Văn học nhà trường 2013: "điểm cộng" và "điểm trừ"

Đăng lúc: Thứ ba - 24/12/2013 21:25
Văn học nhà trường lâu nay vẫn nhận được sự quan tâm của xã hội: từ giáo viên, nhà quản lý giáo dục đến người học, phụ huynh học sinh, và cả giới truyền thông đều bày tỏ những quan ngại về thực trạng dạy và học ngữ văn hiện nay; ai cũng mong muốn tình hình ngữ văn sớm được cải thiện tốt hơn. Nhưng năm 2013, “văn học nhà trường” (các chủ thể, cơ quan chức năng liên quan) đã làm được những gì, để đáp ứng sự mong mỏi bấy lâu của xã hội.

Điểm cộng

Điểm cộng 1: Khơi gợi cảm xúc nhân văn

Điểm cộng quan trọng nhất trong năm dành cho văn học nhà trườnglà đã ra đề thi tốt nghiệp THPT giàu tính thời sự, và cảm xúc nhân văn, gián tiếp khơi trúng một vấn đề được cả xã hội quan tâm - tâm lí và căn bệnh nhức nhối hiện thời của xã hội hiện đại (tình trạng vô cảm, thờ ơ, sống gấp gáp, vụ lợi ích kỉ, hèn nhát, lệch lạc…). Nguyên văn câu 2 của đề thi như sau:

Câu 2.(3.0 điểm)

Viết một bài văn ngắn (khoảng 400 từ) bày tỏ suy nghĩ của anh/chị về hành động dũng cảm cứu người của học sinh Nguyễn Văn Nam từ thông tin sau:

Chiều ngày 30-4-2013, bên bờ sông Lam, đoạn chảy qua xã Trung Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An, Nguyễn Văn Nam (học sinh lớp 12 T7, Trường Trung học phổ thông Đô Lương I) nghe tiếng kêu cứu có người đuối nước dưới sông, em liền chạy đến. Thấy một nhóm học sinh đang chới với dưới nước, Nam đã nhảy xuống, lần lượt cứu được ba học sinh lớp 9 và một học sinh lớp 6. Khi đẩy được em thứ năm vào bờ thì Nam đã kiệt sức và bị dòng nước cuốn trôi.

(Theo Khánh Hoan, Thanhnienonline, ngày 6 - 5 - 2013)

Chú trọng nghị luận xã hội, ra đề thi mở… thực ra không phải là khâu đột phá trong thi cử ở ta. Nhưng nó cho thấy văn học cần phải gắn bó chặt chẽ hơn với những vấn đề của đời sống, với thực tiễn trước mắt, và học sinh cần có ý thức rèn luyện nhiều hơn kĩ năng tạo lập loại văn bản nghị luận xã hội từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Sẽ là phiến diện khi giáo viên Ngữ văn làm cho học sinh nhận thức rằng, văn chương là một thực thể khép kín, nó chỉ gắn với cái gì đó bay bổng, lãng mạn, du dương, đèm đẹp, xa rời cuộc sống hàng ngày. Văn học cần được trả về cuộc sống rộng lớn; người dạy, người học ngữ văn cần có câu trả lời rốt ráo cho những vấn đề đang đặt ra trong cuộc sống hiện nay, đang được cuộc sống đòi hỏi.

Trong khi nhiều người sống vị kỉ, thờ ơ, vô cảm với người xung quanh, việc ra đề (nhóm làm đề) và chọn đề thi (cơ quan chủ quản) như thế đã đánh thức được những suy nghĩ, cảm xúc tốt đẹp ở học sinh, cho thấy tính định hướng giáo dục rất rõ ràng. Nếu nhìn vào độ tuổi, cấp học của em Nguyễn Văn Nam, sẽ thấy, em là học sinh lớp 12, do vậy ở góc độ hẹp hơn, chúng ta thấy, sẽ có nhiều bài thi của học sinh cùng trường, bạn bè em Nam viết về em Nam với cảm xúc chân thực; nghĩa là đề thi hướng đến việc giáo dục trực tiếp, hiệu quả tình yêu thương con người, định hướng lý tưởng sống cao đẹp cho thanh niên trước ngưỡng cửa vào đời hoặc học lên bậc cao hơn. Đề thi như thế cần được nhân rộng, biểu dương, ủng hộ.


Nhà thơ Trần Đăng Khoa gặp gỡ, giao lưu cùng học sinh trường THCS Vân Hòa (ảnh tintuc.thieunien.vn)

 

Điểm trừ

Điểm trừ 1: Bỏ thi môn văn

Ngay từ đầu năm 2013 dư luận đã bị shock trước việc Bộ Giáo dục và hiệu trưởng nhiều trường thuộc khối văn hóa nghệ thuật đồng tình với việc bỏ thi môn Văn ở khâu đầu vào. Theo đó, các trường đại học, cao đẳng này sẽ được tuyển sinh riêng và đối với họ, môn văn không cần thiết, thậm chí nếu ứng viên phải thi môn văn thì có thể sẽ ảnh hưởng đến kết quả các môn năng khiếu khác. Để tăng sức thuyết phục người ta đưa ra chứng cớ là, năm 2003 có một nghệ sĩ thi trượt đại học vì điểm văn thấp, nhưng sau đó nghệ sĩ ấy vẫn được phong nghệ sĩ nhân dân, chính vì vậy, nên nhìn nhận lại vị trí của môn này ở khối các trường văn hóa nghệ thuật, môn này chỉ nên là môn điều kiện, “thi cũng được, không thi cũng không sao, và chỉ mang tính chất tham khảo”. Hiệu trưởng trường Đại học Sân khấu Điện ảnh cho rằng: “Bỏ môn Văn, chỉ thi năng khiếu, để tạo tối đa cơ hội cho những em có tài, có khả năng được thử sức".

Bỏ thi môn văn là một quyết định có phần vội vã, nó cho thấy tư duy liên ngành cùng với vị trí của môn văn trong nhà trường bậc đại học không thực sự được chú trọng, nếu có chỉ là hình thức. Lý giải chung về việc nên bỏ môn văn, các trường cho rằng nó ảnh hưởng đến kết quả thi đầu vào. Các trường thuộc khối văn hóa nghệ thuật có lý của họ. Nhưng, nhìn ở khía cạnh khác, ta thấy đây là một lựa chọn “rất thực tế, rất thực dụng”, nó có lợi cho các trường trong bối cảnh số lượng và chất lượng thí sinh lựa chọn thi vào các trường thuộc khối khoa học xã hội nói chung và mảng (năng khiếu) văn hóa nghệ thuật nói riêng không còn được như trước: việc tuyển sinh không còn dễ dàng, và điểm đầu vào không còn thuộc loại nhóm cao như trước, tình hình tuyển sinh có chiều hướng ngày càng xấu đi, cả lượng và chất đều giảm mạnh; có khoa chỉ có vài ba em dự tuyển; nhiều em tốt nghiệp ra trường không xin được việc làm. Như vậy, bằng cách bỏ môn văn, nhà trường đã tự cho mình thêm một cơ hội khác và tất nhiên cả người học “có năng khiếu” cũng thấy nhẹ nhõm hơn, tâm lí chung của người học hiện nay là không thích học nhiều, thi nhiều, càng bớt, càng bỏ được bao nhiêu khối lượng kiến thức phải học, phải thi thì càng tốt bấy nhiêu. Có ý kiến cho rằng, khối văn hóa nghệ thuật chỉ tập trung thi môn năng khiếu, môn văn sẽ xét tuyển theo học bạ hoặc kì thi tốt nghiệp THPT; cho dù như vậy, ngữ văn vẫn là môn bị coi nhẹ, đứng ở hàng thứ yếu, chưa kể nếu tiến hành tuyển sinh như vậy thì vấn đề đặt ra trước tiên là phải làm tốt khâu dạy học, khâu làm thi ở cấp trung học phổ thông, rồi mới căn cứ vào đó để xét tuyển bậc cao hơn (nếu không sẽ có những biến tướng tiêu cực khác).

Nhà thơ Trần Đăng Khoa nêu băn khoăn: “Văn là gốc của mọi loại hình văn hóa, nghệ thuật. Một người không có văn liệu có thẩm thấu được vẻ đẹp của một vở kịch, một điệu múa, hay một một câu hát, cuốn phim? Khi không hiểu được vẻ đẹp của nghệ thuật thì làm sao có thể làm được nghệ thuật, một loại hình đòi hỏi sự sáng tạo rất caoKhông phải nhà văn hóa nào cũng thành được nhà văn. Nhưng đã là nhà văn, thì đồng thời bao giờ cũng phải là một nhà văn hóa. Mà không phải chỉ nhà văn, bất cứ nghệ sĩ nào, bất cứ trí thức nào cũng phải là một nhà văn hóa, nếu muốn thành một nghệ sĩ hay trí thức đích thực. Nếu là nhà văn hóa, các hoa hậu, ca sĩ, nghệ sĩ sẽ không có những phát ngôn bừa bãi, những cách ăn mặc, ứng xử lố lăng trước đông đảo công chúng. Tự họ sẽ biết xấu hổ. Tuyển chọn, đào tạo ca sĩ, nghệ sĩ, và những người làm công tác văn hóa mà loại bỏ văn thì đào tạo cái gì? Chả lẽ chỉ cần mỗi chất giọng mà đã đủ thôi ư? Trở thành một nghệ sĩ sao chỉ đơn giản đến thế? Không thể biện hộ rằng, vì phải thi môn văn mà các em sẽ lỡ tham gia thi các trường khác, rằng: Chúng ta sẽ bỏ sót rất nhiều tài năng! Trời đất! Không có văn mà lại có thể thành được tài năng ư?.

Chúng tôi cho rằng, việc các trường thuộc khối văn hóa nghệ thuật bỏ quyết định bỏ thi môn văn phản ánh một sự thay đổi trong quan niệm về hệ giá trị, ý nghĩa của văn hóa nghệ thuật trong bối cảnh mới. Trên thực tế, môn ngữ văn có vai trò quan trọng trong việc bồi dưỡng tâm hồn, hình thành nhân cách; học văn người học sẽ được rèn luyện kĩ năng giao tiếp, cách hành văn, cách cảm thụ vẻ đẹp chân thiện mĩ, cách ứng xử trước những vấn đề xã hội; ngữ văn góp phần tạo cho sinh viên phông văn hóa cần thiết, để trở thành một nghệ sĩ có bản lĩnh trong tương lai. Nguy cơ suy giảm, khủng khoảng các giá trị nhân văn, các giá trị văn hóa, tinh thần do coi nhẹ môn ngữ văn học trong chính lĩnh vực sáng tạo văn hóa nghệ thuật đang bày ra trước mắt, chứ không phải lo lắng đâu xa. Chỉ chú trọng năng khiếu thôi, chưa đủ; những hạn chế trong cách ứng xử, biểu diễn, cảm thụ của nghệ sĩ hiện thời,thực tế sáng tác ca từ, việc hành văn, kĩ năng viết tiểu luận, tạo lập văn bản gần đây của sinh viên,đã được báo chí phản ánh quá nhiều. Bỏ thi môn vănlà câu chuyện được cả xã hội quan tâm, bởi nó sẽ để lại những hệ lụy không mong muốn, trong thời gian rất gần.
 


(Ảnh Internet)

 

Điểm trừ 2: ra đề thi “nhạy cảm” và thiếu bản lĩnh giáo dục

Vẫn là chuyện ra đề thi. Trái ngược với nội dung và hiệu ứng tích cực từ đề thi tốt nghiệp THPT, đề thi chọn học sinh giỏi Ngữ văn lớp 12 của Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng bị lên án, chỉ trích gay gắt từ nhiều phía vì phản cảm, phản giáo dục, thiếu tính chuẩn mực. Sức ép của báo chí, dư luận thời đại truyền thông phát triển, mạnh mẽ đến mức, lãnh đạo Sở này buộc phải ra quyết định đình chỉ công tác ra đề của nhóm làm đề thi. Ở bất cứ đâu, việc tiếp tay, cổ súy cho lối sống cực đoan, chú trọng hưởng thụ, tôn thờ đồng tiền trên tất cả, coi nhẹ đạo đức, giá trị văn hóa tinh thần, dẫn đến sự lệch lạc về nhân cách, ứng xử, cũng bị lên án, bài trừ.

Nguyên văn đề thi như sau:

"Câu 1: Người mẫu Ngọc Trinh từng trả lời phỏng vấn rằng: "Yêu không có tiền thì cạp đất mà ăn à?" Mới đây cô gái trẻ Lê Thị Huyền Anh (biệt danh "Bà Tưng") khi trả lời một trang mạng xã hội, cũng thẳng thắn: "Tôi mơ ước có nhiều đại gia, nhiều người giàu quan tâm đến mình, cho tôi thật nhiều tiền." (Theo Vietnamnet)

Từ những hiện tượng trên, anh/chị hãy viết một bài văn (tối đa 800 từ) về chủ đề:"Tiến bộ xã hội và ước mơ đại gia của cô gái trẻ"."

Về mặt khách quan, phải nói rằng, đây là một đề mới, đề mở, và thuộc nhóm nghị luận xã hội, nội dung đặt ra vấn đề có ý nghĩa thời sự, được dư luận quan tâm thời gian gần đây. Một đề như thế có thể được nhìn nhận như là một thử thách và qua đó sẽ lựa chọn được những học sinh giàu bản lĩnh, có “sức đề kháng tốt", biết chọn lọc, biết cách ứng xử phù hợp với những vấn đề phức tạp và tế nhị trong cuộc sống hiện thời. Nếu đề thi tốt nghiệp nêu gương cao đẹp để học sinh thấm thía, ngợi ca và có những hành động, việc làm nhiều ý nghĩa khác trong cuộc sống; thì đề thi học sinh giỏi lại đi theo hướng khác - nêu hiện tượng lệch lạc, phiến diện để học sinh lý giải, phê phán và tự điều chỉnh quan niệm sống.

Một thành viên của ban ra đề thi trên cho rằng: học sinh có quyền “nêu chính kiến, quyền luận bàn về những vấn đề đã/đang xảy ra của xã hội”; “Là người lớn, nhà báo, nhà giáo có tâm huyết chúng ta luôn phải nghĩ và trăn trở trước hiện tượng, lối sống đó để làm sao định hướng, giáo dục nhân cách cho giới trẻ”, “Đề thi chọn học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 12 của thành phố Hải Phòng vẫn được xây dựng trên tinh thần chỉ đạo chung của Bộ GD-ĐT là bám sát thời sự, định hướng, giáo dục tình yêu quê hương đất nước con người cho học sinh. Là đề thi mở, đề thi khuyến khích những ý kiến quan điểm của từng học sinh. Nhưng đây là kỳ thi chọn học sinh giỏi, lựa ra những bạn ưu tú nhất nêu sẽ có những yêu cầu cao hơn bình thường”...

Nhưng đấy chỉ là “mục đích, lý thuyết trên giấy” của nhóm ra đề thi, Sở Giáo dục, còn trên thực tế, dư luận giáo viên, báo chí không đồng tình, không “cho qua”, vì nó có thể đã “vượt sức” các em học sinh trung học. Điểm trừ cho họ chính là thiếu bản lĩnh giáo dục.

Nguyễn Thị Đào
(Theo Văn học quê nhà)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 392
  • Khách viếng thăm: 385
  • Máy chủ tìm kiếm: 7
  • Hôm nay: 47862
  • Tháng hiện tại: 1796762
  • Tổng lượt truy cập: 48170889