Lão nông Đỗ Hiếu Liêm: "Muốn giàu nuôi cá…"

Đăng lúc: Thứ hai - 23/03/2015 09:11
Sinh ra trên vùng đất thuần nông, thuộc ấp Phú Khương B, xã Phú Kiết, huyện Chợ Gạo, bác Đỗ Hiếu Liêm (Hai Liêm) cả đời “tay lấm, chân bùn” để có được cơ ngơi vững vàng lúc về già. Và bác Hai đã “sở hữu” một tài sản tinh thần mà không phải người nông dân nào cũng có được, đó là được xã, huyện, tỉnh và Trung ương trao tặng rất nhiều giấy khen, bằng khen như:

Bằng khen của UBND tỉnh 15 năm liền (từ năm 2008 - 2013) đạt danh hiệu “Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi”, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Hội Nghề cá Việt Nam, Giấy chứng nhận đoạt giải trái cây ngon tại Hội chợ Nông nghiệp Quốc tế (Cần Thơ), Huy chương “Vì sự nghiệp phát triển Nông nghiệp, Nông dân, Nông thôn Việt Nam”, Huân chương Lao động hạng Ba…

Lão nông Đỗ Hiếu Liêm giới thiệu vườn cây, ao cá của mình.
Lão nông Đỗ Hiếu Liêm giới thiệu vườn cây, ao cá của mình.

Trong lúc đưa chúng tôi tham quan những ao cá bao quanh là những gốc dừa dứa sai trái, bác Hai Liêm trầm giọng kể: “Bác khởi nghiệp trồng trọt và chăn nuôi vào năm 1978. Cũng năm này, bác bắt đầu hợp đồng nuôi heo với Công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi Mỹ Tường.

Hồi ấy, bác làm Trưởng Ban Thú y xã Phú Kiết, nắng cũng như mưa, bác cởi xe đạp, đi từ đầu xã đến cuối xã hỗ trợ bà con chăm sóc heo, gà bệnh… vừa làm công tác xã hội, vừa nghiên cứu, học hỏi và áp dụng mô hình “vườn, ao, chuồng” để phát triển kinh tế gia đình. Lúc bấy giờ bác còn khỏe, đi làm suốt ngày, tới chạng vạng vẫn còn lụi hụi ngoài vườn. Những lúc “không thuận buồm xuôi gió” gần như trắng tay, nhưng với ý chí và sức trẻ, bác tự đứng lên, vươn tới.

Với sự tận tụy, yêu lao động, bác Hai đã tích lũy và mua thêm đất để mở rộng chăn nuôi, trồng trọt. Trên 30 năm qua, từ 0,3 ha đất bác Hai đã mua thêm 2 ha. Vườn cây trái được bác thay đổi từ táo Ấn Độ, nhãn tiêu Huế, cam sành, hiện giờ đang trồng bưởi da xanh và dừa dứa. Chỉ trong 1 năm qua, với 9.000 m2 trồng bưởi da xanh bác thu lãi 140 triệu đồng, 6.000 m2 dừa dứa thu lãi 90 triệu đồng; riêng các ao cá tai tượng với 28 ngàn con, bác thu lãi trên 600 triệu đồng.

Bác Hai Liêm chia sẻ: “Để nuôi cá tai tượng theo mô hình an toàn sinh học, đòi hỏi người nuôi phải tuân thủ nghiêm ngặt theo quy trình về chọn con giống, thức ăn, mật độ thả… mà cán bộ khuyến nông đưa ra.

Nuôi cá theo mô hình an toàn sinh học, mỗi ngày phải có sổ sách ghi chép về liều lượng thức ăn trong ngày, theo dõi xử lý ao, lượng rau cho cá ăn hàng ngày... Cứ sáng cho ăn các loại rau cải, chiều phải cho cá ăn thức ăn để theo dõi sức khỏe của cá mà kịp thời xử lý…”.

Theo bác Hai, nuôi cá an toàn sinh học có nhiều ưu điểm hơn so với cách nuôi truyền thống lồng ghép với chuồng trại trước đây là bảo vệ được nguồn nước không bị ô nhiễm, quản lý được dịch bệnh trên đàn cá nuôi và hơn hết là cung cấp sản phẩm sạch cho người tiêu dùng.

Mô hình của bác Đỗ Hiếu Liêm đang được nhiều nông dân ở các địa phương học hỏi, nhằm đa dạng hóa sản phẩm trong sản xuất nông nghiệp, hướng tới làm giàu ở những vùng đất thuần nông.

Cơ ngơi của bác Hai Liêm là khu nhà “hoành tráng” cạnh ao cá có hàng rào cây xanh hữu tình.
Cơ ngơi của bác Hai Liêm là khu nhà “hoành tráng” cạnh ao cá có hàng rào cây xanh hữu tình.

Sau nhiều năm đúc kết kinh nghiệm và tiếp thu kiến thức khoa học - kỹ thuật với mô hình làm vườn và nuôi cá tai tượng an toàn sinh học, bác Hai đã được mời chia sẻ kinh nghiệm và trực tiếp hướng dẫn gần 600 lượt nông dân trong và ngoài tỉnh. Đối với xã Phú Kiết, bác còn là một nông dân gương mẫu, chấp hành tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước và tích cực tham gia các phong trào.

Bác Hai đã hiến 3 công đất để làm đường láng nhựa liên xã và kinh đào 1 - 5; mỗi năm đóng góp quỹ từ thiện 60 triệu đồng và giúp 20 hộ khó khăn, mỗi hộ 5 kg cá sặt rằn con để nuôi lồng ghép; hàng năm ứng vốn trả chậm giúp 3 hộ, mỗi hộ 10 triệu đồng để nuôi cá hoặc sản xuất cá giống, như vậy mỗi năm có từ 5 - 7 hộ được bác Hai giúp đỡ thoát nghèo.

Ở tuổi 70 nhưng bác Đỗ Hiếu Liêm vẫn là một Chi hội trưởng Chi hội Nghề cá đầy nhiệt tình của xã Phú Kiết. Bác cho biết: “Hiện nay vẫn còn rất nhiều tổ chức nông dân trong và ngoài tỉnh đến tham quan, học hỏi mô hình chăn nuôi cá tai tượng và làm vườn của bác.

Bác rất tâm đắc với câu nói của ông bà mình: “Muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi heo”. Bác dự tính sẽ nuôi thêm cá bông lau vì hiện nay đã có nhiều người nuôi cá tai tượng nên đầu ra bị chậm. Phải mạnh dạn thay đổi mới mong thành công và phát triển …”.

Ngọc Lệ
(Theo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 297
  • Khách viếng thăm: 295
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 12069
  • Tháng hiện tại: 2293726
  • Tổng lượt truy cập: 48667853