Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam viếng mộ các nhà văn tiền bối

Đăng lúc: Thứ ba - 13/11/2012 09:19
 Ngày 10/11/2012, đại diện BCH Hội Nhà văn Việt Nam do nhà thơ Hữu Thỉnh – Chủ tịch Hội NVVN làm trưởng đoàn, đã về tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh làm lễ viếng mộ các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng: Nguyên Hồng, Anh Thơ, Nguyễn Huy Tưởng, Ngô Tất Tố. Cùng đi với các Ủy viên BCH Hội (nhà văn Khuất Quang Thụy – Trưởng ban Kiểm tra, TBT website Hội Nhà văn; nhà thơ Nguyễn Hoa – Trưởng ban Công tác hội viên; nhà văn Đào Thắng – Trưởng ban Văn học đề tài), có cán bộ văn phòng Hội, phóng viên, nhân viên các cơ quan cấp hai thuộc Hội NVNV và đại diện gia đình các nhà văn tiền bối.

Sau quãng đường hơn 80km, đoàn đã đến nơi yên nghỉ của nhà văn Nguyên Hồng tại xóm Cầu Đen, Nhã Nam, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang. Mộ phần của nhà văn Nguyên Hồng được đặt ở một nơi có thể coi là “đắc địa”, bởi phía trước là con suối Cầu Đen, phía sau là núi Án. Ngôi nhà cũ ông đã từng sống và viết nên những tác phẩm nổi tiếng: tiểu thuyết "Cửa biển" (Sóng Gầm, Cơn bão đã đến...); những truyện ngắn "Truyện cái xóm tha hương", "Ở cửa rừng Suối Cát", và "Con hùm con mồ côi", thơ "Ngày mùa thu đưa con lớn đi học"... cách đó không xa. Người con dâu hiện đang sống trên mảnh đất có thời được gọi tên là “Đồi văn hóa” này cho biết: “Lúc còn sống, cụ (nhà văn Nguyên Hồng – PV) đã dặn nơi này sẽ là mộ của cụ khi qua đời. Cụ bảo nằm ở đây để hàng ngày được xuống tắm nước suối và lên núi Án…tập thể dục”.

Đoàn nhà văn thắp hương trước mộ nhà văn Nguyên Hồng

Nhà thơ Hữu Thỉnh rót rượu mời nhà văn Nguyên Hồng, vừa rưng rưng nghe kể lại thuở sinh thời, nhà văn Nguyên Hồng thường nhắm rượu với khế chua chấm muối ớt.

Cả đoàn chụp ảnh bên mộ nhà văn Nguyên Hồng, chị Nhã Nam (con gái nhà văn) mặc áo trắng, đứng bên phía trái tấm bia. Bức chân dung nhà văn Nguyên Hồng được khắc trên bia đá do họa sỹ Sỹ Ngọc vẽ.

Ngôi nhà của con trai nhà văn Nguyên Hồng - ông Nguyễn Vũ Giang (áo kẻ xanh, đứng giữa) được xây trên nền nhà cũ, vẫn rất đơn sơ giữa một xóm nghèo. Bà Loan (ngoài cùng bên phải), vợ ông Giang bế cháu nội. Chị Hải (Phó chánh văn phòng Hội NVVN) vẫn nhớ mua rất nhiều bánh kẹo mỗi khi về thăm gia đình nhà văn Nguyên Hồng, vì sau đó, bà Loan sẽ mang đi chia khắp xóm mời bà con như những ngày nhà văn còn sống có khách đến chơi và biếu quà.

Nhà văn Nguyên Hồng là hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam (1957). Ông từng là ủy viên Ban chấp hành Hội nhà văn Việt Nam (khóa I và II); biên tập viên tạp chí Văn nghệ và trong Ban phụ trách tuần báo Văn; tham gia phụ trách Trường bồi dưỡng lực lượng viết văn trẻ (của Hội Nhà văn Việt Nam), Ban Văn học công nhân và là Chủ tịch Hội Văn nghệ Hải Phòng… Ông được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật (đợt 1, 1996).

 

Tiếp đó, đoàn nhà văn đến viếng mộ nhà thơ Anh Thơ tại nghĩa trang thành phố Bắc Giang. Nhà thơ Anh Thơ (1918 – 2005), tên thật là Vương Kiều Ân. Bà là một trong những hội viên đầu tiên của Hội Nhà văn Việt Nam (năm 1957), từng là ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam (khóa I và II); biên tập viên tạp chí Tác phẩm mới; ủy viên Thường vụ Hội Liên hiệp VHNT Việt Nam.

Đoàn làm lễ thắp hương và chụp ảnh lưu niệm bên mộ nhà thơ Anh Thơ

Nhà thơ Anh Thơ được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật năm 2007, sau khi mất hai năm.

 

Buổi chiều, đoàn tiếp tục đến viếng mộ nhà văn Nguyễn Huy Tưởng (1912 - 1960) tại nghĩa trang quê nhà (thôn Dục Tú, xã Dục Tú, huyện Từ Sơn, Bắc Ninh – nay thuộc huyện Đông Anh, Hà Nội). Nguyễn Huy Tưởng là một nhà văn, nhà viết kịch Việt Nam nổi tiếng. Ông là tác giả của những tiểu thuyết lịch sử, vở kịch lớn như: Vũ Như Tô, Đêm hội Long Trì, Bắc Sơn, Sống mãi với thủ đô... Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã từng giữ các chức vụ: Phó thư ký Hội Văn hóa cứu quốc Việt Nam; ủy viên Thường vụ Hội Văn nghệ Việt Nam; thư ký toà soạn Tạp chí Văn nghệ và tham gia tiểu ban Văn nghệ Trung ương Đảng; ủy viên ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa I. Ông là người sáng lập và là giám đốc đầu tiên của Nhà xuất bản Kim Đồng. Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật năm 1996. Trước đó, năm 1995, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã đặt tên cho một đường phố của thủ đô là đường Nguyễn Huy Tưởng.

Các nhà văn làm lễ tưởng nhớ nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, ông Nguyễn Huy Thắng (con trai nhà văn) đứng ngoài cùng bên phải

Nhà thơ Hữu Thỉnh và nhà văn Khuất Quang Thụy thắp hương trên mộ nhà văn Nguyễn Huy Tưởng

Cả đoàn chụp ảnh bên mộ nhà văn Nguyễn Huy Tưởng

 

Điểm đến cuối cùng là ngôi mộ nhà văn, nhà báo, nhà văn hóa Ngô Tất Tố tại thôn Lộc Hà, xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội. Nhà văn Ngô Tất Tố từng đảm nhiệm cương vị Chi hội trưởng chi hội văn nghệ Việt Bắc, hoạt động ở Sở thông tin khu XII, tham gia viết các báo Cứu quốc khu XII, Thông tin khu XII, tạp chí Văn nghệ, báo Cứu quốc trung ương... Ông được bầu vào vị trí ủy viên Ban chấp hành Hội văn nghệ Việt Nam tại đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ nhất (1948).

Nhà thơ Hữu Thỉnh đặt hoa viếng mộ nhà văn Ngô Tất Tố

Khi nhà thơ Hữu Thỉnh cắm hương trên mộ nhà văn Ngô Tất Tố, bó hương bỗng bùng cháy thành ngọn lửa, theo quan niệm dân gian, đó là một tín hiệu tốt lành.

Đoàn nhà văn chụp ảnh lưu niệm cùng các con của nhà văn Ngô Tất Tố: ông Ngô Hoành Trù (thứ 5 từ trái sang) và bà Ngô Thanh Lịch (thứ 5 từ phải sang)

Tấm bảng công nhận nơi nhà văn Ngô Tất Tố đã sinh ra, trưởng thành và có những đóng góp lớn cho báo chí và văn học nghệ thuật Việt Nam

Nhà thơ Hữu Thỉnh ghi những dòng cảm nghĩ vào cuốn sổ lưu niệm của gia đình nhà văn Ngô Tất Tố

 

Buổi lễ viếng mộ các nhà văn tiền bối là việc làm rất có ý nghĩa trong những ngày Hội Nhà văn Việt Nam chuẩn bị tổ chức lễ kỷ niệm 55 ngày thành lập Hội (1957 – 2012), đây thực sự là niềm tri ân sâu sắc của các thế hệ nhà văn hậu duệ và bạn đọc đối với lớp nhà văn đã cống hiến tâm trí, tài năng cho sự nghiệp bảo vệ, giữ gìn độc lập, tự do của tổ quốc và hết mình với những trang viết thấm đẫm tinh thần nhân văn, nhân ái.

Lên đầu trang

Bài và ảnh: Phong Lan
(Theo VanVN.Net )
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 190
  • Khách viếng thăm: 189
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 40539
  • Tháng hiện tại: 2273089
  • Tổng lượt truy cập: 46240322