" Trăng mộng du" HAI CÁCH CẢM, HAI CÁCH NGHĨ

Đăng lúc: Thứ năm - 21/05/2020 15:12
“Trăng mộng du“ là thi phẩm in chung của hai thi sĩ: Võ Tấn Cường và Lê Quang Vui. Tập thơ thể hiện một sự kết hợp tình cảm giữa hai giọng thơ khác biệt, một sự hòa điệu giữa truyền thống và hiện đại, giữa sự tự do và khuôn khổ câu thúc. Tập thơ được chia làm hai phần: Giấc mơ bay và Tiễn trăng.
" Trăng mộng du"  HAI CÁCH CẢM, HAI CÁCH NGHĨ

" Trăng mộng du" HAI CÁCH CẢM, HAI CÁCH NGHĨ

Ở phần “Giấc mơ bay“ là thơ của thi sĩ Võ Tấn Cường. Với những bài thơ độc đáo về cấu tứ, tìm tòi chữ nghĩa, Võ Tấn Cường như chạm tới nỗi khắc khoải về cái đẹp và cuộc sống. Đó có thể là một đóa hoa bên đường, nở trong diệu kỳ khắc khoải, mà tác giả một lần trực nhận với niềm xao xuyến khôn tả. Bài thơ ngắn gọn thể hiện sự đột sáng của cái đẹp trong khoảnh khắc giác ngộ Thiền tâm. Bài này tương tự bài thơ “Sụp lạy đóa hoa” của thi sĩ Quách Thoại, và câu thơ cúi lạy hoa mai của Cao Bá Quát. Nhưng ở đây, là tâm thế thiền khi tác giả nhìn thấy bông hoa dại:

“Khoảnh khắc tôi gặp em

Rực rỡ và diệu kỳ

Em đứng nép bên vệ cỏ ven đường

Tôi đi qua và ngoái đầu lại”

Thơ Võ Tấn Cường trong tập này cô đọng và hàm súc. Ý thơ như chắt lọc từ tận cùng nỗi đau và sự hân hoan lan tỏa trên từng con chữ. Trong bài “Hoa tặng“, anh đem tặng một đóa hồng cho nỗi cô đơn, hoa để tặng riêng mình, sự cô đơn như nhân lên gấp bội. Bài này làm ta nhớ đến nỗi cô đơn của Trịnh Công Sơn khi ông viết: “Ta hôn lên tay mình - Để chua xót tình trần”. Mình quay lại với chính mình, cái nhìn hướng tâm, một tâm thế hướng nội. Như một sự hôn phối giữa tái tim đa cảm thi sĩ và cái đẹp trần thế, anh viết:

“Nỗi cô đơn xòe cánh đỏ thắm

Hôn lễ trái tim và cái đẹp xa xăm

Thế nhưng, cõi đời vẫn thờ ơ, cái giá lạnh của tình người là đáng sợ. Nhất là trong giai đoạn đầy bất trắc hiện nay, tình người nhạt nhòa. Nhà thơ cảm nhận được sự giá lạnh đó, một lần anh muốn đốt cháy bài thơ mình viết để sưởi ấm trái tim hoang lộng cô liêu. Bài “Thơ mùa đông”, anh viết hai câu đặc sắc:

“Đốt bài thơ mùa đông

Nhóm lửa sưởi trái tim lạnh giá”

Không chỉ có ánh sáng, cuộc đời còn dầy đặc bóng đêm. Thi sĩ là người đi tìm cái đẹp ẩn khuất trong bóng đêm muôn trùng của thế giới. Can đảm đối diện sự tăm tối của tâm thức, để phát hiện nâng niu giá trị của cái đẹp là nhiệm vụ xuyên suốt của người thi sĩ muôn thuở. Trong bài “Tạ lỗi hoa quỳnh”, một lần thi sĩ nhìn ra được hệ luận đó, có lần anh không dám đối diện bóng đêm, và bài thơ tràn ngập sự nuối tiếc cho cái đẹp bỏ quên, vụt mất. Đoạn thơ viết:

“Đêm thiêng tạ lỗi hoa quỳnh

Hoa nở chờ tôi. Tôi thao thức nhớ người xa

Yêu hoa mà không đối diện bóng tối

Tôi vô tình thành kẻ tội đồ

Bỏ hương hoa cô đơn gió cuốn miền xa”

Võ Tấn Cường có những câu thơ tình yêu thật sâu sắc, quyết liệt và riết róng. Những câu thơ như vặn xoắn vào nhau diễn tả trực tiếp một thứ tình cảm muôn đời của nhân loại. Đôi lúc anh đưa những hình ảnh ca dao vào thơ, làm cho tình yêu trở thành thi vị:

“Yêu như giây phút cuối cùng cách biệt

Yêu như đinh vít xoắn xuýt thớ gỗ trầm

Yêu cho trầu quyến luyến thân cau

Yêu cho gàu sòng ấp iu ánh trăng vàng”

Có lúc thi sĩ nhìn ra sự chi phối của định mệnh. Anh như một con rối trong bàn tay phù phép của định mệnh nhân sinh. Chế Lan Viên từng viết: “Lòng ta thành con rối - Cho cuộc đời giật dây”. Nhưng ở Võ Tấn Cường, người cầm dây điều khiển con rối nhân gian đó là kẻ có tên: Định mệnh. Cái nhìn thi sĩ như xuyên thấu vào bản chất cuộc nhân sinh, bản chất con người. Câu thơ có hơi hướm thuyết Định mệnh của triết học Đông phương:

“Định mệnh giật giây rối

Bàn tay nhung vô hình

Biết chốn nào nguồn cội

Bạc đầu vẫn vô minh”

Gợi nhớ đến bài “Cầu Mirabeau” của thi sĩ Apolinaire, nhưng ở bài “Trên cầu” của Võ Tấn Cường, con sông không êm đềm và cây cầu không là một nhân chứng kỷ niệm. Ở đây có sự khốc liệt và hình ảnh táo bạo của thi ca đương đại:

“Cây cầu choàng voan mây ôm ngực cù lao phập phồng vú cát

Cây cầu như thanh kiếm chém ngang trời dấu vết thương yêu

Cây cầu như tia chớp nối hai trái tim phía bờ yêu gần lại”

Có lần thi sĩ nghe ra tiếng xưa đau nhức trong âm nhạc cây đờn kìm. Bài thơ mở ra một ẩn dụ cho sự tồn vong của văn hóa gốc - văn hóa dân tộc. Tác giả đặt câu hỏi tu từ trong một ý thơ độc lạ:

“Cha ơi !

Tiếng đàn nổi trôi trên dòng sông năm cũ

Ai vuốt mắt cho cây đàn kìm ngủ quên cõi nhớ”

Thơ của thi sỹ Võ Tấn Cường cho thấy một sự trầm tích văn hóa, những ẩn dụ thi ca và chiều cao tư tưởng.

*

Nếu thơ Võ Tấn Cường kỳ khu trong cách lập tứ và chiều tư tưởng thâm sâu, thì thơ thi sĩ Lê Quang Vui lại là những phơi trải tâm trạng một cách hồn nhiên, nhẹ nhàng.

Đôi lúc anh triết lý giản đơn về cuộc đời phù thế, như một quy luật sinh diệt, và dòng chảy thời gian vụt mau:

“Kiếp người ngỡ chậm mà nhanh

Đi chưa mấy bước quẩn quanh mịt mờ

Cuối đường sương nhuộm giăng mưa

Tôi ơi đừng tiếc giấc xưa dại lầm”

Thơ anh Lê Quang Vui hầu như không có những tứ chặt chẽ mà chỉ là những cảm xúc tràn ngập, con chữ tuôn trào tự nhiên. Đó có thể là một ký ức đẹp đẽ nằm trong góc lòng của thi sĩ, một lần nào anh nhớ lại:

“Trót bỏ quên lỡ hờ hững tình cờ

Ký ức lang thang dòng sông hoài niệm

Trong sâu thẳm cơn mê lục tìm dĩ vãng

Đằm thắm tinh khôi lảng vảng khóc cười”

Thơ Lê Quang Vui thường hay hoài niệm quá khứ và nhắc đến cái đẹp tàn phai hiện tai. Có lúc anh nhớ đến một giọt nắng quá vãng đã bay mất trong đời:

“Mấy chục năm dài giọt nắng đã về đâu

Bỗng dưng bồi hồi nhớ

Thăm thẳm mùa xưa muôn đời cách trở

Sao tiếc thương hoài

Một giọt nắng long lanh”

Con người khi trôi xa về cuối đời mà còn giữ được sự hồn nhiên trong trẻo trong cách nhìn đời là một điều đáng quý. Chất thi sĩ ở chỗ này, tức là anh nhìn đời như mới lần đầu, như người đầu tiên hết. Anh viết:

“Trái tim héo qua mấy lần lửa cháy

Vẫn nhìn đời bằng ánh mắt trong veo”

Nhà thơ Lê Quang Vui phát hiện ra một nghịch lý cuộc sống, một sự chuyển hóa giữa hai mặt đối lập: những lúc tỉnh mà như say, vui lại khóc, buồn thì cười. Con người vốn là một sinh vật phức tạp trong tâm lý cảm xúc, những điều nghịch lý trái ngược ấy vẫn thường xuyên xuất hiện. Đây là một khổ thơ hay:

“Tỉnh mà có khác chi say

Trong mê hạnh phúc hơn cay đắng đời

Đôi khi nát dạ phải cười

Nhiều phen vui lại rối bời giọt tuôn”

Tâm thế Lê Quang Vui hướng về phía tích cực, cái lạc quan cần thiết. Cuộc đời anh vui với niềm vui được cống hiến, làm đẹp cho đời. Cuộc đời anh là một cuộc đời luôn dựng xây vun đắp. Anh viết rất tự nhiên:

“Như kẻ âm thầm đi dạo chơi

Làm thơ, viết vẽ để yêu đời

Xây dựng, mồ hôi và cuộc sống

Nhà đẹp người vui tôi cũng vui”

Anh viết rất giản dị về cuộc sống hiện đại. Cái cảm thức đời sống trong anh là một quy luật hợp logich, một sự dĩ nhiên, là một tất yếu khách quan. Cuộc sống đô thị quay cuồng, những mặt người ngả xám vì nỗi lo cơm áo, đoạn thơ ghi lại:

“Tôi đang sống những ngày vui có phải

Tôi đang mơ nên chiều sớm quay cuồng

Chốn đô thị vòng vo con mắt mở

Những mặt mày ngả xám nhạt mây vương”

Để kết thúc về phần thơ anh Lê Quang Vui, xin trích dẫn một đoạn thơ rất hay và cũng rất nhẹ nhàng trong tập:

“Quá nửa đời long đong

Mơ làm tên hành khất

Tìm lại người thương nhất

Xin mấy dòng thơ đau”

*

Nếu có một so sánh nhỏ giữa thơ Lê Quang Vui và Võ Tấn Cường, chúng ta thấy: Về chất thơ, ở Võ Tấn Cường là một sự sắc sảo và khắc dấu, còn ở Lê Quang Vui là một sự dung dị, hiền hòa. Về cấu tứ, thơ Võ Tấn Cường có cấu tứ rất công phu chặt chẽ, còn Lê Quang Vui là những tứ lỏng, những mảng tâm trạng. Thơ Võ Tấn Cường thể nghiệm đa phần ở hình thức tự do, còn thơ Lê Quang Vui là những cảm trạng của con người hiện đại trong hình thức thơ vần điệu, dễ tiếp nhận. Thơ Võ Tấn Cường xuyên sâu vào lãnh địa tư tưởng, còn thơ anh Lê Quang Vui bày tỏ tính chất đời thường. Nhưng một điều gần nhau dễ thấy làm cho hai thái cực thơ tìm được điểm chung là cả hai đều truy tầm ý nghĩa cuộc đời trong tác phẩm mình. Nếu cả hai anh đẩy thơ mình lên cấp độ biểu tượng, tượng trưng hoàn toàn thì thơ các anh sẽ mang tầm khái quát cao hơn.

Tóm lại, hai thi sĩ Võ Tấn Cường và Lê Quang Vui đứng với nhau trong tập thơ chung như bổ sung cho nhau, như một sự tôn nhau lên, với những câu thơ xây dựng tâm hồn, làm đẹp cho đời. Tập thơ thành công trong ý nghĩa đó.

Vương Huy
(Theo Văn nghệ Tiền Giang số 97)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 136
  • Khách viếng thăm: 131
  • Máy chủ tìm kiếm: 5
  • Hôm nay: 18451
  • Tháng hiện tại: 225501
  • Tổng lượt truy cập: 67199992