Các khu, cụm công nghiệp: Dấu ấn 20 năm

Đăng lúc: Chủ nhật - 29/01/2017 22:31
Phát triển công nghiệp giai đoạn sau đổi mới có lẽ bắt đầu từ sự kiện nhà máy Liên doanh bia BGI. Đây là dự án “đình đám”, tạo tiền đề quan trọng cho việc hình thành khu công nghiệp (KCN) Mỹ Tho vào năm 1997. 20 năm hình thành và phát triển, những dự án trong các KCN, cụm công nghiệp (CCN) thật sự là động lực cho sự phát triển chung của nền kinh tế tỉnh nhà.
20 năm hình thành và phát triển, những dự án trong các KCN, cụm công nghiệp (CCN) thật sự là động lực cho sự phát triển chung của nền kinh tế tỉnh nhà.
KCN Mỹ Tho - KCN đầu tiên của Tiền Giang có chủ trương thành lập từ năm 1997. Ảnh: Trần Liêm

Nói về việc hình thành các KCN ở Tiền Giang, ông Huỳnh Văn Niềm, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang giai đoạn 1986 - 1993 cho biết: Ở Tiền Giang, đường lối đổi mới được cụ thể hóa bằng Nghị quyết Đại hội IV của Đảng bộ tỉnh (1986). Đó là lấy nông nghiệp làm mặt trận hàng đầu, ra sức phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, sản xuất hàng tiêu dùng, đặc biệt là chế biến nông sản, thực phẩm xuất khẩu…Từ một tỉnh thuần nông, Tiền Giang đã chuyển đổi cơ cấu kinh tế; ngoài những kết quả về công nghiệp hóa trong nông nghiệp, Tiền Giang đã hình thành được các KCN, CCN, nhiều nhà máy đạt giá trị sản xuất cao, góp phần vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh ngày một tăng.

Ông Huỳnh Văn Niềm nhớ lại từ cuối năm 1990 khi Quốc hội thông qua Luật Doanh nghiệp và Luật Công ty nên nhiều thành phần kinh tế trong tỉnh có điều kiện phát triển. Cùng cả nước thực hiện chủ trương đổi mới, Tiền Giang lãnh đạo phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, chính sách kinh tế nhiều thành phần đã đi vào cuộc sống làm cho sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp từ thành thị đến nông thôn phát triển năng động. Từ năm 1993 khi kinh tế thu hút được vốn đầu tư nước ngoài, thì giai đoạn 1991 - 1995 giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 25,18%. Tất cả manh nha cho việc hình thành KCN Mỹ Tho vào năm 1997.

Ông Nguyễn Văn Công, Phó Giám đốc Sở Công thương cũng cho rằng, cột mốc phát triển công nghiệp nhằm khai thác lợi thế tiềm năng của tỉnh có lẽ bắt đầu từ khi Chính phủ cho chủ trương thành lập KCN Mỹ Tho vào năm 1997; và đến năm 2000 KCN Mỹ Tho thực sự phát huy tác dụng. Giai đoạn 2006 - 2010 tỉnh tiếp tục tháo gỡ những khó khăn, hoàn thiện cơ chế quản lý, hạ tầng các KCN, CCN và thực hiện chính sách thu hút đầu tư, thiết lập chương trình hợp tác với TP. Hồ Chí Minh… nên tốc độ tăng trưởng thời kỳ này cao hơn, bình quân 26,22%/năm, trong đó có việc hình thành tiếp KCN Tân Hương.
Theo ông Cao Minh Tâm, Trưởng Ban Quản lý các KCN Tiền Giang, thì tỉnh được Chính phủ chấp thuận chủ trương quy hoạch 7 KCN với tổng diện tích 2.083,47 ha. Đến nay đã có 4 KCN được thành lập và đi vào hoạt động gồm: KCN Mỹ Tho, KCN Tân Hương, KCN Long Giang, KCN Dịch vụ Dầu khí Soài Rạp với tổng diện tích 1.101,47 ha, tổng vốn đầu tư 100 triệu USD và 2.933,26 tỷ đồng. Còn lại 3 KCN: Bình Đông, Tân Phước I, Tân Phước II chưa được thành lập.

Hiện tại KCN Mỹ Tho và Tân Hương đã triển khai xây dựng hạ tầng tương đối hoàn chỉnh, KCN Mỹ Tho đã hoàn thành 100%; KCN Tân Hương đạt 99%, đường nội bộ còn khoảng 1,2 km chưa trải nhựa; KCN Long Giang đạt 70% (trên diện tích 540 ha), chủ đầu tư hạ tầng KCN Long Giang đang tiếp tục triển khai thi công các hạng mục công trình như: Tiếp tục san lấp mặt bằng, xây dựng hệ thống thoát nước, xây dựng đường giao thông nội bộ...; KCN Dịch vụ Dầu khí Soài Rạp đã san lấp đạt 64,8% (trên diện tích 285,3 ha), chưa đầu tư hạng mục hạ tầng, Ban Quản lý đã thu hồi giấy chứng nhận đầu tư và các sở, ngành tỉnh đang phối hợp để tiến hành các thủ tục nhận bàn giao nguyên trạng về tỉnh Tiền Giang quản lý, khai thác.

Với các CCN, hiện có 4 CCN đã đi vào hoạt động, với tổng diện tích 108,9 ha, bao gồm: CCN An Thạnh diện tích 10 ha, đã xây dựng hạ tầng tương đối hoàn chỉnh. CCN Trung An diện tích 17,5 ha, đã xây dựng hạ tầng hoàn chỉnh. CCN và TTCN Tân Mỹ Chánh diện tích 23,5 ha, đã xây dựng hạ tầng hoàn chỉnh. CCN Song Thuận diện tích 57,9 ha, hình thành trên hiện trạng các doanh nghiệp sẵn có, doanh nghiệp tự mua đất xây dựng nhà máy, sử dụng hạ tầng sẵn có của địa phương. Ban Quản lý các KCN tỉnh đang phối hợp các ngành và địa phương hoàn chỉnh thủ tục thành lập CCN Gia Thuận 1, CCN Gia Thuận 2.

Lãnh đạo tỉnh và huyện thăm Công ty TNHH Gia công đồng Hải Lượng Việt Nam tại KCN Long Giang huyện Tân Phước. Ảnh: Ngô Văn
Lãnh đạo tỉnh và huyện thăm Công ty TNHH Gia công đồng Hải Lượng Việt Nam tại KCN Long Giang huyện Tân Phước. Ảnh: Ngô Văn

Ông Cao Minh Tâm đánh giá, thủy sản và may mặc là 2 mặt hàng chủ lực trong xuất khẩu của tỉnh. Giá trị sản xuất công nghiệp trong các KCN, CCN đến nay chiếm khoảng 75%, xuất khẩu chiếm khoảng 85,72%, nhập khẩu chiếm khoảng 81,03% của toàn tỉnh. Với những giá trị trên, rõ ràng các KCN, CCN đã góp phần rất lớn vào phát triển kinh tế của tỉnh Tiền Giang. Cụ thể, giai đoạn năm 1997 - 2006 KCN Mỹ Tho và CCN Trung An mới thành lập, các doanh nghiệp bắt đầu đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất nên giá trị sản xuất công nghiệp còn rất thấp. Giai đoạn năm 2007 - 2011 giá trị sản xuất công nghiệp tăng giảm không ổn định do doanh nghiệp chưa ổn định đơn hàng và ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Đến giai đoạn năm 2012 - 2016, giá trị sản xuất công nghiệp hàng năm đều tăng trên 15% so với cùng kỳ do sự lấp đầy KCN Mỹ Tho, KCN Tân Hương đã thu hút được doanh nghiệp có quy mô khá lớn đến đầu tư và sản xuất có hiệu quả, thị trường xuất khẩu ngày càng mở rộng, chất lượng các mặt hàng ngày được nâng cao, các doanh nghiệp ngày càng tạo được uy tín trên thị trường thế giới, các dự án triển khai hoàn thành và đi vào hoạt động.

Về định hướng phát triển trong 10 năm tới, ông Cao Minh Tâm cho biết, sẽ tiếp tục rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính cung cấp công khai, đầy đủ các quy định của pháp luật về các vấn đề có liên quan như: Pháp luật về Đầu tư, đất đai, doanh nghiệp, lao động, môi trường… Tiếp tục phối hợp với chủ đầu tư hạ tầng KCN, CCN vận động kêu gọi đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp các thủ tục đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định và nâng cao chất lượng, hiệu quả cho các doanh nghiệp trong KCN. Phối hợp các sở, ngành kêu gọi đầu tư hạ tầng các KCN vùng Đông Nam Tân Phước là KCN Tân Phước 1 và các KCN, CCN phía Đông như KCN Soài Rạp, CCN Gia Thuận 1, CCN Gia Thuận 2 và các CCN trên địa bàn của tỉnh, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh Tiền Giang.

Giai đoạn 10 năm (2006 - 2016) các KCN thu hút được 70 dự án đầu tư (trong đó có 56 dự án FDI) với tổng vốn đầu tư 1.351,03 triệu USD và 2.783,38 tỷ đồng. Nâng tổng số đến nay, các KCN thu hút 86 dự án (60 dự án FDI), tổng vốn đầu tư 1.742,32 triệu USD và 3.983,6 tỷ đồng, tổng diện tích cho thuê 448,04 ha, đạt 58,96%.

20 năm qua, các CCN thu hút 80 dự án (7 dự án FDI), tổng vốn đầu tư 4.055,14 tỷ đồng, diện tích thuê đất là 78,35 ha, đạt 96% diện tích đất cho thuê. Thuế và các khoản nộp ngân sách các doanh nghiệp FDI: 294,63 triệu USD. Thuế và các khoản nộp ngân sách các doanh nghiệp trong nước: 1.355,77 tỷ đồng.

Tính đến nay, các KCN, CCN giải quyết việc làm cho khoảng 92.561 lao động, trong đó tổng số lao động ở KCN khoảng 77.840 người (535 lao động nước ngoài), tổng số lao động tại các CCN khoảng 14.721 người (16 lao động nước ngoài).


DUY SƠN
(Theo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 89
  • Khách viếng thăm: 82
  • Máy chủ tìm kiếm: 7
  • Hôm nay: 7057
  • Tháng hiện tại: 288171
  • Tổng lượt truy cập: 67262662