Biển - Kết tinh vẻ đẹp tinh thần giữ nước của nhân dân trong thơ Việt Nam hiện đại

Đăng lúc: Thứ tư - 18/10/2017 20:51
Từ bao đời nay, biển đảo quê hương luôn là một phần máu thịt không thể tách rời trong tim mỗi người dân đất Việt. Biển là môi trường sống, là không gian thiêng, sinh tồn và phát triển, là nơi giao thương và tiếp giao văn hóa giữa các quốc gia, đồng thời cũng chính là món quà vô giá mà thiên nhiên ưu đãi, lịch sử hào hùng trao tặng. Chính vì thế, từ xưa đến nay, mỗi khi biển “dậy sóng”, những người con đất Việt luôn một lòng yêu biển, quyết tâm xả thân để gìn giữ và mang lại sự bình yên cho Tổ quốc. 
Và đó chính là vẻ đẹp được kết tinh từ tinh thần giữ nước của cha ông ta. Từ tình yêu lớn ấy đã thôi thúc rất nhiều nhà thơ đương đại viết lên những trang thơ về biển đảo thật cảm động và đầy lòng thành kính.

1. Biển - Tinh thần “quyết tử cho đảo quyết sinh” của người lính

Trong hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, mỗi tấc đất đều thấm đẫm máu xương của những người hy sinh vì Tổ quốc. Giọt máu của những người con Việt thời nào rơi xuống để bảo vệ bờ cõi cũng đều được lịch sử ghi nhận và đời đời nhớ ơn. Côn Đảo hay còn có tên gọi khác là Côn Lôn, Côn Sơn, là huyện đảo thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nơi đã giam giữ các chiến sĩ của ta, nơi đẫm máu và nước mắt bởi những cuộc hành hình, tra tấn cực kì dã man của thực dân Pháp. Chính nơi đây đã giấy lên tinh thần bất khuất với ý chí, quyết tâm cao của những người chiến sĩ để giành lại độc lập cho Tổ quốc.  Nguyễn An Ninh đã xúc động viết lên những câu thơ mang nỗi xót xa, đau đớn:

Biển mang trong mình bao nỗi xót đau
Của lòng trai âm thầm kết ngọc
Của trăm năm đảo thành địa ngục
Máu anh hùng từng đỏ đáy khơi sâu
(Biển đêm Côn Đảo - Nguyễn An Ninh) [1, 960]

Đặc biệt là sự hi sinh anh dũng, gan dạ của chị Võ Thị Sáu - người thiếu nữ đầu tiên và duy nhất trong lớp tù nhân kháng chiến (1946-1954) bị đưa ra hành hình ở Côn Đảo; người thiếu nữ bị bắt và bị kết án từ lúc tuổi vị thành niên. Trước phút hành hình, chị Sáu yêu cầu không bịt mắt để chị được nhìn đất nước mình đến giây phút cuối:

Phút hành quyết, không cho giặc bịt mắt
“Tôi sẵn sàng nhìn họng súng các ngươi”
“Đả đảo thực dân Pháp”
Bẩy phát súng nổ rồi!...
“Việt Nam độc lập muôn năm!”
Võ Thị Sáu vẫn hiên ngang đứng đó
Hai dòng máu trên thân mình tuôn đỏ
Mắt sáng ngời chị hát “Tiến quân ca”.
(Hát với Côn Lôn - Nguyễn An Ninh) [1, 961]

Khi lệnh thi hành án vang lên thì chị Võ Thị Sáu bắt đầu hát bài Tiến quân ca, bài Quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Khúc hát vừa dứt, chị nhìn thẳng vào bảy nòng súng đen ngòm, chị ngừng hát và thét lớn: “Đả đảo thực dân Pháp!”,Việt Nam độc lập muôn năm!”, “Hồ Chủ tịch muôn năm!”. Sự hy sinh của chị làm cho bọn giặc phải khâm phục. Vệt máu từ vai của chị tuôn đỏ vạt áo, chị hy sinh trong sự tiếc nuối bao người.

Côn Đảo là địa ngục trần gian, nơi diễn ra bao tội ác man rợ, nơi đày ải, đau thương và cũng là nơi ngự trị của những tinh thần “thép” tỏa sáng muôn đời. Chính nơi đây đã trở thành nỗi niềm trào dâng khi Phương Việt đã tố cáo tội ác kẻ thù trong một lần đến thăm Côn Đảo: “Nơi đây từng là địa ngục trần gian/ Những phòng biệt giam, chuồng bò, chuồng cọp…/ Tột cùng dã man, tội ác/ Trên hai mươi ngàn người con Đất nước/ Nằm xuống nơi đất này!” (Một lần Côn Đảo -  Phương Việt) [1, 1550].

Từ tình cảm riêng tư cá nhân của mỗi người đến tình cảm của những ngư dân và những người lính nơi biển đảo đều thấm đẫm và hòa nhịp trong một tình yêu lớn - tình yêu Tổ quốc, quê hương. Ký ức về những trận đánh của cha ông ta trên sông nước với những bài học kinh nghiệm về nghệ thuật quân sự nổi tiếng một thời đã đi vào lịch sử. Để rồi, mỗi khi nhớ lại, chúng ta không khỏi tự hào về sự thật lịch sử, đồng thời biết ơn chân thành với lớp người đi trước đã hi sinh. Ngày 14 tháng 3 năm 1988, trong trận chiến tại Gạc Ma - Trường Sa, anh hùng liệt sỹ Trần Văn Phương, phó chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma (thuộc quần đảo Trường Sa), người đã anh dũng hy sinh khi xông lên cắm cờ Tổ quốc. Trước khi ngã xuống, một tay anh vẫn giữ chắc cột cờ, miệng hô to khẩu hiệu: “Hãy để máu chúng ta nhuộm đỏ biển Đông, chứ cương quyết không để mất đảo” [7]. Để tưởng nhớ công đức hi sinh cao cả của các chiến sĩ ở đảo đá Gạc Ma, nhiều nhà thơ đã viết lên những trang thơ đầy xúc động: “Có nơi nào như đất nước chúng ta/ Viết bằng máu cả ngàn chương sử đỏ/ Khi giặc đến vạn người con quyết tử/ Cho một lần Tổ quốc được sinh ra” (Tổ quốc ở Trường Sa - Nguyễn Việt Chiến) [2, 76].

Nước ta là một đất nước gắn liền với truyền thống đánh giặc ngoại xâm “Viết bằng máu cả ngàn chương sử đỏ”, luôn sẵn sàng xả thân, dám hy sinh thân mình vì quê hương “vạn người con quyết tử”, thế là Tổ quốc lại được sinh ra. Câu thơ có cấu trúc là một câu hỏi tu từ như là cái cớ để tác giả xoáy sâu và khẳng định dứt khoát về truyền thống bất khuất kiên cường của dân tộc ta. Bao nhiêu lần chống giặc ngoại xâm là bấy nhiêu lần những người con đất Mẹ lại quyết tử và khi ấy Tổ quốc lại thêm một lần được “sinh ra”. Điệp khúc “Cho một lần Tổ quốc được sinh ra” được nhắc lại nhiều lần như một nốt nhấn về sự hi sinh quên mình cao cả của biêt bao đồng bào, chiến sĩ.

Từ hiện thực thâm độc của kẻ thù, 64 chiến sĩ hi sinh, người thì chết vì ngạt khi co cụm dưới khoang tàu, người thì chết vì đạn pháo, người thì chết vì ngạt nước - hỗn loạn, tan tác và kinh hãi, Nguyễn Việt Chiến đã thành kính viết lên những câu thơ hào hùng: “Khi hy sinh ở đảo đá Gạc Ma / Họ đã lấy ngực mình làm lá chắn / Để một lần Tổ quốc được sinh ra/ Máu của họ thấm vào lòng biển thẳm / Cờ Tổ quốc phất lên trong mưa đạn/ Phút cuối cùng đảo đá hóa biên cương” (Tổ quốc ở Trường Sa - Nguyễn Việt Chiến) [2, 76].

Trong cuộc chiến không cân sức trên đảo, các chiến sỹ Hải quân Việt Nam đã nắm tay nhau tạo thành vòng tròn để giữ đảo, sau này trở thành biểu tượng “Vòng tròn bất tử”:

Vòng lửa Gạc Ma thiêu đốt căm hờn
Vòng lửa Gạc Ma kiên trung bất khuất
Cả dân tộc cắn răng trào nước mắt
Bàn tay bạo tàn xâm lấn quê hương
(Vòng tròn lửa bất tử trên đảo Gạc Ma  -  Dương Thúy Mỹ) [1, 943].

Cùng với xác con tàu, là xác của hàng chục chiến sĩ hải quân Việt Nam với vũng máu lớn loan cả một vùng biển Đông. Những người còn sống sót nằm trên đảo, bên cạnh những xác chết nghiêng ngửa của những người bạn mà chỉ mới hôm qua thôi, còn chúc nhau sống lâu trăm tuổi. Họ nhìn đồng đội, nhìn Gạc Ma mà nhòe đi vì nước mắt. Tâm trạng của họ lúc này nó trống rỗng như cái khoảng không trên bầu trời cao vợi, sâu thắt như đáy biển Đông và mênh mông như đảoTrường Sa. Biển không gợn chút sóng, mà lòng những người sống sót đau đến lạ. Nguyễn Trọng Văn cũng không khỏi xúc động khi nhắc lại giây phút thiêng liêng ấy: “Có lá cờ Tổ quốc giữa mênh mông / Đó là lúc sáu mươi tư chiến sĩ đảo Gạc Ma kết vòng tròn bất tử / Chúng nó bắn / Có nhẫn tâm nào hơn thế?... Máu chiến sĩ đỏ như mặt trời xuống tắm/ Chí anh hùng thay cột mốc trùng khơi” (Có lá cờ Tổ quốc giữa biển Đông - Nguyễn Trọng Văn) [2, 356]. Không có cái chết nào đẹp bằng sự hy sinh cho Tổ quốc, vì quê hương, vì sự yên bình cho những người còn ở lại. Thật thiêng liêng và cao quý!

Một lần nữa nhà thơ Trần Mai Hường cũng vô cùng cảm động trước tấm lòng lớn lao vô bờ ấy và không khỏi xúc động khi phải thốt lên: “Nơi các anh ngã xuống / Máu đã thắm san hô / Anh lính hòa sóng biếc / Cứ tỏa hương từng giờ” (Những ngọn sóng tỏa hương - Trần Mai Hường) [2, 722]. Đặc biệt, trước việc Trung Quốc đã ngang ngược đặt giàn khoan trái phép Hải Dương 981, Nguyễn Thế Kỷ đã viết  Thao thức với Trường Sa. Trong thơ ông hiện lên những người chiến sĩ hải quân trẻ trung, phơi phới, chưa một lần biết đến tình yêu, vậy mà vì tình yêu tổ quốc, yêu biển, vì hai chữ “trách nhiệm” họ đánh đổi cả tuổi thanh xuân giữa biển đảo lộng gió: “Muốn ôm ghì bãi san hô - chiến lũy/ Những pháo đài vươn sóng Bạch Đằng giang/ Khi Đá Lát, Sinh Tồn, Song Tử/ Lúc dịu dàng Tiên Nữ, An Bang” (Thao thức với Trường Sa - Nguyễn Thế Kỷ) [1, 774].

Theo Phủ biên tạp lục (1776) thì từ thời chúa Nguyễn Phúc Lan cho đến sau này, các vua nhà Nguyễn đã tổ chức những hải đội ra trấn giữ đảo Hoàng Sa. Họ đã hy sinh nằm lại nơi biển đảo mãi mãi không về. Rồi những năm 70 của thế kỷ trước, biết bao người lính ra giữ đảo. Họ đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân của mình cho biển đảo quê hương. Theo tục lệ từ xưa, người dân Lý Sơn làm những ngôi mộ gió và tổ chức lễ chiêu hồn cầu an cho những linh hồn nằm lại nơi biển cả giữ gìn lãnh hải Tổ quốc. Hướng về những người lính đã quên mình vì chủ quyền biển đảo quê hương, nhà thơ Trịnh Công Lộc đã viết lên bài thơ Mộ gió đầy cảm xúc. Và câu thơ hay nhất đẩy lên cao trào trong bài Mộ gió: “Chạm vào gió như chạm vào da thịt / Chạm vào / Nhói buốt / Hoàng Sa…” (Mộ gió - Trịnh Công Lộc) [1, 859].

Mộ gió chính là khúc ca bi tráng hào hùng. “Bi tráng từ hình hài đến nội tâm, từ đơn lẻ đến cộng hưởng, từ biển đến đất liền, từ đất liền ra biển. Âm hưởng anh hùng ca như trào dâng những ngọn sóng thi ca đã tạc nên một tượng đài bất tử. Bất tử trong ngàn trùng con sóng. Bất tử trong tâm thức con người đất Việt đầy kiêu hãnh và tự tin, tự lớn từ truyền thống lịch sử ngàn đời giữ biển” [9]. Thật đúng như nhà thơ Hữu Thỉnh đã từng nhận xét: Bài thơ ẩn chứa sự đau đớn, cảm phục và tôn vinh sự hy sinh anh dũng của người chiến sĩ nơi đầu sóng, ngọn gió.

Bên cạnh bài thơ Mộ gió, bài thơ Từ biển mà đi (sáng tác 2011) là dấu ấn đầu tiên, rõ rệt nhất sự trở lại chất sử thi, chất anh hùng ca mới bằng nhiều hình tượng sống động của thơ ca đương đại sau thời gian dài trầm lắng: “Bao lớp người đi giữ đảo, không về.../ Biển lặng giấu những nỗi niềm xa thẳm / Ru lời ru vô tận dưới lòng sâu / Mỗi đảo nhỏ, đã hóa thành ngọn nến / Thắp linh thiêng rừng rực sao trời” (Từ biển mà đi - Trịnh Công Lộc) [1, 857]. Sự hy sinh cao cả, vĩ đại và mãi mãi được tôn vinh.

2. Biển - Tinh thần “bảo vệ chủ quyền lãnh hải” của nhân dân

Tình yêu quê hương đất nước vẫn luôn là đề tài muôn thuở của thi ca, và nó luôn luôn tồn tại trong mỗi con người. Dải đất hình chữ S với bề dày lịch sử, văn hóa hào hùng luôn khiến mỗi người con cảm thấy tự hào mỗi khi nhắc đến. Đặc biệt là biển đảo, là chủ quyền bất di bất dịch, là lãnh thổ mà ông cha ta tự ngàn xưa đã không tiếc công sức, tính mạng của mình để bảo vệ, dựng xây.

Thơ về biên giới, biển đảo xuất hiện ngày càng nhiều và đã có những tác phẩm lan tỏa nhanh trong công chúng. Có thể xem đấy cũng là những cột mốc thi ca khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Vì vậy, khi khẳng định chủ quyền “bất di bất dịch” của đất nước, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến cũng đã ghi lại dấu tích xưa của cha ông thời mở nước gắn với sự hi sinh của biết bao “ngư dân” trên “đảo nổi”, “đảo chìm”:

Biển mùa này sóng dữ phía Hoàng Sa
Các con mẹ vẫn ngày đêm bám biển
Mẹ Tổ quốc vẫn luôn ở bên ta
Như máu ấm trong màu cờ nước Việt
(Tổ quốc ở Trường Sa - Nguyễn Việt Chiến) [2, 89]

Chủ quyền của đất nước đã được đặt tên từ xa xưa. Nhà thơ đã nói hộ tất cả con dân đất Việt nỗi lòng trước biển. Đó là niềm cảm phục lớp lớp cha anh ngày đêm giữ biển, là nỗi lòng của những người con đau đáu trước “bão giông” của biển. Sự nhiệt huyết của người con đất Việt trước sứ mệnh giữ yên bờ cõi Tổ quốc đã được Nguyễn Việt Chiến khắc họa rõ nét: “Dòng máu Việt chảy trong hồn người Việt / Đang bồn chồn thao thức với Trường Sa” (Tổ quốc ở Trường Sa - Nguyễn Việt Chiến) [2, 89].

Hay trong Tổ quốc bên bờ biển cả, Nguyễn Việt Chiến đã một lần nữa khẳng định chủ quyền đất nước: “Đá chủ quyền đặt tên ngàn năm trước / Máu san hô còn đọng một lời nguyền” (Tổ quốc bên bờ biển cả - Nguyễn Việt Chiến) [1, 399]. Bên cạnh đó, máu còn là biểu tượng của yếu tố linh thiêng trong “hình hài Tổ quốc”, đó cũng chính là yếu tố tạo nên dòng nhiệt huyết trách nhiệm công dân trước vận mệnh dân tộc: “Đêm không ngủ Trường Sa, đêm trở gió / Gió hồng hoang ào ạt phía Hoàng Sa / Bao xương máu đắp hình hài Tổ quốc / Ấp cờ đỏ lên tím mắt bỗng lệ nhòa” (Nguyễn Thế Kỷ - Thao thức Trường Sa) [1, 774].

Chúng ta đang ngày đêm hướng ra biển bởi đã bao đời nay “ông cha ta đã từ biển mà đi”. Hướng về biển, nơi ấy là phía mặt trời lên và cũng là phía mặt trời lặn, Nguyễn Khoa Điềm đã thay mặt chúng ta khẳng định chủ quyền về một Trường Sa “ngàn trùng vạn lý” - nơi đi đến của một dân tộc: “Đón mặt trời Mọc từ biển, lặn về biển Hát / Một lời nguyền sâu thẳm / Ngàn trùng Vạn lý Trường Sa…” (Tháng tư Trường Sa - Nguyễn Khoa Điềm). Chủ quyền đó vang lên như một lời nguyền thẳm sâu trong trái tim của tất cả con dân đất Việt. Tự hào về vùng đảo thân yêu, nhà thơ Giang Nam ca ngợi sự bất tử của Trường Sa “giữa muôn trùng giông bão”, vẫn như “chùm sao mọc giữa biển Đông”, như “nhánh san hô” vững chãi, các đảo Song Tử, Trường Sa, Sinh Tồn, Nam Yết như “cây phong ba” từ ngàn thuở đã “bám đất này”. Đó là tiếng thơ xiết bao xúc động, tự hào: “Một vùng đảo xa xôi mà gần gũi/ Một chùm sao mọc giữa biển Đông/ Một nhánh san hô giữa muôn trùng giông bão Trường Sa, Trường Sa… Tiếng gọi nức lòng” (Huyện đảo quê hương - Giang Nam) [8].

Mỗi vùng biển, mỗi hòn đảo luôn tạo cho các nhà thơ những cảm xúc riêng. Gần đây trước vấn đề chủ quyền biển đảo, chủ nghĩa yêu nước lại cuồn cuộn dâng trào, chất sử thi, anh hùng ca trong văn chương lại có điều kiện bùng lên. Ý thức về chủ quyền trong các trang thơ viết về biển đảo thật sâu sắc. Điều đó nhắc nhở mỗi người về trách nhiệm đối với biển đảo. Dù chỉ là một “mỏm đá”, chúng ta cũng quyết tâm giữ gìn bởi đó là “Tổ quốc”, đó là xương máu của biết bao thế hệ. Bài thơ Rừng đảo gợi lên thế trận thiên nhiên hùng vĩ của đất nước và máu hi sinh hòa trong biển cả trào dâng trong cảm xúc của nhà thơ: “Người yêu đảo, mặn mòi với đảo / Đảo yêu người hạt muối cắn đôi / Máu thấm đất hồng tươi mặt đất / Máu biển loang sóng đỏ chân trời...” (Rừng đảo - Trịnh Công Lộc) [10]. Trước tình hình căng thẳng trên biển Đông, nhà thơ Trịnh Công Lộc đã tạo nên bài ca bi tráng về con người và Tổ quốc, gây xúc động lòng người: “Thăm thẳm xót chập chùng xương máu/ Thuở ngàn xưa mở cõi biển đông” (Còn đấy, Hoàng Sa - Trịnh Công Lộc) [10]. Bài thơ đã nối thêm cảm thức về Tổ quốc qua những câu thơ như trở về với lời nguyền của cha ông xưa.

Tình yêu, khát vọng hòa bình đã hóa thành tình yêu cụ thể về con người, vùng đất. Đặc biệt, là con mắt ngóng về Hoàng Sa - quần đảo Cát Vàng và cũng là nỗi nhớ của những người từng một thời sống ở Hoàng Sa. Đó là Hoàng Sa, hai tiếng thiêng liêng, Hoàng Sa của một thời trong tim bao người dân Việt: “Người ngư dân ôm lá cờ trên biển / Dù cháy thuyền, không thể cháy cờ thiêng / Ôi Tổ quốc mấy nghìn năm giữ nước / Máu đổ xuống Hoàng Sa, máu đỏ đất hai miền” (Giữ biển xanh rực màu cờ đỏ - Đặng Quốc Vinh) [1, 1555].

Hoàng Sa mãi trong tim người Việt là thực, thực đến độ như Tổ quốc gắn liền với đất nước, gắn liền với biển đảo, thực như đồng bào ngư dân Việt xem Hoàng Sa là ngư trường nuôi vợ con, gia đình họ: “Ta hiểu những gì sáng nắng chiều mưa / Hoàng Sa - Trường Sa chưa một ngày yên ả / Ngăn bão tố chông chênh  quay trở / Giàn khoan sóng trùng vẫy gọi ước mơ” (Sóng nước Bạch Đằng - Triều Vân ) [1, 1531]. Đó là những bài thơ, những tác phẩm viết về biển đảo của rất nhiều thế hệ các nhà thơ nhà văn, nhạc sĩ Việt Nam. Và khi những tác phẩm đó đạt đến giá trị nghệ thuật đích thực, thì những “cột mốc” ấy sẽ còn bền vững đến muôn đời. Vì tình yêu quê hương đất nước đã hình thành trong mỗi con người “Những con mắt biển - những con mắt luôn dõi về biển Đông, dõi về Hoàng Sa, Trường Sa. Những con mắt đang ánh ngời ánh sáng tình yêu biển đảo Việt Nam. Chắc rằng, những giọng điệu mỗi người có khác nhau, âm vực khác nhau, nhưng điều quý là đều chung một tiếng lòng, tiếng lòng cất lên từ tâm hồn Việt khát vọng hòa bình” [5]. Và khẳng định chắc nịch “Những con mắt biển” nhìn về một hướng: Biển Việt Nam!“Những con mắt biển” - những con mắt khát vọng hòa bình! [5].

Tinh thần tự tôn dân tộc đã có sẵn trong dòng máu người Việt Nam, không phải bây giờ mà khởi thủy từ xa xưa. Lòng yêu nước được truyền lưu từ thế hệ này sang thế hệ khác như một dòng chảy mạnh mẽ không bao giờ ngơi. Vì vậy, chín mươi triệu con tim tiếp thêm sức mạnh cho các anh vững vàng nơi biển đảo xa xôi:

Anh lên đường ra giữ biển bình yên
Giữ non sông và giữ lấy chủ quyền
(Tự hào Hải quân nhân dân Việt Nam, Đoàn Ngọc) [3, 187]

Biển, đảo trong thơ luôn hiện lên với những hình ảnh gắn liền chủ quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Có thể nói, bất cứ lúc nào và với bất kỳ ai, biển đảo luôn là tiếng gọi thiêng liêng của non sông Việt Nam. Mỗi khi biển đảo dậy sóng bởi quân xâm lược dù chúng đến từ đâu cũng đều làm cho lòng ta nhói đau, hun đúc thêm sức mạnh đoàn kết quyết giữ cho bằng được chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Bác Hồ đã từng căn dặn: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng, ngày nay ta có ngày, có trời, có biển, vì thế cần phải xây dựng một nền quốc phòng toàn dân, toàn diện.” [6]. Và Người luôn nhắc nhở: “Bờ biển nước ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó…” [6]. Mỗi người thể hiện tình yêu nước, yêu biển - đảo khác nhau nhưng với tất cả đều thể hiện tình cảm mãnh liệt ấy bằng nhiệt huyết của trái tim và lòng nhân ái.

*

Thơ viết về biển đảo là tiếng thơ ca ngợi những người lính luôn luôn bám biển canh giữ vùng trời, vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc, đồng thời là bài ca khát vọng tình yêu vĩnh cửu của con người. Biển còn là tiếng thơ khẳng định chủ quyền lãnh thổ của một dân tộc đã gắn bó với biển và kết tinh vẻ đẹp tinh thần giữ nước của nhân dân. Biển cả cũng là nơi đầu sóng ngọn gió luôn phải đối mặt với hiểm nguy, mất mát, hi sinh; nơi khao khát những con tàu cập bến; nơi vỗ nhịp yêu thương giữa ngàn trùng giông bão…Tất cả đã làm nên một biển đảo sừng sững, hiên ngang mà chan chứa tình yêu vĩnh cửu - tình yêu Tổ quốc. Hơn nữa, thơ viết về biển đảo là những hình tượng, những biểu tượng đẹp, cao quý, luôn khơi dậy trong lòng người những tình cảm và lòng tự hào mãnh liệt. Tất cả đã kết tinh thành những giá trị lịch sử và văn hóa bền vững, cao đẹp.

Lê Xuân Minh Thao

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Gia Dũng (2015), Biển gọi - Một ngàn năm thơ biển Việt Nam, Nxb Văn học, Hà Nội.
[2]. Nhiều tác giả (2013), Biển đảo Tổ quốc tôi (Hợp tuyển thơ văn viết về biển đảo Việt Nam), Nxb Văn học, Hà Nội.
[3]. Nhiều tác giả (2016), Hướng về biển đảo quê hương, Nxb Hà Nội, Hà Nội.
[4]. Trần Đăng Khoa (2014), Trường Sa, Nxb Văn học, Hà Nội.
[5]. Phan Trang Hy (2015), “Những con mắt khát vọng hòa bình”, nguồn: nhavantphcm.com.vn, cập nhật ngày 05/11/2015.
[6]. Phương Nam (2014), “Chủ tịch Hồ Chí Minh: Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó…”, Nguồn: www.baomoi.com, cập nhật ngày: 21/05/2014.
[7]. Kim Ngân (2014), “Thắp sáng biển Đông”, Nguồn: m.nld.com.vn, cập nhật ngày 14/03/2014.
[8]. Nguyên Pháp, Phùng Hiệu (2015), “Nhà thơ Giang Nam - Một đời nặng nợ với thơ ca”, Nguồn: congluan.vn, cập nhật ngày: 14/10/2015.
[9]. Trần Khánh Thành (2011), Huy Cận toàn tập, Nxb Văn học, Hà Nội.
[10]. Trần Mạnh Tiến (2016), “Cảm thức về sự hy sinh”, Nguồn: vanvn.net, cập nhật ngày 16/07/2016.

Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 280
  • Khách viếng thăm: 278
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 12155
  • Tháng hiện tại: 886282
  • Tổng lượt truy cập: 65824634