Giao lưu văn học giữa các nhà văn cựu binh Việt Nam và Hoa Kỳ

Đăng lúc: Thứ sáu - 11/01/2013 13:36
Sáng 10/1/2013, tại trụ sở Sáng 10/1/2013, tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam (số 9 Nguyễn Đình Chiểu, Hai Bà Trưng, Hà Nội), buổi giao lưu văn học giữa các nhà văn cựu binh Việt Nam và Hoa Kỳ diễn ra trong không khí ấm áp và sôi nổi. Buổi giao lưu văn học với các nhà văn Việt Nam là một hoạt động của Hội Việt – Mỹ (tổ chức thành viên của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam) trong chương trình làm việc cho Đoàn “Sáng kiến Trái tim Người lính” (Soldier’s Heart Initiative – SHI) do bác sỹ Edward Bryan Tick làm trưởng đoàn vào Việt Nam từ ngày 28/12/2012 đến 15/1/2013.

Tham dự buổi giao lưu văn học có các nhà văn, nhà thơ cựu binh Việt Nam: Thiếu tướng Hồ Phương, các đại tá: Nguyễn Bảo, Vương Trọng, Đỗ Trung Lai, Nguyễn Hữu Quý… Các nhà văn, cựu chiến binh, nhà hoạt động xã hội Hoa Kỳ: Đại úy Peter Patric Pepper, Tommy Eugene Laughlin, GS. Leigh Davies Krohmal, Larry Krohmal, Edward Bryan Tick, Karen Jo Dahlstedt, Machael Jerome Cicinato, Brian Kerwin Delate. Chương trình giao lưu do nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam và bác sỹ Edward Bryan Tick chủ trì.

 

Bác sỹ Edward Bryan Tick, Trưởng đoàn “Sáng kiến Trái tim Người lính” giới thiệu về mục đích của chuyến đến thăm và làm việc tại Việt Nam của 8 thành viên trong đoàn: đó là việc tiếp tục thúc đẩy các sáng kiến, hoạt động góp phần hàn gắn và hòa giải giữa hai nước, tìm tư liệu cho việc viết sách về hậu quả chiến tranh, trị liệu sang chấn tinh thần tâm lý do chiến tranh gây ra và triển khai việc thành lập văn phòng đại diện SHI tại Việt Nam. Nguyện vọng của đoàn “Sáng kiến Trái tim Người lính” trong cuộc giao lưu văn học này là được gặp các nhà văn Việt Nam để thảo luận về các tác phẩm thơ song ngữ, đọc thơ do cựu chiến binh hai nước sáng tác về tình yêu, hòa bình. Ông Edward Bryan Tick phát biểu: “Sau khi cuộc chiến đi qua, các cựu chiến binh hai nước đều đau khổ như nhau. Các nhà văn Hoa Kỳ đã và đang có ý thức hàn gắn vết thương quá khứ, xoa dịu những nỗi đau, trong đó thơ ca và nghệ thuật là “phương thuốc” hữu hiệu để có thể bảo vệ hòa bình, đẩy lùi chiến tranh. Chính bản thân tôi khi đi giảng những khóa về điều trị sang chấn tâm lý do chiến tranh gây ra, tôi đã đọc cho các cựu binh Hoa Kỳ (trong đó có nhiều người là sỹ quan cao cấp) nghe những bài thơ của cựu chiến binh Việt Nam sáng tác. Họ đều hiểu rằng trong chiến tranh, mọi mất mát, khổ đau không chỉ thuộc về một phía. Khi biết đoàn chúng tôi đến Việt Nam, những cựu binh Hoa Kỳ đã gửi lời chào tới những quân nhân và cựu quân nhân Việt Nam, đồng thời họ cũng muốn gửi tới Việt Nam một tâm sự: quân nhân Hoa Kỳ đã có những thời điểm bị sử dụng không đúng mục đích.”

 

Mở đầu chương trình đọc thơ, nhà văn, nghệ sỹ Brian Kerwin Delate trình diễn trích đoạn kịch (7 phút) thể hiện nỗi ám ảnh và lên án chiến tranh do chính ông sáng tác.

Vở kịch là những động tác hình thể đầy biểu cảm trên nền âm thanh diễn tả sự cô đơn, sợ hãi, hoảng loạn của người lính đã đi qua cuộc chiến tại Việt Nam (ở đây là chiến trường Chu Lai). Trích đoạn kịch của Brian Kerwin Delate đã gây một ấn tượng đặc biệt với các nhà văn và khán giả Việt Nam. Nghệ sỹ Brian Kerwin Delate cho biết ông sẽ quay lại Việt Nam vào tháng 9/2013 để diễn toàn bộ vở kịch (dài khoảng 2h).

 

Nhà văn Trần Hữu Tòng kể lại kỉ niệm chiến tranh của mình bằng bức ảnh chụp cùng một phi công Hoa Kỳ ngay sau khi chiếc máy bay của quân đội Hoa Kỳ bị bắn rơi và viên phi công bị bắt. Câu đầu tiên phi công đó nói với nhà văn Trần Hữu Tòng: “Tôi rất có cảm tình với phụ nữ Việt Nam” (nhà văn giải thích thêm: người bắt ông ta là một phụ nữ). Sau khi chiến tranh kết thúc, viên phi công đã trở thành một người bạn của nhà văn Trần Hữu Tòng.

 

Đại tá, nhà thơ Vương Trọng đọc bài thơ viết tặng 10 cô gái hy sinh tại ngã ba Đồng Lộc: “Lời thỉnh cầu ở ngã ba Đồng Lộc” (bài thơ đã được khắc vào bia đá và được dịch sang tiếng Anh tại Mỹ).

 

Tiếp theo, các nhà văn, nhà thơ hai nước trao đổi, thảo luận khá sôi nổi về các vấn đề xung quanh việc sáng tác. Nhiều bài thơ được thể hiện bằng tiếng nói của hai quốc gia, tuy chưa chuyển tải được toàn vẹn vẻ đẹp ngôn từ nguyên bản sang ngôn ngữ khác, nhưng cảm xúc đã được sẻ chia và thấu hiếu trọn vẹn.

Toàn cảnh buổi Giao lưu văn học giữa các nhà văn cựu binh Việt NamHoa Kỳ

Buổi giao lưu kéo dài hơn thời gian dự tính, bởi lẽ ở bất kỳ quốc gia nào, niềm đam mê với thơ ca luôn luôn vượt qua các giới hạn về không gian và thời gian.

Lên đầu trang

Tin: Phong Lan; Ảnh: Đỗ Hiếu
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 213
  • Khách viếng thăm: 211
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 30395
  • Tháng hiện tại: 2475285
  • Tổng lượt truy cập: 48849412