Bồi dưỡng tài năng văn học nghệ thuật: Tài năng cần được vun đắp, chăm bồi

Đăng lúc: Thứ ba - 27/11/2012 08:57
Tài năng là cơ sở để nền văn học nghệ thuật phát triển, tìm kiếm, phát hiện, bồi dưỡng tài năng không phải việc đơn giản. Ngày 19-11, tại TPHCM đã diễn ra cuộc hội thảo khoa học - thực tiễn với chủ đề: “Bồi dưỡng, chăm sóc tài năng văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới” do Đoàn Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức.
  • Môi trường tốt để sáng tác

Nhà nghiên cứu Mai Quốc Liên cho rằng, bàn đến tài năng hiện nay là vấn đề quá khó, quá rộng và hầu như bất khả thi bởi vì đơn giản, tài năng từ xưa đến nay, dù Đông hay Tây đều là sự tự cố gắng, tự đào tạo. Biết làm sao để bồi dưỡng ra một Nguyễn Du? Thậm chí, chính Nguyễn Du cũng cho rằng phải cực khổ, khó khăn thì mới giỏi được. Cái cần quan tâm bây giờ là môi trường thuận lợi cho sáng tác, có môi trường tốt để sáng tác phát triển thì mới có điều kiện để xuất hiện tài năng. Những năm 1960 chống Mỹ ác liệt, văn học nghệ thuật được tạo mọi điều kiện sáng tác để chúng ta đã có những Phạm Tiến Duật, Hữu Thỉnh, Xuân Quỳnh, Đỗ Thu, Lê Anh Xuân… 

Các nhà văn trẻ TPHCM tham dự trại sáng tác.

Còn hiện nay? Nhà văn Trầm Hương, một tác giả đầy nhiệt huyết với dòng văn học cách mạng ở TPHCM, than thở: “Văn chương đang bị bỏ rơi và bỏ quên không ít”. Chị cho rằng, hiện nay, tác phẩm viết ra không ai để ý, không khen, không chê, cũng chẳng khích lệ, động viên. Sự quên lãng, tệ bạc đó làm người sáng tác nản lòng, mà đã nản lòng sáng tác thì còn trông chờ gì vào phát huy tài năng để đợi bồi dưỡng, chăm sóc.

TS Nguyên An, Phó Giám đốc thường trực Trung tâm Bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du thừa nhận một thực tế, việc đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực hoạt động văn học nghệ thuật ở nước ta tuy đã làm dăm chục năm nay, có lớp, có trại, có trường hẳn hoi nhưng chỉ mang tính tiền lệ chứ có thể coi là truyền thống. Tiêu biểu như ở Trung tâm Bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du, 100% học viên về học đều là người đã có sáng tác, thế nhưng hầu như họ chỉ sáng tác bằng cái “tâm” hơn là từ “trí”. Những câu hỏi cơ bản được lặp đi lặp lại như “Tôi đã viết rất thật chuyện làng tôi, phố tôi sao có người đọc cho là bịa”, “Bài thơ này tôi ghi lại tâm sự của chính tôi, sao lại cho là sáo mòn?”… Trong khi đó, các khóa học hiện nay lại quá ngắn, chỉ vài tuần đến một tháng nên chỉ như một lớp tập huấn phong trào, chứ không thực sự bồi dưỡng tiềm năng, kích thích động viên sáng tác.

  • Lý luận phê bình: Sống dở chết dở!

Có người ví von, môi trường sáng tác như một mảnh vườn, chúng ta chăm sóc, gieo mầm và tạo mọi điều kiện tốt nhất để cây phát triển. Và từ những cây phát triển đó ta tìm ra các cây khỏe mạnh nhất, mọc cao nhất được gọi là tài năng để tập trung chăm sóc. Thế nhưng, mảnh vườn đó đang gặp nhiều khiếm khuyết. Khiếm khuyết đó được GS Trần Trọng Đăng Đàn chỉ ra là: “trắng đen lẫn lộn”. Các sáng tác mới trong nhiều lĩnh vực như văn học, sân khấu, điện ảnh hiện nay sa vào tình trạng chẳng biết đâu là hay dở. Tác phẩm mới này là sai đường cần ngăn chặn hay là sáng tạo mới lạ cần khuyến khích?

Để trả lời câu hỏi đó phải trông chờ vào đội ngũ lý luận phê bình, lực lượng mà nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhận xét là “đại diện tiếp nhận của công chúng”. Họ như những người làm vườn, loại bỏ cây sâu bệnh, phát hiện cây khỏe mạnh. Thế nhưng, lực lượng quan trọng đó lại đang trong tình cảnh “sống dở chết dở” hay như GS Trần Trọng Đăng Đàn khẳng định: “Lý luận phê bình đang ở vực thẳm”. Kết quả là các sáng tác trở nên đơn độc phát triển, không có người đánh giá, khẳng định giá trị, chưa kể còn có thể vì những lý do chủ quan bị vùi dập, ngăn cản.

Nhà thơ Hữu Thỉnh cho rằng còn quá nhiều việc để làm nếu muốn bồi dưỡng, chăm sóc tài năng văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới. Ông cho rằng hiện nay, nhắc đến tài năng người ta mới chỉ chú ý đến 4 dạng là tài năng sáng tác, biểu diễn, lý luận phê bình, dịch thuật. Thế nhưng, còn một dạng tài năng nữa không kém phần quan trọng là tài năng trong vấn đề lãnh đạo, quản lý văn học nghệ thuật. Ông khẳng định: “Ứng xử với tài năng cần có tài năng”, một tác phẩm đang gây tranh cãi, nếu người lãnh đạo kém tài sẽ dẫn đến cách ứng xử sai lầm, hoặc làm thui chột tác phẩm hay, hoặc lại tôn vinh nhầm tác phẩm kém. 

Còn về môi trường sáng tác, nhà văn Trần Thanh Giao cho rằng nên để sáng tác được tự do, cái cần bồi dưỡng chỉ là cảm xúc thẩm mỹ, vốn sống và nhất là kinh nghiệm sáng tác từ những người đi trước để người sáng tác đỡ tốn công lạc đường. 

Tường Vy
(Theo SGGP)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 439
  • Khách viếng thăm: 433
  • Máy chủ tìm kiếm: 6
  • Hôm nay: 6902
  • Tháng hiện tại: 1872681
  • Tổng lượt truy cập: 48246808