"Hái" ra tiền từ nghề trồng và kinh doanh cây kiểng

Đăng lúc: Thứ tư - 11/02/2015 08:37
Những năm gần đây, diện tích trồng kiểng ở xã Tân Phong, huyện Cai Lậy tăng nhanh với nhiều sân kiểng có giá trị, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân trong xã. Không ít hộ đã làm giàu từ việc trồng và kinh doanh cây kiểng. 

Về xã Tân Phong, đi trên các tuyến đường đan vừa được nâng cấp, mở rộng dễ dàng bắt gặp những sân kiểng xanh tươi với nhiều chủng loại và dáng thế khác nhau được chủ nhân cắt tỉa, chăm sóc cẩn thận. Dưới bàn tay tài hoa, khéo léo của nghệ nhân, nhiều loại cây đã trở thành tác phẩm nghệ thuật, có giá trị từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng. Thương lái tìm mua quanh năm nhưng càng gần đến Tết Nguyên đán, hoạt động mua bán kiểng ở đây diễn ra càng nhộn nhịp.

Các thành viên Hội sinh vật cảnh tham quan một vườn ươm cây kiểng ở xã Tân Phong.
Các thành viên Hội sinh vật cảnh tham quan một vườn ươm cây kiểng ở
xã Tân Phong.

Được xem là nơi khởi điểm, hiện nay ấp Tân An, xã Tân Phong có 70% hộ chuyên trồng và kinh doanh cây kiểng với các loại kiểng lá như: Nguyệt quế, vạn niên tùng, diên tùng… Nhiều vườn kiểng trị giá bạc tỷ với các loại kiểng cổ có giá trị đã hình thành ở vùng quê này.

Ngoài tận dụng diện tích sân vườn để trồng kiểng, có hộ còn cải tạo vườn để xen canh hoặc chuyên canh các loại kiểng lá. Chuyển sang trồng và kinh doanh cây kiểng cách đây hơn chục năm, cuộc sống gia đình ông Nguyễn Văn Chiếp đã có nhiều thay đổi.

Ban đầu, ông Chiếp theo học uốn sửa kiểng từ các nghệ nhân và mua cây về trang trí, làm đẹp khuôn viên nhà. Từ niềm đam mê, ông chuyển sang trồng và kinh doanh cây kiểng. Hiện nay, ngoài sân kiểng trước nhà, ông còn cải tạo 5 công đất thành vườn ươm với hàng ngàn cây nguyệt quế, vạn niên tùng, diên tùng...

Ông Chiếp cho biết: “Nghề này đòi hỏi phải có nguồn vốn ban đầu kha khá nhưng cũng không quá nhiều. Quan trọng là người trồng phải am hiểu giá trị của cây để biết chọn mua cây giống và bán cây thương phẩm với giá phù hợp. Tạo dáng cho một cây kiểng phải mất khá nhiều thời gian nên để rút ngắn thời gian đầu tư, người trồng có thể chọn mua loại cây có sẵn hình dáng ban đầu rồi sửa chữa lại. Ngoài đam mê cũng phải có tay nghề, biết cách chăm sóc cây”.

Hơn 20 năm trồng và kinh doanh cây kiểng, ông Phan Văn Hùng ở ấp Tân An, xã Tân Phong đã có điều kiện xây dựng nhà cửa khang trang, mở rộng diện tích trồng kiểng và cây ăn trái. Sân nhà ông hiện có nhiều gốc nguyệt quế ngoài trăm năm tuổi, mỗi cây có dáng thế khác nhau được ông chăm sóc kỹ lưỡng.

Ông Hùng cho biết, ông đam mê cây kiểng từ thời trẻ và hơn 20 năm qua ông vẫn không ngừng học hỏi, tích lũy kinh nghiệm uốn sửa và chăm sóc cây kiểng. Đối với ông, công việc trồng và kinh doanh cây kiểng không chỉ đem lại giá trị về kinh tế mà còn có giá trị tinh thần. Vườn cây kiểng là nơi ông và bạn bè cùng sở thích thư giãn, trao đổi kinh nghiệm.

Ông Hùng cho biết: “Trồng kiểng muốn có hiệu quả kinh tế cao đòi hỏi người trồng phải có kỹ năng tạo dáng, uốn tỉa và nắm bắt nhu cầu thị trường; đồng thời cũng phải có sự khéo léo, mắt thẩm mỹ, cần cù, chịu khó. Khi biết cách chăm sóc thì thu nhập và lợi nhuận của cây kiểng cao gấp nhiều lần so với những loại cây trồng khác”.

Chơi kiểng là thú vui tao nhã, gắn với đời sống tinh thần và hiện đang trở thành nhu cầu của người dân. Vì vậy, nghề trồng và kinh doanh cây kiểng những năm gần đây đã mở ra hướng làm giàu cho nhiều nông dân xã Tân Phong. Từ ấp Tân An, diện tích trồng kiểng tại xã Tân Phong đã được mở rộng.

Năm 2011, Hội Sinh vật cảnh xã Tân Phong được thành lập với 35 hội viên đã tạo điều kiện để những người trồng và kinh doanh cây kiểng gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao tay nghề, tìm hiểu nhu cầu thị trường và phát triển nghề trồng kiểng ở địa phương.

Theo Hội Sinh vật cảnh xã Tân Phong, năm 2014 doanh thu từ kinh doanh cây kiểng của các thành viên của Hội đạt 3,7 tỷ đồng. Được sự hỗ trợ của Phòng LĐ-TB&XH và Trường Trung cấp Nghề Khu vực Cai Lậy, Hội Nông dân xã đã mở 4 lớp “Tạo dáng kiểng, bonsai” thu hút đông đảo học viên tham gia. Đây là một trong những hình thức hỗ trợ người trồng và kinh doanh cây kiểng mở rộng diện tích.

Ông Xa Ngọc Minh, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh xã Tân Phong nhấn mạnh: “Nhiều hộ ở xã Tân Phong đã có thu nhập bạc tỷ từ nghề trồng và kinh doanh cây kiểng, đây là tín hiệu đáng mừng, mở ra hướng làm giàu mới cho nông dân. Tuy cây kiểng mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhưng đa số hộ trồng và kinh doanh cây kiểng ở Tân Phong đều duy trì diện tích vườn cây ăn trái để có thu nhập ổn định.

Bên cạnh việc khuyến khích hội viên phát huy hiệu quả kinh tế từ nghề trồng và kinh doanh cây kiểng, Hội cũng nhấn mạnh về thế mạnh kinh tế vườn của xã Tân Phong, không khuyến khích chạy theo phong trào. Việc đầu tư cho nghề trồng, kinh doanh cây kiểng nếu không tính toán kỹ lưỡng sẽ có nguy cơ gây thiệt hại không nhỏ nếu thị trường có sự biến động”.

Quế Ngân
(Theo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 228
  • Hôm nay: 25864
  • Tháng hiện tại: 2470754
  • Tổng lượt truy cập: 48844881