Những kiểu làm sách… bày trò!

Đăng lúc: Thứ tư - 21/11/2012 08:19
Có một câu nói mà hầu như các nhà văn đi trước nào cũng gửi gắm đến thế hệ nối tiếp: “Văn chương không phải trò đùa”. Thế nhưng, thực tế thì khi đứng trước sự bế tắc trong sáng tác, người ta đã phải nghĩ ra nhiều cách để gây ấn tượng ngoài văn chương.
Văn chương hay chiêu trò?

Cách đây không lâu, trên thị trường xuất hiện một cuốn sách dịch từ tiếng Trung Quốc. Nội dung cuốn sách khá đơn giản, một chàng trai trong một chuyến xe điện tình cờ bị tiếng sét ái tình với một cô gái xa lạ. Anh chụp lại hình cô gái và đưa lên một diễn đàn trực tuyến, các thành viên trong diễn đàn đã giúp anh tìm ra cô gái, tư vấn, chỉ vẽ để họ đến với nhau, an ủi, chia sẻ để họ làm lành những khi giận dữ, sách kết thúc với đám cưới của họ. Một cuốn sách có nội dung chấp nhận được trừ một điểm, cách thể hiện kỳ quái của câu chuyện! Ở đây chẳng có tác giả, NXB chỉ làm một việc duy nhất là chép tất cả các câu chat trong phần trao đổi trên mạng rồi đóng thành sách. Kết quả là bạn đọc, trong đó có bạn đọc Việt Nam có dịp thưởng thức một thứ văn nói trên mạng kiểu: “Đây là cô gái tôi gặp hôm nay trên tàu điện”, “Đẹp đấy”, “A, tôi cũng hay đi chuyến tàu điện này”, “Hôm nay ở … có mưa không nhỉ”, “Làm quen chưa?”, “Rảnh quá đi”, “Xấu”, “Không biết ngoài đời có con nào yêu không mà chê xấu”… Thực ra, đa số bạn đọc nhờ đọc phần giới thiệu mới hiểu câu chuyện của sách chứ nếu đọc trọn vẹn các câu trao đổi không đầu không đuôi thì e chỉ vài trang là hoa mắt chóng mặt.

Chỉ những cuốn sách hay chứ không phải những trò giật gân
mới có thể lôi cuốn bạn đọc đến với sách.

Trong nước cũng không phải hiếm các chiêu trò lạ lẫm mang danh văn chương nhưng thực chất là nói văng mạng kiểu như thế. Một cây bút trẻ chuyên viết trên mạng từng gây xôn xao làng văn với cuốn tiểu thuyết đầu tay được in bằng hai thứ tiếng. Sách song ngữ thì chẳng có gì lạ nhưng sách của chị thì vô cùng độc đáo vì nhân vật trong đó khi suy nghĩ thì được in bằng tiếng Việt, còn khi nói chuyện trao đổi thì in bằng tiếng Anh (bối cảnh nước ngoài). Người đọc dù là Việt hay Anh cũng phải vừa đọc vừa dịch vì chỗ Việt chỗ Anh, chẳng còn tâm trí đâu mà thưởng thức tác phẩm.

Thế nhưng, tất cả đều ngả mũ thán phục trước cuốn sách “Lifebook - Cuốn sách cuộc đời” do Công ty Alphabooks liên kết cùng NXB Hồng Đức thực hiện vừa ra mắt. Cuốn sách có 301 trang nhưng chỉ duy nhất trang đầu tiên có chữ, 300 trang còn lại là giấy trắng. Bạn đọc đừng thử cố dùng các kỹ xảo trong phim tình báo để xem những trang giấy trắng ẩn chứa điều gì vì đó đúng là giấy trắng thật sự, muốn có gì để đọc thì bạn phải tự điền vào! Theo Công ty Alphabooks, đây là một dự án hợp tác với Công ty TNHH Truyền thông và Sáng tạo Rio Việt Nam với mục đích “tương tác” với bạn đọc. Bạn đọc mua sách với giá 88.000 đồng xong tự viết vào và gửi về trang web của dự án để có cơ hội được đăng vào tập 2 xuất bản sau này?

Có lẽ đây là trường hợp vô tiền khoáng hậu ở Việt Nam cũng như trên thế giới khi mà để tham dự một dự án viết sách, bạn phải mua một cuốn sách mà thực ra là một cuốn sổ với giá gần bằng một tác phẩm văn chương đoạt giải Nobel vừa được dịch. Viết vào đó, gửi về và hy vọng sáng tác của mình được chọn in thành sách. Trong khi đó, ở các cuộc vận động sáng tác khác, người ta phải mời gọi, tạo ưu đãi, in sách không mất tiền những tác phẩm được chọn… “Lifebooks - Cuốn sách cuộc đời” có lẽ cũng yên tâm trở thành cuốn sách sáng tác dễ nhất Việt Nam vì chỉ cần viết một trang, đóng xấp giấy là có thể đem bán với giá cao (nếu bán được)!

Hay mới sống được

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng trong một lần giao lưu với các nhà văn trẻ đã nói một điều: “Bất kể các bạn làm gì, bất kể các bạn viết gì, chỉ có hay mới sống được trong lòng bạn đọc, càng hay càng sống lâu. Ngoài ra chẳng còn gì”.

Và quả thật đúng như thế, như trường hợp Lê Kiều Như gây xôn xao dư luận với màn “khoe sách kết hợp khoe thân”. Thế nhưng, sự xôn xao chỉ đến một lần, cuốn sách thứ hai của chị ra mắt tháng 4 vừa qua nhanh chóng chìm trong quên lãng dù cũng có màn khoe thân đầy nóng bỏng. Thế là xuôi xị!

Số phận cũng tương đồng với rất nhiều tác phẩm khác, có tác phẩm gây sốc bằng yếu tố tình dục “mãnh liệt”, có cuốn  gây xôn xao với cách thể hiện “không giống ai”… Càng làm các trò lố ngoài văn chương chỉ càng thể hiện sự bế tắc trong sáng tạo. “Văn chương không phải trò đùa” lại một lần nữa hiệu nghiệm và bạn đọc cũng không phải là những người thích kiểu đùa như những cuốn sách kể trên.

Tường Vy
(Theo SGGP)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 208
  • Khách viếng thăm: 187
  • Máy chủ tìm kiếm: 21
  • Hôm nay: 9418
  • Tháng hiện tại: 2241968
  • Tổng lượt truy cập: 46209201