì ba đánh trống lảng. Thì tôi với ba âm mưu bí mật nên đâu để mẹ biết chuyện tôi tình cờ hay cậu Út bị bệnh, đang tìm người hiến thận, nghe tôi kể xong thì ba vui vẻ đi làm xét nghiệm và tặng quả thận cho cậu Út. Ba bảo, nó là lễ vật ba cưới mẹ. Rồi chuyện bà ngoại với ba lên kế hoạch cho bữa cơm đầu năm cũng được bảo mật.

Sáng mùng một Tết, bà ngoại, cậu mợ với cháu Bo vào xông đất. Mẹ tôi mừng rỡ, ôm chầm lấy ngoại, bồng cháu Bo hun hít… Chao ôi, đẹp làm sao những hạt mưa mùa xuân đọng trên đôi má xương xương của mẹ, đôi má ấy sáng nay bỗng hồng hào, đằm thắm. Mẹ mừng đến nỗi cứ loay hoay bên bà, bên cậu… Ba tôi thấy mẹ vui nên một mình xuống bếp, thi thoảng đưa mắt lên nhìn mẹ rồi lỏn lẻn cười.

Mâm cơm đầu năm sung túc, ăn xong bánh chưng, củ kiệu thì ba giới thiệu tới tiết mục thưởng thức món cơm rượu. Ba vừa mở nắp hũ cơm rượu thì có tiếng xe dừng trước cửa nhà. Bác Năm, bác Chín nói từ ngoài sân:

- Dân Nha Trang đánh hơi được mùi cơm rượu nên đến nhà chú thím kiếm Tết nè!

Mùi cơm rượu nồng nàn làm ngôi nhà nhỏ bừng sáng, ấm cúng lạ thường. Mẹ tôi cười lặng lẽ, chưa khi nào tôi thấy mẹ hạnh phúc đến vậy, chưa bao giờ tôi thấy mùa xuân đẹp đến thế…

Nguyễn Thị Bích Nhàn
(Theo Văn nghệ Tiền Giang số 78)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin cũ hơn

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 267
  • Khách viếng thăm: 258
  • Máy chủ tìm kiếm: 9
  • Hôm nay: 14145
  • Tháng hiện tại: 535425
  • Tổng lượt truy cập: 60885563