Phát triển HTX trong cơ chế thị trường: Năng động, tự chủ, tự chịu trách nhiệm

Đăng lúc: Thứ ba - 06/05/2014 07:57
Có nhiều vấn đề đặt ra khi đề cập đến phát triển hợp tác xã (HTX ) trong cơ chế thị trường. Song, theo nhiều chuyên gia, điều đầu tiên cần xác định: HTX hoạt động như mô hình doanh nghiệp, tự chủ, đáp ứng nhu cầu thị trường và lợi ích của các thành viên. Mỗi HTX như một doanh nghiệp

Mỗi HTX như một doanh nghiệp

Hiện nay, phần lớn các HTX, nhất là các HTX nông nghiệp, đang gặp rất nhiều khó khăn, lúng túng trong điều hành, hoạt động theo cơ chế thị trường. Thực tế này xuất phát từ những yếu kém cố hữu lâu nay trong kinh tế tập thể ở Việt Nam như thiếu năng động, trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, hạn chế trình độ, tài chính không rõ ràng, thiếu vốn, cơ sở vật chất yếu kém… dẫn đến hoạt động không hiệu quả; dịch vụ không đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng, lợi ích của xã viên. Từ đó, xã viên không tha thiết tham gia, gắn bó với HTX.

Đóng gói vú sữa tại HTX vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim.
Đóng gói vú sữa tại HTX vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim.

“HTX có rất nhiều cái thiếu và yếu nhưng khó nhất hiện nay là thiếu vốn. Nếu có vốn, HTX có thể tham gia làm đại lý cấp 1 cung ứng vật tư đầu vào, dịch vụ phục vụ cho sản xuất, giải quyết đầu ra nông sản” - ông Đặng Tấn Lâm, Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Nông nghiệp Tiền Giang, bày tỏ.

Một thực tế khác cũng cần phải nhìn nhận, lâu nay, phần lớn các HTX nông nghiệp chỉ lo tập trung vào kỹ thuật, nâng cao năng suất sản xuất, nhưng lại rất dở trong việc giải quyết đầu ra sản phẩm, xã viên “tự bơi” với sản phẩm của mình dù rằng khi thành lập các HTX đều có đăng ký ngành nghề hoạt động thương mại, dịch vụ.

Ông Trịnh Công Minh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, nông dân, HTX sản xuất rất giỏi nhưng tổ chức sản xuất, tiêu thụ không tốt lắm. Giải quyết vấn đề đầu ra sản phẩm, HTX cần gắn với doanh nghiệp để hình thành chuỗi liên kết. Thực hiện vấn đề này, thời gian qua, tỉnh đã triển khai hàng ngàn ha lúa theo mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ. Song, thực tế hiện nay, mô hình liên kết trên gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc giữa đơn vị sản xuất là HTX và doanh nghiệp tiêu thụ.

Theo các quy định về kinh tế tập thể, các tiếp cận mới về mô hình kinh tế này trong cơ chế thị trường mở ra nhiều hướng cho HTX phát triển. Đó là HTX hoạt động như doanh nghiệp, không chỉ sản xuất và tổ chức sản xuất mà còn tham gia chế biến, tiêu thụ cũng như tham gia các hoạt động kinh doanh, dịch vụ khác (điều mà nhiều HTX chưa làm được). Nếu làm được như thế, HTX sẽ tự chủ được đầu ra, giảm chi phí khâu trung gian, nâng cao giá trị sản phẩm.

Ở cách tiếp cận này, ông Trương Quang An, Giám đốc HTX Thanh long Tầm Vu (Long An) cho rằng, bản thân HTX là một doanh nghiệp có thể chủ động tìm đầu ra sản phẩm, xuất khẩu trực tiếp mà không cần phải liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ. Hiện nay, HTX Thanh long Tầm Vu đã thành lập một công ty trực thuộc; đầu tư kho lạnh để giải quyết nhu cầu bảo quản thanh long sau thu hoạch của HTX, xã viên và làm dịch vụ cho các hộ dân trồng thanh long trong vùng.

Qua dịch vụ trên, HTX và người dân trong vùng không còn lo thương lái, doanh nghiệp ép giá thanh long. HTX còn chủ động tìm thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước. “Hiện nay, HTX Thanh long Tầm Vu đã đăng ký mặt hàng xuất khẩu sang 5 nước, trong đó đã xuất khẩu trực tiếp sang 3 nước. Từ các hoạt động trên của HTX đã góp phần nâng cao lợi nhuận, giá trị trái thanh long của HTX nói riêng và thanh long trong vùng nói chung” - ông An nói.

Năng động, tự chủ, vì lợi ích thành viên

Yếu tố quyết định đến sự thành bại của HTX là con người. HTX muốn thành công phải có ban lãnh đạo năng động thay đổi phù hợp theo xu thế, yêu cầu của thị trường, luôn hướng đến đáp ứng lợi ích của xã viên, thành viên. Ông Andress Kappes, Tổng Giám đốc các Chương trình hợp tác Quốc tế của Liên đoàn HTX Cộng hòa Liên bang Đức (DGRV), cho biết nền kinh tế theo cơ chế cạnh tranh thị trường là thách thức lớn nhưng cũng là cơ hội cho kinh tế tập thể phát triển.

Mô hình kinh tế tập thể theo hình thức HTX có mặt trên 100 quốc gia trên thế giới, hoạt động như các loại hình doanh nghiệp, tạo ra hơn 100 triệu việc làm. Mô hình HTX ở Đức là một trong những mô hình kinh tế ra đời rất sớm và hoạt động rất ổn định, hiệu quả trong cơ chế thị trường và hoạt động bao trùm trên tất cả các lĩnh vực.

Theo ông Christian Albrecht, Giám đốc DGRV tại Đông Nam Á, ở Đức, cấp quốc gia có liên đoàn HTX; cấp khu vực có các hiệp hội HTX ở các bang tương đương với cấp tỉnh, thành ở Việt Nam; cấp cơ sở là các HTX hoạt động trên các lĩnh vực. Mô hình HTX ở Đức hoạt động bình đẳng và cạnh tranh công bằng với các loại hình doanh nghiệp khác; tự chủ trong điều hành, hoạch định chính sách, chiến lược phát triển thích ứng với yêu cầu thị trường; luôn nỗ lực phục vụ, đáp ứng các yêu cầu, lợi ích của thành viên.

Nhà nước chỉ xây dựng khung pháp lý chung cho HTX hoạt động; không có bất kỳ ưu đãi, hỗ trợ riêng nào cho thành phần kinh tế này. Có chăng, Nhà nước chỉ hỗ trợ theo ngành, nghề và khi đó các HTX hoạt động trong lĩnh vực đó sẽ được hỗ trợ như các doanh nghiệp hoạt động cùng ngành nghề. Hệ thống HTX ở Đức cũng có hệ thống đào tạo như các học viện, trường đào tạo ngành nghề và thực hiện đào tạo, tập huấn theo yêu cầu. Kinh phí do các HTX chi trả. Các HTX có thể lựa chọn tiếp cận hình thức đào tạo nào mà họ cho là tốt nhất.

Kinh nghiệm cũng cho thấy một trong những yếu tố quan trọng góp phần mang lại hiệu quả trong phát triển HTX ở Đức là kiểm toán định kỳ bắt buộc. Hình thức kiểm toán HTX xuất hiện rất sớm và đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển HTX ở Đức.

Điều này, phần lớn HTX ở Việt Nam lâu nay không có thói quen thực hiện. Để nâng chất hoạt động HTX, những năm qua, DGRV nỗ lực hỗ trợ nâng cao năng lực hoạt động của liên minh HTX, HTX ở nhiều tỉnh, thành của Việt Nam, trong đó đặc biệt chú trọng đến công tác hỗ trợ giúp nâng cao năng lực kiểm toán định kỳ ở các HTX, nâng cao nhận thức tầm quan trọng của công tác này đối với HTX.

Tất nhiên, mô hình HTX của Cộng hòa Liên bang Đức có nhiều điểm khác biệt với thực tế ở Việt Nam. Song, kinh nghiệm phát triển HTX của Đức sẽ nhiều hữu ích cho các HTX ở Việt Nam học hỏi, chọn lọc những cái hay, phù hợp để áp dụng vào thực tế của từng HTX, góp phần đưa kinh tế tập thể phát triển bền vững.

“HTX là mô hình kinh tế thực sự tự nguyện, mang tính tự trợ giúp, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của người dân; là doanh nghiệp hoạt động theo thị trường, cạnh tranh với các doanh nghiệp khác; năng động thích nghi với những điều kiện biến đổi của thị trường; lãnh đạo phải có tâm huyết, chuyên môn tốt, năng động…” - ông Đỗ Văn Thuận, nguyên Chủ tịch Liên minh HTX Tiền Giang đúc kết kinh nghiệm qua quá trình tìm hiểu, tiếp cận các mô hình phát triển HTX trong cơ chế thị trường ở Đức vào thực tiễn Việt Nam.

N.Văn
(Theo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 408
  • Khách viếng thăm: 405
  • Máy chủ tìm kiếm: 3
  • Hôm nay: 115560
  • Tháng hiện tại: 1864460
  • Tổng lượt truy cập: 48238587