Có nhiều em ở ấp 2 phải chạy xe đạp băng qua Quốc lộ 1A, qua cầu An Hữu, rồi băng qua lộ trở lại lần nữa mới đến được trường, còn không qua lộ thì phải đi ngược chiều. Chính vì thế, bảo đảm an toàn cho các em là một thách thức không nhỏ đối với nhà trường.
Tuyên truyền về ATGT cho học sinh. Ảnh: P.L |
Để xây dựng ý thức và thói quen tốt khi tham gia giao thông cho HS của trường, theo cô Lê Thị Huỳnh Hoa (trường Tiểu học B An Hữu) thì nhà trường đã và sẽ tiếp tục làm những việc như: Treo khẩu hiệu về an toàn giao thông (ATGT) trước cổng trường; phát động phong trào thi đua “không vi phạm giao thông” trong giáo viên (GV) và HS...
Trường còn lồng ghép giáo dục ATGT thông qua môn học trong nhà trường; đồng thời đẩy mạnh các phong trào hoạt động ngoài trời, tổ chức cho các em sinh hoạt vui chơi, cho các em tham quan, thi đua, xem và sưu tầm các hình ảnh về luật giao thông, biểu dương, khen thưởng dưới cờ…
Trường Tiểu học An Thái Trung (Cái Bè) cũng là một trong những trường có số HS tham gia giao thông đông. Đường đến trường cũng còn nhiều khó khăn, nguy hiểm nên phải có những biện pháp giáo dục nhằm đảm bảo ATGT cho các em. Do HS của trường độ tuổi còn nhỏ nên việc giáo dục ATGT cho các em khá khó khăn.
Trước tình hình này, Thầy Nguyễn Văn Nghị (trường Tiểu học An Thái Trung) đã đề xuất nhiều phương pháp hay nhằm xây dựng ý thức, thói quen chấp hành tốt luật giao thông của HS. Trong đó, có các phương pháp khiến các bài học về ATGT của các em không còn khô khan như trước. Cụ thể, khi dạy, GV sẽ cho HS các nhóm cùng trao đổi, nhận xét, phát hiện, bày tỏ ý kiến của mình về ATGT, cách tham gia giao thông thế nào là đúng và an toàn, phù hợp với mình.
Sau đó GV mới chốt lại những ý đúng, từ đó các em nhớ rất lâu những điều đã học. Hay khi dạy phần “Những quy định để đảm bảo an toàn khi đi ngoài đường”, GV cho HS kể lại những hành vi ngoài đường mà em cho là không an toàn. GV có nhiệm vụ liệt kê trên bảng và nhắc lại những điều cấm để học sinh khắc sâu và thực hiện cho đúng, nhất là những em nào còn vi phạm thì sửa ngay.
Ngoài ra, GV còn cho các em thực hành ngay trên sân trường trong các buổi sinh hoạt tập thể. Đường đi là từ sân trường ra tới cổng, GV hướng dẫn các em cần phải đi cho đúng theo lề phải, khi sang đường, khi rẽ phải, rẽ trái phải giơ tay xin đường, sau đó cho HS nhận xét. Sau khi các em nhận xét xong, GV sẽ đánh giá và chốt lại đúng, sai.
Từ đó, các em được nhắc lại những quy định đối với những người tham gia giao thông. Hay GV cũng có thể lồng ghép trong những buổi sinh hoạt tập thể của các em như: Tổ chức trò chơi đi xe đạp an toàn, đi bộ an toàn... cho các em.
Trong trò chơi này, GV sẽ giải thích các vạch kẽ đường, chỉ về những cách đi xe đạp, đi bộ khác nhau trong những tình huống khác nhau trên mô hình như: Khi vượt xe đỗ bên đường, khi đi từ trong ngõ, cổng trường ra. Khi đi đến ngã tư và cần đi thẳng hoặc rẽ trái, rẽ phải thì đi theo đường nào trên sơ đồ là đúng…
Để nâng cao hiệu quả giáo dục ATGT trong trường tiểu học, cần quan tâm tích hợp kiến thức về ATGT trong tất cả các môn học, ví dụ như môn Toán. Cô Nguyễn Thị Thanh Thủy, Trường Đại học Tiền Giang chia sẻ: Môn Toán ở bậc tiểu học là một trong những môn học chính và có thời lượng lớn (5 tiết/tuần) được GV, HS và ngay cả một số cha mẹ HS rất quan tâm. Với đặc điểm bộ môn là rèn luyện tư duy, nếu khéo léo lồng ghép kiến thức ATGT vào các giờ dạy sẽ có hiệu quả cao.
Nội dung của giáo dục ATGT qua môn Toán cũng có thể giúp HS nắm vững luật giao thông, nắm được nội dung của mỗi biển báo nói gì; đường nào dành cho người đi bộ; khi nào thì các phương tiện giao thông dừng lại, khi nào được phép đi; làn đường nào dành cho người đi bộ qua đường… Nhưng GV cũng cần phải lưu ý, giờ dạy môn Toán không phải là giờ dạy về ATGT nên việc lồng ghép giáo dục ATGT cần được đưa vào bài giảng cụ thể với mức độ vừa phải, hợp lý, không gượng ép.
Ví dụ như: Khi dạy phần kiến thức “hình chữ nhật nằm hoàn toàn trong hình tròn”, khi sử dụng hình trong sách giáo khoa, thay vì tô màu vào các hình một cách tùy tiện, ta có thể tô màu đỏ cho hình tròn, màu trắng cho hình chữ nhật để giới thiệu một biển báo cấm; hay ta có thể sử dụng các biển báo giao thông trong phần liên hệ thực tế khi dạy “nhận dạng hình vuông, hình tròn, hình tam giác” cho các em. Hoặc khi giải bài toán: “Có 57 người qua sông, mỗi thuyền chở tối đa 7 người. Cần ít nhất bao nhiêu thuyền?”.
Với bài toán này ta có thể giáo dục các em không nên chở quá tải dù chỉ dư 1 người ta cũng phải cần thêm 1 thuyền. Ta cũng có thể thông qua các bài toán về chuyển động đều giáo dục các em tính chủ động về tốc độ, chủ động thời gian khởi hành, tránh trường hợp vì sợ trễ giờ, chạy nhanh vi phạm quy định về tốc độ và gây nguy hiểm…
Ý kiến bạn đọc