Bước vào thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 trong bối cảnh phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là biến đổi khí hậu nhanh hơn dự báo, xâm nhập mặn chưa từng có ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Từ những khó khăn chung của nền kinh tế đất nước đã tác động lên nội tại của kinh tế - xã hội địa phương cùng với cơn hạn mặn lịch sử ngay từ đầu năm 2016 đã làm cho khu vực nông nghiệp giảm sút rất lớn so với 6 tháng đầu năm 2015, tăng trưởng kinh tế (GRDP) 6 tháng đầu năm của Tiền Giang tuy đứng thứ 2 ở Đồng bằng sông Cửu Long nhưng chỉ đạt 7,18% (đứng sau tỉnh Long An, đạt 7,6%), trong khi kế hoạch của năm phải đạt từ 8,5% - 9%. Đây là một áp lực, thậm chí tạo ra lo lắng trong công tác lãnh đạo, điều hành để hoàn thành kế hoạch kinh tế - xã hội đã đề ra. Mặc dù vậy, quan điểm Tỉnh ủy, UBND tỉnh kiên quyết không điều chỉnh chỉ tiêu kế hoạch, phấn đấu hoàn thành mục tiêu đề ra. Nhờ sự tập trung lãnh đạo của Tỉnh ủy, cả hệ thống chính trị cùng với nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, tỉnh nhà đã phấn đấu đạt kế hoạch tăng trưởng đề ra, đứng thứ 3 các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long (sau tỉnh Trà Vinh và Long An).
Có thể thấy rằng, năm 2016, công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh đã bám sát chỉ đạo của Chính phủ và các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra của Nghị quyết Tỉnh ủy và Hội đồng nhân dân tỉnh. Tỉnh vừa chủ động triển khai những công việc trọng tâm của cả nhiệm kỳ, vừa đi sâu điều hành phát triển kinh tế - xã hội dựa trên cơ sở chung là mục tiêu tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Từ đó, bên cạnh công tác chủ động phòng chống hạn mặn, UBND tỉnh đã tổ chức nhiều hội nghị phát triển kinh tế - xã hội như: Hội nghị phát triển du lịch, hội nghị phát triển đô thị, hội nghị phát triển thương mại - dịch vụ và nhiều cuộc họp, hội nghị chuyên đề, đặc biệt là triển khai các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, phát triển doanh nghiệp, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp... Nhờ đó, tình hình kinh tế - xã hội năm 2016, đặc biệt từ quý II trở đi, sau các giải pháp hiệu quả trong nỗ lực phòng chống hạn mặn, GRDP Tiền Giang phục hồi và tăng ổn định: Quý II tăng 6,8%, quý III tăng 9,5% và quý IV tăng 10,0%, kết quả chung tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2016 của tỉnh nhà đạt 8,5%, cao hơn năm 2015 (8,2%), đạt kế hoạch đề ra. GRDP bình quân đầu người đến cuối năm 2016 đạt 39,1 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: Khu vực nông, lâm, ngư nghiệp giảm từ 40,3% năm 2015 xuống còn 38,7%; khu vực công nghiệp, xây dựng tăng từ 25,0% lên 26,8% và khu vực dịch vụ giảm nhẹ, từ 34,7% xuống 34,5%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 26.929 tỷ đồng, tăng 10,4%, trong đó tỉnh đã thu hút được 27 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký 9.898 tỷ đồng (tăng 1 dự án, tăng 94% về vốn đăng ký so với cùng kỳ); có 10 dự án đăng ký tăng vốn 1.440 tỷ đồng và 1 dự án (trong KCN) giảm vốn 1.552 tỷ đồng, tổng cộng vốn đầu tư thu hút mới năm 2016 là 9.786 tỷ đồng. Về thu hút FDI, năm 2016 đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 14 dự án mới, với tổng vốn đăng ký 7.229 tỷ đồng, tăng 40% về số dự án và tăng gấp 11,6 lần về số vốn đăng ký so với năm 2015. Đặc biệt, năm 2016 tổng thu ngân sách từ kinh tế địa phương 6.590 tỷ đồng, vượt 12,6% dự toán; trong đó, thu nội địa về đích kế hoạch trước 2 tháng.
Trong năm, UBND tỉnh tổ chức nhiều hội nghị phát triển kinh tế. Ảnh: Thái Thiện |
Các lĩnh vực ngành đạt nhiều kết quả quan trọng. Trong lĩnh vực nông nghiệp, Tiền Giang đã giảm được thiệt hại rất nhiều so với dự báo, đặc biệt nếu so với một vài tỉnh lân cận sẽ thấy rất rõ kết quả về sự nỗ lực của toàn hệ thống chính trị tỉnh nhà: Thời gian xảy ra hạn mặn, nông nghiệp Tiền Giang vẫn giữ được tăng trưởng dương, trong khi nông nghiệp toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long tăng trưởng âm. Về xây dựng nông thôn mới, đến cuối năm toàn tỉnh có 24 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới, tăng 12 xã so với năm 2015. Sản xuất công nghiệp tiếp tục là ngành tăng trưởng cao nhất trong tất cả các ngành kinh tế của tỉnh, giá trị sản xuất tăng 19,3% so năm 2015. Khu vực dịch vụ phát triển ổn định, kim ngạch xuất khẩu đạt 2,106 tỷ USD, tăng 5% so năm 2015; khách du lịch đạt trên 1,59 triệu lượt, tăng 7,8%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 52.611 tỷ đồng, tăng 13%. Lĩnh vực văn hóa - xã hội có chuyển biến tích cực, công tác an sinh xã hội được đảm bảo. Ngành Giáo dục - Đào tạo đã thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 46,4%. Tình hình phòng, chống dịch bệnh được theo dõi và giám sát thường xuyên, không để phát sinh dịch lớn. Tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ và hiệu quả các chính sách giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,17%; thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách đối với người có công; công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em luôn được chú trọng. Các hoạt động văn hóa, thể dục - thể thao, thông tin tuyên truyền được thực hiện bằng nhiều hình thức phong phú. Tình hình trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh tiếp tục được giữ vững, công tác tuyển quân đạt kế hoạch...
Với ý nghĩa là năm đầu tiên của nhiệm kỳ, kết quả trên không những góp phần tạo tiền đề về mặt vật chất, mà còn tạo được tâm lý tốt cho cả hệ thống chính trị và nhân dân tỉnh nhà trong triển khai nhiệm vụ năm 2017 và các năm về sau. Từ kết quả này cũng đã rút ra được nhiều kinh nghiệm quý trong công tác điều hành, kiểm tra, kiểm soát của UBND tỉnh, nhất là trong việc củng cố, nâng cao trách nhiệm công chức, công vụ và trách nhiệm người đứng đầu tổ chức, cơ quan, đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ chung.
Cánh đồng lúa ở huyện cái Bè. Ảnh: Hải Sơn |
Phát huy kết quả đã đạt được, năm 2017, các ngành, các cấp trong tỉnh tiếp tục đổi mới, hành động mạnh mẽ, năng động, sáng tạo, tranh thủ thời cơ thuận lợi, vượt qua các khó khăn, thách thức, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để thúc đẩy kinh tế tiếp tục phát triển và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, quyết tâm phấn đấu đạt tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2016. Để đạt được chỉ tiêu đề ra trong năm 2017: Tăng trưởng kinh tế từ 8,5% - 9% và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực cho những năm tiếp sau, UBND tỉnh sẽ tập trung vào một số công việc sau:
Trước hết, đẩy mạnh nghiên cứu, triển khai để tạo liên kết 3 vùng kinh tế của tỉnh trên cơ sở hình thành các trục phát triển để tạo động lực thúc đẩy 3 vùng phát triển cùng với 3 đô thị trung tâm của vùng. Khẩn trương triển khai kế hoạch kinh tế - xã hội, ngân sách, đầu tư công... ngay từ những ngày đầu năm 2017 để tranh thủ thời gian mùa khô, kể cả tuyên truyền, động viên doanh nghiệp và nhân dân cùng “đồng loạt ra quân” sản xuất, kinh doanh ngay sau tết cổ truyền dân tộc. Song song đó, tập trung triển khai sớm các dự án kêu gọi đầu tư trọng điểm như: Cụm công nghiệp Gia Thuận 1 và 2; Khu công nghiệp Dịch vụ Dầu khí Soài Rạp (đất Vinashine giao lại); Dự án đường Hùng Vương nối liền đến ngã tư Thân Cửu Nghĩa; Công viên trái cây Cái Bè; Bến hàng nông sản Chợ Gạo; triển khai Dự án Bệnh viện đa khoa mới từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ... Triển khai Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, trong đó vừa tập trung triển khai Đề án “Cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng các huyện phía Đông, tỉnh Tiền Giang đến năm 2025”, vừa nghiên cứu để xác định lại quy mô phát triển phù hợp của vùng khóm huyện Tân Phước, chăm sóc và bảo vệ cây vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, giải pháp chống hạn mặn cho cây sầu riêng Ngũ Hiệp, nâng cấp, mở rộng quy mô vùng thanh long Chợ Gạo gắn liền với thu mua, chế biến và xuất khẩu..., cùng với các dự án khác đã và đang được triển khai đồng bộ, qua đó sẽ tạo điều kiện và sức lan tỏa để thu hút đầu tư và thúc đẩy các yếu tố kinh tế - xã hội phát triển trên cả 3 trụ cột là: Tăng trưởng ổn định, bảo vệ môi trường và công bằng xã hội.
Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện những giải pháp cụ thể, mạnh mẽ, đồng bộ, thiết thực, vừa có tác dụng trước mắt vừa mang ý nghĩa lâu dài để triển khai tốt các chương trình, công việc trọng tâm đã được triển khai trong năm 2016, trong đó chỉ đạo chặt chẽ việc khai thác hạ tầng và hệ thống chuyển tải nước về các huyện phía Đông, nhất là đối với huyện Tân Phú Đông để phục vụ nước sinh hoạt, phát triển công nghiệp và dịch vụ, góp phần khơi dậy tiềm năng của địa bàn còn nhiều khó khăn này. Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ tập trung triển khai Đề án Tái cấu trúc ngành Công nghiệp, trong đó xác định phát triển doanh nghiệp vừa là mục tiêu (tăng gấp đôi số lượng doanh nghiệp vào năm 2020 theo chỉ đạo của Chính phủ), vừa là giải pháp cơ bản, lâu dài để ổn định và tăng nguồn thu ngân sách một cách bền vững.
Thứ ba, tiếp tục nâng cao trách nhiệm công chức - công vụ, gắn với cải cách thủ tục hành chính và nâng cao chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin (kể cả triển khai thực hiện văn phòng điện tử tới cấp huyện) để phục vụ nhân dân, phục vụ doanh nghiệp, góp phần cải thiện môi trường đầu tư và tăng chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh (PCI). Làm tốt hoạt động đối thoại, tiếp xúc doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn; triển khai và thực hiện hiệu quả Câu lạc bộ Khởi nghiệp của tỉnh, Quỹ Hỗ trợ khởi nghiệp, Trung tâm Tư vấn phát triển và Hỗ trợ doanh nghiệp... Song song đó, tiếp tục chỉ đạo chặt chẽ trong các lĩnh vực: Phòng chống thiên tai, bảo hiểm y tế, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, công tác cải cách hành chính, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an toàn giao thông, trật tự trị an, về an sinh xã hội và các lĩnh vực văn hóa - xã hội khác.
Ý kiến bạn đọc