Ông Năm tên thật là Trần Văn Gieo, tuy đã 63 tuổi nhưng vẫn miệt mài với công việc làm nông. Hỏi ông ở tuổi này sao không nghỉ ngơi, ông bảo lao động đã quen, ngồi không buồn tay, buồn chân không chịu nổi.
Ông Năm Gieo chọn nuôi bò vì lợi nhuận cao và không gây ô nhiễm môi trường. |
Ông Năm quê gốc huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, là bộ đội ở đơn vị Quân khu 9 (1974 - 1990). Trong thời gian ở quân đội, ông kết duyên cùng bà Lê Kim Phượng, ngụ ấp Lộ Ngang, xã Bình Đức, huyện Châu Thành. Sau khi rời quân đội, ông về sống quê vợ và xem mảnh đất Bình Đức như quê hương thứ hai của mình. Ông Năm bồi hồi nhớ lại: “Lúc mới ra riêng, gia đình bên vợ cho 3.000 m2 đất sản xuất, tôi trồng hoa màu, cuộc sống cũng tạm đủ. Tuy nhiên, khi 3 đứa con lần lượt chào đời, hoa màu liên tục thất mùa, giá cả lại bấp bênh nên cuộc sống gia đình ngày càng khó khăn”.
Trồng hoa màu không hiệu quả, ông đi vác lúa mướn, còn vợ đi làm công nhân để kiếm tiền trang trải cuộc sống, lo cho các con đang tuổi ăn tuổi học. Sau những ngày vác lúa mướn nặng nhọc nhưng tiền công chẳng được bao nhiêu, tối về ông trăn trở: “Chẳng lẽ mình đi làm thuê cả đời, hết sức khỏe, không còn làm được nữa thì lấy tiền đâu sinh sống? Nhà có đất thì tại sao không quyết tâm làm giàu từ mảnh đất của mình?”. Thế là ông Năm nghỉ vác lúa mướn, quyết tâm ở nhà để “làm giàu” từ mảnh đất 3.000 m2 của mình. Rút kinh nghiệm từ những lần thất bại với cây màu, ông quyết định lên liếp để trồng dừa và chăn nuôi bò. “Tôi chọn nuôi bò vì vốn ít, nếu chịu khó đi cắt cỏ thì thu nhập sẽ cao. Hơn nữa, nuôi bò không gây ô nhiễm môi trường, làm phiền bà con xung quanh” - ông Năm chia sẻ.
Trở lại làm nông, ông Năm miệt mài tìm tòi các tiến bộ khoa học - kỹ thuật để áp dụng vào chăn nuôi, chăm sóc vườn dừa. Nhờ thế, đàn bò và vườn dừa của ông luôn cho năng suất cao. Mỗi năm, đàn bò nhà ông cho ra đời 3 chú bê con (bán được trên dưới 40 triệu đồng), còn vườn dừa thu hoạch trung bình mỗi tháng từ 960 - 1.200 trái. Sau một thời gian dành dụm, ông mua thêm 3.000 m2 đất sản xuất. Thấy giá dừa ở Châu Thành thấp hơn so với tỉnh Long An, ông Năm mua xe tải 3,5 tấn để chở dừa nhà; đồng thời thu mua dừa của bà con trong xóm chở sang Long An bán kiếm lời.
Từ nguồn thu nhập nuôi bò, trồng dừa, mua bán dừa, cuộc sống gia đình ông Năm ngày càng ổn định, vươn lên khá giả. Khi kinh tế gia đình đã ổn định, nguồn vốn tích lũy được, ông Năm đã mua thêm đất để mở rộng sản xuất. Từ 3.000 m2 ban đầu, nhờ chăm chỉ làm ăn, hiện nay, ông Năm đã có 3,8 ha đất sản xuất, trong đó có 3,2 ha đất sản xuất lúa ở Long An cho người em họ thuê, mỗi năm thu về khoảng 50 triệu đồng, nâng tổng lợi nhuận ông Năm thu về hằng năm trên 200 triệu đồng. Từ kết quả phấn đấu trên, 2 năm liền 2015 và 2016, ông Năm được tặng danh hiệu nông dân SX-KD giỏi cấp huyện. Không chỉ SX-KD giỏi, ông Năm còn luôn gương mẫu đi đầu trong các hoạt động, phong trào tại địa phương.
bình đức, châu thành, hỏi thăm, nông dân, sản xuất, kinh doanh, tấm tắc, ngợi khen, mẫu mực
Ý kiến bạn đọc