Nỗ lực cứu lúa đông xuân muộn

Đăng lúc: Thứ năm - 26/03/2015 09:49
Đến thời điểm này, phần lớn diện tích lúa đông xuân ở khu vực Dự án Ngọt hóa Gò Công đã vào giai đoạn cắt nước, thu hoạch. Tuy nhiên, vẫn có không ít diện tích còn sử dụng nước và đang gặp rất nhiều khó khăn do nước kinh nội đồng đang rất thấp. NHIỀU DIỆN TÍCH LÚA CÒN SỬ DỤNG NƯỚC

NHIỀU DIỆN TÍCH LÚA CÒN SỬ DỤNG NƯỚC

Chúng tôi trở lại vùng ven đê thuộc xã Đồng Sơn (huyện Gò Công Tây) vào tuần cuối tháng 3, trong khi nhiều diện tích lúa đông xuân trong vùng ngọt hóa đang ở giai đoạn cúi bông, chín vàng thì khu vực này vẫn còn nhiều diện tích đang làm đòng, bắt đầu trổ đang gặp khó khăn về nước.

Tại ô bao ngoài đê thuộc ấp Khương Thọ, xã Đồng Sơn, phần lớn diện tích lúa đang ở giai đoạn sắp trổ hay chỉ mới trổ lác đác vài bông. Tuyến kinh cặp đê quanh ô bao này, nhiều nơi nước đã chuyển sang màu vàng nghệ.

Nhiều trà lúa ở ấp Khương Thọ (xã Đồng Sơn, huyện Gò Công Tây) bị đỏ lá do nguồn nước nhiễm phèn.
Nhiều trà lúa ở ấp Khương Thọ (xã Đồng Sơn, huyện Gò Công Tây) bị đỏ lá do nguồn nước nhiễm phèn.

Anh Lê Văn Sáng, ấp Khương Thọ cho biết, anh đang bơm nước từ tuyến kinh cặp đê của ô bao về con mương nhỏ để đưa lên ruộng lúa. Trước đó, tuyến kinh này đã có thời điểm bị cạn khô, sau khi chính quyền tổ chức bơm chuyền tạo nguồn nên kinh mới có nước trở lại.

Anh Sáng cho biết, 7 công ruộng trồng giống lúa VD 20 trong vụ đông xuân này còn khoảng nửa tháng nữa mới cắt nước. Anh đang lo lắng không biết sắp tới nước kinh có còn không. Dù vậy, theo anh, ruộng lúa của anh còn thuận lợi hơn nhiều ruộng khác nằm sâu trong ô bao.

Chúng tôi đi tiếp vào các ruộng lúa phía trong ô bao, phèn bám trên chân ruộng, chân lúa vàng quánh. Nhiều ruộng lúa bị đỏ lá mà theo người dân nơi đây là do nguồn nước cấp bị nhiễm phèn nặng gây ra.

Ông Nguyễn Chí Nguyện cho biết, 5 công ruộng trồng lúa VD 20 đến nay chỉ mới 60 ngày tuổi (còn khoảng 1 tháng nữa mới cắt nước), với tình hình nước khó khăn hiện nay, ông rất lo lắng. Ngoài khó khăn nguồn nước cấp, chất lượng nước xấu ảnh hưởng đến sự phát triển của cây lúa cũng là điều làm ông quan tâm.

“Gần 1 tháng qua, tôi phải bơm 2 cấp từ kinh cách ruộng lúa 100 m để cứu lúa. Đâu đã vậy, do nước kinh nhiễm phèn nặng đưa lên ruộng đã làm cho lúa bị đỏ lá, nhưng biết làm sao hơn. Năng suất lúa vụ này chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều” - ông Nguyện cho biết.

Còn tại ấp Ninh Đồng A, những diện tích lúa xuống giống muộn hơn lịch thời vụ cũng đang gặp rất nhiều khó khăn do thiếu nước, nước nhiễm phèn nặng. Nông dân Phạm Hữu Lành cho biết, do xuống giống muộn hơn mọi năm nên đến thời điểm này 1 ha lúa của gia đình ông chỉ mới 60 ngày tuổi. Thông thường ở độ tuổi này lúa đã trổ, nhưng đến thời điểm này vẫn chưa thấy bông nào, lúa còn bị đỏ lá.

“Tôi đã nhiều lần phun thuốc dưỡng cây, thuốc hạ phèn để tăng khả năng chống chịu của lúa, thúc đẩy lúa trổ, nhưng vẫn chưa thấy hiệu quả. Chi phí bơm nước, phân, thuốc, giống đưa xuống ruộng đến nay trên 12 triệu đồng, nhưng vẫn không biết chắc có cứu được lúa hay không. Nếu cứu được, lúa cũng sẽ rất khó bán do chất lượng thấp” - ông Lành bày tỏ.

Theo Phòng NN&PTNT huyện Gò Công Tây, hiện nay trên địa bàn huyện vẫn còn diện tích lúa sử dụng nước và đang rất khó khăn về nguồn nước cấp. Trong đó, khó nhất là khoảng 60 ha lúa ở xã Đồng Sơn còn phải bơm khoảng 3 lần nữa mới cắt nước.

Còn thống kê của Sở NN&PTNT, đến thời điểm hiện nay, trong vùng Ngọt hóa gò công có 25 ha lúa giai đoạn 51-60 ngày tuổi; 4.000 ha từ 61 - 80 ngày tuổi. Trong đó, các địa phương phải tổ chức bơm chuyền từ 2 - 4 đợt là 1.000 ha ở những khu vực bơm khó khăn, tập trung ở huyện Gò Công Tây, TX. Gò Công và huyện Gò Công Đông.

BƠM CHUYỀN CỨU LÚA

Ông Đỗ Thành Sơn, Phó Giám đốc Công ty TNHH 1 thành viên Khai thác Công trình Thủy lợi cho biết, cống Xuân Hòa đã chính thức đóng từ ngày 10 - 3. Từ đó đến nay, công ty cố gắng lấy gạn nước qua cửa phẳng A3 (lưu lượng nước rất hạn chế). Hiện nay, độ mặn tăng cao nên nhiều khả năng vài ngày tới cửa phẳng A3 của cống cũng không thể lấy.

Bơm chuyền tạo nguồn nước cho kinh nội đồng để nông dân bơm lên ruộng tại xã Đồng Sơn (huyện Gò Công Tây).
Bơm chuyền tạo nguồn nước cho kinh nội đồng để nông dân bơm lên ruộng tại xã Đồng Sơn (huyện Gò Công Tây).

Hiện tại, nhu cầu sử dụng nước cho lúa trong Dự án ngọt hóa Gò Công còn nhiều, tập trung ở xã Bình Xuân (TX. Gò Công), xã Tân Phước (huyện Gò Công Đông) và xã Đồng Sơn (huyện Gò Công Tây). Trong khi đó, mực nước nội đồng xuống thấp, còn ở mức 0,25 - 0,35 m. Vì thế, những diện tích lúa xa kinh trục bị thiếu nước, các địa phương đã và đang phải tiến hành bơm chuyền cứu lúa.

Theo ghi nhận của chúng tôi, tại cống trên đê thuộc ấp Khương Thọ (xã Đồng Sơn), nhiều ngày qua, 2 máy bơm túc trực bên kinh để bơm chuyền tạo nguồn nước cấp cho khu vực ô bao trồng lúa ngoài đê.

Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Gò Công Tây, các xã: Đồng Sơn, Thành Công, Bình Tân là 3 điểm mà huyện và xã đã tổ chức bơm chuyền tạo nguồn nước cho nông dân bơm lên ruộng cứu lúa.

Hiện nay, điểm tại Bình Tân, Đồng Sơn vẫn còn tiếp tục bơm chuyền. Còn theo thống kê của Sở NN&PTNT, tính đến ngày 17-3, các huyện Gò Công Tây, Gò Công Đông và TX. Gò Công đã triển khai bơm được 16/22 điểm, tưới cho khoảng 600 ha lúa.

Cống Xuân Hòa đã đóng ngăn mặn, mực nước nội đồng trong các kinh trong vùng dự án tiếp tục xuống thấp nhanh. Các xã xa nguồn sẽ thiếu nước tưới gay gắt hơn, việc tác bơm chuyền dự báo cũng sẽ khó khăn hơn.

“Hiện nay, công tác phòng, chống hạn đang được các địa phương trong vùng ngọt hóa khẩn trương thực hiện với ưu tiên là tập trung bơm tạo nguồn, bơm trữ tại các khu vực mà lúa đang trong giai đoạn từ 50 - 70 ngày tuổi khi cống Xuân Hòa còn có thể lấy gạn” - Sở NN&PTNT nhấn mạnh.

Sở NN&PTNT đề nghị các huyện, thị phía Đông của tỉnh cần tăng cường nạo vét công trình thủy lợi nội đồng, vận động nhân dân giữ gìn vệ sinh nguồn nước. Các xã khó khăn về thủy lợi nội đồng cần chỉ đạo tập trung kinh phí hỗ trợ của tỉnh cho công tác này (thay vì làm giao thông nông thôn).

N.Văn
(Theo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 187
  • Khách viếng thăm: 186
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 20722
  • Tháng hiện tại: 2465612
  • Tổng lượt truy cập: 48839739