Nông nghiệp TX. Gò Công: Nỗ lực liên kết sản xuất và tiêu thụ

Đăng lúc: Thứ ba - 13/05/2014 08:25
Không phải là ngành lợi thế phát triển trong cơ cấu kinh tế, nhưng nông nghiệp đang giữ vai trò rất quan trọng trong ổn định, phát triển kinh tế - xã hội của TX. Gò Công. Nâng cao chất lượng sản phẩm, liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản là hướng phát triển nông nghiệp mà thị xã đã và đang tập trung triển khai.

ĐI VÀO SẢN XUẤT CÂY, CON ĐẶC SẢN

Không có diện tích sản xuất nông nghiệp lớn như các huyện, những năm qua, thị xã chủ trương tập trung phát triển nông nghiệp đi vào chiều sâu theo hướng nâng cao hiệu quả sản xuất, giá trị và chất lượng nông sản.

Triển khai theo hướng này, từ hơn 10 năm trước, thị xã đã phối hợp, liên kết với các viện, trường, cơ quan chuyên môn xây dựng mô hình sản xuất rau theo quy trình an toàn, vận động nhân dân vào làm ăn theo mô hình hợp tác xã (HTX).

HTX Rau an toàn Gò Công đã ra đời từ những yêu cầu thực tế như thế. Sau thời gian đầu gặp khó khăn về tiêu thụ, từ năm 2010 đến nay, rau an toàn của HTX đã có mặt tại các siêu thị lớn như Co.op Mart, Metro, cùng với nhiều bếp ăn tập thể của trường học, công ty ở thị xã, với sản lượng cung ứng từ 1,5 - 2 tấn rau mỗi ngày.

Sản xuất rau ở HTX Rau an toàn Gò Công.
Sản xuất rau ở HTX Rau an toàn Gò Công.

Đến thời điểm hiện nay có thể nói, HTX Rau an toàn Gò Công là mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ khá thành công ở thị xã nói riêng và khu vực phía Đông nói chung. Trồng rau được bao tiêu sản phẩm với mức giá không dưới giá sàn, người trồng đảm bảo có lời nên xã viên rất phấn khởi. Không dừng lại ở đó, năm 2013, HTX đã ký kết cung ứng rau an toàn cho Satrafood. Cùng năm này, HTX đón nhận thêm tin vui là được chứng nhận VietGAP.

Ông Nguyễn Văn An, Chủ nhiệm HTX Rau an toàn Gò Công cho biết, dự kiến tháng 10 tới, 10 ha sản xuất rau của HTX sẽ tiếp tục được chứng nhận đạt tiêu chuẩn trên. Sau khi được chứng nhận VietGAP, một số doanh nghiệp (DN) đã liên hệ HTX để đề nghị làm đối tác cung ứng rau.

Thị trường đang mở rộng, đối tác tiêu thụ ngày càng tăng, HTX đang tích cực mở rộng diện tích sản xuất để đáp ứng yêu cầu của đối tác. Trước mắt, HTX mở rộng diện tích sang ấp Chợ Mới (hiện tại diện tích trồng rau của HTX tập trung ở 3 ấp: Tân Xã, Kim Liên, Việt Hùng) của xã Long Hòa.

Một mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ rau khác cũng khá thành công trong thời gian qua là sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP của Tổ hợp tác (THT) sản xuất rau Thuận Hòa (Long Thuận).

Sau thời gian được các ngành, các cấp từ tỉnh đến thị xã và Viện Cây ăn quả miền Nam hỗ trợ qua đề tài “Xây dựng mô hình sản xuất rau đạt tiêu chuẩn VietGAP”, THT Thuận Hòa có 6 ha với 28 hộ sản xuất đạt tiêu chuẩn trên.

Sau khi được chứng nhận, THT đã ký hợp đồng tiêu thụ rau đạt tiêu chuẩn VietGAP lâu dài với HTX Phú Lộc (TP. Hồ Chí Minh) và Công ty Lực Điền.

Mô hình nuôi gà ta Gò Công ở HTX Chăn nuôi, Thủy sản Gò Công.
Mô hình nuôi gà ta Gò Công ở HTX Chăn nuôi, Thủy sản Gò Công.

Để đẩy mạnh sản xuất theo hướng chất lượng, tạo cơ hội gắn với tiêu thụ, những năm qua, các ngành chức năng cùng thị xã xúc tiến thành lập HTX sơ ri Gò Công, triển khai sản xuất sơ ri theo tiêu chuẩn VietGAP.

Dù còn gặp nhiều khó khăn, song hiện nay, cơ hội để HTX tiêu thụ trái sơ ri ổn định đang mở ra khi nhà máy chế biến sơ ri do một doanh nghiệp (DN) nước ngoài đầu tư vừa hoàn thành. Tương lai, HTX sơ ri Gò Công sẽ là đầu mối cung ứng sơ ri chất lượng ổn định, số lượng lớn khi nhà máy trên đi vào hoạt động.

TẬP TRUNG LIÊN KẾT SẢN XUẤT VÀ TIÊU THỤ

Đến nay, TX. Gò Công đã đăng ký và được chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa tập thể cho tủ thờ Gò Công, mắm tôm chà, gà ta Gò Công, sơ ri Gò Công. Thị xã đã hoàn tất thủ tục đăng ký nhãn hiệu hàng hóa tiếp theo cho rau an toàn và yến sào.

Theo Phòng Kinh tế thị xã, tiếp nối các mô hình sản xuất nông nghiệp thành công trong thời gian qua, thời gian tới, thị xã tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng, viện, trường nhân rộng các mô hình; triển khai các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ nêu trên cho các nông sản có lợi thế khác.

Trước mắt, thị xã mở rộng mô hình sản xuất rau an toàn, VietGAP sang các xã Long Hưng, Tân Trung… theo hướng liên kết sản xuất và tiêu thụ. Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ gà ta Gò Công trên thị trường rất lớn nhưng HTX Chăn nuôi, Thủy sản Gò Công chưa đáp ứng đủ.

Thời gian tới, thị xã và HTX sẽ đẩy mạnh phát triển các tổ nuôi vệ tinh gà ta Gò Công sang các xã lân cận trong và ngoài thị xã. Trong đó, thị xã tập trung phát triển hai tổ hợp tác chăn nuôi gà ta Gò Công ở xã Bình Xuân, Bình Đông; hình thành 1 tổ hợp tác chăn nuôi ở xã Tân Trung. Khi các tổ hợp tác trên phát triển mạnh, thị xã sẽ cùng với các xã nâng các THT thành HTX để hoàn thành tiêu chí hình thức tổ chức sản xuất trong xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh đó, TX. Gò Công có 5.000 ha sản suất lúa. Thời gian tới, thị xã phối hợp với cơ quan chuyên môn hướng dẫn cho nông dân sản xuất theo quy trình kỹ thuật. Khi điều kiện cho phép, thị xã sẽ vận động người dân tham gia kinh tế tập thể, rồi sau đó sẽ kêu gọi DN vào ký kết hợp đồng tiêu thụ.

“Với định hướng này, trước mắt, thị xã đang nỗ lực liên kết với các viện, trường, cơ quan, đơn vị trong và ngoài tỉnh để hỗ trợ, tổ chức sản xuất theo quy trình kỹ thuật nhằm tạo ra sản lượng lớn đồng loạt, sản phẩm đồng đều. Sau khi hoàn thành công đoạn trên, thị xã sẽ xúc tiến vận động nông dân vào HTX, THT; đăng ký nhãn hiệu hàng hóa.

Khi các công đoạn này hoàn tất, công việc còn lại là mời gọi DN ký kết hợp đồng tiêu thụ. Khi đó, tùy vào yêu cầu của DN mà HTX, THT sẽ chuyển tiêu chuẩn sản xuất theo yêu cầu của DN” - một lãnh đạo của Phòng Kinh tế thị xã cho biết.

Ngô Văn
(Theo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 438
  • Khách viếng thăm: 431
  • Máy chủ tìm kiếm: 7
  • Hôm nay: 71545
  • Tháng hiện tại: 1937324
  • Tổng lượt truy cập: 48311451