Phương ngữ ở Tiền Giang

Đăng lúc: Thứ năm - 01/06/2017 10:08
Phương ngữ là tục ngữ địa phương. Đây chính là những câu nói dân gian tuy ngắn gọn nhưng mang tính trải nghiệm, đúc kết kinh nghiệm của người xưa nên có thể xem là “trí tuệ dân gian”. Dưới đây là một vài câu phương ngữ phổ biến ở vùng đất Tiền Giang:
Nguồn: Internet

Nguồn: Internet

Khuyên người ta nên mềm dẻo linh hoạt trong cuộc sống có câu: Lạt mềm buộc chặt, già néo đứt dây.

 

Khuyên người ta không nên vội vàng nông nổi trong phán đoán có câu: Cạn sòng mới biết lóc trê, Bảy mươi chưa gọi là lành. Trong mối quan hệ giữa một người với bên nội và bên ngoại, bên ngoại thường là nơi bao dung che chở những lúc túng cùng: Tấn về nội, thối về ngoại.

 

Kinh nghiệm trong việc đi xa lập nghiệp: Làm thầy xứ xa, làm ma xứ mình. Nhưng cũng có nhiều trường hợp con người nhờ cậy quê cha đất tổ để tạo thanh thế: Rừng nào cọp nấy. Do cuộc sống tạm bợ thuở đi khai hoang và do tình hình chiến tranh nên nhà cửa thường phải cất tạm bợ: Khôn cất trại, dại cất nhà.

 

Tổng kết kinh nghiệm trong sản xuất (nông nghiệp) và trong sinh hoạt có những câu: Mười bảy nước nhảy khỏi bờ (ngày 17 âm lịch nước rong); Mưa tránh trắng, nắng tránh đen (kinh nghiệm đi đường ban đêm); Lạc đường nắm đuôi chó, lạc ngõ nắm đuôi trâu; Mít chặt cành, chanh chặt rễ (cách kích thích cây ra quả).

 

Ăn uống là vấn đề quan trọng thiết thân của người Việt Nam nói chung và ở Tiền Giang nói riêng. Chính vì thế mà có rất nhiều câu tục ngữ/ phương ngôn phản ảnh quan niệm sống này, chẳng hạn: Trời đánh còn tránh bữa ăn; Có thực mới vực được đạo; Dân dĩ thực vi tiên; Ăn được ngủ được là tiên. Để có miếng ăn, con người cần phải lao động cật lực: Có làm thì mới có ăn / Không dưng ai dễ mang phần đến cho. Ngoài ra, con người cần phải biết ơn người đi trước và bảo vệ nguồn sống của mình: Ăn cây nào rào cây nấy;  Ăn quả nhớ kẻ trồng cây. Tuy nhiên, không phải vì miếng ăn mà bất chấp, ngược lại con người phải biết yêu thương, thơm thảo, nhường nhịn nhau trong bữa ăn: Tham thực cực thân; Ăn trông nồi, ngồi trông hướng.

 

Đặc biệt, do ảnh hưởng của lối sống lưu dân và tâm lí của người đi khai hoang nên cư dân Tiền Giang rất hiếu khách mà biểu hiện rõ ràng nhất là thái độ tôn trọng khách trong khi mời cơm hay đãi tiệc: Tiên khách hậu chủ; Khách tới nhà không gà thì vịt. Tóm lại, ăn uống không chỉ đơn thuần là để nuôi sống cơ thể, mà thực sự là cả một câu chuyện về văn hoá. Bởi vậy mà ông bà xưa đã dạy con cháu trước hết là phải học ăn:  Ăn có nhai, nói có nghĩ; Ăn ít no dai, ăn nhiều tức bụng; Học ăn, học nói, học gói, học mở.

 

Ở Tiền Giang, vùng đất có nhiều sản vật, nên tục ngữ có liên quan đến ăn uống có khá nhiều. Có những đặc sản địa phương nổi tiếng được ghi nhận bằng tục ngữ, chẳng hạn:  Ốc gạo cồn Tre (1), hai người đè, một người lể; Bánh giá chợ Giồng (2), mắm còng Phú Thạnh (3).

 

Đặc biệt, các món mắm vô cùng phổ biến đối với tầng lớp bình dân và được xem như món “ăn chắc mặc bền”: Ăn cơm mắm, thấm về lâu. Mắm thường rất mặn nên người ăn phải biết độ lượng gắp vừa phải, bởi nếu ăn nhiều thì sau đó sẽ rất khát nước, thế là họ rút ra bài học sống:  Liệu cơm gắp mắm. Và từ bài học trong việc ăn uống, nó trở thành bài học quý báu trong cuộc sống thường ngày.

 

Ngoài ra, tục ngữ về ẩm thực ở Tiền Giang còn ghi nhận nạn trọng nam khinh nữ, chẳng hạn: Con gái ăn cơm nguội, ở nhà ngoài. Nhiều địa danh ở Tiền Giang đã đi vào tục ngữ như: Văn Cai Lậy, võ Ba Giồng(4); Một là sang ngang Bao Ngược, hai là vượt sông Vàm Tuần (5); Làm làng Trà Tân, làm dân Mỹ  Đông Thượng (6).

 

Đặc biệt, ở Tiền Giang còn lưu truyền một số phương ngôn mang tính chất tổng kết ngắn gọn về các nhân vật nổi bật ở một địa phương. Chẳng hạn:  Giàu như ông Cai Lữ, mưu sự như ông Thuộc Nhiêu (7); Giàu ai bằng ông Yến, tiếng ai bằng tiếng bà Văn (8); Nhất Tuất, nhì Vinh, tam Viên, tứ Trảo (9); Nhất Vĩ, nhì Vang, tam Vằn, tứ Liễu (10). Hoặc tôn vinh nghề thủ công: Nhất tủ thờ Gò Công, nhì xa lông (salon) Sông Bé (11). Hay đặc sản ẩm thực: Bánh giá Chợ Giồng, bánh còng Chợ Dinh (12).
Phương ngữ Tiền Giang khá phong phú và đa dạng, góp phần quan trọng vào kho tàng tục ngữ Việt Nam.

 

S.L

 

 

 

(1) Cồn Tre nằm giữa sông Tiền, thuộc xã Tân Phong, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.

 

(2) Chợ Giồng thuộc thị trấn Vĩnh Bình, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang.

 

(3) Xã Phú Thạnh, huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang.

 

(4) Cai Lậy có nhiều người nổi tiếng trên lĩnh vực văn chương. Võ Ba Giồng là một trường phái võ thuật nổi tiếng từ nửa sau thế kỷ XVIII. Trong quyển tiểu thuyết “Đỗ nương báo oán”, tại chương 11. Ba Giồng anh kiệt, nhà văn Hồ Biểu Chánh viết: “Nhơn dân Ba Giồng bình thường thì già trẻ đều cặm cụi làm ruộng làm rẫy, song họ âm thầm un đúc một hào khí mạnh mẽ vô cùng... Người học văn vừa đủ dùng, nhưng võ-nghệ thì có danh lắm”. Ba Giồng là hệ thống giồng cát chạy dài từ Khánh Hậu (nay thuộc TP Tân An, tỉnh Long An) qua Châu Thành, Cai Lậy đến Cái Thia (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang).

 

(5) Vàm Bao Ngược thuộc huyện Gò Công Đông, là nơi hội tụ nhiều dòng nước. Do đó, tại đây có nhiều xoáy nước nguy hiểm, tàu thuyền khi giao thông ngang qua đây gặp rất nhiều khó khăn. Sông Vàm Tuần là đoạn sông từ Lý Nhơn (huyện Cần Giờ, TP.HCM) sang sông Vàm Cỏ, thường có sóng to, ghe thuyền thường hay bị chìm.

 

(6) Làm làng Trà Tân ý nói việc hương chức làng này nổi tiếng với sự kiện đấu tranh trong vụ hợp nhất hai thôn Trà Tân và An Thủy Đông ngày 4-10-1872, kết quả đến ba năm sau, ngày 20-1-1875, chính quyền Pháp buộc phải tách ra hai làng như cũ. Cuộc đấu tranh tách nhập làng dai dẳng đến năm Nhâm Ngọ (1882), người Pháp lại chia làng Trà Tân thành làm hai: Trà Tân và Tân Thới. Rốt cuộc làng Trà Tân cũng bị xóa sổ vào năm 1925, bằng cách nhập Trà Tân và Tân Thới thành làng Hưng Long; và bảy năm sau thì có quyết định nhập làng Hưng Long và làng Mỹ Đông Trung thành xã Long Trung (nay là xã Long Trung, huyện Cai Lậy).

 

Làm dân Mỹ Đông Thượng ý nói dân làng Mỹ Đông Thượng (nay là xã Long Tiên, huyện Cai Lậy) nổi tiếng không chỉ vì “cứng đầu cứng cổ” dưới mắt các quan cai trị thời xưa mà còn có những người học thức,  nhiều nhân vật nổi tiếng, như Nguyễn Minh Triết (còn gọi là Cả Trận, bút hiệu Du Giang Tả).

 

[Theo Nguyễn Ngọc Phan (2010), Du giang ký, Tạp chí Văn nghệ Tiền Giang, số 43-2010]

 

(7) Hai ông Tiền Hiền hai làng đã kết tình sui gia nhưng đến những thế hệ sau thì không được êm thuận. Hai làng liền giành nhau. Ông Thuộc Nhiêu mua đất của làng Bình Thuyên đem nhập vào làng Tân Đức. Do vậy, diện tích làng này bị thu hẹp dần. Ông Cai Lữ bèn nghĩ cách dỡ đình và chùa đem xây cất ở đầu làng. Ông lại cho đào một con kinh đổ ra rạch Gầm gọi là rạch Cùng. Ông nghĩ, không lẽ ông Thuộc Nhiêu dám vượt kinh rạch, mua vả đình và chùa của làng lân cận để nhập vào làng mình, không ngờ ông Thuộc Nhiêu lại tính cao hơn, cho lập một cái chợ dựa vào con rạch Cùng của ông Cai Lữ đào để chuyển hàng vào chợ. Chợ Thuộc Nhiêu nhờ rạch Cùng mà chuyển hàng hóa vào thuận lợi.

 

[Theo Trương Ngọc Tường (2000), “Một số địa danh ở Tiền Giang”, Tạp chí Văn hoá nghệ thuật, số 197].

 

(8) Các nhân vật hồi đầu thế kỉ XX ở làng Mỹ Đông Trung và Cẩm Sơn, huyện Cai Lậy.

 

[Theo Trần Hoàng Diệu - Nguyễn Anh Tuấn chủ biên (2005), Địa chí Tiền Giang, tập 1, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tiền Giang - Trung tâm Unesco Thông tin Tư liệu Lịch sử Văn hoá Việt Nam, tr.815].

 

(9) Khoảng thập niên 20 của thế kỷ này tại Cai Lậy có câu: “Nhất Tuất, nhì Vinh, tam Viên, tứ Trảo”. Đó là bốn nhà nho giỏi có tiếng tăm tại địa phương. Trong đó, tam Viên tức là Chánh bái Nguyễn Văn Viên ở làng Hòa Thuận. Chánh bái là chức vụ được xếp thứ ba trong ban tế tự đình. Ông Bái Viên là người thuộc dòng dõi có cố cựu, có thế lực; tứ Trảo tức là ông Nguyễn Văn Trảo, người làng Cẩm Sơn. Ông Trảo là người vùng ngoài bị đàn áp sau phong trào Văn Thân phải tỵ nạn đến đây cưới vợ lập nghiệp. Ông Trảo được xếp hàng thứ tư. Cả hai ông đều mở trường dạy chữ Hán truyền đạo lý thánh hiền. Số học trò đến thọ giáo rất đông.

 

[Theo Huyện ủy - Ủy ban nhân dân huyện Cai Lậy (2010), Địa chí Cai Lậy, Sở Thông tin - truyền Thông Tiền Giang xuất bản]

(10) Các nhân vật đầu thế kỉ XX tại làng Tân Hiệp (Tám Vĩ, Cò Vang - thân phụ nhà văn Đoàn Giỏi, Thôn Vằn, Sư Liễu), nay là thị trấn Tân Hiệp, huyện Châu Thành.

 

(11) Gò Công có nghề truyền thống nổi tiếng là đóng tủ thờ, tỉnh Sông Bé, nay là tỉnh Bình Dương có nghề đóng xa lông vang danh khắp nơi.

 

(12) Chợ Giồng (chợ Vĩnh Bình, thị trấn Vĩnh Bình, huyện Gò Công Tây) có nghề làm bánh giá nổi tiếng. Chợ Dinh (chợ Đồng Sơn, xã Đồng Sơn, huyện Gò Công Tây) nổi tiếng với bánh còng.
Song Lan
(Theo Văn nghệ Tiền Giang số 79)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 381
  • Khách viếng thăm: 377
  • Máy chủ tìm kiếm: 4
  • Hôm nay: 28858
  • Tháng hiện tại: 764294
  • Tổng lượt truy cập: 62993262