Lễ tưởng niệm 100 năm sinh nhà văn Vũ Trọng Phụng

Đăng lúc: Thứ ba - 23/10/2012 08:54
Sáng 22/10/2012, tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam (số 9 Nguyễn Đình Chiểu – Hai Bà Trưng – Hà Nội), Lễ tưởng niệm 100 năm sinh nhà văn Vũ Trọng Phụng được tổ chức trong không khí trọng thể và ấm áp.
Đến dự buổi Lễ có ông Vũ Công Hội – Phó vụ trưởng Vụ Văn hóa – Văn nghệ (Ban Tuyên giáo Trung ương), ông Nghiêm Xuân Sơn (đại diện gia đình nhà văn Vũ Trọng Phụng), ông Vũ Niên và ông Vũ Hữu Sâm (đại diện dòng họ Vũ tại Hà Nội); phía Hội Nhà văn Việt Nam có nhà thơ Hữu Thỉnh – Chủ tịch Hội, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Phó Chủ tịch Hội, các Ủy viên BCH, Ban Kiểm tra; các giáo sư, nhà nghiên cứu LLPB văn học, nhà văn cao tuổi hiện đang sống tại Hà Nội; các con cháu trong gia đình nhà văn và bạn đọc yêu mến tác phẩm Vũ Trọng Phụng cùng các phóng viên báo chí…

Buổi tưởng niệm 100 năm sinh nhà văn Vũ Trọng Phụng được bắt đầu với lễ dâng hương và một phút tưởng nhớ nhà văn.

 

Nhà thơ Hữu Thỉnh đọc lời khai mạc Lễ tưởng niệm, trong đó nhắc lại gia thế, hoàn cảnh xuất thân của nhà văn Vũ Trọng Phụng để lý giải nghị lực vượt lên thử thách trong cuộc sống cũng như những thành công trong văn nghiệp của ông. Về tài năng, Vũ Trọng Phụng không chỉ bộc lộ ở văn chương mà trong hội họa ông cũng để lại nhiều ấn tượng, tuy nhiên, Vũ Trọng Phụng đã bất tuân luật cân xứng trong hội họa để trở thành một nhà văn đương đại (của thời đại ông). Vũ Trọng Phụng đã nhận được nhiều đánh giá cao của các nhà văn cùng thời như Lưu Trọng Lư, Ngô Tất Tố, Lan Khai về tài năng và đóng góp của ông đối với văn chương và thời cuộc cách đây hơn nửa thế kỷ, sau khi nhà văn qua đời ở tuổi 28: “Ông Phụng tuy chết, mười mấy tác phẩm của ông vẫn còn sống với mai sau. Thế cũng là thọ.”

 

Giáo sư Hà Minh Đức đánh giá thân thế, sự nghiệp của nhà văn Vũ Trọng Phụng: “Văn chương Vũ Trọng Phụng được yêu mến qua nhiều thế hệ độc giả, rất nhiều sinh viên đã làm luận văn, luận án về tác phẩm của ông. Vũ Trọng Phụng được coi là kiện tướng của các nhà văn tả chân, ông là người “gặp thời”, đó là thời của sự thành thị hóa, đề tài Hà Nội được Vũ Trọng Phụng đem lại giá trị lớn và bổ sung cho nhiều điểm còn khuyết thiếu ở các nhà văn cùng thời, như đặt ra những vấn đề: đô thị hóa, Âu hóa, tha hóa... qua các phóng sự, tiểu thuyết, truyện ngắn. Vũ Trọng Phụng là một trí thức với tinh thần tự học, tự tìm hiểu, trau dồi để trang bị cho mình lượng kiến thức sâu rộng trước khi dấn thân vào nghiệp viết văn, làm báo; chính vì vậy mà trong các tác phẩm của ông, những gì được phản ánh ở đó đều có mặt trong cuộc sống hôm nay. Có thể nói, cho đến hiện nay trong văn xuôi chưa có ai viết được như Vũ Trọng Phụng.”

 

GS Phong Lê nhận định: “Hơn 50 năm sau khi qua đời, Vũ Trọng Phụng đã trở lại một vị trí xứng đáng trên văn đàn Việt Nam, nhiều hoạt động ghi nhận công lao của ông đã được tiến hành: sưu tầm di cảo, xuất bản và tái bản sách, tổ chức hội thảo, đặt tên đường phố… Ông đã trở lại gần như nguyện vẹn trong cuộc sống hôm nay với sự đón nhận trân trọng của hậu thế. 27 năm tuổi đời, hơn 10 năm tuổi nghề, Vũ Trọng Phụng để lại gia tài đồ sộ ở nhiều thể loại: tiểu thuyết, truyện ngắn, phóng sự… trong đó có những tác phẩm xứng đáng vào tầm kiệt tác ở thế kỷ XX.”

 

Ông Nguyễn Bá Đạo (93 tuổi), người cùng làng với Vũ Trọng Phụng, đã chứng kiến nhiều sự kiện quan trọng trong đời nhà văn: lễ cưới, ngày sinh con (bà Vũ Mỵ Hằng – con gái duy nhất của nhà văn Vũ Trọng Phụng), những ngày cuối đời và đám tang buồn thương của một nhà văn tài năng. Ông chia sẻ lòng yêu mến, tiếc thương và sự ngưỡng mộ chân thành qua những hồi ức về nhà văn Vũ Trọng Phụng.

 

Nhà nghiên cứu LLPB văn học Lại Nguyên Ân, người dành nhiều thời gian, công sức sưu tầm, biên soạn những tác phẩm của nhà văn Vũ Trọng Phụng cung cấp thêm thông tin: “Ngoài những thể loại nhiều người đã biết: phóng sự, tiểu thuyết, truyện ngắn, Vũ Trọng Phụng còn viết tạp văn với bút danh Ngọa Triều, trong đó tỏ rõ thái độ ủng hộ phái hữu, ủng hộ mặt trận bình dân. Nhưng đến nay di cảo của nhà văn chưa được tái bản đầy đủ, chính xác như bản ban đầu sau mỗi lần in. Vấn đề đặt ra hiện nay là các bản thảo (gốc) đã và đang bị “xâm hại” một cách đáng tiếc, đó là sự thiếu trân trọng đối với các nhà văn quá cố, chúng ta cần phải có một thái độ làm việc khách quan, công bằng hơn.”

 

Nhà văn Văn Chinh đọc tham luận “Liên minh ma quỷ trí thức rởm và lưu manh – một phát hiện thiên tài của Vũ Trọng Phụng” có đoạn: “Cố nhiên, chỉ những ai ác ý hoặc ấu trĩ mới suy luận rằng Vũ Trọng Phụng viết Số đỏ (xuất bản năm 1938) để ám thị thời thế hôm nay. Tôi chỉ xin nhấn mạnh một điều, một khi hình tượng của nhà văn trở thành chân lý nghệ thuật thì sức sống của nó sẽ văng xa vào mọi ngóc ngách đời sống, chẳng những giúp cắt nghĩa chuyện đã xa xưa mà còn giúp phòng ngừa bệnh trạng tái phát cho cả mai sau. Văn Minh – Xuân Tóc Đỏ là một ví dụ. Ông viết về cái chiến thắng thật của thói hãnh tiến  rởm, về cái chiến thắng thật của một liên minh ma quỷ giữa trí thức rởm và vô sản lưu manh thật tài tình và thật lắm dư ba. Dư ba đến mức, nó cho phép chúng ta liên tưởng đến cái vẫy tay chào thế kỷ của những kẻ lưu manh nhưng lại được chính nhân quần vồ vập đón chào.”

 

Ông Nghiêm Xuân Sơn thay mặt gia đình nhà văn Vũ Trọng Phụng phát biểu cảm ơn sự quan tâm của các nhà văn, nhà nghiên cứu, các GS. TS. đối với cuộc đời và tác phẩm Vũ Trọng Phụng. Đồng thời ông gửi lời cảm ơn Hội Nhà văn Việt Nam luôn dành cho nhà văn Vũ Trọng Phụng tình cảm trân trọng, sự tưởng nhớ và quan tâm đặc biệt. Với tư cách là người chăm sóc, trông coi phần mộ, nhà lưu niệm và những di cảo còn tiếp tục được thu thập, sưu tầm, ông Nghiêm Xuân Sơn cũng bày tỏ lòng thành kính đối với người thầy, người cha - nhà văn Vũ Trọng Phụng.

 

Điều đặc biệt của buổi Lễ tưởng niệm là nhà sưu tầm sách Hoàng Minh đã từ TP. Hồ Chí Minh bay ra Hà Nội cùng số sách, báo, tạp chí in những tác phẩm của nhà văn Vũ Trọng Phụng và những trang bản thảo viết tay để giúp Hội Nhà văn Việt Nam có được ba tủ trưng bày rất độc đáo. Ông Hoàng Minh cho biết, đây chỉ là một phần nhỏ trong bộ sưu tầm hiện vật của các nhà văn Việt Nam. Những cuốn sách và bản thảo viết tay của nhà văn Vũ Trọng Phụng “đến” với ông bằng một mối duyên đặc biệt từ 8 năm trước (thuở nhỏ ông đã say mê những tác phẩm văn học và ước ao trở thành nhà sưu tầm hiện vật của các nhà văn), đến nay, bộ sưu tập đang tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện. Trong thời gian tới, ông hy vọng sẽ có nhiều hoạt động hợp tác với các hội thảo văn học, các cuộc triển lãm văn học theo chuyên đề để giúp cho bạn đọc hiện nay hiểu được giá trị và đến gần hơn nữa với các tác phẩm văn chương đích thực.

Nhà sưu tầm sách Hoàng Minh (Áo xanh) cùng số sách, báo, tạp chí in những tác phẩm của nhà văn Vũ Trọng Phụng và những trang bản thảo viết tay.

Buổi Lễ tưởng niệm 100 năm sinh nhà văn Vũ Trọng Phụng kết thúc lúc 11h30.

Toàn cảnh buổi Lễ tưởng niệm 100 năm sinh nhà văn Vũ Trọng Phụng

 

Những cuốn sách, báo, trang bản thảo viết tay, tạp chí in tác phẩm của nhà văn Vũ Trọng Phụng

 

Tem kỷ niệm 100 năm sinh nhà văn Vũ Trọng Phụng

 

Bức tượng chân dung nhà văn Vũ Trọng Phụng. Ảnh: Hữu Đố

Tin: Phong Lan; Ảnh: Đỗ Hiếu
(Theo VanVN.Net )
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 154
  • Khách viếng thăm: 150
  • Máy chủ tìm kiếm: 4
  • Hôm nay: 40551
  • Tháng hiện tại: 2539937
  • Tổng lượt truy cập: 48914064