Hưởng ứng và đáp lại tấm lòng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một hội nghị trù bị đã khai mạc tại xã Phú Minh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên và nhất trí lấy ngày 27-7 hàng năm là Ngày Thương binh - Liệt sĩ và tổ chức ngay lần đầu trong năm 1947.
Bác dâng hương, đặt vòng hoa trước Tượng đài liệt sĩ tại Thủ Đô Hà Nội ngày 31-12-1954. |
Sinh thời, Bác Hồ luôn dành cho thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ những tình cảm đặc biệt và tấm lòng thương yêu vô hạn. Là Chủ tịch nước, mặc dù bận rất nhiều công việc nhưng hàng năm cứ đến ngày 27-7, Bác đều gửi thư cho các đồng chí thương binh và gia đình liệt sĩ. Những bức thư của Người giản dị, chân thành. Đó là những lời động viên, an ủi, kêu gọi rất mộc mạc, nhưng cụ thể và thiết thực. Đọc những bức thư đó, ai cũng cảm nhận được tình cảm của Bác dành cho họ.
Tháng 1-1947, khi biết con trai của Bác sĩ Vũ Đình Tụng hy sinh, Bác Hồ đã gửi thư chia buồn: “Tôi được báo cáo rằng: Con trai của ngài đã oanh liệt hy sinh cho Tổ quốc. Ngài biết rằng tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là đại gia đình của tôi, tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu tôi. Mất một thanh niên thì hình như tôi mất một đoạn ruột…". Bức thư ngắn mà tình cảm thật dạt dào, sâu sắc vô tận. Không riêng gì gia đình Bác sĩ Vũ Đình Tụng, mà bất kỳ ai là thân nhân của liệt sĩ cũng cảm thấy nỗi đau vơi đi nhiều !
Bác kêu gọi đồng bào cả nước hãy thể hiện tình cảm thương yêu, trách nhiệm và bổn phận của mình bằng những việc làm thiết thực nhất: “Trong lúc chống nạn đói kém, đồng bào ta đã từng mỗi tuần nhịn ăn một bữa để giúp các đồng bào bị đói. Bây giờ chống nạn ngoại xâm, tôi chắc đồng bào ta sẽ vui lòng vài ba tháng nhịn ăn một bữa để giúp đỡ chiến sĩ bị thương”. Chính Người đã tiên phong gương mẫu thực hiện lời kêu gọi đó: “Tôi xin xung phong gửi 1 chiếc áo lót lụa của chị em phụ nữ đã biếu tôi, 1 tháng lương của tôi, 1 bữa ăn của tôi và của các nhân viên tại Phủ Chủ tịch, cộng là một ngàn một trăm hai mươi bảy đồng”.
Ngày 27-7-1948, trong một lá thư dài đầy tình thương yêu, Bác viết: “Nạn ngoại xâm như trận lụt to đe dọa tràn ngập cả non sông Tổ quốc, đe dọa cuốn trôi cả tính mệnh, tài sản, chìm đắm cả bố mẹ, vợ con, dân ta. Trong cơn nguy hiểm ấy, số đông thanh niên yêu quý của nước ta quyết đem xương máu của họ đắp thành một bức tường đồng, một con đê vững để ngăn cản nạn ngoại xâm tràn ngập Tổ quốc, làm hại đồng bào”.
Người xót xa viết: “Họ quyết liều chết chống địch, để cho Tổ quốc và đồng bào sống. Ngày nay, bố mẹ họ mất một người con yêu quý. Vợ trẻ trở nên bà góa. Con dại trở nên mồ côi. Trên bàn thờ gia đình thêm một linh bài tử sĩ. Tay chân tàn phế của thương binh sẽ không mọc lại được. Và những tử sĩ sẽ không thể tái sinh”.
Bác Hồ thăm hỏi chiến sĩ thi đua Phạm Trung Pôn bị mù hai mắt nhưng đã có sáng kiến cải tiến nông cụ. |
Câu chuyện về chiếc điều hòa nhiệt độ trong phòng Bác là một trong nhiều câu chuyện thể hiện tấm lòng nhân ái bao la của Bác. Khi các đồng chí phục vụ lắp chiếc điều hoà nhiệt độ vào phòng của Bác, Bác không dùng, mà nói với đồng chí Vũ Kỳ: "Chiếc máy điều hoà nhiệt độ tốt đấy, các chú có thể đem đến cho quân y viện hoặc trại điều dưỡng thương binh. Hôm trước Bác đến thăm thấy các chú ấy ở nóng lắm. Còn Bác thì chưa cần, Bác ở thế này là được rồi".
Những món quà của Bác giản dị nhưng vô cùng quý giá vì đó chính là sự quan tâm chăm sóc, là tình cảm của Người dành cho thương bệnh binh. Những món quà đó là nguồn cổ vũ, động viên tinh thần to lớn đối với thương bệnh binh, làm ấm lòng những người chiến sĩ.
Ngày 27-7-1953, Bác lại chuyển đến anh em thương bệnh binh một tháng lương của Bác cùng với 50 chiếc khăn tay do phụ nữ Thái biếu Bác. Đặc biệt, khi Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi, một trong những việc làm đầu tiên của Bác là đến thăm một số thương binh nặng và gửi thư thăm hỏi anh em thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và cảm ơn đồng bào đã đón thương bệnh binh về làng.
Bác viết: "Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong…), Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn; đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Ăn quả phải nhớ người trồng cây. Trong cuộc tưng bừng vui vẻ hôm nay, chúng ta phải nhớ đến những anh hùng, liệt sĩ của Đảng ta, của dân ta”.
Chiến tranh đã qua đi, đất nước hòa bình, nhưng những đau thương mất mát mà chiến tranh để lại thì không gì bù đắp được. Chúng ta tưởng nhớ những người đã khuất, bị thương trong cuộc chiến bằng tất cả lòng biết ơn, sự kính trọng. Đảng và Nhà nước ta đã có những chính sách ưu tiên đối với thương bệnh binh và gia đình liệt sĩ như: Tặng quà cho các gia đình có công với cách mạng, gia đình chính sách, xây nhà tình nghĩa, lập Quỹ đền ơn đáp nghĩa, phụng dưỡng các mẹ Việt Nam Anh hùng, ủng hộ và giúp đỡ các nạn nhân nhiễm chất độc màu da cam, giúp đỡ thương bệnh binh và gia đình liệt sĩ…
“Uống nước nhớ nguồn” là một truyền thống tốt đẹp có từ ngàn đời của dân tộc ta, những hành động nghĩa tình trên góp phần làm xoa dịu nỗi đau và luôn nhắc nhở thế hệ trẻ phải luôn ghi nhớ công ơn to lớn của các thương binh - liệt sĩ.
HỒNG LÊ
(Tổng hợp từ các nguồn tư liệu)
Theo Ấp Bắc
Ý kiến bạn đọc