Thực trạng phê bình văn học, nghệ thuật hiện nay

Đăng lúc: Thứ năm - 02/01/2014 08:51
Trong khoảng hơn 10 năm gần đây, kể từ đầu thế kỷ XXI đến nay, phê bình văn học nghệ thuật diễn ra chưa đồng đều trên các loại hình: văn học, mỹ thuật, sân khấu, âm nhạc, điện ảnh, nhiếp ảnh, kiến trúc, múa và ở 2 khu vực: văn nghệ dân gian, văn nghệ các dân tộc thiểu số.

Phê bình văn nghệ được quan tâm chỉ đạo từ lãnh đạo Đảng và Nhà nước và sự phát huy vai trò của tổ chức Hội VHNT ở Trung ương, các tỉnh, thành phố. Phê bình VHNT diễn ra trên các khu vực:

- Trong nước / - ngoài nước;

- Trung ương / - địa phương;

- Hàn lâm (viện nghiên cứu, trường đại học) / - xuất bản, báo chí, truyền thông.

 

Các khuynh hướng phê bình chủ yếu

Phê bình truyền thống dựa vào các nguyên lý của mỹ học mác xít, đường lối văn học nghệ thuật của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự chỉ đạo của các Nghị quyết, chủ trương của Đảng và Nhà nước, với các đặc điểm:

Bám sát thực tiễn sáng tác, biểu dương những tác phẩm gắn bó với đời sống hiện thực, phản ảnh trung thực hiện thực, góp phần thực hiện nhiệm vụ cách mạng trong từng giai đoạn.

Khẳng định những tác giả đem tài năng và tâm huyết vào sáng tạo tác phẩm phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao đời sống tinh thần lành mạnh, tốt đẹp của xã hội, làm phong phú năng lực thẩm mỹ của công chúng.

Phê phán những tác phẩm xa rời hiện thực đời sống, lệch lạc về tư tưởng chính trị và tư tưởng nghệ thuật, thiên về gọt rũa hình thức, kỹ xảo thuần túy chỉ để nhằm bộc lộ “cái tôi” riêng tư của tác giả.

Tiêu chí đánh giá tác phẩm: phản ánh chân thật hiện thực; đáp ứng thị hiếu của đông đảo công chúng; bổ ích trong hiệu quả xã hội.

Phê bình dựa vào các lý thuyết phê bình mới tiếp nhận từ nước ngoài, áp dụng vào phân tích tác phẩm cũ và mới, mở ra cho người đọc những hướng tiếp cận mới đối với tác phẩm và tác giả: thi pháp học, chủ nghĩa cấu trúc và ký hiệu học, phân tâm học, chủ nghĩa hiện đại, mỹ học tiếp nhận, chủ nghĩa hậu hiện đại, phong cách học, ngữ học, tự sự học…

Trong số này, đa phần là những thử nghiệm, tìm tòi về phương pháp và kỹ thuật phê bình, không phải vận dụng vào phê bình tác phẩm nào cũng phù hợp, đắc địa. Một số kết quả khả quan bước đầu về phê bình văn nghệ được chú ý là do nhà phê bình biết chọn đối tượng tác phẩm, tác giả phê bình phù hợp với hệ hình tư duy và thủ pháp của thi pháp học, tự sự học, phong cách học, phân tâm học.

Ở đây vai trò của các cơ sở đào tạo (Viện nghiên cứu, Trường Đại học) giữ vị trí quan trọng trong việc triển khai 2 khuynh hướng phê bình: truyền thống và dựa vào lý thuyết mới từ nước ngoài nói trên.

Phê bình quy chụp, cực đoan thái quá; phê bình nói ngược, có hại cho ổn định xã hội.

Vẫn tồn tại lối phê bình đao to búa lớn, quy chụp động cơ thái độ chính trị nặng nề đối với tác giả, độc tôn một kiểu sáng tác, một kiểu tư duy nghệ thuật làm chuẩn mực cao nhất.

Phê bình nói ngược, lợi dụng dân chủ, nhân danh khuyến khích sự tìm tòi cái mới, cổ động cho lối sáng tác tuyên truyền tư tưởng lệch lạc, có hại cho sự ổn định xã hội, sự cố kết nhân tầm trong bối cảnh quốc tế phức tạp hiện nay (phê bình kích động “những tiếng nói ngầm” trong xã hội; khen ngợi thơ của nhóm Mở miệng phát hành chui…)

Trong 3 khuynh hướng nói trên cần cảnh giác, lưu tâm đến khuynh hướng thứ ba, vì chúng đi ngược với xu thế dân chủ, văn hóa phê bình của xã hội, hoặc bào mòn dẫn tới mất ổn định, đoàn kết trong xã hội tạo điều kiện cho các thế hệ thù địch lợi dụng, kích động.

 

Thực trạng phê bình trong các ngành văn học- nghệ thuật

Sự phân bố lực lượng phê bình- vấn đề cốt tử về tính chuyên nghiệp trong phê bình

Lực lượng phê bình các chuyên ngành nghệ thuật khác nhau phân bố không đồng đều về số lượng và chất lượng

Trong các ngành nghệ thuật, ngành văn học sở hữu một lực lượng phê bình và tác phẩm phê bình luôn luôn nhiều hơn các chuyên ngành khác, có chất lượng cao hơn, vì đây là ngành phê bình có truyền thống từ lâu đời.

Kế đến có thể nói tới các chuyên ngành khác, có lịch sử phát triển đáng kể, gần gũi với văn học là sân khấu, mỹ thuật và âm nhạc.

Các ngành khác: điện ảnh, nhiếp ảnh, múa, kiến trúc là những ngành nghệ thuật mới mẻ, ngôn ngữ nghệ thuật có những đặc thù riêng, không phải ai ai cũng thấu hiểu ngay được, nên lực lượng phê bình, tác phẩm phê bình càng ít hơn.

Trên lĩnh vực đào tạo cũng vậy. Các trường đại học về khoa học xã hội thường có khoa Ngữ văn hay khoa Văn học liên quan đến hoạt động phê bình văn học. Còn các trường cao đẳng hoặc đại học về các ngành nghệ thuật khác, ít có khoa Lý luận - phê bình của chuyên ngành, nếu có thì cũng ít người mặn mà theo học, hoặc học xong ra trường không làm nghề theo chuyên môn đào tạo.

Trong khu vực báo chí, xuất bản liên quan đến văn học nghệ thuật cũng vậy: số bài vở tác phẩm về phê bình văn học bao giờ cũng chiếm số lượng nhiều hơn so với các ngành nghệ thuật khác.

Ở các tỉnh, thành phố địa phương, lực lượng phê bình văn học tuy ít nhưng vẫn là có, trong khi người quan tâm và có khả năng viết phê bình các ngành nghệ thuật khác thì hầu như vắng bóng.

 

Tính chuyên nghiệp của những người viết phê bình văn học nghệ thuật không đồng đều

Do công tác đào tạo thực thi khác nhau và đặc thù về lao động nghệ thuật, ngôn ngữ nghệ thuật của các ngành khác nhau, nên số người cầm bút viết phê bình văn học, nghệ thuật chuyên nghiệp gắn bó lâu dài với nghề là rất ít, phần nhiều là tay ngang, kiêm nhiệm hoặc tùy hứng, không ổn định.

Thế nào là người chuyên nghiệp phê bình? Theo tôi hiểu, chuyên nghiệp phê bình là người được đào tạo bài bản, chính quy trong các trường đại học về khoa học xã hội, về nghệ thuật hoặc có năng khiếu và kiên trì tự học, rèn luyện và thể nghiệm. Họ thường đảm nhiệm việc giảng dạy, nghiên cứu, biên tập tại các trường Đại học, Viện nghiên cứu, cơ quan báo chí hoặc xuất bản về văn học, nghệ thuật. Họ có điều kiện thường xuyên tiếp xúc với tác phẩm văn học, nghệ thuật, có mối quan hệ gắn bó với các văn nghệ sĩ trong ngành - phê bình là nghề và nghiệp của những người này, chúng đeo đuổi, gắn bó với họ có khi suốt đời.

Không phải ai cứ có học, có đọc và có viết là trở thành người phê bình chuyên nghiệp. Nghề phê bình rất kén chọn người, phải có những điều kiện cần và đủ mới có thể đảm đương công việc phê bình. Đó là: năng khiếu, tài năng bẩm sinh và do rèn luyện, dùi mài; kiến thức uyên bác, đa năng; kỹ năng và sự thành thục trong thể hiện độc đáo sự bình giá về tác phẩm, về văn nghệ sĩ trên văn bản chữ dồi dào chất văn, thu hút người đọc. Người tài trong phê bình văn học nghệ thuật luôn luôn là của hiếm, như lá mùa thu vậy!

 

Những điểm cần lưu ý trong thực trạng phê bình của từng ngành nghệ thuật

Văn học

Phê bình văn học có truyền thống từ lâu đời, tuy nhiên tính chuyên nghiệp còn hạn chế. Thiếu việc đề xuất những tiêu chí phê bình tác giả, tác phẩm có căn cứ khoa học, có sức thuyết phục, tránh sự tùy tiện chủ quan.

Trong phê bình văn học, phê bình thơ hiện nay còn lộn xộn, có trường hợp đề cao, xưng tụng quá đà, phản cảm.

Phê bình văn xuôi thiên về kể lể nội dung tác phẩm, gò gẫm ý nghĩa xã hội của chủ đề một cách quyết đoán.

Chưa chú trọng chỉ ra cái độc đáo, cái hay của tác phẩm cả về nội dung (tư tưởng, hiện thực) và thể hiện nghệ thuật, góp vào nhận diện phong cách và cá tính sáng tạo vô song của một tác giả.

Mỹ thuật

Chưa đi sâu chỉ ra cái nhìn nghệ thuật của họa sĩ, tài năng sử dụng chất liệu và cái “gu” thẩm mỹ của từng người.

Đối với nghệ thuật sắp đặt và các khuynh hướng mỹ thuật hiện đại khác cần tạo không gian cho sự thể nghiệm, song tránh vồ vập hoặc quy chụp nặng nề.

Sân khấu

Dừng lại lối phê bình thuật lại nội dung tác phẩm, ý đồ của tác giả kịch bản, đạo diễn.

Chưa làm rõ các tìm tòi khi dựng vở trên sân khấu trình diễn, và lao động nghệ thuật sáng tạo của diễn viên.

Sân khấu đã áp sát vào các vấn đề của đời sống như thế nào trong sáng tác kịch bản, dàn dựng?

Dàn dựng kịch hình thể, sân khấu nhỏ, học tập tinh hoa của nghệ thuật sân khấu thế giới như thế nào?

Điện ảnh

Điện ảnh Việt Nam còn dẫm chân tại chỗ, chưa có ảnh hưởng đáng kể vào nền điện ảnh thế giới.

Điện ảnh là nghệ thuật tổng hợp, đòi hỏi tài năng và tay nghề trình độ cao, bậc thầy, kỹ nghệ làm phim tiên tiến.

Hiện nay đội ngũ phê bình điện ảnh còn yếu, bởi tầm kiến văn của các nhà phê bình điện ảnh còn mỏng, bị nhiều giới hạn.

Nhiếp ảnh

Hiện chưa làm rõ ranh giới giữa Ảnh nghệ thuật Ảnh tân văn, thời sự.

Theo chúng tôi chỉ có ảnh nghệ thuật mới thuộc phạm vi của phê bình nhiếp ảnh. Còn ảnh tân văn, báo chí là thuộc lĩnh vực của báo chí, truyền thông. Trong phê bình nhiếp ảnh không cần phải bình luận dài dòng. Chọn được ảnh đẹp đưa ra để bình đã là làm xong 1/2 công việc phê bình rồi! Phần còn lại là đôi lời của nhà phê bình về dụng công nghệ thuật của NSNA trong bố cục, thời khắc bấm máy, màu sắc, đường nét, khuôn hình và ánh sáng… làm nên sự hấp dẫn và cái đẹp của tấm ảnh là đủ.

Âm nhạc

Phê bình âm nhạc cực khó.

Nhà phê bình âm nhạc giỏi là phải biết diễn giải cảm xúc của mình khi nghe một tác phẩm âm nhạc; tác phẩm đánh thức người thưởng ngoạn những điều gì trong thế giới tâm hồn con người ta? Âm nhạc “thanh lọc” tình cảm để con người hướng thiện, hướng về cái Đẹp như thế nào? Phê bình âm nhạc là phải nói sâu về cái gợi ra của tác phẩm âm nhạc hay; là sự “tri âm” của những tâm hồn đồng điệu, đồng cảm đến với nhau.

Múa

Phê bình múa không dễ. Ta đã có những giá trị của múa truyền thống dân tộc. Về múa ba-lê, ta còn ở trình độ thấp. Nghệ thuật biên đạo múa rất quan trọng, gần đây có sự trùng lặp, khuôn thức trong xây dựng các hình tượng múa. Khi phê bình, sự tinh tế, tài năng của diễn viên múa cần phải phân tích trong khi khẳng định giá trị của loại hình nghệ thuật biểu diễn bằng hình thể, động tác của con người này. Bài phê bình nên kèm theo những ảnh minh họa về vở diễn với diễn xuất tài hoa của diễn viên thì mới có sức thuyết phục!

Kiến trúc

Kiến trúc là sự tổng hợp của nghệ thuật xây dựng và nghệ thuật tạo hình. Phê bình phải làm rõ mục đích của công trình kiến trúc (công năng của nó và lựa chọn vật liệu xây dựng phù hợp) gây hiệu quả sử dụng và hiệu quả thẩm mỹ như thế nào?

Đẹp, tiện dụng, bền vững là giá trị tổng hợp của công trình kiến trúc kiệt tác, kết hợp được tính dân tộc và tính hiện đại trong hình khối không gian kiến trúc, trong tính biểu trưng của hình tượng tác phẩm thể hiện.

Bài phê bình cũng cần hỗ trợ bằng các ảnh chụp công trình kiến trúc từ nhiều góc độ khác nhau để người đọc hình dung ra sự hoàn mỹ của công trình. Các ghi chú về thiết kế kích thước, độ lớn của công trình kiến trúc và chất liệu xây dựng cũng rất quan trọng.

Văn nghệ dân gian và Văn nghệ các dân tộc thiểu số

Là 2 khu vực đặc thù, trong đó có sự tổng hợp các ngành văn học nghệ thuật căn cứ vào sự loại biệt của đội ngũ tác giả:

- Tập thể dân chúng, từ lâu đời truyền lại (văn nghệ dân gian);

- Các tác giả là người dân tộc thiểu số.

Khi phê bình tác phẩm, tác giả ở 2 khu vực này cần đi sâu vào giá trị, đặc sắc dân tộc về tư duy nghệ thuật và hình thức biểu hiện nghệ thuật trong các loại hình nghệ thuật của chúng, tức là cần có sự so sánh với các khu vực tác giả khác của nền văn học nghệ thuật Việt Nam.

**

*

Tóm lại phê bình văn học nghệ thuật cần có kiến văn phong phú, uyên bác của một đội ngũ nhà phê bình chuyên nghiệp. Họ cần được đào tạo chu đáo hoặc tự đào tạo công phu, có tài năng và phẩm chất nghệ sĩ của chuyên ngành mà mình phê bình. Đồng thời họ cũng cần có một năng lực diễn đạt bằng ngôn ngữ viết, nói về các vấn đề thuộc chuyên ngành nghệ thuật mà mình phê bình để bài có sức hấp dẫn, có tính văn học, có khả năng lôi cuốn người đọc. Nói cách khác, họ cần phải là nhà văn cầm bút viết phê bình về văn học, nghệ thuật.

Từ trước đến nay, số nhà phê bình các chuyên ngành nghệ thuật viết phê bình hay như: Hải Triều, Hoài Thanh, Lê Đình Kỵ, Hoàng Ngọc Hiến, Hoàng Tuệ, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Đỗ Cung, Nguyễn Xuân Khoát, Trần Duy, Nguyễn Phi Hoanh, Chu Quang Trứ, Trần Văn Khê, Ngô Phương Lan, Nguyễn Thị Minh Châu, Từ Chi, Trần Quốc Vượng, Thái Bá Vân, Nguyễn Quân, Phan Cẩm Thượng, Lê Thiết Cương… còn rất hiếm. Đa phần viết mà chất văn trong câu chữ yếu, cảm xúc nghèo nàn, không đủ chữ để diễn đạt cảm nhận từ gan ruột của mình, thiên về liệt kê tên tác phẩm, tác giả và nội dung chủ đề của tác phẩm. Bài viết như vậy chỉ có giá trị tư liệu là chính, không đạt yêu cầu của bài phê bình nghệ thuật đích thực.

Vì vậy nhiều người phê bình VHNT cần nỗ lực hơn nữa, thể hiện tính chuyên nghiệp của tài năng và tâm huyết với nghệ thuật, là văn nghệ sĩ đồng nghiệp, cầm bút viết phê bình về tác gia, tác phẩm trong nền văn học nghệ thuật Việt Nam, thúc đẩy sự sáng tạo nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện
(Theo Văn học quê nhà)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 169
  • Hôm nay: 26280
  • Tháng hiện tại: 2258830
  • Tổng lượt truy cập: 46226063