Âm nhạc của Chèo là dòng nhạc dân gian, làn điệu tiêu biểu là: “Tứ Quý” gồm Ru Lệ, Làm Thảm, Lớ Lơi và Đài Liễu. Tính chất làm điệu Tứ Quý của Chèo là đặc trưng nổi bật để khu biệt sắc thái ca từ giữa Chèo, Tuồng và Cải lương. Bởi làn điệu Tứ Quý luôn mang âm hưởng du dương, rộn ràng, bay bổng tại âm thanh ca ngâm rộn ràng, trữ tình, dìu dặt dễ tạo tính chất hài qua ca từ. Chèo khác hẳn với Tuồng và Cải lương ở chỗ đó.
Mối tương quan giữa Âm nhạc và ca từ Sân khấu truyền thống |
Ca từ Chèo là ngôn ngữ của nhân vật do kịch bản quy định, mang tính phương ngữ, khẩu ngữ. Ca từ của Chèo có lúc phù hợp với nền nhạc, có lúc lại không đồng âm mà ca ngâm phải nương theo hòa âm phối khí.
Tuồng, còn gọi là hát bội cũng có nguồn gốc từ miền Bắc từ hơn ngàn năm trước nhưng định hình và rự rỡ ở dải đất miền Trung vào triều Nguyễn. Tuồng bắt nguồn từ diễn xướng dân gian và ảnh hưởng ít nhiều hí kịch Trung Quốc. Tuồng có đặc điểm thể tài là bi hùng, trình thức là cung đình, ca từ đa phần là từ ngữ gốc Hán, sử dụng nhiều điển cố Trung Quốc... Âm nhạc của Tuồng là nhạc Lễ cung đình, là dòng nhạc bác học có tính chất trang nghiêm, hùng tráng. Nội dung ca từ luôn đề cao tính trung quân tiết nghĩa, ca ngợi những người anh hùng và các đấng trượng phu, quân tử.
Âm nhạc của Tuồng luôn kết hợp hài hòa với ý nghĩa của ca từ, có tính chất trang nghiêm và hùng tráng. Các làn điệu chính của Tuồng gồm hát Nam, hát Khách và hát Tấn có âm hưởng hào hùng, mạnh mẽ.
Ca từ của Tuồng tuy có thể điệu nhưng từ và nhạc có lúc cũng không đồng âm mà chúng nằm trên nền thể điệu khi hòa âm. Chèo và Tuồng đối lập nhau về tính chất âm nhạc
Chèo sở hữu dòng âm nhạc dân gian và ca từ đậm chất khẩu ngữ - phương ngữ; Tuồng nghiêng về âm nhạc cung đình và ca từ nặng nề từ Hán Việt và điển cố Trung Quốc.
Ca từ Cải lương cũng được hình thành từ chất liệu từ ngữ và âm nhạc, và Vọng cổ là một trong những thể điệu của kịch chủng này, vì thế ca từ Vọng cổ có đặc điểm giống như ca từ Cải lương.
Nhưng âm nhạc của Chèo và Tuồng thì không phức tạp như âm nhạc Cải lương. Bởi âm nhạc của hai kịch chủng này là dòng nhạc chính thống của nó; còn nhạc Cải lương là một dòng nhạc phức hợp biến thể từ nhạc tài tử Nam Bộ vừa có tính bác học vừa có tính dân gian. Thêm vào đó là một số thể loại khác như hò lý, dân ca, tân nhạc, nhạc Quảng... Chính những điều đó đã tạo ra nét khu biệt của ca từ Cải lương so với ca từ các loại ca từ khác.
Ca từ Cải lương những từ ngữ mang tính chất ca kịch của nhân vật có sẵn trong kịch bản; là sự kết hợp chặt chẽ giữa từ ngữ và âm nhạc; chúng có cùng âm thanh khi phát ra, trọn vẹn cả về mặt nội dung và hình thức.
Mỗi nhân vật trong từng kịch bản đều có số phận, tính cách, trạng thái và hành động khác nhau được tác giả xây dựng thì ca từ cũng phải phù hợp với các yếu tố đó. Do vậy, nhân vật quy định cho tác giả kịch bản viết ca từ, ca từ phải xuất phát từ tính cách và đời sống của nhân vật.
Riêng bài Vọng cổ khi sử dụng thành một tác phẩm riêng lẻ thì nó có tính đơn lập riêng. Ca từ Vọng cổ bấy giờ là do tác giả cảm xúc và chủ động sáng tạo cá nhân không bị ràng buộc bởi quy định của kịch bản như trong cải lương. Nhiều tác phẩm không có nhân vật cụ thể mà chỉ là tâm trạng chung của một mẫu người hay sự tình nào đó. Tùy theo cảm xúc của mình mà tác giả chọn ngôn ngữ, hình ảnh để diễn đạt.
Ca từ Vọng cổ là những từ ngữ có tính chất ca ngâm được tác giả sáng tác trên nền của một bản nhạc có sẵn, là sự kết hợp chặt chẽ giữa từ ngữ và âm nhạc; chúng có cùng âm thanh khi phát ra, trọn vẹn cả về mặt nội dung và hình thức.
Nghiên cứu trên cho thấy muốn nhận diện đặc điểm của từng loại ca từ thì phải dựa vào tính chất âm nhạc của từng dòng nhạc chủ đạo, loại hình âm nhạc và các yếu tố cấu thành kịch chủng ấy.
Đối với ca kịch sân khấu truyền thống thì ca từ nằm trong phạm vi của nhiều thể điệu và ca từ là lời của nhân vật kịch thông qua vai trò ca diễn của diễn viên. Có loại hình ca kịch ca từ và nhạc bắt buộc phải đồng âm thanh như Cải lương nhưng có loại hình ca từ và nhạc không nhất thiết phải đồng âm thanh như Chèo và Tuồng. Riêng bài Vọng cổ trong cải lương là lời nhân vật, trong ca lẻ lại là lời của tác giả. Đó chính là tính chất âm nhạc đa dạng và phong phú của bài Vọng cổ, một thể điệu âm nhạc dân tộc vượt không gian và thời gian sống mãi trong lòng dân tộc.
tương quan, Âm nhạc, Sân khấu, truyền thống, nghiên cứu, Đỗ Dũng
Ý kiến bạn đọc