Dồn sức cải hoán, đóng mới tàu cá

Đăng lúc: Thứ hai - 30/03/2015 13:44
Sự kiện 2 hợp đồng tín dụng vừa được ký kết giữa Ngân hàng TMCP Công thương - Chi nhánh Tiền Giang (Vietinbank Tiền Giang) và đại diện chủ tàu đã mở ra một hướng đi mới cho đội tàu khai thác thủy sản trên địa bàn tỉnh, nhằm khai thác tiềm năng và lợi thế mà tự nhiên mang lại.

Tiền Giang có lợi thế là bờ biển tương đối dài, có nghề khai thác thủy sản truyền thống. Tuy nhiên, những năm gần đây hiệu quả khai thác từ kinh tế biển ngày càng giảm dần do nhiều yếu tố tác động, trong đó có cả năng lực khai thác của đội tàu.

Chính vì vậy, việc ra đời Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, trong đó bao gồm nhiều gói tín dụng nhằm hỗ trợ cải hoán, đóng mới đội tàu khai thác thủy sản được xem là chính sách kịp thời và có ảnh hưởng mạnh đến nghề khai thác thủy sản trong cả nước.

Đội tàu khai thác thủy sản ở xã Vàm Láng, huyện Gò Công Đông. Ảnh: Nguyễn Sự
Đội tàu khai thác thủy sản ở xã Vàm Láng, huyện Gò Công Đông. Ảnh: Nguyễn Sự

Ông Nguyễn Thành Trãi, đại diện DNTN Phước Nghi, đơn vị vừa ký hợp đồng tín dụng với Vietinbank Tiền Giang chia sẻ rằng, gói tín dụng này đã tạo điều kiện cho cơ sở thực hiện dự án cải hoán, đóng mới tàu cá đã ấp ủ từ lâu. Việc cải hoán đội tàu để có điều kiện bám biển tốt hơn, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn là điều mà ngư dân nào cũng mong muốn.

Chính vì ý nghĩa to lớn như thế, việc cải hoán, đóng mới tàu cá đã và đang được tập trung triển khai thực hiện trên phạm vi 28 tỉnh, thành, được sự cho phép của Chính phủ. Theo ông Võ Thanh Nhã, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) - Chi nhánh Tiền Giang, đến ngày 21-3 đã có 16/28 tỉnh, thành có danh sách phê duyệt của UBND tỉnh, với 524 chủ tàu cá đủ điều kiện vay vốn đóng mới.

Theo đó, các ngân hàng thương mại cũng đã tiếp nhận được 50 bộ hồ sơ vay vốn của chủ tàu, trong đó đã thẩm định và ký hợp đồng tín dụng được 11 hồ sơ xin vay (bao gồm 4 tàu khai thác thủy sản xa bờ và 7 tàu vỏ thép làm dịch vụ hậu cần nghề cá), với tổng số tiền cho vay là 130 tỷ đồng. Tài sản thế chấp là chính con tàu được đóng mới, hình thành từ nguồn vốn vay. Mức cho vay cũng đã đáp ứng đầy đủ theo nhu cầu của khách hàng theo tinh thần Nghị định 67 của Chính phủ.

Tại Tiền Giang, trong đợt đầu đã có 29 tàu được UBND tỉnh phê duyệt danh sách đủ điều kiện để vay vốn đóng mới tàu và các ngân hàng cũng đã tiếp cận đến tất cả các chủ tàu. Đến ngày 18-3, các ngân hàng đã nhận hồ sơ, thủ tục vay vốn của 9 chủ tàu cá. “Để nhanh chóng đưa đồng vốn hỗ trợ theo Nghị định 67 của Chính phủ đến với ngư dân, ngành Ngân hàng đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng thực hiện các phần việc có liên quan.

NHNN Chi nhánh Tiền Giang cũng đưa ra nhiều giải pháp tích cực để nhanh chóng tiếp cận với các chủ tàu đã được UBND tỉnh phê duyệt vay vốn cố định và cả vốn lưu động, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc và hỗ trợ tốt nhất cho bà con ngư dân trong việc thiết lập hồ sơ, thủ tục vay vốn bảo đảm nhanh chóng, đơn giản, công khai, minh bạch” - ông Võ Thanh Nhã cho biết.

Tiền Giang là tỉnh thứ 6 thực hiện ký hợp đồng tín dụng trên 28 tỉnh, thành tham gia chính sách tín dụng theo Nghị định 67 của Chính phủ. Là đơn vị đầu tiên tham gia ký hợp đồng gói tín dụng này. Ông Phạm Duyên Hải, Giám đốc Vietinbank Tiền Giang cho rằng, Nghị định 67 đi vào “lịch sử”, bởi quy định hỗ trợ gần như trọn gói đối với các doanh nghiệp, hộ cá nhân đã được chọn để tham gia vào Nghị định 67.

Chẳng hạn, ở lĩnh vực ngân hàng, mức lãi suất cho vay theo Nghị định 67 là 7%/năm, với thời gian cho vay là 11 năm. Đây được xem là khoản cho vay dài hạn. Thế nhưng, đối với các khoản cho vay dài hạn thông thường hiện đang được Vietinbank áp dụng, mức lãi suất cho vay phải dao động từ 10,5% - 11%/năm, thậm chí có ngân hàng cho vay 12%/năm.

Trong khi đó, với mức lãi suất 7%/năm theo Nghị định 67, chủ doanh nghiệp hoặc chủ tàu cá vay chỉ phải trả 3% lãi suất. Như vậy, nếu so với mức lãi suất cho vay thông thường trên thị trường, ngư dân được giảm 8% - 9%/năm.

Với con số mà ngành ngân hàng tính toán, với định suất cho vay là 7 tỷ đồng/tàu, ngư dân có thể tiết kiệm được khoảng 500 triệu đồng tiền lãi. Bên cạnh đó, ngư dân còn được hỗ trợ tiền mua bảo hiểm thân tàu, ưu đãi nhiều chính sách thuế…

“Tại Tiền Giang, sau hội nghị triển khai của NHNN Chi nhánh Tiền Giang, Vietinbank Tiền Giang đã bắt tay tiếp cận các đối tượng được phê duyệt của UBND tỉnh và 2 hợp đồng tín dụng đầu tiên, với tổng số vốn cho vay là 14 tỷ đồng, đã được ký kết. Để đảm bảo cho vay đúng đối tượng, hợp lý, tiết kiệm vốn, ngân hàng đã phối hợp với đối tượng vay vốn đi khảo sát ở các tỉnh, thành, chủ yếu ở các tỉnh, thành phía Nam và đi đến thống nhất mức cho vay là 7 tỷ đồng/tàu gỗ, với công suất 400 CV trở lên, đối với tàu đóng mới hoàn toàn” - ông Phạm Duyên Hải cho biết.

Ở khía cạnh khác, UBND tỉnh cũng đã ban hành Quyết định 2748 công nhận có 5 cơ sở đủ điều kiện quy định về nhà xưởng, trang thiết bị để đóng mới, nâng cấp, cải hoán tàu cá vỏ gỗ theo tinh thần Thông tư 26 của Bộ NN&PTNT ban hành ngày 25-8-2014, bao gồm: DNTN Bá Hùng (xã Tân Mỹ Chánh, TP. Mỹ Tho); DNTN Tân Mai, DNTN Nhật Hồng (phường 9, TP. Mỹ Tho); Xưởng đóng tàu 202 và Nhà máy đóng sửa tàu Đồng Tâm (xã Bình Đức, huyện Châu Thành).

Ông Lê Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo Sở NN&PTNT chủ trì phối hợp với các địa phương ven biển tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về chính sách phát triển thủy sản theo tinh thần Nghị định 67 của Chính phủ theo nguyên tắc đảm bảo hiệu quả; đồng thời phối hợp với các đơn vị thiết kế mẫu tàu, các công ty đóng tàu giới thiệu mẫu thiết kế tàu cá, giá tàu từng loại và tư vấn cho ngư dân có nhu cầu biết để lựa chọn và quyết định chọn mẫu đóng tàu…

Một số chính sách tín dụng đóng mới, nâng cấp tàu theo Nghị định 67, có hiệu lực từ ngày 25-8-2014

* Hạn mức vay, lãi suất vay và mức bù chênh lệch lãi suất cụ thể như sau:

- Đối với đóng mới tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ, bao gồm cả máy móc, trang thiết bị hàng hải; máy móc thiết bị bảo quản hải sản; bảo quản hàng hóa; bốc xếp hàng hóa: Trường hợp đóng mới tàu vỏ thép, chủ tàu được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 1%/năm và ngân sách Nhà nước (NSNN) cấp bù 6%/năm.

Trường hợp đóng mới tàu vỏ gỗ, chủ tàu được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 70% tổng giá trị đầu tư đóng mới, với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 3%/năm và NSNN cấp bù 4%/năm.

- Đối với đóng mới tàu khai thác hải sản xa bờ, bao gồm cả máy móc, trang thiết bị hàng hải; thiết bị phục vụ khai thác; ngư lưới cụ; trang thiết bị bảo quản hải sản: Trường hợp đóng mới tàu vỏ thép, vỏ vật liệu mới có tổng công suất máy chính từ 400CV đến dưới 800CV, chủ tàu được vay vốn ngân hàng tối đa 90% tổng giá trị đầu tư đóng mới tàu với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 2%/năm và NSNN cấp bù 5%/năm.

Trường hợp đóng mới tàu vỏ thép, vỏ vật liệu mới có tổng công suất máy chính từ 800CV trở lên, chủ tàu được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới tàu với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 1%/năm và NSNN cấp bù 6%/năm.

Trường hợp đóng mới tàu vỏ gỗ, chủ tàu được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 70% tổng giá trị đầu tư đóng mới với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 3%/năm và NSNN cấp bù 4%/năm.

Trường hợp đóng mới tàu vỏ gỗ đồng thời gia cố bọc vỏ thép, bọc vỏ vật liệu mới cho tàu, chủ tàu được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 70% tổng giá trị đầu tư đóng mới tàu với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 3%/năm và NSNN cấp bù 4%/năm.

- Đối với nâng cấp tàu vỏ gỗ có tổng công suất máy chính dưới 400CV thành tàu có tổng công suất máy chính từ 400CV trở lên và nâng cấp công suất máy đối với tàu có tổng công suất máy chính từ 400CV trở lên (phần máy bổ sung hoặc thay thế phải là máy mới 100%):

Chủ tàu được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 70% tổng giá trị nâng cấp tàu, bao gồm cả chi phí gia cố vỏ tàu, chi phí mua trang thiết bị và ngư lưới cụ mới phục vụ khai thác hải sản (nếu có) với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 3%/năm và NSNN cấp bù 4%/năm.

* Thời hạn cho vay: 11 năm, trong đó năm đầu tiên chủ tàu được miễn lãi và chưa phải trả nợ gốc, NSNN cấp bù số lãi vay của chủ tàu được miễn năm đầu cho các ngân hàng thương mại.

* Tài sản thế chấp: Chủ tàu được thế chấp giá trị tài sản hình thành từ vốn vay làm tài sản để bảo đảm khoản vay…

Phương Anh
(Theo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 221
  • Khách viếng thăm: 212
  • Máy chủ tìm kiếm: 9
  • Hôm nay: 83379
  • Tháng hiện tại: 2365036
  • Tổng lượt truy cập: 48739163