Âm vang biển đảo qua cách nhìn Trịnh Công Lộc

Đăng lúc: Thứ ba - 06/08/2013 09:26
Bảy năm trôi qua, sự kiện Hoàng Sa - Trường Sa là thời sự nóng. Nóng trên thế giới, nóng trong khu vực, và dĩ nhiên nóng hơn cả - ở quốc nội. Nhất là từ năm 2011. Nóng từ báo in cho đến các trang mạng. Nóng từ chính trị xã hội cho đến văn học nghệ thuật. Trong dòng thời sự này, thơ ca là thể loại ngắn, nhanh nhạy nhất của văn học, đã có mặt kịp thời để “phản ánh” hiện thực ấy. Ở đó có chuyến đi thực tế dành cho nhà văn nhà thơ hướng ra biển đảo, có cuộc thi hay phong trào sáng tác thơ về biển đảo, và cái không thể thiếu là: có các trang thơ về biển đảo.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ở đề tài này, lạ - gây chú ý dư luận không ít lại là nhà thơ [tuổi] đã hưu trí nhưng [tuổi nghề] vần còn rất trẻ.

Làm thơ từ lâu, quá tuổi lục thập, Trịnh Công Lộc mới trình làng tập thơ đầy tay: Cánh buồm nâu, 2011. Một tập thơ đĩnh đạc. Nhưng chỉ khi bài thơ Mộ gió đoạt giải thưởng sáng tác về đề tài biển đảo quê hương năm 2012, tên tuổi anh mới gây sự chú ý đáng kể của dư luận.

Mới nhất, khi Mộ gió được đặt làm nền cho hai chùm thơ trên báo Văn nghệ TP Hồ Chí Minh trong hai tháng liên tiếp (số 258 ngày 12-6-2013 & số 263 ngày 17-7-2013), ở đó biển đảo quê hương làm nên niềm hứng chủ đạo, âm hưởng của sử thi trong thơ Trịnh Công Lộc mới bộc lộ rõ nét nhất.

Đâu phải bây giờ mới từ biển mà đi
đất nước mấy ngàn, mấy ngàn năm bão tố
biển của ta, lại nhiều hơn sóng dữ
đừng nghĩ ai, bé nhỏ trước muôn trùng…
                                    (Từ biển mà đi)

Sau Trường ca biển của Hữu Thỉnh, Từ biển mà đi của Trịnh Công Lộc đang tiếp bước. Hay trước nữa, Tô Thùy Yên - một kỳ nhân của nền thơ Việt - với Trường Sa hành truyền thống mà rất hiện đại.

Trường Sa! Trường Sa! Đảo chếnh choáng!
Thăm thẳm sầu vây trắng bốn bề.
Lính thú mươi người lạ sóng nước,
Đêm nằm còn tưởng đảo trôi đi.

Nhớ, Trường Sa hành ra mắt công chúng vào tháng 8-1974, đến nay đã qua 40 năm của thời gian với bao biến thiên cuộc thế, đảo lộn cuộc người.

Thời gian kết đá mốc u tịch
Ta lấy làm bia tưởng niệm Người.

Còn Trịnh Công Lộc: Mỗi đảo nhỏ đã hóa thành ngọn nến/ Thắp linh thiêng rừng rực sao trời (Từ biển mà đi) hay: Mỗi đảo nhỏ thành trái tim của biển/ Những trái tim/ Nhịp đập trùng khơi (Lời của sóng)

40 năm trong lịch sử đất nước, dù không là gì cả giữa dằng dặc lịch sử nhân loại, nhưng cũng đủ đánh dấu mốc quan trọng. Dấu mốc về chuyển hướng tình cảm và trách nhiệm ngày càng sâu, nặng hơn với biển đảo quê hương. Bia tưởng niệm, và Mộ gió là một cách. Mộ gió là “một tượng trưng theo nghi lễ chiêu hồn những chiến binh thời Nguyễn đi bảo về chủ quyền biển, đảo, không trở về”.

Mộ gió đây, đất thành xương cốt
Cứ gọi lên là rõ hình hài
Mộ gió đây cát vun thành da thịt
Mịn màng đi dìu dặt bên trời…
                                         
(Mộ gió)

Nhà thơ Trịnh Công Lộc

Mộ gió, mộ tượng trưng được gọi một cách tượng trưng, hư mà thực hơn cả thực. Bởi nó gợi sự tưởng tượng và liên tưởng. Người chiến sĩ nằm xuống - một hàng tên tuổi mờ không có, na7m sinh và ngày mất cũng không có. Nó vô danh giữa biển trời mà lay động nơi thẳm sâu lòng người. Nó không là của riêng ai mà là của tất cả mọi người Việt đang sống trên đất nước Việt Nam và cư lưu khắp thế giới. Ở đâu đâu, ta cũng có thể hình dung ra mộ gió, để “tưởng niệm”. Một lần trong đời được đặt chân lên Trường Sa - Hoàng Sa là may mắn lớn, nhưng nếu không thể, ở tận xó xỉnh nào của trái đất, “cứ gọi lên là rõ hình hài”. Hình hài của ngàn ngàn đứa con quê hương ngã xuống trên đảo, trong biển đảo, vì biển đảo, để làm nên hình hài của mộ gió.

May mắn hơn nhiều thi sĩ chúng ta, Trịnh Công Lộc - bởi nghề nghiệp của anh - được đi nhiều, trải nghiệm nhiều và biết nhiều. Không bị buộc ràng bởi “định hướng” nào bất kỳ, cũng không nhập vào các chuyến đi mang tính phong trào (dù phong trào không phải không cần thiết), mà với anh - đó là các cuộc đi thực tế. Nếu hình tượng và hạn từ “mộ gió” được anh vay mượn để phác họa nên hình ảnh của vùng trời biển đảo, thì miền đất biển đảo được ngòi bút anh khắc họa rất sinh động, chỉ qua ba câu thơ:

Gió vắt vai, sóng quanh chân đảo
Như người đi gieo hạt trùng khơi
Chi chít mọc, đảo thành rừng của biển
                                      
(Đại dương - rừng đảo)

Anh chiêm nghiệm biển đảo - có khi một mình, bằng cảm xúc rất thực. Tự do vẫy vùng giữa cảm xúc bề bộn của mình, sau những chắt lọc, anh khám phá biển đảo với nhữn hình ảnh quen mà lạ:

Khi lỡ bước tay bám vào sườn đá
Như bám vào vai sóng mà lên.
                                               
(Đảo vắng)

Tôi cho đó là thành công của Trịnh Công Lộc qua hai chùm thơ vừa thời sự vừa có tính “vĩnh cửu” này. Xâu chuỗi 11 bài thơ, ta có cảm giác như dõi theo bước chân nhà thơ qua từng hòn đảo với cảm xúc riêng. Riêng, nhưng vẫn mang tâm cảm chung của tất cả mọi người.

Sài Gòn, 22-7-2013

Inrasara
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 88
  • Khách viếng thăm: 78
  • Máy chủ tìm kiếm: 10
  • Hôm nay: 16095
  • Tháng hiện tại: 297209
  • Tổng lượt truy cập: 67271700