Những ngày Tháng Tám năm 1945 trên vùng kinh Chợ Gạo

Đăng lúc: Thứ hai - 19/08/2013 09:46
Ngày 17-8-1945, Tỉnh ủy Mỹ Tho triệu tập cuộc hội nghị bàn việc khởi nghĩa giành chính quyền và phát động khởi nghĩa. Đồng chí Trần Văn Ưng, Phó Bí thư Quận ủy Chợ Gạo được Tỉnh ủy phân công tổ chức khởi nghĩa ở Chợ Gạo. Ngay sau đó Quận ủy Chợ Gạo phát lệnh khởi nghĩa đến tận cơ sở các xã trong quận, với chủ trương: Đơn vị nào tổ chức tốt thì tổ chức giành chính quyền trước, sau đó hỗ trợ các xã xung quanh cùng giành chính quyền về tay nhân dân.
Kinh Chợ Gạo hôm nay

Kinh Chợ Gạo hôm nay

Đơn vị phát pháo đầu

Tờ mờ sáng ngày 19-8-1945, đồng chí Trần Văn Ưng về thông báo và chỉ đạo cho Chi bộ xã An Thạnh Thủy - một cơ sở xã khá mạnh: “Nhựt Bổn đã đầu hàng. Giành chính quyền. Giải tán tề làng”. Chỉ đạo xong, đồng chí đi qua xã Bình Ninh.

Đồng chí Công Trung, Bí thư Chi bộ xã An Thạnh Thủy tổ chức ngay cuộc họp chi bộ để khẩn trương triển khai kế hoạch khởi nghĩa. 8 giờ sáng, toàn bộ lực lượng Thanh niên tiền phong với đầy đủ băng, cờ, trống chầu, mõ tre, gậy tầm vông, giáo, mác và 4 người thay phiên nhau kiệu trên vai bàn thờ Tổ quốc cùng gần 1.000 nông dân chí cốt cách mạng chia làm 2 cánh, một cánh xuống ngay nhà Cai tổng Vụ thông báo: Việt Minh đã nổi dậy giành chính quyền, yêu cầu Cai tổng Vụ ra giao nộp súng và xin lỗi bà con. Cai tổng Vụ không phải là kẻ ác ôn có nợ máu nên mau chóng giao nộp súng và xin lỗi bà con.

Cánh thứ hai xuống chợ Thạnh Nhựt, giáp sát xã An Thạnh Thủy, bao vây nhà việc xã Thạnh Nhựt. Chủ Trà cho tề làng ra ngăn chặn với lý do: Lực lượng cách mạng ở Chợ Gạo, không cho xuống Hòa Đồng. Anh em khẩn trương tập hợp các võ sĩ, các đội viên Thanh niên tiền phong khỏe mạnh chuẩn bị khi cần thiết thì ra lệnh xung phong áp đảo, bắt trói những ai ngoan cố và tuyên bố: Việt Minh giành chính quyền toàn quốc, bất kể ở đâu.

Tiếng trống, mõ thúc giục càng rầm rộ khí thế, cả ngàn người ào ạt tràn tới. Chủ Trà xuống thế, kêu làng ra giao nộp 3 súng và chạy về nhà lấy giao tiếp 1 súng săn 2 nòng. Chưa đến 10 giờ, chính quyền 2 xã An Thạnh Thủy và Thạnh Nhựt đã về tay nhân dân.

Phát huy thắng lợi, 2 cánh của xã An Thạnh Thủy tập trung lại, kéo ra ngã ba Thạnh Nhựt. Ở đây đã tập hợp được gần 1.000 quần chúng đánh trống, mõ, giương băng, cờ kéo xuống giành chính quyền ở xã Bình Nhì (Gò Công), thu thêm 2 súng.

Bắt sống quận trưởng, chiếm dinh quận

Tháng 8-1945, mặc dù xã Hòa Định chưa có đảng viên trực tiếp lãnh đạo, nhưng lực lượng Thanh niên tiền phong hoạt động khá nhịp nhàng dưới sự chỉ huy của Thủ lĩnh Quãng Lung và Ban lãnh đạo Thanh niên tiền phong của xã gồm các ông Hương trưởng Lộc, Ba Lượng, Ba Hèo.

Sau khi xã An Thạnh Thủy giành chính quyền, xã Bình Ninh chiếm dinh Đốc phủ Vịnh. Đêm 20 rạng ngày 21-8-1945, 2 xã An Thạnh Thủy và Bình Ninh đã hỗ trợ cho nhân dân xã Hòa Định đồng loạt nổi dậy, đánh trống, mõ, hô loa ủng hộ Việt Minh, phát động nổi dậy giành chính quyền. Khí thế nổi dậy áp đảo cả dinh quận.

Quận trưởng Nguyễn Công Thiện nằm im. Số tề làng có xu hướng theo địch như: Cả Giỏi, Sư Ngọc, Quãng Dô, Giáo Xuyến, Chủ Xiếu… thì lánh né, chạy trốn. Số khác như: Chánh bộ Thể, Hồ Văn Lộc, Hào Lộc (Hào Tư) thì móc nối với Thanh niên tiền phong.

Sáng ngày 22-8-1945, lực lượng Thanh niên tiền phong và quần chúng nòng cốt với hơn 180 người, trong đó có khoảng 80 người là quần chúng ở xã Bình Ninh, do ông Mười Mót lãnh đạo, đã hỗ trợ xã Hòa Định chiếm công sở xã Hòa Định. Tề làng Hòa Định đã chạy trốn hết. Đoàn quân nổi dậy tiến thẳng xuống đồn lính gạc do Bếp Quít chỉ huy. Bếp Quít nộp bản đồ bố trí dinh quận cho Hương trưởng Lộc.

Nắm được bản đồ trong tay, chỉ huy Thanh niên tiền phong bố trí những người có võ nghệ như: Ông Hai Môn, Hai Thạnh, Hai Hộ Hí, Bảy Nho xung phong vào phòng bắt sống quận trưởng Thiện; còn Năm Ngô, Sáu Văn, Ba Hèo vào chiếm kho súng.

Toàn bộ dinh quận không có một phản ứng chống đối nào, giao nộp 24 súng, trong đó có 8 súng 2 nòng và giao nộp con dấu. Lực lượng Thanh niên tiền phong bắt trói quận Thiện, tuyên bố chính quyền đã về tay nhân dân, yêu cầu anh em binh sĩ về nhà làm ăn, không tiếp tục tiếp tay cho kẻ thù.

Suốt đêm tham gia giành chính quyền

Chi bộ xã Quơn Long có 7 đảng viên. Ngày 22-8-1945, chi bộ họp bàn bố trí cán bộ nòng cốt lãnh đạo quần chúng nổi dậy khởi nghĩa theo một kế hoạch khá cụ thể.

8 giờ tối 22-8, xã đã tập hợp hơn 300 người từ các ấp, trang bị dao, kiếm, gậy gộc, dây trói, đốt đuốc, đánh trống, mõ kéo đến bao vây nhà việc xã. Tề làng cũng đã chạy trốn sạch. Đoàn quân khởi nghĩa theo kế hoạch kéo thẳng lên chợ Ông Văn lúc 11 giờ đêm, bao vây áp đảo nhà việc xã Đăng Hưng Phước, vây đồn, kêu gọi lính đồn đầu hàng, giao nộp 5 súng lửa loại 1 nòng, 2 nòng. Các cán bộ lãnh đạo khởi nghĩa giáo dục lính rồi thả.

Thắng lợi ở chợ Ông Văn, đoàn người tiếp tục diễu hành trên lộ Bốn Ngàn ra tỉnh lộ 24, kéo xuống dinh quận (theo “kế hoạch” chiếm dinh quận), đến nơi vào lúc 4 giờ sáng ngày 23-8. Dinh quận đã bị lực lượng Thanh niên tiền phong xã Hòa Định chiếm từ sáng ngày 22-8.

Được sự chỉ đạo của cấp trên, lực lượng xã Quơn Long chia ra nhiều cánh quay về xã để biểu dương lực lượng, trong số đó có bộ phận quay về theo hướng xuống ngã tư Giáp Hạt, theo lộ về Bình Phục Nhứt. Đến đình Bình Phục Nhứt thì đón chặn tàu khách chạy trên kinh Chợ Gạo, yêu cầu chở về chợ Thầy Ký (xã Quơn Long). Người ngồi chật dưới tàu, số cán bộ cốt cán, thanh niên tràn lên mui tàu giơ cao vũ khí chiến lợi phẩm, đánh trống, mõ hò reo hoan hô cách mạng thắng lợi.

Nguyễn Hữu Chí
(Theo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 141
  • Khách viếng thăm: 138
  • Máy chủ tìm kiếm: 3
  • Hôm nay: 31931
  • Tháng hiện tại: 450863
  • Tổng lượt truy cập: 65389215