Quê nội

Đăng lúc: Thứ tư - 11/07/2018 14:11
Những khi buồn bã ở phố thị ồn ả xe cộ, tôi thường chạy xe về quê nội như tìm sự lắng hồn trước những bức bối đa tạp của đời sống. Quê nội tôi không nằm xa nơi tôi ở là mấy, chỉ mười lăm phút chạy xe là tới, nhưng nó là một vùng thôn quê êm ả hiền hòa. Nơi lưu dấu ký ức của tôi một thời thơ ấu - những ngày tháng đẹp đẽ đã trôi qua một cách nhẹ nhàng. Ai cũng có một vùng - quê - ký - ức để trở về. Với tôi, quê nội là một vùng - quê - tâm - tưởng ấy. Tôi lớn lên và sống ở phố thị, rồi đi học xa, nhưng lòng vẫn đau đáu về miền quê xưa, quê hương bản quán cật ruột của mình.
Minh họa: Thanh Tiên

Minh họa: Thanh Tiên

Sáng nay, tôi thả xe tàn tàn về nhà nội. Con đường về thôn xưa giờ đã trải nhựa. Hai bên đường  nhà cửa đã mọc lên đầy. Trí nhớ tôi vẫn còn lưu giữ hình ảnh con đường xưa đầy cát, thơ mộng và rất dân dã quê mùa. Ngôi chùa xưa vẫn còn đấy nhưng giờ được xây cất lại khang trang hơn. Ngôi chùa này ngày xưa là một bí ẩn đối với tôi, vì nó đóng cửa suốt và mọi sinh hoạt trong chùa đều không ai hay biết gì cả. Ngôi chùa quay lưng lại con đường cát vào lúc xưa, còn bây giờ người ta cho nó quay mặt lại con đường và rộng mở cửa đón khách thập phương. Ngôi chùa ấy là nơi đã từng là chỗ tu tập của thầy Thích Quảng Đức - người đã tự thiêu để phản đối chính sách đàn áp Phật giáo của chế độ Ngô Đình Diệm. Bây giờ nó nằm kề một ngôi trường cấp 1 và 2 của xã, đối diện sân banh. Những buổi tối, chùa lại vang lên tiếng đọc kinh, khói hương bay tỏa thơm ngát, trở nên ấm cúng và sáng sủa hơn cái vẻ bí mật của ngày xưa.

Qua khỏi chùa một đoạn là ngôi đình cổ. Mái ngói đã phủ rêu phong. Quang cảnh trong đình vẫn như ngày tôi còn bé. Nhưng giờ được xây một bức tường cao bao bọc lấy khuôn viên đình. Việc xây cất tường bao này được một ông thầy giáo quê gốc ở gần nhà nội tôi đứng ra bỏ tiền mướn thợ làm công việc đầy ý nghĩa ấy. Những dịp lễ hội, tiếng trống đình lại vang lên như gợi nhắc một thời quá vãng - một cái gì gần như hồn nước, hồn dân tộc. Hồi đó, cổng đình là một khung cửa mái ngói cũ kỹ, những người đi làm đồng về mệt thì ghé lại ngồi tán gẫu. Bẵng một thời gian, cái cổng xưa cũ ấy đổ nát không còn. Bây giờ người ta trùng tu phục dựng lại như mô hình cổng cũ, nhưng cái vẻ xa xưa mang đầy hồn quê đã không còn nữa. Cây sao trong sân đình thì vẫn còn đó. Nó mọc lên cao vút, thẳng tắp như nhân cách truyền thống của một vùng đất văn hóa. Đối diện ngôi đình là một trường học mẫu giáo luôn đầy ắp tiếng cười nói. Xưa, nền của ngôi trường mẫu giáo là một cái nghĩa trang chôn cất những liệt sĩ đã hy sinh trong kháng chiến. Sau đó người ta quy tập hài cốt về nơi khác, để khu đất ấy nở hoa thành một ngôi trường mẫu giáo xinh đẹp.

Nhà nội tôi nằm kề bên một con sông màu nước đục lờ trôi lặng lẽ. Tôi trở về nhà nội khi tôi đã trầm tĩnh trước mọi biến thiên của sự đời, thì ông bà nội tôi đã không còn. Bây giờ, trong ngôi nhà ấy, chỉ còn người cô út và người bác thứ hai của tôi. Thế đấy, khi người ta ngộ ra sự thật ở đời thì mọi thứ đã trở thành kỷ niệm, đã trôi vào quá vãng, đã khuất bóng, một đi không trở lại. Lẽ vô thường vẫn âm thầm chi phối định đoạt tất cả mọi sự mọi vật trong thế gian này. Về căn nhà vắng vẻ, tôi ngồi trò chuyện với cô út về Phật giáo và nhắc lại ký ức về những người thân trong gia đình dòng tộc. Cô út tôi tật nguyền từ nhỏ nên không có chồng con. Ngày xưa cô vẫn sống với ông bà nội. Khi tôi còn nhỏ, học cấp 1, tôi thường đem sách về cho cô đọc và mỗi lần về chơi lại bàn đến những cuốn sách đó. Tôi mê sách từ nhỏ. Ba tôi ngày đó là thầy giáo, mỗi lần lãnh lương lại chở tôi ra nhà sách mua một loạt sách về cho tôi đọc. Tuổi thơ tôi trôi êm đềm trong sách vở và bạn bè trường lớp, trong sự nghèo nàn từ đồng lương giáo viên của ba tôi thời bao cấp. Vậy đó, sự bất cập thời nào mà chẳng có. Đến bây giờ lương giáo viên sống được nhưng còn thấp lắm so với mặt bằng lương của các nước văn minh hiện đại.

Khi bà nội tôi mất, bà có một ước nguyện là tất cả con cháu đều quy y theo Phật giáo. Chính tư tưởng Phật Giáo đã giữ lại cái giềng mối gia tộc và làm con người sống lắng sâu hơn, vượt qua những danh lợi phù phiếm tầm thường của một đời sống ngày càng vật chất hóa tất cả mọi phương diện. Đạo lý Phật giáo thấm sâu và hóa giải được tất cả những khổ đau tai ách của trần gian. Nó làm cho tâm hồn con người nhẹ nhàng thư thái hơn vì đã có đường hướng sống và giải trừ mọi khổ nan. Luật nhân quả, thuyết duyên sinh, nghiệp căn, … đã làm con người trở nên trầm tĩnh trước mọi biến động của cuộc đời, của thời cuộc. Càng nghiên cứu sâu vào Phật học tôi càng thấy nó thâm sâu uyên áo. Hèn gì có thời nó trở thành quốc giáo, thành tư tưởng chính thống của dân tộc Việt như thời Lý - Trần chẳng hạn. Những vị vua theo Phật giáo anh minh sáng suốt. Một thời dân tộc hùng cường và rạng rỡ. Những bài thi kệ còn lại của những nhà sư như một sự nhắn nhủ với hậu sinh về lẽ huyền vi của Phật giáo, như của Mãn Giác thiền sư, Không Lộ thiền sư,… Những câu thơ đẹp một cách triết lý hình ảnh của nhà sư Mãn Giác đã trở thành châm ngôn sống: “Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận - Đình tiền tạc dạ nhất chi mai” (Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết - Đêm qua sân trước một nhành mai).

Tôi còn nhớ cảnh quê nội ngày xưa đẹp lắm. Con sông trôi lặng lẽ dưới bóng tre xanh. Làng xóm yên bình, buổi trưa vang lên tiếng cu gáy buồn bã và trầm ấm. Mọi người sống trong thân ái, tình làng nghĩa xóm. Trước con đường dẫn vào nhà nội là một rặng tre dày đặc và xanh nuột. Những trưa hè tôi nằm trên chiếc võng nhìn trời mây bao la và lắng nghe tiếng chim hót. Hồi đó, cô út thường dẫn tôi qua nhà hàng xóm chơi. Tôi còn nhớ một căn nhà nhỏ của bà cụ đầu xóm, trước sân có một cái ao bèo lúc nào cũng dày đặc. Ngồi trong nhà bà chơi, tôi suýt rớt tim vì một con rắn lớn bò soàn soạt trên xà nhà. Bà cụ bảo đừng sợ vì loài rắn vô hại, nó ở trong nhà để bắt chuột thôi. Chiều về ngồi trên sân nhà nội, ngắm nhìn đàn chim về tổ trên cây sao mọc bên bờ sông, gợi lên trong tôi một tình cảm quê hương tha thiết. Chiều xuống, đám mây rạng lên trên nền trời trong xanh và những tia nắng quái chiếu xiên xuống sân nhà. Làn khói bếp bay lên lững lờ như một dải khăn trên nền trời. Lá tre rơi xào xạc. Tôi biết yêu sâu sắc ba bài thơ về mùa thu của cụ Yên Đổ Nguyễn Khuyến vì nó gần gũi với cảnh vật và con người quê nội tôi. Màu sắc, không khí, cảnh vật trong thơ Nguyễn Khuyến rất Việt Nam. Ngày niên thiếu, mỗi khi buồn tôi thường ngâm khe khẽ: “Ao thu lạnh lẽo nước trong veo…”. Lớn lên, đời sống phố thị cuốn tôi vào vòng hư ảo nhưng tôi vẫn không quên những vần thơ ấy. Âm hưởng của những bài thơ ấy làm tâm hồn tôi yên lành. Tôi vẫn là tôi như lúc nào, như ngày thơ ấu ngồi nhìn những con chim về tổ trong nắng chiều quê nội. Thời đi học ở Sài Gòn phồn hoa đô hội, tôi lang thang phố xá với những bài thơ u uẩn, có lúc chìm vào hư ảo, tôi mất dần hình ảnh quê hương, lại bê tha rượu chè cùng bạn bè văn nghệ để làm những bài thơ đột phá mang tính hiện đại. Tôi xa dần quê hương, là kẻ thiếu quê hương. Thơ tôi giai đoạn đó đầy mùi khói thuốc và rượu, với những triết lý hiện sinh bi đát. Nhưng nó chỉ dẫn đến những buồn đau đổ vỡ. Nó dẫn vào độc đạo bế tắc và chìm ngập hỗn mang. Nhưng tôi còn kịp thức tỉnh để nhìn ra cái phù phiếm hư ảo của đời sống thị tứ và cái bã hư danh của thi ca đô thị. Tôi trở về với Phật giáo và đã tìm gặp lại quê nội đã đánh mất trong tâm hồn.

Ký ức tôi vẫn còn lưu giữ hình ảnh một cái quán của cô Hát ở đầu làng, dưới cây me cổ thụ. Quán của cô bán tạp hóa, đủ loại bánh kẹo, dầu, đường, thuốc… Cô là một cô gái quê đúng nghĩa, giọng nói như tiếng chim hót nhưng cũng đầy thổ âm. Cô là người bạn thân của cô út tôi. Gặp lại cô Hát, cô vẫn như ngày nào, vẫn là tình cảm trìu mến cô cháu đối với tôi. Bây giờ cô vẫn ở vậy trong ngôi nhà cha mẹ đã khuất bóng và cô làm ruộng rẫy. Cô nói lâu quá cô không gặp tôi và vẫn nhớ hình ảnh tôi ngày bé lại mua kẹo ở quán cô. Nhìn cô, tôi như thấy lại tất cả hình ảnh êm đềm của quê nội ngày xưa.

Hồi nhỏ, những ngày nghỉ học tôi thường theo ba về làm ruộng ở quê nội. Ba tôi đi rải phân trên đồng. Tôi ngồi trên bờ ruộng chơi một mình dưới hàng cây trâm bầu, bên một lạch nước nhỏ. Đến mùa thu hoạch lúa, ruộng trơ gốc rạ, ba tôi đi bắt dế cho tôi trên ruộng. Những chú dế lửa, dế than theo tôi về nhà và ngủ yên trong hộp diêm bên mấy cọng cỏ non tơ. Bây giờ tôi không còn thấy trẻ con chơi dế. Chúng đã mất tuổi thơ trong những buổi học nặng nề khô khan. Càng ngày trẻ con càng khôn ngoan và lý trí hơn. Chúng vẫn dễ thương nhưng chúng không còn ngây thơ nữa. Đời sống đô thị hóa đã làm chúng khôn ngoan và áp lực học hành ganh đua đè nặng.

Sáng nay tôi trở về nhà nội ngồi lặng lẽ. Bàn thờ ông bà nội khói nhang thơm tỏa nhẹ. Bác Hai tôi vẫn ngồi bên chiếc máy may. Căn nhà vắng vẻ quá. Mọi người tất bật cho cuộc mưu sinh và lãng quên hình ảnh quê hương xưa cũ. Tốc độ đô thị hóa, cuộc sống đua chen đã làm con người xơ cứng tâm hồn. Tôi trở về một mình qua những cảnh cũ đã đổi thay. Người xưa không còn nữa. Lẽ sinh diệt là thế. Tôi thắp cho ông bà nội một nén nhang và chào Bác Hai ra về. Trên đường về, lòng tôi âm thầm vọng lên câu thơ của cụ Nguyễn Khuyến: “Ao thu lạnh lẽo nước trong veo”. Vâng, tâm hồn tôi đã trong lại trong dòng trôi ồn ả của phố thị, như mặt nước ao thu vậy.

Vương Huy
(Theo Văn nghệ Tiền Giang số 85)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 199
  • Khách viếng thăm: 196
  • Máy chủ tìm kiếm: 3
  • Hôm nay: 51341
  • Tháng hiện tại: 2283891
  • Tổng lượt truy cập: 46251124