Huyện Gò Công Đông: Nhiều giải pháp để đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp

Đăng lúc: Thứ ba - 11/08/2015 14:27
“Chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng chuyên canh gắn với xây dựng nông thôn mới để nâng cao đời sống của người dân, tạo chuyển biến tích cực bộ mặt nông thôn trên địa bàn huyện” - đó là định hướng của huyện Gò Công Đông trong tái cơ cấu lại ngành Nông nghiệp trong thời gian tới.

Tạo được những bước đệm

Trong những năm qua, sản xuất nông nghiệp của huyện Gò Công Đông phát triển toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa, từng bước nâng cao năng suất, chất lượng và hạ giá thành sản phẩm. Các giải pháp chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã tạo động lực thúc đẩy nền nông nghiệp phát triển, nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Thu hoạch nghêu trên bãi biển Tân Thành. Ảnh: NGUYỄN SỰ
Thu hoạch nghêu trên bãi biển Tân Thành. Ảnh: NGUYỄN SỰ

Ông Nguyễn Văn Quý, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Gò Công Đông cho biết, cây lúa trên địa bàn huyện đã chuyển từ sản xuất 3 vụ/năm sang 2 vụ lúa - 1 vụ màu, hay 1 vụ lúa - 2 vụ màu để tăng lợi nhuận và giải quyết vấn đề được mùa, mất giá. Huyện khuyến cáo nông dân chuyển đổi giống lúa thường, chất lượng thấp sang giống lúa có giá trị và chất lượng cao.

Hỗ trợ thành lập các tổ hợp tác sản xuất lúa giống, chủ động sản xuất giống lúa xác nhận. Khuyến cáo nông dân sản xuất lúa theo Chương trình “ba giảm, ba tăng”, “một phải, năm giảm”, “mô hình cùng nông dân ra đồng”. Xây dựng thí điểm mô hình Cánh đồng lớn ở xã Bình Nghị, xã Tân Điền để chuyển giao tiến bộ khoa học - công nghệ (KHCN) vào sản xuất.

Là địa bàn có sản lượng rau màu cung cấp cho TP. Hồ Chí Minh khá lớn nên thời gian qua ngành Nông nghiệp huyện đã tập trung nâng cao chất lượng và sản lượng. Huyện đã hình thành các tổ sản xuất rau an toàn ở các xã: Bình Nghị, Tân Đông và Tân Tây; đang mở rộng thêm vùng rau an toàn ở các xã: Tân Điền, Kiểng Phước, Tăng Hòa.

Theo ông Quý, sơri được huyện xác định là cây chủ lực, từ tuyển chọn 3 cây đầu dòng sơri chua địa phương để nhân giống, hiện nay đã được cấp giấy chứng nhận sơri Gò Công. Bên cạnh đó, giống sơri chua của Braxin mới du nhập cũng được ngành nghiên cứu và cho trồng giới hạn để phối hợp với giống sơri nội địa, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế.

Huyện cũng đã tạo được dòng heo siêu nạc, tăng trọng nhanh và chất lượng sản phẩm đạt so với yêu cầu của thị trường. Đối với đàn dê, ngành Nông nghiệp đã cho lai giống nền Bắc thảo địa phương với dòng dê Bore tăng trưởng nhanh và tỷ lệ thịt cao.

Đối với đàn bò, sử dụng đàn bò cái dòng Shin địa phương lai với các dòng tăng trọng nhanh và nhiều thịt. Các mô hình chăn nuôi đang thực hiện và nhân rộng quy trình an toàn sinh học, như chăn nuôi trên đệm lót sinh học, xử lý nước thải bằng hầm biogas, chủ động tiêm vắc xin theo định kỳ.

Đã cho sinh sản nghêu nhân tạo thành công, áp dụng vào các trại sản xuất nhưng cần tiếp tục hoàn thiện quy trình sản xuất để nâng dần tỷ lệ sống và chất lượng con giống đạt yêu cầu cho nuôi thương phẩm bền vững. Về khai thác biển, các tàu đánh bắt xa bờ có công suất lớn, được trang bị máy thông tin liên lạc, máy định vị, máy dò ngang… Hiện nay, nhiều tàu đã được trang bị máy thông tin liên lạc tầm xa HF có tích hợp định vị vệ tinh.

Nông nghiệp là “mặt trận hàng đầu”

Trong thời gian tới, huyện Gò Công Đông xác định kinh tế nông nghiệp là một trong những mũi đột phá. Cơ cấu kinh tế của huyện tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng các ngành phi nông nghiệp, nhưng tỷ trọng ngành nông - ngư nghiệp vẫn chiếm 46,1% trong cơ cấu chung. Diện tích sản xuất lúa của huyện ổn định khoảng 10.030 ha. Đến năm 2020, sản lượng lương thực đạt 170.000 tấn, sản lượng màu thực phẩm 135.000 tấn, sản lượng từ cây ăn trái 37.400 tấn.

Chăn nuôi phát triển mô hình trang trại vừa và nhỏ, ứng dụng công nghệ sinh học. Phấn đấu đến năm 2020 đàn heo đạt 48.000 con, đàn bò 7.200 con, đàn dê 20.000 con, gia cầm 750.000 con. Nuôi thủy sản với 3.293 ha, sản lượng nuôi 27.600 tấn; sản lượng khai thác 49.000 tấn. Huyện tăng cường công tác quản lý bảo vệ môi trường nhằm hạn chế dịch bệnh, kiểm tra chất lượng nguồn giống thủy sản.

Nhân rộng các điểm trình diễn, các mô hình sản xuất có hiệu quả; tiếp nhận chuyển giao quy trình sản xuất giống có giá trị kinh tế cao. Hỗ trợ ngư dân vay vốn để đổi mới, cải hoán phương tiện, trang bị máy móc hiện đại trong lĩnh vực đánh bắt thủy sản.

Theo ông Nguyễn Chí Trung, Bí thư Huyện ủy Gò Công Đông, ngành Nông nghiệp huyện chú trọng ứng dụng KHCN, từng bước gắn sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn với công nghiệp chế biến và yêu cầu thị trường nhằm tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên, nâng cao thu nhập trên 1 ha đất canh tác và cải thiện đời sống nông dân.

Gắn mục tiêu tăng trưởng nông nghiệp với xây dựng kết cấu hạ tầng như nạo vét kinh, làm thủy lợi nội đồng, gia cố cống, đê bao ngăn mặn, bảo đảm nguồn nước tưới. Gắn sản xuất nông nghiệp với phát triển công nghiệp, dịch vụ, bảo đảm môi trường sinh thái, phát huy nội lực trong nông thôn; đồng thời tăng mạnh đầu tư để ứng dụng nhanh các thành tựu khoa học - kỹ thuật.

Tích cực tiếp thị sản phẩm địa phương, đi đôi với cải tiến và tăng cường quản lý chất lượng nông sản, thủy sản; áp dụng quy trình quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP… Tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế tham gia phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Nâng cao trình độ cho đội ngũ làm công tác khuyến nông để đáp ứng yêu cầu sản xuất.

Sĩ Nguyên
(Theo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 457
  • Khách viếng thăm: 455
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 55853
  • Tháng hiện tại: 2337510
  • Tổng lượt truy cập: 48711637