PHƯƠNG DIỆN CON NGƯỜI TRONG TRUYỆN NGẮN TIỀN GIANG (1975 - 2005)

Đăng lúc: Thứ ba - 02/10/2018 16:24
PHƯƠNG DIỆN CON NGƯỜI  TRONG TRUYỆN NGẮN TIỀN GIANG (1975 - 2005)

PHƯƠNG DIỆN CON NGƯỜI TRONG TRUYỆN NGẮN TIỀN GIANG (1975 - 2005)

Sau năm 1975, đất nước hoàn toàn thống nhất, nước ta bước vào một giai đoạn mới. Đặc biệt, sau đại hội Đảng lần thứ VI (1986) tác động mạnh mẽ đến đời sống xã hội, con người Việt Nam. Đổi mới tư duy xã hội đã làm thay đổi hoạt động trên lĩnh vực văn học nghệ thuật, trong đó thể loại truyện ngắn có những thành tựu nhất định. Nằm trong dòng chảy văn học Việt Nam sau năm 1975, văn học Tiền Giang (1975 - 2005), một chặng đường ba mươi năm hình thành và phát triển phần nào khẳng định giá trị của mình. Góp phần vào thành công đó, phải kể đển sự đóng góp của các cây bút truyện ngắn Tiền Giang giai đoạn này, chúng tôi tạm chia họ ra thành bốn thế hệ: từ những tên tuổi đã thành danh, nổi tiếng cả nước: Đoàn Giỏi, Trần Kim Trắc,… đến những tác giả trưởng thành từ cuộc kháng chiến chống Mỹ như: Nguyễn Xuân An, Kim Tinh, Thái Phong,… Lớp cầm bút sau 1975 như: Lương Hiệu Vui, Thu Trang, Kim Quyên, Lê Ái Siêm,… Và những cây bút trẻ sinh ra và lớn lên trong những năm đầu của thập niên đổi mới: Vũ Đình Giang, Nguyễn Thị Mộng Thu, Nguyễn Trọng Tấn, Minh Châu,…

Nghiên cứu về con người trong truyện ngắn Tiền Giang (1975 - 2005) tức là đi tìm hiểu cách nhìn nhận, xem xét, lý giải, khám phá và sự “chiếm lĩnh” về con người của các tác giả. Điều này thể hiện trình độ tư duy nghệ thuật của tác giả, trong đó tính nhân văn, giá trị nhân đạo là tinh thần cốt lõi. Tìm hiểu truyện ngắn Tiền Giang trong giai đoạn này cũng là cách để thấy được sự nối tiếp truyền thống văn học trong giai đoạn trước, góp phần làm sáng tỏ chủ nghĩa nhân đạo trong văn học truyền thống và khám phá những cái nhìn mới mẻ về con người trong tầm nhận thức, cách lý giải của các tác giả Tiền Giang sau năm 1975.

1. Con người với quê hương đất nước

Con người trong truyện ngắn Tiền Giang (1975 - 2005) thường vẫn được hiện lên trong các biến cố lịch sử, con người là phương tiện để soi sáng lịch sử. Con người là con người của cá nhân, con người của cộng đồng, con người thống nhất với hoàn cảnh lịch sử.

Các tác giả Tiền Giang phản ánh hiện thực chiến tranh ác liệt nhưng rất hào hùng - đó là con người với truyền thống đấu tranh cách mạng của dân tộc. Tác giả Nguyễn Xuân An, sinh ra và lớn lên trong thời chiến nên dường như ông cảm nhận hết được một thời quá khứ đã đi qua. Trên mỗi làng quê vẫn còn đó những tình cảm sâu nặng, gian khổ của biết bao thế hệ chiến sĩ cách mạng. Trong truyện Trên những chặng đường, tác giả đã khắc họa hình ảnh đầy can đảm và dồi dào tình cảm cách mạng của nhân vật nữ chính tên Oanh. Nhiệm vụ của Oanh là phải dẫn đường cho Châu, Ái và Dũng thoát qua những vùng nguy hiểm của địch để các anh có thể đến đơn vị khác. Tuy quen thuộc với công việc dẫn đường, thành thạo với cung đường mà hằng ngày Oanh đã từng đi qua nhưng cô phải đối mặt với vô vàn khó khăn khác nhau: khi thì phải đối diện với cái chết luôn rình rập bởi tiếng đạn, pháo: “Rầm! Rầm!”, khi thì phải chiến đấu trực diện với trực thăng đi tuần hay kể cả sự xem thường của các chiến sĩ nam, thái độ của Dũng đối với Oanh: “Làm như ông tướng!”, “Cám ơn! Tụi tôi còn đủ sức…”. Câu chuyện được tác giả liên tục đặt các nhân vật vào tình huống bất ngờ, mà đỉnh điểm là khi gặp máy bay bao vây, Oanh là người đánh lạc hướng máy bay địch, quên cả tính mạng để các anh về được đơn vị an toàn. Trước bom đạn của kẻ thù, Oanh là một anh hùng nhưng trở lại cảnh thanh bình sau một đêm vất vả, tác giả Nguyễn Xuân An còn xây dựng nhân vật Oanh thấp thoáng đâu đó bóng dáng của người phụ nữ Việt Nam - chịu thương, chịu khó: cô đóng vai một người y tá băng bó vết thương cho Dũng,… Hình ảnh nhân vật Oanh đại diện cho vẻ đẹp của người nữ chiến sĩ cách mạng không chịu khuất phục trước bom đạn khắc nghiệt, đó là người có tinh trần trách nhiệm cao, người đến với cách mạng bằng chính tình thương người và tình cảm cách mạng luôn ẩn chứa bên trong nhân vật.

Truyện ngắn Tiền Giang (1975 - 2005) còn khắc họa nhiều hình ảnh chết chóc đau thương, những xóm làng đổ nát, nhà cửa tiêu điều, cảnh bắt lính… ngay trên quê hương Tiền Giang. Trong truyện Bông trang đỏ, tác giả Thái Phong đã cho người đọc cảm nhận được cảnh ghê rợn của chế độ nhà tù Côn Đảo lúc bấy giờ. Hình ảnh tù nhân luôn phải chịu giám sát gắt gao từ bọn cai ngục, chúng bắt tù nhân phải đi lên núi cao để đốn củi, vượt qua những rặng san hô với đôi chân trần đầy vết máu, cảnh tra tấn tù nhân với roi làm từ đuôi cá đuối… tất cả những chi tiết ấy dường như đã ám ảnh người đọc. Ám ảnh ngay chính trong việc cắt đứt mọi suy nghĩ liên quan đến cách mạng của anh Ba Đúng: “Bông trang màu đỏ, màu cờ cộng sản phải không? Vậy thì mày chết rồi”, “Ai cho phép mày đang đốn củi bỏ đi hái bông hoa? Lại là bông hoa màu đỏ? ĐM còn mê cộng sản hả?”. Cùng với đó là những hành động tra tấn hết sức dã man của những tên cai ngục: “nắm đầu anh giật ngược lại, đầu gối đánh lên ngực anh nghe một cái ứ”, “cầm roi bổ xuống nghe cái vót, khi giở roi lên đuôi roi phải dính một chút da thịt”. Nhân vật Ba Đúng bị bắt, dĩ nhiên anh là nạn nhân của chế độ nhà tù Côn Đảo, anh vốn là một người dân hết sức bình thường nhưng qua những trang viết của tác giả Thái Phong ta nhận thấy anh còn là một người chiến sĩ trong nhà tù đen tối, tin tưởng tuyệt đối vào sự nghiệp cách mạng. Dù bị hành hạ, tra tấn dã man nhưng anh Ba Đúng luôn xem thường cái chết luôn cận kề, anh luôn có thái độ không khoan nhượng với kẻ thù: “Còn quân khát máu chúng bây tao còn làm cộng sản”. Triết lý sống của nhân vật Ba Đúng vẫn giữ vững trước những hơi thở cuối cùng của anh, gây không ít xúc động trong lòng độc giả: “Anh khẽ động đậy thều thào bên tai tôi: - Hãy tin tưởng… ở… sự nghiệp… chúng ta…”.

2. Con người đời thường

Các tác giả Tiền Giang sau năm 1986 thường cảm nhận nhân vật của mình như là một tiểu vũ trụ đầy bí ẩn, con người lưỡng diện, con người phức tạp, không thể biết trước được. So với giai đoạn trước, giai đoạn này, truyện ngắn Tiền Giang ít có những nhân vật đẹp đẽ, hoàn hảo. Đúng hơn nó bị lấn áp, bị lu mờ bởi thế giới nhân vật đời thường, phàm tục.

Khi xây dựng kiểu con người đời thường trong truyện ngắn Tiền Giang (1975 - 2005) các tác giả thường đặt nhân vật của mình vào hoàn cảnh khó khăn, túng thiếu về vật chất lẫn tinh thần, tạo ra sự dằn vặt trong nội tâm và bi kịch của nhân vật. Họ phải bươn chải mưu sinh bằng nhiều nghề để kiếm tiền lo cho gia đình. Ngay cả viên chức nhà nước với đồng lương ít ỏi cũng không thể nào vượt qua gánh nặng cơm áo, gạo tiền. Điển hình là nhân vật Hồng Phấn trong truyện Nghiệp văn của nhà văn Kim Quyên. Giáo viên là nghề chính của Hồng Phấn nhưng cô còn có cái tài nữa là viết văn, viết văn đối với cô vừa thỏa mãn đam mê, vừa để kiếm tiền. Biểu tượng “tiền” trong truyện được nhà văn Kim Quyên xây dựng có sức gợi với người đọc. Bởi ý nghĩ về “tiền” biểu hiện cho thiếu hụt về kinh tế cứ luẩn quẩn trong tâm trí của nhân vật Hồng Phấn. Tác giả đã thành công khi xây dựng kết cấu đồng hiện rất độc đáo nhằm làm rõ tính cách nhân vật Hồng Phấn: vừa miêu tả quá trình sáng tác truyện “Chuyện tình năm cũ” của nhân vật, vừa đan xen vào những đoạn văn nhân vật độc thoại nội tâm: về tiền để đóng học phí cho con. Cái xót xa của người đọc dành cho nhân vật Hồng Phấn khi tác giả Kim Quyên liên tiếp đặt nhân vật của mình vào tình huống bi kịch: để có tiền đóng học phí cho con không có cách nào khác là cô phải đi mượn tiền, cô phải đấu tranh với chính mình giữa việc: đi và không đi, rút cuộc cô nhận lấy giọng điệu “chua loét” phát ra từ dì Năm: “Việc gì cứ nói”, “Nhà ở đâu?”, “Làm nghề gì?”,… dù cô là một cô giáo; Nhân vật Hồng Phấn tuy có quan niệm sáng tác cho riêng mình nhưng tác phẩm “Chuyện tình năm cũ” mà cô gửi cho các tạp chí chỉ nhận được phản hồi: “truyện thuộc về chuyện xưa, tích cũ, viết dài dòng quá. Bây giờ người ta viết hiện đại, ngắn gọn hơn nhiều”.

Cùng chung hướng khai thác đó, nhà văn Thu Trang miêu tả nhân vật T cũng là một công chức nhà nước đồng lương ít ỏi nên làm thêm gia sư để kiếm sống trong truyện Hư ảo cuộc đời. Dù không phải là cô giáo nhưng T vẫn dạy đầy đủ học sinh từ cấp I đến cấp III. Tưởng như công việc của T rất dễ dàng nhưng không phải thế, cô phải gặp bao rắc rối trong công việc: T nhận dạy kèm con của một người giàu có, ỷ lại vào đồng tiền, giọng điệu “hất hàm” với T: “Phải cô là cô T?”, “Nghe nói cô có nhận học sinh luyện thi Anh văn vào lớp 10?”, “Ăn bao nhiêu một giờ vậy?”, nhưng cô cố nén cảm giác “nghẹn ngào tủi hổ” vì để kiếm tiền học thêm tiếng Pháp; T dạy cho cô Uyển chuẩn bị xuất ngoại theo diện H.O của chồng, Uyển hiểu lầm T vì cô cho rằng Duy - người tình của Uyển ở Việt Nam đã dành những tình cảm đặc biệt cho T và T đã mất việc, mất đi một khoản thu nhập không nhỏ…

Tác giả Nguyễn Trọng Tấn cũng rất tâm huyết với kiểu con người đời thường. Trong Biển gọi, tác giả xây dựng không khí của cư dân vùng ven biển Xóm Lưới, ở đó có ba, anh Hai, Nguyện và những người dân khác nữa là những người yêu biển. Biển đi vào cõi lòng của Lan với những cơn mộng mị: “Ba, anh Hai, Nguyện đứng trên mũi thuyền huơ tay, thuyền cập vào bờ, Lan chạy ào đến ôm chầm lấy ba khóc tức tưởi… Lan cũng ôm lấy Nguyện làm anh luống cuống, mặt đỏ rần, hai tay lóng nga lóng ngóng”. Thằng Luận (em kế Lan) đang học lớp mười hai, không muốn mẹ gánh nặng lo cho gia đình, cuộc sống nó đòi đi biển dưới sự ngăn cản của má và Lan, nhưng qua những lời của Luận, tác giả Nguyễn Trọng Tấn cho thấy ý nghĩa triết lý sâu sắc của người dân xứ biển Xóm Lưới: “Ai cũng sợ như má và chị thì lấy ai đi biển?”. Kiểu nhân vật đời thường, được tác giả Nguyễn Trọng Tấn đặt vào bi kịch cuộc sống, nhân vật thấm đẫm những giọt nước mắt: nước mắt trước cảnh mất mát đau thương; nước mắt trong sự hi vọng nhỏ nhoi tìm lại được người thân từ biển; nước mắt trong sự chia ly, quyết bám biển những người như thằng Luận; Và dù giận biển, ghét biển nhưng sóng vẫn vỗ rì rào như “biển gọi” làm những giọt nước mắt cứ lăn dài trên mắt của Lan khi cô đã rời quê lên Sài Gòn kiếm sống.

3. Con người với khát vọng tình yêu

Sau năm 1975, khát vọng tình yêu được biểu hiện một cách tự do, thoải mái hơn. Cuộc sống của mỗi cá nhân không còn bị đe dọa vì giặc ngoại xâm, bom đạn kẻ thù. Mọi người tự do tìm kiếm tình yêu, hạnh phúc gia đình. Nắm bắt được nhu cầu đời sống tình cảm của con người, truyện ngắn Tiền Giang (1975 - 1986) chú ý đến trạng thái, cung bậc tình yêu khác nhau.

Trước hết, tình yêu bất chấp giới hạn là đặc điểm nổi bật trong truyện ngắn Tiền Giang (1975 - 2005). Không giới hạn ở đây được hiểu là không giới hạn về tuổi tác, xuất thân, không gian địa lý, cung bậc tình cảm,… Tình yêu được các tác giả xây dựng với các chi tiết lãng mạn, hồi hộp và không kém phần đau thương. Mối tình giữa dì Út và dượng Út được tác giả Kim Quyên thể hiện trong truyện Người dưng xứ khác đã minh chứng cho điều đó. Đây là mối tình bất chấp bất đồng về văn hóa và địa lý. Dì Út vốn là một người dân Nam bộ đã phải lòng dượng Út một người gốc Huế mồ côi cha mẹ đang sinh sống ở vùng Đồng Tháp Mười. Nhà văn Kim Quyên không những cho người đọc thấy mối tình đẹp của dì Út và dượng Út, mà đây còn là mối tình trong bất hạnh, đau thương. Dượng Út bị bắt trong phong trào Đồng Khởi, chúng tra tấn dượng Út dã man: “Những báng súng nện thình thịch lên đầu lên lưng, tiếng hự hự đau đớn vang lên, máu đỏ thắm lưng dượng” trước sự đau xót của dì Út và dân làng. Chúng bắt giam dượng ở khám đường Mỹ Tho. Mối tình đẹp của dì Út và dượng Út bị vùi lấp bởi bom đạn chiến tranh nhưng họ được sự đồng lòng của người dân và tình yêu, chờ đợi từ dì Út. Tác giả cho rằng: “cũng vì thương cô, mến xứ sở làng quê cô mà lận đận lao đao. Người dưng, khác xứ mà sao sâu nặng quá vậy. Chắc nhờ sự mặn nồng đó mà dượng tôi sớm được ra tù” với trọng trách lớn hơn: trưởng trạm dân y huyện. Qua nhân vật dượng Út, Kim Quyên muốn gửi thông điệp đến độc giả: chính sức mạnh tình yêu đã xua tan đi đau khổ trong cuộc sống khắc nghiệt.

Tình yêu trong truyện ngắn Tiền Giang (1975 - 2005) không phải lúc nào cũng được các tác giả miêu tả với gam màu hồng. Tình yêu không giới hạn tuổi tác gây ra bao nỗi buồn cho các nhân vật trong hạnh phúc hôn nhân gia đình. Đạo diễn Hoài An và cô vợ ít hơn 20 tuổi phải sống trong căn hộ chật hẹp vì sự hấp dẫn của tên thanh niên bảnh bao, túi lúc nào cũng có nhiều tiền mà cô vợ đã bỏ chồng ra đi trong Một khán giả của Lê Ái Siêm. Do dư chấn của cuộc ngoại tình nên tình yêu đối với đạo diễn Hoài An ngày càng cạn dần theo thời gian. Ở cái tuổi sáu mươi, tưởng như cuộc đời của ông chỉ đến thế nhưng ông đã tìm lại được tuổi thanh xuân khi bắt gặp: “nụ cười ấy, nó hơi quê kiểng, nhưng chân tình, tươi vui và duyên dáng. Nó đi nhẹ vào trái tim ông, làm mất hết mọi khoảng cách” của cô bé bán cà phê ngay đầu hẻm nhà ông. Tình yêu của đạo diễn Hoài An xuất phát thực sự từ con tim, không vụ lợi, đó là tình yêu chân thành bất chấp tuổi tác. Lê Ái Siêm đã lựa chọn chi tiết thật đắt khi cô gái bán cà phê là người được hưởng toàn bộ gia tài theo bản di chúc cuối đời của ông.

4. Con người tâm linh, chấn thương tâm lý

Truyện ngắn Tiền Giang (1975 - 2005) coi trọng khả năng phản ánh hiện thực, nhận thức đời sống khiến cho cái nhìn văn chương về con người rõ ràng hơn. Nhưng nhờ vậy mà nó lại thâm nhập được vào cõi mờ xa của ý thức, vùng chập chờn giữa ý thức và vô thức, vùng bí ẩn tâm linh. Quan niệm về tính phức tạp của con người đã giúp văn học đi tìm “con người bên trong con người”. Con người tâm linh hướng về những sức mạnh bí ẩn, những đối tượng siêu thực, ít có khả năng hiện hữu và hành động của nó có khi không giải thích được. Trong truyện ngắn Tiền Giang (1975 - 2005), con người với đời sống tâm linh được các tác giả phát hiện bởi năng lực nhân tính thiêng liêng, phù hợp với cái đẹp, cái thiện.

Trong truyện Điếu thuốc lá của Lương Hiệu Vui, nhân vật thầy tu sống trong đời sống tâm linh, vô thức nhưng cũng rất trần thế. Thầy nhận được sự thương mến từ dân làng và nhất là lòng tin vào Đức Phật của tên quận trưởng. Thầy quen sống cuộc sống thanh thản, không quan tâm đến đời: không chống đối cách mạng và cũng không theo lính bảo an. Giữa thời loạn lạc, chiến tranh, chết chóc đau thương, thầy muốn thoát tục không hề dễ dàng chút nào. Trong một lần đi “phát tang” cho mẹ của một trung sĩ bảo an, thầy chứng kiến: một chiến sĩ cách mạng chết trong tư thế bị trói vào cột, một thằng cầm điếu thuốc nhét vào miệng người chết đã khiến “tâm” thầy không “tịnh”. Thầy giận dữ, tự dằn vặt nội tâm: “Tại sao tôi ngu ngốc đi thuyết pháp cho một bọn sài lang như vậy?”. Sau lễ “phát tang”, thầy bị tên trung úy đại đội trưởng ép uống rượu. Bởi rượu và dường như rượu là chất xúc tác làm thầy sống trong cõi vô thức, không nhận biết mình làm gì khi trở về nhà trên Lộ Bốn. Trong men rượu, gió mát, hình ảnh của anh chiến sĩ cách mạng ngậm điếu thuốc vẫn cứ ám ảnh thầy, thầy ý thức mình phải làm việc gì đó, nhưng sợ bị phát hiện. Vô thức lúc này đã thắng ý thức, thầy đắp mô ngang đường để chặn xe cộ. Thầy và ngôi chùa là chỗ dựa vững chắc cho chiến sĩ giải phóng, góp phần không nhỏ cho thắng lợi ở địa phương.

Cũng viết về sư thầy và mái chùa, tác giả Vũ Đình Giang có truyện Vùng tục lụy. Người đọc được trải nghiệm trong tâm lý luôn giằng xé của vị sư trụ trì. Ống kim chích ma túy dưới dốc cây bồ đề, những gã thanh niên lưu manh nói những lời văng tục và không biết cách ứng xử với những người tu hành làm sư trụ trì luôn thao thức trong tâm hồn. Sư chỉ còn biết tin vào đấng siêu nhiên: “Sư nghe mà lòng nẫu ruột, tay run rẩy cắm hương vào cái lư đặt lộ thiên giữa sân, ngước nhìn Phật Bà từ bi, mắt ấp ứ nước” khi chùa bị mất cắp một tượng Phật bằng đồng và hơn cả là hòm công đức - kinh phí để dâng cúng Phật trời ngày rằm đến. Tất cả như điềm báo cho ngôi chùa, cho sư trụ trì. Linh ứng hiệu nghiệm khi gã thanh niên lẩn trốn công an vì cái tội giết người xin sư cho gã tá túc qua đêm tại chùa. Lời khuyên đi đầu thú của sư đã chạm đến trái tim của gã, gã có nguyện vọng cuối cùng khi đầu thú, van xin sư thầy: “Hãy cho con một bát thịt chó”. Vũ Đình Giang đã đặt nhân vật sư trụ trì vào tình huống đầy bi kịch. Nội tâm của nhân vật chính bị giằng xé mãnh liệt bởi hai thái cực: một bên sư thầy hướng vào cõi tâm linh: “Phật Bà ơi có thấu gì không mà vẫn mỉm cười từ bi trong mùi khói hương bay lẩn quất?”; còn một bên là gã thanh niên: “nước mắt gã chảy dài. Nước mắt ngầu như nước cám lợn”. Ý thức và vô thức đan xen lẫn lộn: sư thầy dợm bước đi mua bát thịt chó cho gã thanh niên nhưng sư không thể chịu nổi tội ác của hắn. Sư thầy đã cố vượt qua nỗi sợ hãi tội ác của gã thanh niên trước mắt, đặt tấm lòng của mình vào sự van xin nhỏ bé cuối cùng của gã, sư phải cố quên mình là “sư” để rồi vô thức chiến thắng ý thức bởi lòng nhân của con người: “Sư hít một hơi căng lồng ngực, chắp tay lạy Phật Bà, tay chạm vào cổng gỗ đang khép ơ hờ. Đám rêu mốc chết âm thầm trong tay sư thầy. Mảnh trăng vỡ vụn rơi lặng lẽ vào đêm, dát vàng chiếc áo cà sa…”.

Trước cuộc sống xã hội phong phú và phức tạp, các tác giả truyện ngắn Tiền Giang (1975 - 2005) còn xây dựng kiểu con người chấn thương tâm lý. Chấn thương ở đây là chấn thương về mặt tinh thần, có nghĩa là nói đến trạng thái đau đớn, tuyệt vọng, vỡ mộng của con người khi gặp một cú sốc về tâm lí, để lại vết thương lòng không thể hàn gắn nổi. Trong truyện Đóa hồng đêm sinh nhật thứ 20 của Nguyễn Thị Mộng Thu, nhân vật Thông xuất thân trong gia đình khá giả nhưng lại không bình thường ở tâm lý. Anh làm các bạn ở ký túc xá hoảng loạn: Hương đang tắm nhưng vẫn cứ xông xông đi vào mặc cho sự ngăn cản từ Nguyệt, anh hay đi lung tung trong phòng người khác và có những câu nói ngớ ngẩn. Có lẽ, do mẹ Thông quá bận rộn với công việc kinh tế, lại không lo cho con về mặt tinh thần, để cho Thông ở một mình trong một căn nhà riêng nên trong anh bị sang chấn tâm lý. Tuy vậy, qua ngòi bút của Nguyễn Thị Mộng Thu, người đọc nhận ra rằng “anh vẫn là người hiền lành, ngoan và dễ bảo như một đứa con nít”. Dù nhân vật Thông không được xây dựng trọn vẹn, đẹp đẽ nhưng tác giả vẫn còn lòng tin vào con người dù hi vọng nhỏ nhoi nhất: “Bất chợt anh Thông rời ghế đá, đến bên khóm hồng trước cổng ngắt lấy một bông, chìa ra trước mắt tôi nói: - Hap-py bớt-đê!”. Nhân vật Min trong Vũ trụ câm của Vũ Đình Giang được xây dựng kiểu nhân vật chấn thương tâm lý từ một góc nhìn khác. Tác giả đã vẽ nên bức tranh rất chân thực của xã hội, từ chuyện học hành đến gia đình. Min là nạn nhân của áp lực trong thi cử, anh thi rớt đại học ngành mỹ thuật mà từ đó Min có những hành vi bí hiểm. Min còn là hậu quả của cuộc sống gia đình đổ vỡ: cha mẹ ly hôn từ khi anh còn nhỏ, Min phải ở cùng người mẹ cố hữu, quyền lực. Vẽ là niềm đam mê lớn nhất của Min, anh quyết tâm thi lại đại học đến nỗi dường như anh bị tự kỷ. Luôn nhốt mình trong phòng riêng, Min chuyển tải nỗi niềm cuộc đời vào những bức tranh, nơi bất khả xâm phạm đối với mọi người trong nhà. Cũng ngay chính căn phòng với những bức tranh, bức tượng, mặt nạ khó hiểu, đầy màu sắc ám ảnh, tác giả đã cho người đọc chứng kiến hành động bệnh hoạn như một kẻ tâm thần: “Cậu chủ khỏa thân đứng bất động trước tấm gương soi mới thay đã lại xuất hiện những vết rạn mới, đôi mắt mở to nhìn trừng trừng vào chính cậu mà có vẻ như không nhìn thấy một cái gì…”. Min không chỉ bị chấn thương về mặt tinh thần mà anh còn là nạn nhân của tệ nạn xã hội: chơi ma túy, bi kịch lớn nhất đời của Min: “Min đang vật vã trên sàn nhà bừa bộn giấy bút như vừa bị trượt chân ngã từ những chiếc ghế chồng lên cao, tuy nhiên, định thần nhìn kỹ thì thấy nơi khóe miệng của Min đang sùi lên từng dòng nước bọt chảy ngoằng”. Nhà văn Vũ Đình Giang phản ánh bức tranh cuộc sống rất chân thực, con người luôn bị bao vây bởi các vấn nạn còn tồn tại trong xã hội, họ chẳng qua chỉ là nạn nhân của chúng nhưng nếu con người có ý thức đúng đắn thì sẽ vượt qua cái vô thức bản năng.      

*

Truyện ngắn Tiền Giang (1975 - 2005) với dòng chảy hơn 30 năm - khoảng thời ấy chưa phải là dài nhưng cũng đủ giúp ta nhìn thấy được những bước thăng trầm. Thông qua việc nghiên cứu phương diện về con người, ta sẽ thấy được cách nhìn nhận, đánh giá về các kiểu con người như: con người với quê hương đất nước, con người đời thường, con người với khát vọng tình yêu, con người tâm linh, chấn thương tâm lý của các tác giả Tiền Giang về hiện thực xã hội. Đồng thời cũng nhận thức được mối quan hệ khăng khít giữa văn học và tư tưởng, giữa văn học và văn hóa, giữa tính thẩm mỹ và tính xã hội của văn học. Hệ hình ý thức xã hội và cơ chế văn hóa, môi trường văn hóa của xã hội trong 30 năm có nhiều thay đổi quan trọng đã ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển đa dạng của các kiểu con người trong truyện ngắn Tiền Giang. Chính những thay đổi trong định hướng văn nghệ của Đảng, những tác động của nền kinh tế thị trường và xu hướng toàn cầu hóa, đặc biệt là sự thức tỉnh của cái tôi và chủ thể sáng tạo, sự khát khao thay đổi, khát khao sáng tạo ra cái mới của các tác giả đã đem lại hoạt động sáng tạo văn học ở Tiền Giang một cơ hội lớn.

 

TS. Nguyễn Trọng Hiếu
(Theo Văn nghệ Tiền Giang số 87)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 448
  • Khách viếng thăm: 441
  • Máy chủ tìm kiếm: 7
  • Hôm nay: 22219
  • Tháng hiện tại: 1244896
  • Tổng lượt truy cập: 63473864