Xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo khó, chị Nguyễn Thị Thủy phải đi làm mướn kiếm sống. Lớn lên lập gia đình, cuộc sống của 2 vợ chồng cũng chẳng mấy khá hơn. Chị Thủy thì đi làm công cho các vựa trái cây ở Cái Bè, chồng chị chạy xe Honda ôm. Chị Thủy tâm sự: “Cuộc sống cứ thế trôi qua, khi 2 đứa con ra đời, cảnh nhà cứ thiếu trước hụt sau. Anh chạy xe Honda ôm không đủ lo cho sinh hoạt gia đình. Tiền học của các con phải vay mượn khắp nơi. Khi các con lớn chị vay của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã 3 triệu đồng làm vốn mua bán nhỏ. Vào mùa trái cây thì chị đi hái trái cây mướn hoặc lựa trái cây cho các vựa”.
Chị Nguyễn Thị Thủy đang thu mua mận An Phước của nhà vườn đem tới vựa bán. |
Dù trải qua rất nhiều khó khăn, vất vả trong cuộc sống, nhưng chị Thủy không hề nản lòng. Vợ chồng chị Thủy khuyên nhủ nhau cần cù lao động, tích góp lo cho 2 con. Từ năm 2010, chị Thủy đi mua trái cây ở các nhà vườn đem ra chợ bán, số lượng tăng dần qua từng năm. 2 năm sau, được sự hỗ trợ của Hội LHPN xã, chị Thủy đã mạnh dạn vay vốn mở 1 vựa trái cây nhỏ, mua bán các loại trái cây. Từ mua bán vài trăm kg trái cây, rồi 1 tấn, đến nay vựa trái cây Điệt Thủy của chị Thủy thu mua, xuất bán hơn 10 tấn trái cây mỗi ngày.
Thành quả hôm nay của vợ chồng chị Thủy chính là nhờ sự cần cù lao động, nhạy bén trong nắm bắt thị trường. Bên cạnh, bí quyết thành công của chị Thủy còn là tạo được lòng tin, uy tín đối với nông dân và khách hàng. Chị Thủy cho biết: “Một số thương lái hoặc chủ vựa bị thất bại là do không tạo được lòng tin đối với nông dân và khách hàng, chỉ thấy lợi trước mắt. Thu mua trái cây của nông dân với giá rẻ, xuất bán với giá rất cao. Đó là một sai lầm. Chị thu mua và bán trái cây theo mùa. Chị thu mua mận An Phước của nông dân, phân loại, đóng gói và xuất trực tiếp ra Hà Nội và Trung Quốc. Giá chênh lệch giữa thu mua và xuất bán từ 5 - 7 ngàn đồng/kg. Khi mận giá cao có lúc chị thu mua với giá 25 ngàn đồng/kg, trong khi cũng loại mận đó thương lái khác chỉ mua từ 20 - 22 ngàn đồng/kg. Vì thế nông dân rất thích bán cho vựa của chị”.
Chị Thủy bộc bạch: “Xuất phát điểm của mình là hộ nghèo nên muốn làm ăn lớn phải biết tính toán, tiết kiệm từ những việc nhỏ. Cảm thấy mình có thể tự làm được việc gì thì làm hết. Có vậy, mình mới mong làm giàu. Với chị, bây giờ không còn phải kiếm từng đồng bạc lẻ lo cho gia đình, để thoát nghèo, mà là để kinh doanh làm giàu, tạo việc làm cho nhiều lao động”.
Với hơn 10 tấn trái cây, vừa phân loại, đóng gói, vựa trái cây Điệt Thủy đã tạo việc làm cho từ 30 - 40 lao động mỗi ngày. Thu nhập bình quân một nhân công phân loại và đóng gói trái cây mỗi ngày từ 200 - 300 ngàn đồng. Chị Thủy cho biết: “Nhân công của chị đa phần là chị em phụ nữ. Chị muốn tạo việc làm cho chị em để chị em có thêm thu nhập lo cho gia đình. Ở đây, chị hỗ trợ chị em bữa cơm trưa. Hôm nào hàng nhiều, làm thêm giờ chị đều trả công xứng đáng”.
Bà Lê Thị Vĩnh Thanh, Chủ tịch Hội LHPN xã Mỹ Đức Tây nhận xét: “Với ý chí và nghị lực của mình, chị Thủy xứng đáng là tấm gương điển hình về tinh thần vượt khó, sớm thoát nghèo và vươn lên làm giàu để các chị em phụ nữ nói riêng và các hộ dân nói chung học tập, làm theo”.
Ý kiến bạn đọc